Thứ Tư, 17 tháng 5, 2023

Đừng đố kị, cũng đừng hợm hĩnh, hãy làm chủ bản thân!

 


1. Mở bài

Một trong những điều khó khăn nhất không phải là thay đổi xã hội – mà là thay đổi bản thân. Nếu cứ mải mê chạy theo những mục đích và tham vọng của người khác mà làm nhòa đi mục đích, giá trị thực sự của bản thân thì bạn dang chạy theo một cuộc đua không có đích. Hãy dừng lại để mình được thấy chính mình – thấy những giá trị của bản thân, những ước mơ, tài năng mà bao lâu nay bạn đã bỏ quên.

2. Thân bài

* Giải thích

- Đố kị là cảm thấy khó chịu, ghen ghét một ai đó vì người ta hơn mình.

- Hợm hĩnh là lên mặt, kiêu căng vì cho rằng mình có cái hơn hẳn người khác (tiền của, địa vị…).

- Làm chủ bản thân là khả năng chi phối, điều khiển, quản lý chính bản thân mình.

- Câu nói khuyên ta không nên ghen ghét, khó chịu với những người hơn mình; cần biết tự chủ bằng bản lĩnh để tạo cho tâm hồn sự thanh thản, an nhiên.

=> Ta cần học cách khiêm nhường, trau dồi tri thức, tu dưỡng tâm hồn và thường xuyên tự nhìn nhận lại chính mình một cách nghiêm khắc. Khi đó, từng bước, ta sẽ làm chủ nhân của chính bản thân mình, của mình cuộc đời mình.

* Biểu hiện

-  Người có ý thức tự chủ bản thân luôn biết kiềm chế cảm xúc, bình tĩnh, tự tin trong mọi tình huống. Họ không bao giờ nao núng hay hoang mang trước những khó khăn. Lúc nào họ cũng giữ lấy chính kiến, không bị ngả nghiêng, lôi kéo trước những áp lực tiêu cực là biết tự ra quyết định cho bản thân.

- Học sinh: Tự tin trong học tập và các hoạt động tập thể. Luôn kiên định thực hiện và bảo vệ cái đúng, cái tốt. Không bị lôi kéo bởi đám đọng, không a dua theo bạn bè xấu làm điều không đúng (chia bè phái, mất đoàn kết, trốn học, bỏ học, tham gia vào các tệ nạn xã hội…).

* Phân tích

-  Mỗi người là một cá thể độc lập có những mục tiêu và giá trị sống khác nhau. So sánh bản thân với người khác để ganh ghét, đố kị hay tự mãn kiêu căng là hai thái độ sống dẫn tới những sai lầm, giết chết khả năng của bản thân, khiến con người đánh mất tương lai của chính mình.

+ Đố kị và hợm hĩnh đều làm cho chúng ta mất đi cơ hội để tiến bộ và hoàn thiện bản thân. Luôn so sánh mình với người khác và cố gắng bằng được hoặc vượt qua họ hay luôn tự mãn với những gì mình có và không cần phải nỗ lực để cải thiện đều khiến ta không biết nhận ra những điểm yếu của bản thân và không biết tìm kiếm những cơ hội để phát triển. Cần tỉnh táo, sáng suốt nhìn rộng ra xung quanh  để thấy đúng vị trí của bản thân mà không ngừng cố gắng hoàn thiện mình hơn nữa.

+ Đố kị và hợm hĩnh đều làm cho chúng ta mất đi sự bình an trong tâm hồn. Đố kị khiến ta luôn cảm thấy bất mãn, thiếu thốn và tự ti về bản thân. Hợm hĩnh làm ta sẽ luôn cảm thấy tự cao, kiêu ngạo và khinh bỉ người khác. Cả hai khiến ta không biết trân trọng những gì mình có và không biết tôn trọng những gì người khác có, ta sẽ không còn niềm vui trong cuộc sống và không còn sự gắn kết với xung quanh.

- Để tránh rơi vào những tâm lý xấu này, chúng ta cần phải làm chủ bản thân. Làm chủ bản thân để biết tự tin nhưng cũng biết nhận ra những điểm yếu của mình, khiêm tốn học hỏi người khác. Biết trân trọng những gì mình có và những gì người khác có và biết tìm kiếm những cơ hội để phát triển. Làm chủ bản thân là biết sống vui vẻ và biết sống gắn kết.

* Phê phán

- Thực tế có nhiêu người quá tự tôn bản thân, chìm đắm trong ảo tưởng, sống đầy lòng đố kị và tỏ ra hợm hĩnh, kiêu căng, tự mãn thái quá. Họ không những không nhận được thiện cảm và sự chia sẻ của người khác mà bản thân cũng dần bị cô lập trong thế giới của riêng mình. Những người như thế thật đáng chê trách.

* Bài học

Khiêm tốn, chân thành và vị tha mới là những điều đáng quý nhất nên có ở mỗi con người. Hãy làm chủ bản thân bạn, làm chủ cuộc sống của chính mình, tham vọng chứ đừng tham lam, ngưỡng mộ chứ đừng đố kị, thể hiện bản thân nhưng không kiêu căng, hợm hĩnh, như thế, bạn mới có thể tìm thấy được một cuộc sống hạnh phúc.

* Bài học bản thân:

- Tìm ra những điểm mạnh và điểm yếu của mình, và cố gắng phát huy những điểm mạnh, khắc phục những điểm yếu, dũng cảm thử thách bản thân với những việc mới mẻ và khó khăn.

- Luôn học hỏi và cải thiện bản thân như đọc sách, tham gia các hoạt động ngoại khóa, giao lưu …. Cần tập trung cho những kiến thức, kỹ năng cần thiết nhất, phù hợp nhất với bản thân mình.

- Biết lắng nghe và tiếp thu những ý kiến phản biện mang tính xây dựng.

- Biết chăm sóc sức khỏe và tinh thần của bản thân: ăn uống hợp lý, vận động thường xuyên, nghỉ ngơi đủ giấc, tránh xa những thói quen xấu như hút thuốc, uống rượu, cờ bạc…

- Biết tìm kiếm niềm vui và hạnh phúc trong cuộc sống, biết quý trọng những điều nhỏ nhặt mà ý nghĩa.

3. Kết bài

Nếu bạn không lập trình chính mình, cuộc sống sẽ lập trình bạn”. Chính vì thế, ngay lúc này đây, hãy lặng lại một hồi, nhìn vào tấm gương cuộc đời để thấy được chính mình, thấy được con người thật của bạn và thổi lên bừng lên những khát vọng và ước mơ cao cả.