Thứ Tư, 13 tháng 12, 2023

Tưởng tượng gặp gỡ và trò chuyện với người lính Ánh trăng

Trân trọng, khắc ghi, tri ân kỉ niệm. Luôn nhớ, yêu thương, không quên ngày đã qua. Tôi nhận thức sâu sắc điều đó nhờ văn bản “Ánh trăng” của Nguyễn Duy.  Bài thơ “Ánh trăng” là tâm sự của Nguyễn Duy, là suy ngẫm của nhà thơ trước sự đổi thay của hoàn cảnh sống, khi mà con người từ chiến tranh trở về cuộc sống hoà bình. Bài thơ nhắc nhở tôi về lòng biết ơn, sự thủy chung son sắt và tấm lòng biết trân trọng đối với những giá trị thiết thân, bình dị mà bền vững mà ta đã từng gắn bó, từng trải qua, nay đã thuộc về quá khứ. Tôi thật sự muốn một lần được tâm sự với người lính trong bài thơ để hiểu rõ hơn thông điệp đó. Và ước mơ đó đẫ thành sự thật trong một giấc mơ đầy ý nghĩa…

Trong giấc mơ, tôi đang có một chuyến đi thực tế ở vùng núi Trường Sơn để lấy tư liệu cho bài luận văn tốt nghiệp của mình. Phải! Là sinh viên đại học, khi con người đang ở cái ngưỡng của đam mê, của tìm tòi, khám phá, tuổi trẻ và niềm yêu thích thúc giục tôi bắt đầu cuộc hành trình đến dãy Bắc Trường Sơn này – dãy núi của chiến công hiển hách, nhân chứng của chiến tranh Việt Nam. Đêm Trường Sơn lạnh, gió rít gào trên những vòm cây cao vút, rì rào một bản nhạc kì dị. Rùng mình một cái, tôi bước dài hơn, nhanh chóng tới ngôi nhà có hơi ấm của ngọn lửa nép mình bên bìa rừng.

Một cơn gió mang lại hơi lạnh luồn qua khe áo đã nhắc nhở tôi rằng mình cần một nơi đủ ấm áp để trú ngụ qua đêm. Tôi thở phào nhẹ nhõm khi mình đã đến căn nhà nhỏ bằng gỗ, tỏa ra thứ hơi ấm của con người. “Ở đây có người ở!” – tôi thầm nghĩ rồi nhẹ nhàng gõ cửa. Một bà lão mặt đầy nếp nhăn bước ra cùng với đứa cháu tầm tám chín tuổi. Sau khi chào hỏi, tôi nói với bà mong sẽ được ngủ nhờ một đêm. Bà lão vui vẻ đồng ý. Sự đón tiếp của bà làm tôi cảm thấy ấm lòng như gia đình vậy.

Loay hoay tìm chỗ cất ba lô và đồ dùng leo núi, tôi chợt nhận ra trong nhà còn có thêm một người nữa. “Đó là một người lính” – tôi lặng lẽ thốt lên, khá nhỏ nhưng vẫn thu hút sự chú ý của người kia. Mái tóc anh đen, nước da ngăm ngăm nhưng vẻ mặt lại là người có trí thức. Đặc biệt, bộ đồ anh đang mặc là quân phục xanh lá. Thật kì lạ làm sao khi một người lính đáng nhẽ đang ở nhà sau khi hòa bình đất nước được lập lại thì lặn lội đến vùng núi hẻo lánh. Có thể nào anh là con của chủ nhà? Cũng có khả năng. Dòng suy nghĩ của tôi bị dập tắt bởi câu nói:

- Cháu cũng là khách xin ngủ nhờ phải không? Chú cũng thế! Xin chào.

Điều khiến tôi chú ý là người lính đó xưng “ chú ” và gọi tôi là “ cháu”. Nhưng thực sự trông chú ấy rất trẻ, hẳn là do cái dáng vẻ trí thức và là người dân thành phố. Chỉ là đoán mò mà thôi nhưng không hiểu sao tôi lại đinh ninh như thế. Tôi đáp:

- Chào chú! Cháu là sinh viên trường Khoa học xã hội và nhân văn, lên đây tìm tư liệu tham khảo cho luận văn tốt nghiệp. Xin hỏi chú có việc gì mà lên tận đây ạ?

Người lính có vẻ ngạc nhiên, rồi chú đáp:

- Chú là cựu chiến binh, từng chiến đấu với đồng đội ở dãy Trường Sơn này. Nay quay về đây tìm lại kỉ niệm xưa cũ. Cháu biết đấy. Có những thứ luôn khiến người ta hoài niệm.

Đưa mắt nhìn lên bầu trời, tôi thấy ánh trăng trên cao như đã dát vàng cả một vùng rừng xào xạc. Trăng đêm nay tròn và sáng quá, đối lập hẳn với cái thời tiết lạnh lẽo nơi đây. Dường như càng lên núi cao, tôi cảm nhận được mình gần trăng hơn một chút. Một cảm giác được gần gũi với thiên nhiên khiến tôi vui vẻ:

-Trăng đẹp quá chú nhỉ!

Không biết cố ý hay vô tình mà tôi cảm nhận được, trong một giây nào đó, hàng ngàn cảm xúc lướt qua ánh mắt của người lính kia. Chú đáp:

- Ừ, trăng vẫn đẹp đẽ như thế, đấy là cái đẹp vĩnh hằng, là cái đẹp ân tình thủy chung khiến lòng người phải ngỡ ngàng.

Tôi cảm thấy lạ. Dường như biết được sự tò mò của tôi, người lính chậm rãi nói giọng nghẹn ngào bao xúc cảm:

- Chú năm nay gần năm mươi tuổi rồi. Chắc cháu nghĩ chú trẻ hơn vì chú vốn là người thành phố. Sống ở thành phố đã được mười lăm năm kể từ khi chiến tranh kết thúc. Tuy vậy nhưng ngày còn bé, chú lại cùng gia đình sống ở quê, thế nên tuổi thơ chú gắn bó với những gì ở nông thôn, mộc mạc, dân dã. Chú vẫn còn như còn cảm nhận được trên da cái ánh sáng dìu dịu, thanh lành của trăng mỗi tối mùa hạ trên đồng, vẫn còn khắc ghi cái hình ảnh trăng tròn vành vạnh, ánh sáng trên mặt bể mỗi đêm rằm của tháng… Tuổi thơ của chú làm bạn với trăng, ngây dại bởi trăng, rồi chơi đùa cùng trăng, trăng đã nhẹ nhàng mà sâu sắc in đậm trong tâm trí chú. Thiên nhiên lúc đó đẹp mà gần gũi lắm cháu ạ: nào đồng, sông, bể, cả ánh trăng đẹp đẽ nữa!

Tôi thích thú và tập trung lắng nghe. Chú nói tiếp, càng lúc càng chậm rãi, từ tốn, cứ như một người bạn lâu năm đang trút bầu tâm sự.

- Cháu biết không? Rồi lớn lên, chú đi bộ đội. Hồi chiến tranh ở rừng, khi mọi điều kiện vật chất đều thiếu thốn thì chỉ có đời sống tinh thần mới là động lực chính để ta tiếp tục sống, tiếp tục chiến đấu. Vầng trăng, nó là đời sống tinh thần của chú và đồng đội đấy cháu ạ! Dù gian khổ biết mấy, trăng vẫn luôn theo. Hành quân giữa đêm, nhờ trăng mà đỡ mỏi, bom đạn rền vang có trăng ta không phải ngại ngần. Đời lính nhờ trăng mà có được những phút giây êm đềm và lãng mạn như thế. Không riêng gì chú, mà nhiều anh em đồng chí khác, chắc chắn cũng đã được vầng trăng tiếp cho sức mạnh để kiên cường chiến đấu, dành lại độc lập cho Tổ quốc. Trăng tự nhiên trở thành chỗ thân quen. Không gò bó ép buộc! Chú lúc ấy và trăng là tri kỉ. Cứ ngỡ mình sẽ không bao giờ quên được người bạn tình nghĩa này. Ấy vậy mà…

Tôi đang lắng nghe như muốn nuốt từng câu từng chữ thì chú bỗng ngừng lại, thở dài thật sâu. Nghe như bao đau thương, ăn năn và hối hận đều được chất chứa trong một tiếng thở dài đó. Chú lại ngửa mặt lên nhìn trăng hồi lâu. Tôi không nói gì, chỉ kiên nhẫn đợi chú tiếp tục.

- Chiến tranh kết thúc, hòa bình được lặp lại, chú được lên thành phố sinh sống. Khác với thôn quê, khác với mặt trận, cuộc sống nơi thành phố hiện đại và tiện nghi hơn nhiều. Mù quáng bởi sự kì diệu của những tiến bộ trong khoa học - kĩ thuật, chú và nhiều đồng đội khác chẳng thèm ngó ngàng gì đến vầng trăng nữa. Thật sự, ai lại muốn sinh hoạt dưới cái ánh trắng mờ mờ ảo ảo của trăng, một khi đã có đèn điện ? Vầng trăng khi ấy, dù tròn hay khuyết, dù tỏ hay mờ, đối với chú đã chẳng còn quan trọng nữa. Không ai tự nhiên lại đi quan tâm đến kẻ dửng dưng qua đường. Sao, kẻ bạc tình này đáng giận lắm đúng không ?

Đáng giận lắm không ? Tôi tự hỏi bản thân nếu là mình thì sẽ hành động như thế nào. Giận thì đáng giận, nhưng cảm thông thì cũng đáng cảm thông. Suy cho cùng, chú đã nhận ra sai lầm và đổi thay. Tôi không biết phải trả lời sao cho phải phép, nên quyết định giữ im lặng, lắng nghe chú kể tiếp:

- Thế rồi, một đêm hôm nọ, cả thành phố đột ngột bị cúp điện. Căn phòng đang sáng trưng, bỗng ngập chìm trong bóng tối. Chú cuống lắm, vội bật tung cửa sổ ra. Và chính lúc đấy, trăng xuất hiện - vẫn tròn vành vạnh như thuở nào, lững lờ ngay trước mắt chú. Bây giờ nghĩ lại ,chú vẫn nhớ rõ mồn một những cảm xúc rối ren lúc đó, bàng hoàng, sợ hãi, xúc động, rưng rưng. Những hình ảnh như một đoạn phim tua chậm lướt qua đầu chú. Chú thấy ở trăng có đồng, có rừng, có sông, có bể, tựa như trăng đã ghi lại tất cả những khoảnh khắc tươi đẹp đó, chờ một ngày ta quên, sẽ cho ta thấy, để ta hối hận, day dứt để ta thấy mình đã bội bạc như thế nào!

Tôi xúc động ngắm nhìn vầng trăng, lặng lẽ hoài niệm về tuổi thơ của chính mình. Sao tôi thấy trăng bây giờ mới là sáng nhất!

Người lính không để ý đến sự im lặng của tôi, tiếp tục kể.

- Trăng đẹp nhất vào lúc chú ngỡ ngàng nhất! Dường như trăng vẫn mãi ở đó cháu ạ! Trăng vẫn một mực chung thủy. Khi đó, chú biết mình lại không thể mãi trốn chạy được nữa. Phải đối mặt với trăng, đối mặt với sự thật mình đã thay đổi. Cháu có biết sự trách cứ nặng nề nhất là gì không. Đó là sự im lặng cháu ạ! Ánh trăng lúc đó cứ im phăng phắc, như cố tình cho ta thời gian để cho ta hoài niệm, để nhận ra mình đã vô tình biết bao nhiêu! Chính sự im lặng đó đã khiến chú giật mình, theo đúng nghĩa.

Tôi vội lên tiếng:

-Vậy giờ chú trở lại đây vì cảm thấy có lỗi với vầng trăng hay sao?

- Một phần thôi cháu ạ! Chú muốn trở lại là chú của trước kia, chú muốn sống lại cái thời kì diệu ấy, với thiên nhiên, với vầng trăng!

Tôi nghe tiếng côn trùng kêu, tiếng gió lùa. Nhưng sau tất cả, tôi lại nghe thấy trong tim tôi – một trái tim nóng bỏng yêu thương và sự cuồng nhiệt của tuổi trẻ, giọng nói vang vọng từ tâm hồn, nhắc nhở tôi sống sao cho tình nghĩa, thủy chung, sống sao để không hổ thẹn với quá khứ, với những tuyệt vời mình đã trải qua.

Chào tạm biệt biệt chú,  tôi đi ngủ, và lòng thầm nghĩ đã tìm được tư liệu quý giá cho bài luận văn tốt nghiệp của mình. Ngoài trời vẫn tràn ngập ấm áp của ánh trăng.

Tiếng chuông báo thức vang lên . Tôi tỉnh dậy và nhận ra mình đã có một giấc mơ thật đẹp  và một cuộc trò chuyện thật thú vị. Hai chúng tôi, cách biệt về tuổi tác, cách biệt về vùng miền và có lẽ là về cả văn hóa lẫn tư tưởng. Tất cả bắt nguồn từ một sự tò mò rất trẻ con, mà tôi thậm chí còn không biết tên chú, thậm chí có lẽ sẽ không bao giờ biết, nhưng câu chuyện được nghe kể đêm hôm đó đã giúp tôi ngộ ra nhiều điều về thiên nhiên, về chiến tranh, và về cả trái tim con người. Thời thế thay đổi, lòng người cũng đổi thay. Chúng ta trở nên lãnh cảm với những gì tự nhiên, quay lưng với những giá trị truyền thống, với quá khứ nghĩa tình. Đừng để bản thân con người trở thành nô lệ của những cỗ máy do chính chúng ta tạo ra. Đôi khi, trong cái xã hội hối hả này, hãy thử sống chậm lại, nhìn lại bản thân và trân trọng những gì đã giúp ta tiến được đến bước đường ngày hôm nay.

 

 


Thứ Hai, 11 tháng 12, 2023

Gặp gỡ và trò chuyện với người ngư dân "Đoàn thuyền đánh cá" của Huy Cận.

 

Mặt trời xuống biển như hòn lửa.

Sóng đã cài then, đêm sập cửa.

Đoàn thuyền đánh cá lại ra khơi,

Câu hát căng buồm cùng gió khơi.

Tôi đang nhẩm lại bài thơ để chuẩn bị cho bài kiểm tra ngày mai thì ngủ mất lúc nào không hay. Và Tôi đã mơ một giấc mơ tuyệt vời, ở đó tôi được gặp và trò chuyện với những người dân chài. Những người ngư dân trong tác phẩm rất hay và đặc sắc mà tôi vô cùng yêu thích: "Đoàn thuyền đánh cá" của Huy Cận.

Trong giấc mơ, tôi thấy mình cùng gia đình đang đi chơi vùng biển Quảng Ninh. Vì bố muốn cả nhà được trải nghiệm cuộc sống gần biển giống như người dân bản địa cả nhà tôi đã sống tại nhà của một ngư dân, sống và trải nghiệm như họ vẫn sống. Trong mấy ngày nhà tôi ở đây, tôi được ăn ngon mà còn được gặp gỡ và trò chuyện với những ngư dân đáng mến. Họ đã cho tôi biết nhiều điều của cuộc sống cũng như tiếp thêm cho tôi động lực mỗi khi gặp khó khăn trong cuộc sống.

Hôm nay, vì ngoài trời mưa lớn nên thay vì đi chơi, tôi và bố mẹ đã ngồi ở nhà nói chuyện với vợ chồng cô chủ nhà. Sở dĩ đêm nay bác Chiến không ra khơi vì trời đang mưa lớn quá. Bác kể mà buồn nẫu ruột:

- Với mỗi ngư dân thì bám biển là chuyện hàng ngày cũng giống như người nông dân cầm cuốc vậy. Một ngày mà không được ra khơi là lòng tôi bồn chồn chẳng yên, thế này thì lấy đâu ra đồng ra đồng vào mà trang trải.

Cô Lan, vợ bác Chiến ôn tồn:

- Thôi ông chịu khó, mai bão tan thì hẵng đi. Cứ nghĩ là của đi thay người, nhỡ bây giờ ông có mệnh hệ gì thì mẹ con tôi trông cậy vào ai.

Bố tôi hỏi:

- Hàng ngày, chuyến ra khơi của anh bắt đầu từ lúc nào?

Bác Chiến chầm chậm kể:

- Chúng tôi là những ngư dân miền biển, thường xuyên cùng đoàn thuyền ra khơi đánh bắt cá trong đêm. Công việc bắt đầu khi hoàng hôn buông xuống. Ngày nào, cứ vào lúc hoàng hôn thì là lúc ngư dân chúng tôi ra biển. Cảnh tượng lúc ấy hùng vĩ vô cùng, bầu trời và mặt biển giống như hòa làm một. Trên biển,mặt trời từ từ chìm xuống biển, ánh sáng vàng rực hắt thẳng lên trời cao. Đó như là một hòn lửa khổng lồ bị dìm vào biển nước, sức mạnh vô biên của nó có thể tạo nên những đợt sóng kinh hồn. Đêm cũng từ từ buông xuống. Cái khoảnh khắc giao điểm giữa đêm và ngày thật kì diệu. Nó cứ khiến lòng ta nôn nao khó tả. Trời mới còn đang sáng đáy thôi, bỗng chốc tối sầm lại, vệt sáng tối kéo dài trên mặt biển rồi mất hút tận khơi xa.

Bác Chiến dừng lại, lấy tay bưng ly nước hớp một chút rồi kể tiếp:

- Từng cơn sóng dập dìu đưa thuyền chúng tôi ra khơi. Thường là chúng tôi đi theo đoàn lớn. Dưới cảng, các thuyền viên đã lên thuyền cả rồi, cột buồm rùng rùng chuyển động, cánh buồm căng lên đồng loạt. Đoàn thuyền thuyền đánh cá rùng mình chuyển động rồi xếp hàng ra khơi. Thuyền này nối đuôi thuyền kia tạo thành một vệt dài trên biển. Bất chấp màn đêm, chúng tôi vẫn lao động say sưa. Tiếng hát ra khơi lại rộn vang khắp các thuyền. Dân chài lưới đầu sóng ngọn gió nhưng yêu đời lắm. Lần ra khơi nào chúng tôi cũng ca hát. Hát từ bờ hát đến khơi xa. Hát rằng cá bạc biển đông lặng, những luồng cá thu đang dệt biển tạo ra muôn luồng sáng. Mong rằng chúng dệt lưới ta để chuyến ra khơi thật bội thu.Lời hát cứ dặt dìu theo nhịp sóng biển. Tiếng hát khơi bừng khí thế ra trận. Ai cũng tràn đầy tin tưởng ở trong lòng. Cánh buồm no gió đẩy thuyền lướt mạnh ra khơi. chúng tôi mượn tiếng hát,

- Ồ thú vị thật, anh kể tiếp đi.

- Anh chị và cháu biết không biển đêm đẹp lắm nhất là những ngày có trăng. Thuyền chúng tôi chạy nhanh ra bãi đánh.Trăng dần lên cao. mà thú thật, giữa biển khơi bao la, trăng có lên hay xuống chúng tôi cũng không biết nữa. Không lấy gì để so sánh mà biết nó lên hay lặn. Đoàn thuyền vẫn giữ hàng ngũ, trật tự băng băng lao tới. Nhìn cảnh ấy cứ ngỡ như rằng nó đăng lướt đi giữa mây cao với biển bằng. Nhiều lúc tôi nghĩ cả đoàn thuyền đang bay chứ không phải đang bơi vì biển và trời gần nhau quá.Ngày nào, chúng tôi cũng được nhìn những đàn cá, món quà tạo hóa của bà mẹ đại dương. Những con cá bạc lấp lánh bơi lội rồi những con cá thu bơi như con thoi nữa. Chúng tôi vẫn hay trêu nhau gọi cá đến dệt lưới mình thay vì cứ dệt biển như thế.

Cả phòng rộn tiếng cười ha hả.

Bác tiếp: Là một ngư dân, ra biển là một phần cuộc sống của tôi. Hằng đêm, trên những chiếc thuyền lênh đênh, chúng tôi làm bạn với gió với trăng, với thiên nhiên hữu tình, với mặt biển phẳng lặng. Khi thuyền đã dò được luồng cá chúng tôi bắt đầu hạ buồm đánh bắt cá, khung cảnh thiên nhiên đẹp với gió trời, trăng hòa cùng con người trong thế trận hăng say lao động, đánh bắt cá trong đêm thật hào hứng. Lao động trong đêm thật vui với tiếng hát xóa tan đi nặng nhọc, mệt mỏi. Bài hát gọi cá vào lưới được sự hỗ trợ của trăng trời trăng như giúp chúng tôi gặt hái được nhiều thành quả.

Dừng lại một vài giây chú hắng giọng nói tiếp:

- Nói thật với chú chứ, chúng tôi lao động vui lắm, chúng tôi cùng nhau hò những bài ca "gọi cá" vào lưới, trên đầu chúng tôi có nhịp trăng cao cổ vũ động viên. Biển với chúng tôi như người mẹ vĩ đại. Biển mẹ che chở chúng tôi, nuôi lớn chúng tôi từng ngày. Có lúc biển mẹ  bao dung, hiền hòa, trìu mến. Có lúc biển mẹ giận dữ như muốn trừng phạt những đứa con ngỗ nghịch không biết nghe lời. Cuộc sống dân chài sớm bờ tối biển chẳng ngày nào yên. Nhưng chúng tôi mạnh mẽ, chúng tôi tự hào về công việc của mình. Mỗi chuyến ra khơi bồi đắp trong tôi một tình yêu lớn đối với biển cả.

- Vậy một đêm đánh cá của các bác thế nào? Các bác trở về như thế nào ạ?- Tôi hỏi dồn.

- À, vui lắm cháu ạ, nhất là cái cảm giác kéo được chùm lưới nặng đến trĩu cả tay ấy. Có cá tức là có vụ mùa thắng lợi, thắng lợi tức là cuộc sống no ấm. Khi sao mờ dần cũng là lúc trời sắp sáng, ánh rạng đông ló dạng, những đàn cá quẫy tung trong lưới nhảy nhót lấp lánh lung linh dưới ánh hồng bình minh buổi sáng. Không ai bảo ai chúng tôi thực hiện công việc cuối cùng đó là xếp lưới, căng buồm để trở về nhà. Các bác sẽ trở về đất liền sau một đêm bình an được trời đất phù hộ cháu ạ. Các bác cũng lại hát. Tiếng hát bội thu vang khắp biển trời, lúc khoan thai dìu dặt theo sóng biển, lúc vút cao khí thế cùng gió cùng mây. Đoàn thuyền lướt đi trong gió để kịp về bến trước phiên chợ buổi sáng. Một ngày mới đang bắt đầu thật đẹp. Mặt trời đội biển nhô lên kì vĩ. Đó là khung cảnh ấn tượng nhất mỗi ngày mà chúng tôi vẫn thường thấy. Một chiếc mâm bạc không lồ từ từ dưới biển sâu nhô lên rực sáng chói gắt. Ánh sáng kéo một vệt dài trên biển rồi tỏa ra giống hệt như ánh đèn màu mà tôi vẫn thường thấy trong những đêm văn nghệ.Cá đầy thuyền xếp đầy khoang lấp lánh li ti dưới ánh mặt trời thật đẹp. Chúng tôi như quên sự mệt mỏi, vất vả của một đêm thức trắng lao động thay vào đó là sự vui mừng, phấn khởi khi chuyến đánh cá bội thu.Tiếng hát vui mừng cùng gió thổi căng cánh buồn. Có lẽ con thuyền cũng háo hức trở về nên băng băng vượt sóng.

- Thực sự quá tuyệt, đêm mai bác dẫn cả nhà cháu đi có được không ạ? Cháu muốn trải nghiệm làm ngư dân ạ

- Ừ được chứ, giờ cả nhà đi ngủ đi, muộn quá rồi đấy.

Trở về giường nằm mà tôi vẫn thao thức không ngủ nổi với câu chuyện của bác. Qủa thực tôi khâm phục tinh thần lao động của những ngư dân ngày đêm bám biển, họ lạc quan, yêu thiên nhiên và yêu cuộc sống. Tôi mong sao cho đến đêm mai, tôi sẽ được trực tiếp làm ngư dân để thử sống cuộc sống của họ một lần, được hòa mình vào thiên nhiên, được kéo những chùm lưới nặng đến xoăn tay.

Thứ Sáu, 2 tháng 6, 2023

Phải chăng tự học là hành trang quan trọng nhất để vững bước trên đường đời?

 Đề. Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, học tập chính là một quá trình tiếp thu tri thức. Việc tự học suốt cuộc đời mỗi người là quan trọng, cần thiết và thường xuyên. Đây là cách tốt nhất để mỗi người làm giàu trí tuệ và nhân cách, để ngày càng tiến bộ…

Em hãy viết một bài văn ngắn (khoảng 500 chữ) trả lời câu hỏi: Phải chăng tự học là hành trang quan trọng nhất để vững bước trên đường đời?

1. Mở bài: 

Xã càng hiện đại thìnhu cầu về trí tuệ của con người cũng ngày càng tăng. Để đáp ứng nhu cầu của xã hội, mỗi con người cần chuẩn bị cho mình một hành trang kiến thức thật vững chắc để bước vào đời. Và muốn nắm vững tri thức, không có gì quan trọng bằng tinh thần tự học. Vậy phải chăng tự học là hành trang quan trọng nhất để vững bước trên đường đời?

2. Thân bài: 

* Giải thích:

- Tự học là tự mình lựa chọn, tiếp cận và tiếp nhận tri thức mà không cần ai nhắc nhở hay dạy bảo.

- Hành trang, hiểu theo nghĩa đen, là những đồ dùng cần thiết mang theo khi đi xa. Theo nghĩa ẩn dụ, đó là những yếu tố tinh thần cần thiết như  tri thức, kỹ năng, thói quen, sự trải nghiệm,... để mỗi người vững vàng bước đi trên hành trình đời mình.

=> Tự học là hành trang cơ bản, tiên quyết giúp chúng ta yên tâm, chủ động, làm chủ cuộc đời cũng như rút ngắn khoảng cách đến vạch đích thành công một cách nhanh nhất.

* Biểu hiện:

- Người biết tự học tích cực, chủ động trong học tập, làm chủ và tự quản lý việc học của mình.

- Người biết tự học là biết tự xác định động cơ học, chọn mục tiêu học, tự vạch kế hoạch đi đến mục tiêu, điều chỉnh và đeo đuổi nó, chọn thời gian và nhịp điệu học, biết tự đánh giá mức độ lĩnh hội các kiến thức, kỹ năng cần có của mình một cách độc lập hoặc kết hợp với người, sách hay thiết bị học tập.

* Phân tích:

- Cuộc sống là một cuộc hành trình với những bài học thú vị. Hãy không ngừng học hỏi từ sách vở, từ cuộc sống để tự hoàn thiện bản thân mỗi ngày. Liên tục học hỏi trau dồi kiến thức hoặc các kỹ năng và cải thiện mình là cách để ta trưởng thành và tự tin hơn.

- Có câu “Càng hiểu biết, con người càng tự do”, hay “Đầu tư vào tri thức đem lại lợi nhuận cao nhất”. Tri thức chính là sức mạnh, là tấm vé vạn năng mở đường để mỗi người khám phá những món quà kỳ diệu của cuộc đời mình. Tự học là kĩ năng vô cùng quan trọng góp phần nắm bắt kiến thức sâu rộng, vững chắc và con đường duy nhất giúp bạn vững bước trong cuộc sống.

+  Tự học chính là hành trình của sự tìm kiếm và sáng tạo. Tự học giúp ta có tính chủ động học tập, là con đường dẫn tới sáng tạo, khơi nguồn lòng đam mê, tìm tòi những điều mới lạ.

+ Tự học giúp ta rèn luyện tính kiên trì. Cuộc sống là một quá trình dài  nhiều khúc cua, ngã rẽ,... đòi hỏi con người phải thật cô gắng, không ngại khó khăn, thử thách trên con đường chiếm lĩnh tri thức, những giá trị tốt đẹp thì mới cho kết quả tốt như mong muốn.

+ Biết tự học ta sẽ có nhận thức tốt để làm chủ bản thân, cuộc sống; sẽ biết đem những điều mình học hỏi được đóng góp cho xã hội.

- Tự học là một kỹ năng rất quan trọng và có ích cho cuộc sống. Nhưng ngoài ra còn có nhiều yếu tố khác cũng ảnh hưởng đến sự thành công và hạnh phúc của bạn như: sức khỏe, gia đình, bạn bè, đam mê và niềm vui…

* Phê phán:

- Không ai không học hỏi mà có thành công. Thực tế cuộc sống có nhiều bạn trẻ chưa nhận thức được tầm quan trọng của việc tự học; lười biếng trong học tập hoặc học tủ, học vẹt, học đối phó với thầy cô. Lại có những bạn trẻ chỉ mải mê học lí thuyết, học theo người khác mà không có định hướng rõ ràng cho bản thân,… Những bạn trẻ cần xem xét lại thái độ và hành vi học tập của mình nếu muốn thành công trong cuộc sống sau này.

* Bài học:

- Thành công không phải là thứ hễ bạn cứ muốn là được mà đòi hỏi phải trải qua một quá trình nuôi dưỡng, rèn luyện những thói quen tốt. Và tự học là kĩ năng quan trọng nhất trong thế kỷ 21, giúp ta vững bước trong cuộc sống.

* Bài học bản thân:

- Để tự học có hiệu quả, ta cần tích cực suy nghĩ, ghi chép, sáng tạo khi nghe giảng, đọc sách hay làm bài tập nhằm rút ra những kiến thức cần thiết, hữu ích cho bản thân.

- Tận dụng mọi điều kiện, phương tiện thuận lợi (internet, các phần mềm, đĩa, băng, truyền hình, sách, báo…), bằng nhiều hình thức khác nhau: học chính quy, từ xa, trực tuyến… để học tập.

- Rèn luyện tốt các kỹ năng như đọc, cập nhật thông tin trên sách, báo, các phương tiện thông tin; xây dựng kế hoạch học tập một cách khoa học, sắp xếp hợp lý thời gian để tự học.

- Cần áp dụng kiến thức học được vào thực tế cuộc sống, vào công việc đang làm, có như vậy mới khắc sâu cũng như kiểm nghiệm giá trị đích thực của lý thuyết;

3. Kết bài: 

Trình độ học vấn mở ra những con đường mới, kinh nghiệm mở ra những con đường mới, tài năng mở ra những con đường mới… Hầu hết các con đường chỉ rộng mở cho những ai hội đủ những “tài sản” thích hợp và luôn có động cơ phấn đấu. Hãy rèn luyện cho bản thân mình một tinh thần tự học để để vững bước trên đường đời.

 

Thứ Năm, 1 tháng 6, 2023

Phân tích Hai khổ đầu Viếng lăng Bác_Vẻ đẹp lối sống nghĩa tình của người Việt Nam

 Đề. Hãy chọn phân tích một đoạn thơ hay một nhân vật truyện giúp em cảm nhận được Vẻ đẹp lối sống nghĩa tình của người Việt Nam. Trình bày những tác động của đoạn thơ hay nhân vật truyện đó đối với bản thân em.

Bài làm

"Mỗi khi lòng ta xao xuyến rung rinh

Môi ta thầm kêu Bác: Hồ Chí Minh!" ( Sáng tháng năm - Tố Hữu )

Bác Hồ - tiếng gọi trìu mến trên môi mọi người, tiếng gọi thân thương đã hoà vào dòng máu của những người con đất Việt. Người là nguồn cảm hứng bất tận trong làng văn học nước nhà, "tên Người là cả một niềm thơ". Mỗi thi phẩm viết về Bác tựa như một ô cửa mở ra cảm xúc dạt dào, lòng kính yêu cùng niềm rung động khôn nguôi. Bài thơ Viếng lăng Bác là một nén hương thơm mà Viễn Phương dâng lên Bác Hồ kính yêu. Nhà thơ đã chấp bút viết nên một "Viếng lăng Bác" với hết thảy những tình cảm kính trọng, yêu quý và niềm thương nhớ dành cho người cha già của dân tộc. Ta có thể cảm nhận rõ ràng được vẻ đẹp lối sống nghĩa tình của người Việt Nam qua tấm lòng thành kính và biết ơn vô hạn của nhà thơ cũng như đồng bào miền Nam đối với vị lãnh tụ vĩ đại, người cha già kính yêu của dân tộc trong  cấc câu thơ sau:

Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác

Đã thấy trong sương hàng tre bát ngát

Ôi! Hàng tre xanh xanh Việt Nam

Bão táp mưa sa, đứng thẳng hàng.

 

Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng

Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ

Ngày ngày dòng người đi trong thương nhớ

Kết tràng hoa dâng bảy mươi chín mùa xuân...

Bác Hồ là người có công rất lớn đối với đất nước và con người Việt Nam. Sự ra đi của Bác để lại niềm tiếc thương chung cho toàn nhân loại. Bao năm trời kể từ lúc Bác ra đi, đồng bào ta vẫn luôn nhớ về Bác với những tình cảm chân thành nhất. Để bày tỏ tình yêu thương với người, nhà thơ Viễn Phương đã sáng tác bài thơ Viếng lăng Bác nhân chuyến ra Hà Nội thăm lăng của Người. Cả bài thơ chứa đựng bao nỗi niềm đau xót, sự xúc cảm chân thành dành cho vị Cha già của dân tộc của một người con nơi phương xa được trở về thăm.

Mang theo lòng tiếc thương vô hạn của cả dân tộc đối với Bác, nhà thơ đang thực hiện cuộc hành hương của mình sau bao năm chờ đợi được trở về bên người cha già kính yêu:

Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác

Đã thấy trong sương hàng tre bát ngát

Ôi! Hàng tre xanh xanh Việt Nam

Bão táp mưa sa, đứng thẳng hàng.

Nhà thơ đã khéo léo giới thiệu được vị trí không gian quãng đường từ miền Nam xa xôi ra viếng lăng Bác:

Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác

Tiếng “con” cất lên thật gần gũi, thân thương. Đó là cách xưng hô rất mật thiết của người dân Nam Bộ, đã bộc lộ sâu sắc lòng ngậm ngùi thương nhớ của nhà thơ của đồng bào miền Nam đối với Bác. Tình cảm giữa miền Nam và Bác Hồ luôn luôn là tình cảm ruột thịt “Bác nhớ miền Nam nỗi nhớ nhà” (Tố Hữu) và tình cảm của miền Nam đối với Bác cũng là tình cảm nhớ mong da diết “Miền Nam mong Bác nỗi mong cha” (Tố Hữu). Tự đáy lòng của người con đến thăm cha, Viễn Phương nói với Bác: Con ở miền Nam…. Câu thơ giản dị nhưng bao hàm một ý nghĩa lớn. Trong tim Bác và trong tim miền Bắc, Miền Nam luôn luôn là nỗi đau chia cắt, nỗi nhớ thương, là niềm tự hào, là biểu tượng anh hùng, bất khuất, dũng cảm, kiên cường, là thành đồng Tổ Quốc… Giờ đây con mang theo cả niềm tự hào đó của đồng bào miền Nam đến với Bác nói rằng “Con ở miền Nam” – nơi vừa được giải phóng, vừa giành thắng lợi vẻ vang – đến đây để nói với cha rằng: “Con cảm ơn cha”. Hơn thế nữa, trong câu thơ này, ta còn nhận thấy một sự khác thường. Bác Hồ đã vĩnh viễn đi xa, thế nhưng tác giả không dùng từ “viếng” mà lại dùng từ “thăm”, bởi với nhà thơ Viễn Phương, Bác Hồ vẫn mãi sống trong trái tim, trong nỗi nhớ mỗi người dân Việt Nam. Đây hẳn là lí do mà tác giả sử dụng từ "thăm", một cách nói giảm nói tránh đầy tinh tế. Chuyến thăm từ mảnh đất "đi trước về sau", chịu bao nỗi đau chia cắt dưới gót giày của kẻ xâm lấn. Mang theo cả trái tim miền Nam đang từng ngày mong mỏi, thiết tha hướng về Bác Hồ, mang theo nỗi niềm của một người con dành cho cha.

Trong niềm vui, niềm hân hoan, rạo rực vì được viếng lăng Bác đang dào dạt dâng lên, nhà thơ xúc động ngắm nhìn quang cảnh trước lăng Bác:

Đã thấy trong sương hàng tre bát ngát

Ôi hàng tre xanh xanh Việt Nam

Bão táp, mưa sa, đứng thẳng hàng.

Hàng tre bát ngát cuốn hút cảm xúc của nhà thơ. Hiện lên trong sương khói quảng trường Ba Đình lịch sử là hình ảnh hàng tre xanh bát ngát. Hàng loạt từ láy  "xanh xanh", "bát ngát" kết hợp thán từ “Ôi!” đã bộc lộ cảm xúc mãnh liệt, tha thiết của tác giả khi nhìn thấy hàng tre đĩnh đạc, uy nghiêm không khác gì những anh chiến sĩ trung kiên ngày đêm đứng gác, canh giữ cho giấc ngủ an lành, bình yên của Bác Hồ kính yêu. Hàng tre xanh xanh trong vườn Bác gợi cho người đọc nhiều liên tưởng. Chắc rằng, cũng như mọi người Việt Nam, trong tâm khảm nhà thơ, cây tre là hình ảnh giản dị, thân thuộc, đời đời gắn bó với quê hương làng xóm. Tre  có mặt xung quang trong cuộc sống của người dân, tre tham gia vào cuộc kháng chiến cùng người dân “tre xung phong vào xe tăng đại bác, tre giữ làng giữ nước giữ mái nhà tranh giữa đồng lúa chín” (Thép Mới). Tre mang bao phẩm chất của con người Việt Nam: mộc mạc, thanh cao, ngay thẳng bất khuất. Hàng tre ấy cũng như những con người VN ta dù phải trải qua bao “bão táp mưa sa” thì vẫn “đứng thẳng hàng”.  Dáng dấp tre hiên ngang, bất khuất, thách thức cả “bão táp mưa sa” gợi tư thế quật cường, mạnh mẽ của một đất nước nhỏ bé trên bản đồ thế giới. Chính quốc gia ấy đã ghi tạc tên mình trong những trang sử chói lọi, hùng tráng, như một thần thoại oanh liệt. Tre không cao lớn, tre chẳng phải loài cây đáng giá ngàn vàng, nhưng tre mãi vững vàng trước bão giông. Như Bác Hồ ta suốt đời sống giản dị, chẳng khoa trương mà cứ lặng lẽ, kiên cường tranh đấu vì độc lập tự do của dân tộc.

Có thể thấy rằng, khổ thơ đầu tiên đã để lại rất nhiều ấn tượng trong lòng bạn đọc. bằng những từ ngữ và hình ảnh chọn lọc, lời thơ cho ta nhận ra niềm xúc động của nhà thơ khi được ra lăng viếng Bác. Đồng thời cũng qua đó ta cảm nhận được lòng thành kính và niềm biết ơn vô hạn của Viễn Phương dành cho Bác Hồ kính yêu.

Mạch cảm xúc của Viễn Phương ngày càng xao động khi hoà nhập trong dòng người vào thăm lăng Bác:

Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng

Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ

Ngày ngày dòng người đi trong thương nhớ

Kết tràng hoa dâng bảy mươi chín mùa xuân...

Viễn Phương mượn hình ảnh thực kết hợp với sử dụng nghệ thuật ẩn dụ sóng đôi để so sánh Bác Hồ tượng trưng như mặt trời soi sáng cả nước Việt:

Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng

Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ.

Ai đã từng một lần đi viếng lăng Bác mới hiểu hết hàm ý trong câu thơ của Viễn Phương. Ngày ngày, mặt trời - chúa tể của thiên nhiên - thán phục một mặt trời trong lăng rất đỏ. Mặt trời rất đỏ, hình ảnh tượng trưng cho Bác Hồ - là mặt trời cách mạng, là nguồn ánh sáng rực rỡ không bao giờ tắt, mãi mãi chiếu rọi con đường đi tới của dân tộc Việt Nam. Nhiều nhà thơ đã sử dụng hình ảnh mặt trời để thể hiện ánh sáng của lý tưởng cách mạng, nhưng đối sánh hai hình ảnh mặt trời của Viễn Phương quả là rất độc đáo. Đây là một sáng tạo nghệ thuật có tác dụng bộc lộ nội dung rất hiệu quả. Không nhiều lời, chỉ một hình ảnh mặt trời rất đỏ, nhà thơ đã khái quát được hình ảnh Bác Hồ vĩ đại. Nhà thơ đã nói hộ chúng rằng: Bác Hồ là mặt trời cách mạng đẹp nhất, rực rỡ nhất, chói lọi nhất luôn luôn toả sáng trong tâm hồn người Việt Nam. Điệp ngữ “ngày ngày” được tác giả khéo léo sử dụng như để thể hiện sự nối tiếp lặp đi lặp lại hằng ngày. Điều đó chính là sự vô tận, là lời khẳng định Bác sẽ còn mãi, sẽ trường tồn bất diệt trong lòng mỗi người dân đất Việt. Lời thơ thật đơn giản nhưng chứa đựng trong đó là cả một tấm lòng. Chúng ta nhận ra trong những câu thơ ấy là tình yêu thương và niềm biết ơn vô hạn của nhà thơ đối với Bác

Cùng với mặt trời ngày ngày đi qua trên lăng là dòng người đi trong thương nhớ:

Ngày ngày dòng người đi trong thương nhớ

Kết tràng hoa dâng bảy mươi chín mùa xuân...

Nhịp thơ chầm chậm như bước chân của dòng người lặng lẽ đi trong suy tưởng, bao trùm một một không khí thương nhớ Bác không nguôi, thành kính kết tràng hoa tình yêu dâng bảy mươi chín mùa xuân của Người. Viến Phương  tiếp tục sáng tạo một hình ảnh ẩn dụ vô cùng đẹp đẽ. Đó là hình ảnh “tràng hoa”. Hình ảnh ấy gợi lên trong ta biết bao nhiêu liên tưởng thú vị. Nó khiến ta nghĩ đến những vòng hoa tươi thắm mà mỗi đoàn viếng thăm đều dâng lên người. Tuy nhiên không chỉ có thế, hình ảnh này còn là ẩn dụ cho những dòng người đang nối nhau vào lăng viếng Bác. “Người ta là hoa của đất”, nhà thơ thật sâu sắc và tinh tế khi tôn quí nhân dân. Mỗi người dân là một bông hoa và dòng người đi trong thương nhớ chính là tràng hoa dâng lên Bác.   Những cánh hoa được kết lại từ niềm tiếc thương thẫm đẫm vào dòng máu, từ lòng thành kính khắc ghi mãi tên Người vào trái tim. Đó cũng chính là sự biết ơn công lao to lớn của Bác. "Bảy mươi chín mùa xuân" của một đời người, một kiếp sống, Bác đã cống hiến vì toàn dân, đã đem ánh sáng của chân lí, của cách mạng lan toả từ rừng sâu hẻo lánh đến đỉnh đồi xa xâm, từ thị thành phố huyện đến đồng nội xanh rì. Bác vẫn sống như mỗi mùa xuân của đất nước Việt NamNgày ngày… ngày ngày …, thời gian không ngừng trôi và lòng người Việt Nam không bao giờ nguôi tình cảm nhớ thương, yêu quí, kính trọng đối với Bác.

Có thể nói, khổ thơ này chính là khổ thơ cảm động nhất và thể hiện rõ sự vĩnh hằng và trường tồn của Bác Hồ trong lòng mỗi con dân Việt Nam. Ông đã dùng những từ ngữ trân trọng và tôn kính nhất kết hợp cùng những biện pháp tu từ đặc sắc để ca ngợi và thể sự biết ơn, kính trọng nhất dành cho Bác Hồ, đã giúp người đọc cảm nhận được trọn vẹn nỗi xúc động nghẹn ngào, lòng thành kính và niềm biết ơn vô hạn của nhà thơ đối với Bác. Và cũng qua những vần thơ ấy ta nhận ra Bác vẫn còn mãi trong trái tim của mỗi con người, và của cả dân tộc Việt Nam.

"Viếng lăng Bác" ngời sáng trong vườn địa đàng thơ ca nhờ giọng điệu nhẹ nhàng, tha thiết mà lắng đọng nơi hồn người cùng hình ảnh, ngôn ngữ chọn lọc, giản dị, trang trọng và giàu cảm xúc. Xuyên suốt hai khổ thơ là những cảm nhận rất thực và vô cùng tinh tế của Viễn Phương. Cảm xúc ấy khi thì bồi hồi, xúc động, tự hào, khi lại vô cùng biết ơn, thành kính. Hai khổ thơ cũng đã đưa ta về với hình ảnh rực rỡ của vị cha già vĩ đại, kính yêu ngàn đời còn sống mãi theo năm tháng, theo thời gian.

Lòng thương nhớ, biết ơn Bác của Viễn phương, của nhân dân miền Nam giúp em hiểu rõ “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, “Uống nước nhớ nguồn” là truyền thống lâu đời của con người Việt Nam. Nét đẹp ân tình, chung thuỷ là truyền thống tốt đẹp của dân tộc, truyền thống ấy bao trùm cách sống, cách ứng xử của con người Việt Nam trong mọi quan hệ qua hàng nghìn năm lịch sử. Bài thơ như một lời nhắc, gợi trong em bao suy nghĩ, chiêm nghiệm về một lẽ sống ân nghĩa thủy chung cao quý trong cuộc đời. Chẳng ai hạnh phúc nếu không biết trân trọng, tri ân và chung thuỷ với quá khứ. Lối sống ân nghĩa thủy chung  níu giữ con người khỏi bị trôi trượt đi bởi những lo toan tất bật hằng ngày, nó bảo vệ con người khỏi những cám dỗ tầm thường. Và trên hết, nó luôn hướng con người đến những giá trị bền vững của cuộc sống. Lối sống ân nghĩa thủy chung nhắc nhở em cần biết ơn tổ tiên, ông bà, cha mẹ, những anh hùng vĩ đại đã hi sinh, lấy thân mình, mồ hôi xương máu để bảo vệ nền độc lập cho đất nước, giữ vững bình yên vùng trời Tổ quốc. Lối sống ân nghĩa thủy chung nhắc em phải biết sống vui, sống khoẻ và có ích cho xã hội, phần để thực hiện đúng trách nhiệm, bổn phận của mình, phần vì không hổ thẹn với những người đi trước mang lại cho mình cuộc sống tốt đẹp.

Lối sống ân nghĩa thủy chung không chỉ được khắc sâu trong tâm hồn mà còn phải được thể hiện bằng hành động cụ thể. Là con cháu vua Hùng, thuộc dòng dõi Lạc Hồng, em cũng như các bạn trẻ phải biết tự hào về truyền thống đấu tranh anh dũng của dân tộc, phải ý thức quý trọng giữ gìn những giá trị mà quá khứ đã tạo nên bằng mồ hôi, nước mắt và xương máu, tiếp tục phát triển các thành quả của quá khứ. Là một người con em sẽ chăm học chăm làm, sống tốt đẹp làm vẻ vang cho cha mẹ gia đình, biết hiếu thảo, săn sóc ông bà cha mẹ khi già yếu. Là một học sinh em rèn và luôn thể hiện đạo lý tôn sư trọng đạo. Hoàn thiện bản thân và trở thành người có ích đem tài năng của mình ra xây dựng quê hương đất nước trở nên giàu đẹp hơn. Sống nghĩa tình để cảm nhận được tình yêu thương.

Dù Bác đã ra đi nhưng Bác sẽ còn sống mãi trong trái tim của Viễn Phương nói riêng, nhân dân Việt Nam ta nói chung. Tỏ lòng thành kính với Bác cũng là động lực giúp mọi người sống và làm việc tốt hơn. Bài thơ  “Viếng lăng Bác” với giọng điệu tâm tình nhẹ nhàng sâu lắng mà chất chứa suy tư day dứt nhắc nhở mỗi chúng ta hãy biết sống ân tình chung thuỷ với quá khứ, với lịch sử, với nhân dân và đất nước. Và ngay hôm nay, được sống trong yên vui hoà bình, thế hệ trẻ chúng ta cần phải ghi nhớ công ơn trời biển của Bác, truyền thống uống nước nhớ nguồn mà ra sức học tập tốt để góp phần xây dựng quê hương, đất nước giàu đẹp như Bác đã từng mong ước. 

Phân tích hình ảnh ông Sáu làm chiếc lược ngà - Vai trò của cha

 Đề. Hãy chọn phân tích một đoạn thơ hay một nhân vật truyện giúp em cảm nhận được vai trò của cha. Trình bày những tác động của đoạn thơ hay nhân vật truyện đó đối với bản thân em.

Bài làm

Chiến tranh có thể tàn phá những gì trên đường nó đi qua, duy nhất tình cảm gia đình không bom đạn nào có thể hủy diệt được. Điều này thể hiện rõ tác phẩm “Chiếc lược ngà” của Nguyễn Quang Sáng. Đến với truyện ngắn “Chiếc lược ngà” ta sẽ cảm nhận được vẻ đẹp, sự hi sinh của người cha - người cha lúc nào cũng hi sinh vì gia đình, yêu thương con và đặc biệt trong thời chiến thì tình cảm ấy càng quý giá hơn bao giờ hết. Tình yêu thương con mãnh liệt của ông Sáu gửi gắm trong chiếc lược ngà mà anh làm tặng cho con khiến người đọc vừa yêu mến vừa xót xa.

Tác phẩm “Chiếc lược ngà” được Nguyễn Quang Sáng viết vào năm 1966. Khi ấy, tác giả đang hoạt động ở chiến trường Nam Bộ, đó là những năm cuộc kháng chiến chống Mỹ ác liệt. Đây là một truyện ngắn giản dị nhưng chứa đầy sức bất ngờ. Truyện ngắn chỉ xoay quanh tình cha con của một người lính nhưng lại vô cùng cảm động. Trong đó, nhân vật chính - ông Sáu là một nhân vật đã tạo nên mạch cảm xúc dạt dào xuyên suốt tác phẩm. Ông là một người lính vừa yêu nước lại vừa yêu gia đình, nhưng khi trở về thăm con gái nhỏ sau tám năm ròng xa cách lại không được con đón nhận. Tình huống tuy éo le nhưng lại mở ra sự gắn kết giữa hai con người vô cùng sâu sắc.

Ông Sáu xa nhà đi kháng chiến, mãi đến khi con gái ông lên tám tuổi, ông mới có dịp về thăm nhà, thăm con. Bé Thu không chịu nhận cha vì vết thẹo trên mặt làm ba em không giống với người chụp chung với má trong bức ảnh mà em đã biết. Thu đối xử với ba như người xa lạ, đến lúc hiểu ra, tình cảm cha con thức dậy mãnh liệt trong em thì cũng là lúc ông Sáu phải lên đường. Ở khu căn cứ, bao nỗi nhớ thương con, ông dồn vào việc làm cho con cây lược. Ông hi sinh trong một trận càn của Mỹ nguỵ. Trước lúc nhắm mắt, ông còn kịp trao cây lược cho một người bạn. Cốt truyện tuy ngắn gọn nhưng lại chất chứa đầy nỗi niềm xúc động.

Sau bao năm tháng mong chờ, đau khổ, ông Sáu đã được đón nhận một niềm vui vô bờ khi bé Thu gọi tiếng “Ba”. Ông trở lại khu căn cứ với một yên tâm lớn rằng ở quê nhà có một đứa con gái thân yêu luôn chờ đợi ông, từng giây từng phút mong ông quay về. Tình cảm của ông Sáu dành cho bé Thu trở nên mãnh liệt hơn, cao cả, thiêng liêng và cảm động hơn bao giờ hết là việc ông tự tay làm chiếc lược ngà cho con.

Ba về! Ba mua một cây lược cho con nghe ba!”- lời nói vô tư của trẻ con ấy lại khiến ông khắc cốt ghi tâm. Đó là mong ước đơn sơ của đứa con gái bé bỏng trong giây phút cha con tạm biệt. Nhưng đối với người cha ấy, đó là mong ước đầu tiên và cũng là duy nhất cho nên nó cứ thôi thúc trong lòng. Ao ước của con dần dần cũng trở thành ước nguyện của ông. Kiếm cho con cây lược trở thành bổn phận của người cha, thành tiếng gọi cầu khẩn của tình phụ tử trong lòng. Ông bật dậy như bỗng loé lên một sáng kiến lớn: làm cây lược cho con bằng ngà voi. Có lẽ không đơn thuần vì ở rừng rú chiến khu, ông không thể mua được cây lược nên làm lược từ ngà voi là một cách khắc phục khó khăn. Mà cao hơn thế, sâu hơn thế, ngà voi là thứ quí hiếm - chiếc lược cho con của ông phải được làm bằng thứ quý gía ấy. Và ông không muốn mua, mà muốn tự tay mình làm ra. Ông sẽ đặt vào trong đấy tất cả tình yêu thương con của mình. Ông quả là một người cha chiều con và luôn biết giữ lời hứa với con, đó là biểu hiện tình cảm trong sáng và rất sâu nặng. Kiếm được ngà voi, mặt ông “hớn hở như một đứa trẻ được quà”. Vậy đấy, khi người ta hoá thành con trẻ lại chính là lúc người ta đang hiện lên cái tư cách người cha cao quý của mình.

Tình cảm sâu sắc của người cha dành cho con được thể hiện ngay trong việc làm cho con cây lược. Những lúc rỗi, ông “ngồi cưa từng chiếc răng lược, thận trọng tỉ mỉ và khổ công như người thợ bạc”. Làm chiếc lược cho con đúng là một cuộc hành trình, bởi người cha chiến sĩ ấy vừa đối mặt với đạn bom, với đói rét, hiểm nguy, lại vừa tỉ mỉ mài từng chiếc răng lược. Trong từng chiếc răng lược có nỗi nhớ thương con, có sự ân hận vì đã đánh con, có niềm mong đợi ngày trở về. Bụi ngà mỗi ngày rơi một nhiều làm người đồng đội cũng cảm thấy vui cho ông. Trên sống lưng cây lược, ông đã tẩn mẩn khắc một dòng chữ nhỏ: “Yêu nhớ tặng Thu con của ba”. Dòng chữ nhỏ mà chứa bao tình cảm lớn lao. Chiếc lược xét về vật chất không đáng giá nhưng xét về tình cảm tinh thần thì nó vô cùng quý giá không gì có thể thay thế được bởi vì nó được làm từ tình yêu thương vô bờ bến của người cha dành riêng cho con. Hình ảnh ông ngồi khắc chữ lên chiếc lược có lẽ là hình ảnh đẹp tuyệt vời nhất của mẩu truyện.

Việc làm chiếc lược vừa là cách ông giải tỏa tâm trạng mong nhớ, ân hận vừa là cách gửi vào đó những yêu thương khao khát cháy bỏng dành cho đứa con gái yêu của mình. Chiếc lược ngà giờ đây đã trở thành một vật quí giá thiêng liêng với ông Sáu. Nó làm dịu đi nỗi ân hận và chứa đựng bao nhiêu tình cảm yêu mến, nhớ thương, mong đợi của của người cha đối với đứa con xa cách. Cây lược ấy chưa chải được mái tóc của con nhưng nó như gỡ rối được phần nào tâm trạng của ông. Những lúc nhớ con, ông “lấy cây lược ra ngắm nghía rồi mài lên tóc cho cây lược thêm bóng thêm mượt”. Lòng yêu con đã biến người chiến sĩ trở thành một nghệ nhân - nghệ nhân chỉ sáng tạo ra một tác phẩm duy nhất trong đời. Ông gửi vào đó bao lời nhắn nhủ thiêng liêng, gửi vào đó bao nỗi nhớ mong con. Chiếc lược ngà là kết tinh tình phụ tử mộc mạc mà đằm thắm, đơn sơ mà diệu kì, là hiện hữu của tình cha con bất hủ giữa ông Sáu và bé Thu. Tình thương ông dành cho con cháy bỏng, như một dòng sông chảy mãi từ suối nguồn, như dòng máu chảy sâu vào tim ông, vào tâm hồn ông đến phút cuối vẫn bùng cháy chẳng nguôi.

Làm được cây lược cho con, ông Sáu mong được gặp con, được tận tay chải mái tóc con. Nhưng rồi, một tình cảnh đau thương lại đến với cha con ông Sáu: trong một trận càn lớn của quân Mỹ ngụy, ông Sáu bị một viên đạn bắn vào ngực và ông đã hi sinh. “Trong giờ phút cuối cùng, không còn đủ sức trăng trối lại điều gì, hình như chỉ có tình cha con là không thể chết được”, tất cả tàn lực cuối cùng chỉ còn cho ông làm một việc “đưa tay vào túi, móc cây lược” đưa cho người bạn chiến đấu. Đó là điều trăng trối không lời nhưng nó thiêng liêng hơn cả những lời di chúc. Nó là sự ủy thác, là ước nguyện cuối cùng, ước nguyện của tình phụ tử. Lời kể như nấc nghẹn, người cha đã không thể thực hiện trọn vẹn lời hứa với con – trở về và trao cho con cây lược. Chiếc lược ngà như là biểu tượng của tình thương yêu, săn sóc của người cha dành cho con gái, cho dù đến khi không còn nữa anh chưa một lần được chải tóc cho con. Người kể chuyện, đồng đội của ông Sáu đã bộc lộ một sự đồng cảm và xúc động thực sự khi kể lại câu chuyện. Có lẽ, không ai hiểu nhau hơn những người đồng đội, gần nhau hơn những người đồng đội. Cho nên, sau này, khi trao tận tay Thu chiếc lược, giữa Thu và người đồng đội của cha mình nảy nở một tình cảm giống như tình cha con.

Những dòng cuối cùng của đoạn trích khép lại trong nỗi buồn mênh mang mà chứa chan ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Chiến tranh là hiện thực đau xót của nhân loại. Chiến tranh đã làm cho con người phải xa nhau, chiến tranh làm khuôn mặt ông Sáu biến dạng, chiến tranh khiến cuộc gặp gỡ của hai cha con vô cùng éo le,bị thử thách,rồi một lần nữa chiến tranh lại khắc nghiệt để ông Sáu chưa kịp trao chiếc lược ngà đến tận tay cho con mà đã phải hi sinh trên chiến trường. Nhưng những đau thương mất mát mà chiến tranh tàn bạo gây ra không thể nào giết chết những tình cảm đẹp đẽ của con người Việt Nam. “Chiếc lược ngà” như một truyện cổ tích hiện đại dẫn người đọc dõi theo số phận của nhân vật. Người còn, người mất nhưng kỉ vật gạch nối giữa cái mất mát và sự tồn tại là chiếc lược ngà nói với chúng ta nhiều điều về tình người, tình đồng chí, tình cha con. Cảm động nhất, để lại ấn tượng nhiều nhất cho người đọc là tình phụ tử thiêng liêng, sâu đậm – tình yêu thương mà ông Sáu dành cho đứa con gái.

Người đọc đã không thể cầm được nước mắt khi nghe tiếng khóc thét của đứa con gọi cha buổi chia tay hồi nào, giờ bỗng không thể cầm lòng khi chứng kiến cái cử chỉ cầm cây lược và ánh mắt nhìn của người cha vào giây phút lâm trung. Từng có bao nhiêu áng văn nói về tình mẹ cực kì xúc động nhưng có lẽ đây là một trang văn rất hiếm hoi mô tả đến tận cùng sâu thẳm trái tim yêu thương của người cha dành cho con.

Có thể nói nhân vật ông Sáu được nhà văn xây dựng bằng những nét nghệ thuật đặc sắc. Nguyễn Quang Sáng đã đặt nhân vật vào cảnh ngộ éo le của đời sống để từ đó ngòi bút miêu tả tâm lí tinh tế đã phát hiện bao cung bậc cảm xúc của tình phụ tử. Ngoài ra, ngôn ngữ kể chuyện vừa truyền cảm, vừa mang đậm chất địa phương Nam Bộ đem đến cho người đọc nhiều xúc động. Đặc biệt, nhà văn đã lựa chọn được một số chi tiết nghệ thuật rất đắt giá như lời dặn mua cho con cây lược của bé Thu,ông Sáu hớn hở khi kiếm được chiếc ngà voi… Tất cả đã góp phần tô đậm vẻ đẹp của người chiến sĩ Cách mạng, của người cha yêu con nồng thắm.

Ông Sáu là đại diện tiêu biểu về một người chiến sĩ anh dũng đồng thời còn là một người cha có tình yêu thương con vô bờ bến. Qua tác phẩm, em nhận ra tình cha con thiêng liêng sâu sắc biết nhường nào. Tình phụ tử cũng như những tình cảm gia đình khác đều trở thành mạch nguồn của tình yêu quê hương đất nước. Hình ảnh ông Sáu gợi nhắc cho em câu ca dao ngàn đời:

“Công cha như núi Thái Sơn

Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.”

“Nghĩa mẹ”, “công cha” là thế đó. Cha lúc nào cũng vẫn là cha, là nguồn sức mạnh tinh thần vô biên cho con cái. Dù ở bất cứ hoàn cảnh nào, thời điểm nào cha vẫn là điểm tựa cho con, đều yêu thương con cái dạt dào sâu sắc. Họ cũng sãn sàng hy sinh vì con cái, họ cũng quặn trong lòng cùng nỗi đau của  con cái. Càng ở trong cảnh ngộ khó khăn thì tình cha con càng được tỏa sáng, thiêng liêng và cao quý. Ông Sáu giúp em nhận ra tầm quan trọng của cha trong cuộc đời mình. Cha chính là chỗ dựa tinh thần; là người định hướng tương lai; là người luyện tập cho em những kĩ năng đầu tiên để trở thành một con người bản lĩnh; là người rèn luyện cho em ý chí và nghị lực để khi vấp ngã có thể tự mình đứng dậy; là người tập cho em tính tự tin khi đứng trước đám đông , tập cho em tính tự lập từ khi còn bé,giúp em vững tin bước vào đời.

Đường đời thường nhiều gian truân, giữa cha và con đừng tạo cho nhau thêm những khoảng cách về vật chất lẫn tinh thần, vì thế em sẽ cố gắng yêu thương họ, để thấy rõ hơn được công sức mà cha đã bỏ ra để thực hiện tốt vai trò của một người cha tốt trong gia đình. Em lưu giữ trong trái tim mình hình ảnh một người cha, trân trọng tình yêu và sự hi sinh vô điều kiện mà cha đã dành cho mình và biết phải nâng niu hơn hạnh phúc gia đình mình đang có… Em phải nỗ lực học tập, rèn luyện đạo đức, tu bổ bản thân của mình thật tốt, trở thành người tốt để cha mẹ được vui lòng. Em sẽ cố gắng giúp đỡ cha mẹ những công việc trong khả năng của mình, không làm cho cha mẹ phiền lòng, nghĩ ngợi về mình.

“Chiếc lược ngà” của Nguyễn Quang Sáng là áng văn bất hủ ca ngợi tình phụ tử giản dị mà thiêng liêng, với những con người giàu tình cảm và đẹp đẽ. Tác phẩm là xây dựng được hình tượng người cha mẫu mực. Trong mỗi tình cảnh éo le, tình cha con càng thắm thiết, sâu nặng, để lại trong lòng người đọc những xúc động sâu xa, những giá trị nhân bản đẹp đẽ, cao cả, thiêng liêng biết mấy. Vì thế mà ta càng quí trọng cuộc sống mình có ngày hôm nay, quí trọng tình cha cao thượng và vĩ đại. Vòng đời ngắn ngủi lắm, đừng mãi sống ích kỉ - chỉ biết nhận tình cảm yêu thương từ cha mẹ mà chẳng bao giờ đền đáp lại. Nếu bạn còn cha, và một người cha đúng nghĩa thì hãy cảm ơn thượng đế vì bạn đã được sinh ra trong cuộc sống này!

 

 

Thứ Tư, 31 tháng 5, 2023

Nhân vật anh thanh niên_vẻ đẹp của lao động

 

Đề. Hãy chọn phân tích một đoạn thơ hay một nhân vật truyện giúp em cảm nhận được vẻ đẹp của lao động. Trình bày những tác động của đoạn thơ hay nhân vật truyện đó đối với bản thân em.

Bài làm

Có những trang sách đi suốt đời vẫn nhớ. Có những tác phẩm vẫn tồn tại bền bỉ tựa dòng suối chảy mãi trong tâm hồn bao thế hệ hôm qua, hôm nay và ngày mai. “Lặng lẽ Sa pa” chính là một trong số đó. Trong tác phẩm là một thế giới được nhà văn phác họa một cách nhẹ nhàng mà lắng đọng, đẹp đẽ mà không khoa trương, giản dị mà chẳng kém phần tinh tế. Nguyễn Thành Long đã dẫn lối ta đến với xứ sở của những con người lao động miệt mài mà thầm lặng. Nhân vật anh thanh niên chính là biểu tượng cho phẩm chất và con người lao động ở miền đất ấy.

Nguyễn Thành Long là một trong những cây bút văn xuôi đáng chú ý trong những năm 60 – 70, chỉ chuyên viết về truyện ngắn và kí. “Lặng lẽ Sa Pa” là một truyện ngắn nhẹ nhàng có cốt truyện đơn giản nhưng thật thú vị và ẩn chứa bên trong nhiều ý vị sâu sắc. Tác phẩm như một bài thơ về vẻ đẹp trong cách sống và suy nghĩ của những con người lao động bình thường mà cao cả, những con người đầy quan tâm, đầy trách nhiệm đối với đất nước mà tiêu biểu là anh thanh niên làm công tác quan trắc khí tượng. Nhân vật anh thanh niên chỉ hiện ra trong chốc lát nhưng vẫn là điểm sáng nổi bật nhất của bức tranh về phẩm chất và tâm hồn tốt đẹp của con người mới trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc mà tác giả tập trung thể hiện. Anh hiện ra qua cái nhìn và sự cảm nhận của các nhân vật khác, đặc biệt là ông họa sĩ già và anh cũng tự bộc lộ qua cuộc gặp gỡ ngắn ngủi với mọi người.

Anh thanh niên là một chàng trai 27 tuổi, cái tuổi sôi nổi, yêu đời và khát khao được cống hiến cho đời. Quanh năm suốt tháng, anh sống một mình trên đỉnh núi cao, giữa cỏ cây và mây mù lạnh lẽo. Tác giả giới thiệu anh qua lời của bác lái xe: “Anh thanh niên hai mươi bảy tuổi, người cô độc nhất thế gian, một mình trên trạm khí tượng ở đỉnh cao hai ngàn sáu trăm mét, rất “thèm người”… “Thử thách lớn nhất đối với chàng trai trẻ ấy chính là sự cô độc. Sống đơn độc nơi rừng núi mà làm việc thì không phải là chuyện dễ dàng. Biết bao vất vả, gian lao rình rập, thiếu thốn vật chất...”. Hơn nữa lại phải làm việc trong điều kiện khắc nghiệt. Công việc của anh là đo gió, đo mưa, tích mây, đo chấn động mặt đất góp phần vào việc dự báo thời tiết hàng ngày, phục vụ sản xuất và chiến đấu. Gian khổ nhất là vào lúc một giờ sáng, dù mưa gió, tuyết lạnh thế nào cũng phải trở dậy ra ngoài làm việc. Đó là công việc đòi hỏi sự tỉ mỉ, chính xác, kiên nhẫn và có tinh thần trách nghiệm cao. Quả thực, điều kiện sống và làm việc đó là một thử thách lớn đối với tuổi trẻ vốn sung sức và khát khao hành động. Nhưng anh vẫn vượt qua được. Chính hoàn cảnh sống đặc biệt ấy lại là “chiếc đòn bẩy” nâng tầm cho ý chí sắt đá, nghị lực phi thường của anh thanh niên được nổi bật và neo giữ mãi trong trái tim người đọc.

Anh thanh niên là một người nhiệt thành, yêu nghề và có tinh thần trách nhiệm cao. Anh tự nguyện chấp nhận sống trên đỉnh núi cao vời vợi, thiếu vắng thanh âm của con người và phải một mình chống chọi, vượt qua sự khắc nghiệt của thời tiết. Không ai có thể bắt buộc anh lên cái nơi “khỉ ho cò gáy” này để làm việc và cống hiến. Trong khi bao nhiêu người sau khi ra trường đã cố chạy chọt tìm bằng được một nơi làm việc giữa thủ đô thì anh đã khoác ba lô vui vẻ vượt suối băng rừng để lên công tác ở nơi này. Anh tự nguyện lên đây không phải do sự bốc đồng nhất thời mà là cả một sự nhận thức chín chắn, đúng đắn, sâu sắc nhất. Anh thanh niên, một cán bộ vật lý kiêm khí tượng địa cầu, đã sẵn sàng đi đến bất cứ nơi nào để có thể phát huy tài năng và thực hiện ước mơ của mình. Anh yêu và say mê công việc đến nổi khi người ta còn ái ngại cho cuộc sống ở độ cao 2600m của anh thì anh lại mơ ước được làm việc trên đỉnh Phan-xi-băng cao đến 3142m. Bởi với anh “làm khí tượng ở độ cao thế mới là lí tưởng”. Đó là ước vọng được vươn cao hơn trong công việc để đạt được mục đích tốt đẹp nhất.

Cũng chính vì yêu tha thiết công việc nên ở anh còn có những hành động đầy trách nhiệm. Dẫu làm việc một mình, chẳng có ai đôn đốc hay giám sát, anh vẫn luôn tự giác, nghiêm túc và tận tụy với nghề. Công việc của anh ở nơi đây thật là vất vả và đơn điệu, phải lặp đi lặp lại những con số nhưng anh không cảm thấy nhàm chán. Công việc của anh từng phút, từng giờ anh làm bạn với đủ loại máy móc đòi hỏi phải tỉ mỉ, chính xác và có tinh thần trách nhiệm cao. Và anh đã lập ra một thời gian biểu để thực hiện nó một cách nghiêm ngặt. Đây là lời anh tâm sự với ông hoạ sĩ già: “Gian khổ nhất là lần ghi bão về lúc một giờ sáng. Rét, bác ạ. Ở đây có cả mưa tuyết đấy. Nửa đêm đang nằm trong chăn nghe chuông đồng hồ chỉ muốn đưa tay tắt đi. Chui ra khỏi chăn, ngọn đèn báo bão vặn to đến cỡ nào vẫn không đủ sáng. Xách đèn ra vườn, gió tuyết và im lặng ở bên ngoài như chỉ chực đợi mình ra là ào ào xô tới…” Qua lời anh nói ta có thể hình dung được bao nhiêu vất vả, khó khăn mà anh đã chịu đựng. Anh có thể nằm ở trong nhà, lấy số liệu cũ mà gọi bộ đàm về để báo cáo. Nhưng anh không làm điều đó. Có là ngày hay đêm, mưa tuyết hay rét lạnh, anh thanh niên vẫn chẳng nề hà vất vả, không bỏ qua bất kỳ một giờ “ốp” nào. Anh luôn cố gắng hoàn thành xuất sắc công việc của mình với tác phong khoa học, nghiêm túc và chính xác.Nói sao hết những niềm vui mừng, hạnh phúc, sung sướng, tự hào về công việc của anh.Chính từ niềm vui trong công việc, anh càng cảm thấy yêu đời, yêu công việc của mình hơn bao giờ hết.

Anh còn có những chiêm nghiệm đúng đắn và sâu sắc về mối liên kết giữa công việc với con người. Với anh, công việc như một người bạn tri âm tri kỉ song hành cùng ta đi qua những nốt thăng trầm: “Khi ta làm việc, ta với công việc là đôi, sao gọi là một mình được”. Anh đâu xem công việc của mình là những nhiệm vụ khô khan và nhạt nhẽo. Công việc với anh là lí tưởng, là nguồn vui, dẫu nó thật gian khổ, thật cô độc nhưng “cất nó đi cháu buồn chết mất”. Chan chứa trong những câu nói ấy là biết bao tình yêu, bao nỗi niềm say mê của người thanh niên trẻ. Anh còn tìm ra ý nghĩa của công việc thầm lặng ấy. Anh hiểu rằng công việc của mình gắn bó với biết bao tâm sức của những anh em đồng chí dưới kia, là mắt xích quan trọng trong sự nghiệp “phục vụ sản xuất, phục vụ chiến đấu”. Những suy nghĩ ấy chỉ có ở những con người yêu lao động, yêu công việc của mình dù nó thật khó khăn, đơn điệu và buồn tẻ. Công việc là niềm vui, là cuộc sống của anh. Động cơ làm việc vì nhân dân, vì Tổ quốc đã khiến bức chân dung về anh thanh niên hiện lên thật cao cả và đẹp đẽ.

Anh thanh niên còn đẹp ở cách sống có lý tưởng, có suy nghĩ tích cực. Anh tự mình tìm lời giải đáp cho những câu hỏi quan trọng “Mình sinh ra là gì, mình đẻ ra ở đâu, mình vì ai mà làm việc?”. Những câu hỏi cho anh biết giá trị của bản thân và ý nghĩa của cuộc sống. Nhận thức đó cho thấy anh trẻ nhưng không hời hợt. Anh sống một mình nhưng không cô đơn vì lúc nào trong tư tưởng của anh mục đích sống, lẽ sống vẫn luôn luôn tồn tại và nhắc nhở.Anh rất “thèm” người, nhưng không phải là “nỗi nhớ phồn hoa đô thị”. Anh hiểu sự cống hiến của mình và nó sợ dây để gắn kết anh với mọi người xung quanh anh. Đối với anh, hạnh phúc là khi được cống hiến, tận tụy với công việc. Chính vì tất cả những điều trên mà cuộc sống của người thanh niên ấy giữa núi cao mây mù vẫn không buồn tẻ. Anh đã dồn tất cả thời gian, tâm sức mình cho nhiệm vụ. Sự say mê công việc đã giúp anh không cảm thấy cô đơn.Hạnh phúc không phải là khi cuộc sống đầy đủ về vật chất mà là khi ta làm được những điều có ích. Khi biết một lần tình cờ phát hiện ra một đám mây khô mà không quân ta hạ được bao nhiêu là phản lực Mĩ trên cầu Hàm Rồng, anh thấy mình “thật hạnh phúc”. Hạnh phúc đối với anh thật ý nghĩa biết bao khi anh cảm thấy mình đã góp phần vào thắng lợi của đất nước trong kháng chiến chống Mĩ. Có lẽ, chính những suy nghĩ với thái độ sống tích cực ấy đã khiến anh vượt qua khó khăn trong hoàn cảnh sống và công việc của mình mà hướng tới cuộc sống đẹp và ý nghĩa hơn. Qua lời kể hồn nhiên, chân thành của người thanh niên, tác giả Nguyễn Thành Long đã giúp người đọc cảm nhận được những suy nghĩ đẹp và đúng đắn của anh thanh niên cũng như của những người lao động ở Sa Pa. Những suy nghĩ đẹp ấy khiến anh thêm yêu cuộc sống và con người xung quanh, “thấy cuộc đời đẹp quá!”, giúp anh có thêm nghị lực để sống một cuộc sống đẹp, đầy ý nghĩa, gắn bó với mọi người dù một mình đơn độc làm việc trên núi cao.

Anh thanh niên còn có phong cách sống rất đẹp. Ở anh toát lên lối sống giản dị, lạc quan và yêu đời. Tuy được ví như “người cô độc nhất thế gian”, tuy phải sống một mình trong điều kiện thiếu thốn trăm bề nhưng anh thanh niên không hề buông thả bản thân hay cảm thấy chán nản và buồn tẻ. Anh tự tạo ra âm hưởng của niềm vui trong bản hòa tấu mang tên “Cuộc sống” của riêng anh. Anh tổ chức cuộc sống của mình ở trạm khí tượng thật ngăn nắp, phong phú cả vật chất và tinh thần, một cuộc sống chủ động, làm chủ mình và có ích cho đời. Anh biết sống cho sự nghiệp chung lớn lao và cũng biết sống cho riêng mình. Anh trọng cái đẹp: anh trồng hoa, một vườn hoa đầy mầu sắc. Anh thanh niên đã chấm phá cho ngôi nhà nhỏ của mình bao sắc màu ấm áp và rạng ngời. Anh còn nuôi gà, nuôi ong để làm phong phú nguồn lương thực và làm những món quà nho nhỏ gửi trao những vị khách hiếm hoi. Anh còn đọc sách ngoài những giờ làm việc. Sách đã trở thành người bạn thân thiết của anh. Khi bác lái xe đưa gói sách cho anh, anh “mừng quýnh” như cầm được vàng. Anh nói với cô gái: “Cô thấy đấy, lúc nào tôi cũng có người trò chuyện. Nghĩa là sách ấy mà. Mỗi người viết một vẻ”. Anh tự lo liệu xoay sở đẻ thường xuyên có sách đọc. Sách không chỉ giúp anh nâng cao hiểu biết, nâng cao kiến thức, sách còn giúp anh khuây khoả trong những phút giây rảnh rỗi. Những giọt nắng ấm nóng của tinh thần lạc quan đã sưởi ấm cõi lòng anh trong khí trời lạnh lẽo và thoáng đãng của thiên nhiên Sapa. Chính tình yêu tha thiết dành cho cuộc đời đã trở thành điểm tựa vững bền giúp anh chủ động bước tiếp về phía trước, vượt qua hết thảy những gian truân, vất vả của hoàn cảnh sống đặc biệt. Từ ấy, anh tìm được niềm vui, hạnh phúc và ý nghĩa trong những điều nhỏ nhặt...

Anh thanh niên còn là một con người rất đáng mến ở sự cởi mở, chân thành với mọi người. Tâm hồn anh vẫn luôn gần gũi, vẫn ấm nóng, chân thành, cởi mở và hiếu khách biết chừng nào. Anh luôn khao khát được gặp gỡ, trò chuyện với những người khác. Anh “thèm người”, “thèm nghe chuyện dưới xuôi” và khao khát được bên người, được cùng người trao nhau ánh mặt và chuyện trò cùng người. Chính vì lẽ đó, anh liền bày kế lấy những khúc thân cây chắn ngang đường để dừng lại những chiếc xe hiếm hoi. Niềm hưng phấn khi được chào đón những vị khách cứ dào dạt trong anh, toát lên qua “nét mặt rạng rỡ”. Phải chăng vì đã lâu không được gặp người nên anh cứ luống cuống cả lên chẳng kiềm được cảm xúc rồi cứ tất tả chạy ngược chạy xuôi.

Anh gửi trao những quan tâm chân thành và chu đáo đến mọi người. Chỉ thoáng nghe qua lời kể từ bác lái xe rằng bác gái vừa ốm dậy, anh đã chủ động đi đào củ tâm thất một cách âm thầm để biếu bác dẫu chẳng có ai nhờ cậy anh làm. Đâu chỉ dừng lại ở đó, anh thanh niên còn vô cùng thân thiện, cởi mở với những người chỉ mới gặp lần đâu. Anh niềm nở tiếp đón bác hoạ sĩ cùng cô kĩ sư lên thăm nhà. Bó hoa cho cô gái vào lần đầu gặp gỡ, nước chè cho ông hoạ sĩ già và làn trứng ăn dọc đường cho hai bác cháu.Anh hồ hởi và thích giao tiếp, anh nói “những điều đáng lẽ người ta chỉ nghĩ. Cũng là những điều ta ít nghĩ”.

Anh hồn nhiên kể về công việc, về những người đồng nghiệp và cuộc sống thường nhật của anh. Với anh thanh niên, từng khoảnh khắc tít tắc trôi qua được trò chuyện với những người mà anh chỉ mới gặp thôi cũng thật quý giá biết bao. Khoảnh khắc ấy, anh thổ lộ những điều bám rễ trong lòng mà rất lâu rồi anh mới có dịp tâm sự cùng người. Bởi thế, anh cứ đếm từng giây từng phút trôi qua và lo sợ sẽ hoài phí 30 phút gặp gỡ ngắn ngủi mà quý giá. Sự cởi mở, những lời tâm sự chân thành của anh thanh niên đã giúp xóa bỏ khoảng cách với người anh tiếp xúc, tạo mối tâm giao đầy thân tình, cảm động. Thái độ vui vẻ, niềm nở, hiếu khách của anh cũng đã để lại trong lòng mọi người những ấn tượng khó quên.

Thế nhưng, anh lại rất khiêm tốn. Công việc của anh thanh niên có vị trí quan trọng trong sự nghiệp chuyển mình của đất nước. Anh rất thành thực cảm thấy những điều anh làm thật nhỏ bé biết bao so với người khác. Anh chỉ dành 5 phút ngắn ngủi để nói về bản thân, về công việc và cuộc sống của anh. Tác giả như muốn nhấn mạnh sự chênh lệnh về thời gian để làm nổi bật phẩm chất khiêm tốn của anh. Khi ông hoạ sĩ muốn vẽ kí họa về anh, anh thật tình bối rối, cảm thấy bản thân không có gì đáng để một họa sĩ ghi lại: “Không, không, đừng vẽ cháu! Để cháu giới thiệu với bác những người khác đáng để bác vẽ hơn”. Đó là ông kĩ sư vườn rau ngày đêm miệt mài và kiên nhẫn để đem đến cho nhân dân xứ Bắc những củ su hào ngon ngọt và to hơn. Đó là đồng chí nghiên cứu bản đồ sét quanh năm suốt tháng bám trụ nơi cơ quan và luôn giữ vững tư thế sẵn sàng trong công việc. Anh thấm thía cái nghĩa, cái tình của xứ sở Sa pa, thấm thía sự hi sinh của “những nốt nhạc trầm” trong bài ca lao động.

“Lặng lẽ Sa Pa” đã đạt được nhiều thành công trong phương diện nghệ thuật. Cốt truyện đơn giản không có những thanh âm kịch tính, hối hả. Tác phẩm như dòng suối tĩnh lặng, nhẹ nhàng chảy trôi vào đời, đi qua những ngõ ngách trong trái tim người đọc và cứ thế lắng đọng nơi sâu thẳm cõi lòng. Cách xây dựng tình huống truyện hợp lí, tự nhiên, độc đáo và đặc sắc, đó là cuộc gặp gỡ bất ngờ của những nhân vật. Trong 30 phút ngắn ngủi ấy, tác giả đã thật tài tình khi vận dụng cách kể chuyện giản dị, cách miêu tả con người và cảnh vật dưới nhiều điểm nhìn. Thành công nổi bật của tác phẩm là việc chung hòa giữa tự sự, bình luận và trữ tình. Với ngôn ngữ đậm chất hội hoạ, thiên truyện có dáng dấp như một bài thơ. Khiến ta ngây ngất trong chất men say trữ tình lãng mạn của một thiên nhiên nên thơ đến những con người làm việc lặng lẽ, quên mình vì Tổ quốc. Hạnh phúc với anh là được làm việc, được cống hiến cho đất nước. Hạnh phúc khi ấy đã vượt ra ngoài biên giới của nó, không chỉ bó hẹp trong từng cá nhân mà lan tỏa đến những người khác, có ý nghĩa với nhiều người.

Nhân vật anh thanh niên giúp em hiểu thêm nét đẹp ở những con người lao động ở chốn Sa Pa.- Đó là hình ảnh những con người lao động mới với phong cách sống đẹp, suy nghĩ đẹp, sống có lý tưởng, quên mình vì cuộc sống chung, vô tư, lặng thầm, cống hiến hết mình cho đất nước, say mê, miệt mài, khẩn trương làm việc. Anh thanh niên giúp em nhận thức rõ:“Lao động là đôi cánh của ước mơ, là cội nguồn của niềm vui và sáng tạo”(M. Gorki). Cuộc sống không có ước mơ là cuộc sống vô vị. Và lao động là cách nhanh nhất để chúng ta khẳng định bản thân, tạo ra những thành tựu và chạm đến ước mơ. Lao động là môi trường giúp con người dần trưởng thành, tích lũy được kinh nghiệm sống, rèn luyện nhân cách và những phẩm chất tốt đẹp như đức tính kiên trì, tinh thần ham học hỏi…. Anh thanh niên tìm thấy niềm vui trong cuộc sống thông qua lao động như nhắc nhở em và các bạn trẻ hôm nay để có thể đi đến ước mơ của mình đều phụ thuộc vào quá trình làm việc hôm nay, phấn đấu không ngừng nghỉ và vượt qua mọi khó khăn. Chỉ khi có được niềm vui, khi làm việc mới có thể sáng tạo nhiều điều mới mẻ giúp ích cho bản thân, góp phần cho sự phát triển của xã hội. Có lao động chúng ta mới có điều kiện phát huy khả năng của bản thân, nâng cánh cho những ước mơ bay cao, bay xa.

Tâm hồn và những việc làm của anh thanh niên trong truyện đã gieo vào lòng em nhiều tình cảm, thôi thúc em muốn cống hiến, muốn làm gì đó có ích cho xã hội như như một nhà thơ đã nói: “Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình”. Em sẽ cần cù lao động và thực hiện những mục tiêu mà bản thân đề ra để cuộc sống tốt đẹp ngay từ hôm nay. Em sẽ tự giác và chủ động trong học tập và làm việc, có kế hoạch học tập rõ ràng, phân bổ thời gian hợp lý cho các môn học và các hoạt động khác, tự hoàn thành bài tập, không sao chép hay nhờ vả người khác. Tham gia tích cực vào các hoạt động lao động vật chất như dọn dẹp lớp học, trồng cây, gây giống… để rèn luyện sức khỏe và kỹ năng thực hành. Em sẽ rèn cho mình tính kiên trì và nỗ lực trong mọi công việc, không bỏ cuộc khi gặp khó khăn hay thất bại không ngại khó khăn vì đi qua ngày bão sẽ là ngày nắng đẹp.

Thế đấy, trong cái “lặng lẽ” của Sa Pa trên đỉnh Yên Sơn bốn mùa mây phủ mấy ai biết được có một chàng trai đang sống, đang âm thầm làm việc. Người cán bộ trẻ ấy được Nguyễn Thành Long xây dựng khá sắc nét với những đặc điểm, suy nghĩ, hành động tích cực, một mẫu người của một giai đoạn lịch sử có nhiều gian khổ hi sinh nhưng cũng thật trong sáng, đẹp đẽ. Những trang viết của Nguyễn Thành Long khiến ta thêm yêu con người và cuộc sống, thấy được trách nhiệm của mình với sự nghiệp chung của đất nước.