Thứ Tư, 28 tháng 4, 2021

Giọt nước mắt tủi nhục đắng cay khi bị chồng nghi oan của Vũ Nương trong đoạn trích:


 



Tính chàng hay ghen, nghe con nói vậy, đinh ninh là vợ hư, mối nghi ngờ ngày càng sâu, không có gì gỡ ra được.Về đến nhà, chàng la um lên cho hả giận. Vợ chàng khóc mà rằng:

- Thiếp vốn con kẻ khó, được nương tựa nhà giàu. Sum hợp chưa thoả tình chăn gối, chia phôi vì động việc lửa binh. Cách biệt ba năm giữ gìn một tiết. Tô son điểm phấn từng đã nguôi lòng, ngõ liễu tường hoa chưa hề bén gót. Đâu có sự mất nết hư thân như lời chàng nói. Dám xin bày tỏ để cởi mối nghi ngờ. Mong chàng đừng một mực nghi oan cho thiếp.

Chàng vẫn không tin. Nhưng nàng hỏi chuyện kia do ai nói ra, thì lại giấu không kể lời con nói; chỉ lấy chuyện bóng gió này nọ mà mắng nhiếc nàng, và đánh đuổi đi. Họ hàng làng xóm bênh vực và biện bạch cho nàng, cũng chẳng ăn thua gì cả. Nàng bất đắc dĩ nói:

- Thiếp sở dĩ nương tựa vào chàng vì có cái thú vui nghi gia nghi thất. Nay đã bình rơi trâm gãy, mây tạnh mưa tan, sen rũ trong ao, liễu tàn trước gió; khóc tuyết bông hoa rụng cuống, kêu xuân cái én lìa đàn, nước thẳm buồm xa, đâu còn có thể lại lên núi Vọng Phu kia nữa.

Đoạn rồi nàng tắm gội sạch, ra bến Hoàng Giang ngửa mặt lên trời mà than rằng:

- Kẻ bạc mệnh này duyên phận hẩm hiu, chồng con rẫy bỏ, điều đâu bay buộc, tiếng chịu nhuốc nhơ, thần sông có linh, xin ngài chứng giám. Thiếp nếu đoan trang giữ tiết, trinh bạch gìn lòng, vào nước xin làm ngọc Mỵ Nương, xuống đất xin làm cỏ Ngu mĩ. Nhược bằng lòng chim dạ cá, lừa chồng dối con, dưới xin làm mồi cho cá tôm, trên xin làm cơm cho diều quạ, và xin chịu khắp mọi người phỉ nhổ.

Nói xong nàng gieo mình xuống sông mà chết.

(Chuyện người con gái Nam Xương, Nguyễn Dữ)

Hình ảnh người phụ nữ trong xã hội xưa là đề tài của rất nhiều các tác phẩm văn học trung đại và đó cũng là nguồn cảm hứng trong sự nghiệp văn chương của Nguyễn Dữ. Là nhà văn với trái tim giàu lòng nhân hâu đã viết nên “Chuyện người con gái Nam Xương” để làm nổi bật lên vẻ đẹp của Vũ Nương thông qua bi kịch cuộc đời của chính người phụ nữ này. Nguyễn Dữ, thể hiện tấm lòng trân trọng của mình đối với những vẻ đẹp dung dị, cao cả của người phụ nữ cũng như đồng cảm với những bất hạnh mà cuộc đời họ phải hứng chịu. Ta có thể cảm nhận rõ điều này trong 3 lời thoại của Vũ Nương khi bị chồng nghi oan, đánh đuổi và trước khi trầm mình xuống sông Hoàng Giang của nàng.

“Chuyện người con gái Nam Xương” dựa trên chuyện kể “Vợ chàng Trương” với nhân vật chính là Vũ Nương. Cô là một người phụ nữ đức hạnh, khao khát trong mình một cuộc sống yên bình, hạnh phúc nhưng lại bị lâm vào thảm kịch cuộc đời là người chồng nghi ngờ, vu oan là không giữ đạo làm vợ. Nàng đã tìm hết cách này đến cách khác để chứng minh, giãi bày nhưng tất cả vô nghĩa. Không còn cách nào khác, Vũ Nương đã chọn con đường tự kết liễu đời mình rửa oan cho chính mình.

Truyện ngắn với cách xây dựng cốt truyện tập trung vào nhân vật Vũ Nương. Tạo tình huống đặc sắc, bất ngờ, miêu tả nhân vật thông qua lời nói và hành động để bộc lộ tính cách. Sử dụng các câu văn biền ngẫu mang tính ước lệ cùng với yếu tố hiện thực kết hợp với hoang đường kì ảo. Sự hòa quyện giữa ngôn ngữ nhân vật và ngôn ngữ tác giả, giữa văn xuôi, văn biền ngẫu và thơ ca; lời văn cô đọng, súc tích, chặt chẽ, hài hòa và sinh động đã góp phần khắc họa nhân vật Vũ Nương người phụ nữ đẹp người đẹp nết nhưng có số phận bất hạnh của người phụ nữ trong xã hội phong kiến.

       Ta thấy ở Vũ Nương tập trung những phẩm chất cao quý truyền thống của người phụ nữ Việt Nam. Nàng xứng đáng được hưởng cuộc sống hạnh phúc. Thế nhưng thực tế oan nghiệt đã đẩy nàng vào cảnh ngộ bất hạnh, éo le, oan khuất. Nàng vốn dĩ là một người phụ nữ rất mực thuỷ chung, vậy mà bây giờ đây lại bị nghi oan thất tiết. Chỉ vì lời nói vô tình ngây thơ của con trẻ mà Vũ Nương bị chồng ruồng rẫy, hắt hủi, đánh đập đuổi đi, bị gán cho tội nhục nhã nhất đối với đức hạnh của người phụ nữ.

Khi chồng đi lính về, những tưởng gia đình đoàn tụ, chấm dứt cảnh chia cách thì bé Đản lại không nhận cha và nói những lời ngây thơ của một đứa trẻ con kể lại với Trương Sinh rằng tối nào cha Đản cũng đến, Vũ Nương đi đâu thì người đàn ông đó thì theo và cũng chưa từng bế Đản. Vốn có tính hay ghen, nghe được những lời nói này Trương Sinh đã một mực khẳng định Vũ Nương đã thất tiết. Bởi thế, khi về đến nhà, chàng đã: “la um lên cho hả giận”.

Vũ Nương không hiểu chuyện gì, nàng hết lời phân trần để chồng hiểu rõ tấm lòng mình khi nói đến thân phận mình, tình nghĩa vợ chồng và khẳng định tấm lòng thủy chung trong trăng: “Thiếp vốn con kẻ khó, được nương tựa nhà giàu. Sum hợp chưa thoả tình chăn gối, chia phôi vì động việc lửa binh. Cách biệt ba năm giữ gìn một tiết. Tô son điểm phấn từng đã nguôi lòng, ngõ liễu tường hoa chưa hề bén gót. Đâu có sự mất nết hư thân như lời chàng nói. Dám xin bày tỏ để cởi mối nghi ngờ. Mong chàng đừng một mực nghi oan cho thiếp”. Nàng phân trần để chồng hiểu rõ lòng mình. Nàng đã nói đến thân phận, tình nghĩa vợ chồng, khẳng định tấm lòng thuỷ chung trong trắng, xin chồng đừng nghi oan. Xa chồng, Vũ nương “cách biệt ba năm giữ gìn một tiết” sắt son, chung thủy! Trước sự nghi ngờ vô cớ của chồng, nàng không một câu trách móc, vẫn luôn giữ đúng phụ đạo, nhỏ nhẹ giãi bày, một lòng mong muốn chồng thông hiểu, muốn tìm rõ nguyên nhân. Từ khi về nhà chồng, nàng nhất mực tuân theo những lễ giáo phong kiến “Xuất giá tòng phu”, nàng hết mực chăm lo cho chồng và gia đình nhà chồng, là một người vợ hiền, dâu thảo, một người mẹ đảm đang, yêu con, thương con. Dung, ngôn, hạnh của Vũ Nương đã chứng tỏ nàng thực là một người đàn bà theo đúng chuẩn mực của Nho gia. Nhưng khốn nỗi Trương Sinh không nghe. Nàng cầu xin chồng đừng nghi oan, hết lòng tìm cách hàn gắn hạnh phúc gia đình đang có nguy cơ tan vỡ. Nàng thực sự rất trân trọng hạnh phúc gia đình mà mình đang có và càng làm nổi bật lên niềm khát khát hướng tới hạnh phúc gia đình ấm êm của người phụ nữ giàu lòng tự trọng- Vũ Nương.

Thế nhưng, nàng vẫn bị chồng mình “mắng nhiếc và đánh đuổi”. Trương Sinh chỉ lấy chuyện bóng gió này nọ mà mắng nhiếc nàng, và đánh đuổi đi. Họ hàng làng xóm bênh vực và biện bạch cho nàng, cũng chẳng ăn thua gì cả. Nàng đau đớn thất vọng khi không hiểu sao mình bị nghi oan, bị đối xử bất công: “Thiếp sở dĩ nương tựa vào chàng vì có cái thú vui nghi gia nghi thất. Nay đã bình rơi trâm gãy, mây tạnh mưa tan, sen rũ trong ao, liễu tàn trước gió; khóc tuyết bông hoa rụng cuống, kêu xuân cái én lìa đàn, nước thẳm buồn xa, đầu còn có thể lại lên núi Vọng Phu kia nữa”. Sự tuyệt vọng đến cùng cực khi khao khát của cả đời nàng vun đắp đã tan vỡ. Tình yêu không còn. Cả nỗi đau khổ chờ chồng đến hoá đá như trước đây cũng không còn có thể làm được nữa. Sự chối bỏ của người chồng chính là nỗi bất hạnh lớn nhất của người phụ nữ. Sự chối bỏ ấy minh chứng cho tất cả, sự không tin tưởng, không yêu thương, tin tưởng vợ. Và còn gì đau xót hơn nỗi bất hạnh ấy đối với một người phụ nữ dành cả cuộc đời chăm lo cho chồng con cũng như cả gia đình nhà chồng. Lễ giáo phong kiến với những hủ tục bất công đã khiến người phụ nữ không được coi trọng trong xã hội, đến hạnh phúc cá nhân cũng không được tự do lựa chọn. Sự bất công trong xã hội phong kiến còn được thể hiện ở sự độc đoán của người chồng, toàn quyền quyết định mọi việc trong nhà, nghỉ oan cho vợ nhưng lại không nói thẳng cho vợ, cũng không nghe vợ thanh minh mà cứ vậy đánh đập rồi đuổi vợ đi.

Chồng khăng khăng lên án vợ mà không chịu nghe nàng minh oan lấy một lời. Thái độ khinh bỉ, lời nói nhục mạ và hành động tàn bạo của Trương Sinh khiến nàng phải tìm đến cái chết. Uất ức, tủi nhục, Vũ Nương đã chọn cáỉ chết để khẳng định phẩm giá trong sạch của mình. Trước khi chết, nàng nguyện: “Kẻ bạc mệnh này duyên phận hẩm hiu, chồng con rẫy bỏ, điều đâu bay buộc, tiếng chịu nhuốc nhơ, thần sông có linh, xin ngài chứng giám. Thiếp nếu đoan trang giữ tiết, trinh bạch gìn lòng, vào nước xin làm ngọc Mị Nương, xuống đất xin làm cỏ Ngu Mĩ. Nhược bằng lòng chim dạ cá, lừa chồng dối con, dưới xin làm mồi cho cá tôm, trên xin làm cơm cho diều quạ và xin chịu khắp mọi người phỉ nhố”. Sau cùng, Vũ Nương đã trẫm mình xuống sông tự tử, hành động quyết liệt này thể hiện mong muốn gìn giữ nhân phẩm, đức hạnh và danh dự của người phụ nữ. Lời thoại là một lời than, một lời nguyền xin thần sông chứng giám nỗi oan khuất và tiết hạnh trong sạch của nàng. Lời thoại đã thể hiện nỗi thất vọng đến tột cùng, nỗi đau cùng cực của người phụ nữ phẩm giá nhưng bị nghi oan nên tự đẩy đến chỗ tận cùng là cái chết. Những lời nói cuối cùng của nàng thâu tóm tất cả những ngang trái của một đời phụ nữ: công lao nuôi con, chờ chồng thành vô ích; hạnh phúc gia đình (thú vui nghi gia nghi thất) tan vỡ, tình cảm vợ chồng không còn (bình rơi trâm gãy, mây tạnh mưa tan, sen rũ trong ao, liễu tàn trước gió), cả nỗi đau khổ chờ chồng đến thành hóa đá trước đây cũng không còn có thể làm lại được nữa. Nàng có thể hi sinh tất cả, chịu nhường nhịn vì chồng vì con chứ thà chết không mang nỗi nhục này. Nàng chết đi để lương tâm thanh thản để bản thân trong sạch để không phải hổ thẹn với lòng với người. Những người phụ nữ nhỏ bé, không thể làm chủ cuộc sống của mình mà phải chịu biết bao phong ba bão táp, phó mặc cuộc đời của mình cho người khác. Chi tiết Vũ Nương gieo mình xuống bến sông Hoàng Giang là hình ảnh có sức ám ảnh lớn, khiến cho người đời mãi mãi xót xa ề tấn bi kịch đẫm đầy nước mắt của người phị nữ tốt đẹp nhưng chịu nhiều oan ức, là tấn bi kịch cái đẹp bị chà đạp, bị rẻ rúng, bị vùi dập không thương tiếc, là bản án đanh thép tố cáo bộ mặt tàn bạo, bất nhân của xã hội phong kiến đương thời.

Để cho Vũ Nương tìm đến cái chết là tìm đến giải pháp tiêu cực nhất. Nhưng dường như đó là cách thoát khỏi tình cảnh duy nhất của nàng. Đó cũng là cách duy nhất của nhà văn có thể lựa chọn. Hành động trẫm mình tự vẫn của nàng là hành động quyết liệt cuối cùng để bảo toàn danh dự. Bởi đối với nàng, phẩm giá còn cao hơn cả sự sống.

Bi kịch của Vũ Nương đem đến bài học thấm thía về việc giữ gìn hạnh phúc gia đình. Nó là lời cảnh tỉnh đối với người phụ nữ khi gia đình xảy ra mâu thuẫn. Dù có chuyện gì xảy ra cũng phải bình tĩnh, kiên nhẫn và nhìn nhận vấn đề theo chiều hướng tích cực. Đã có nhiều gợi mở để tránh cái chết cho Vũ Nương. Thế nhưng, vì lòng tự trọng, nàng đã không hề nhìn thấy.

Câu chuyện diễn biến khá đơn giản. Cốt truyện không có gì mới so với những câu chuyện đương thời. Với nhà văn Nguyễn Dữ không chỉ thành công ở thể truyền kì mà là người có trái tim nhân đạo ông bày tỏ lòng cảm thương cho số phận Vũ Nương bằng cách dùng những lời văn hay nhất để ngợi ca vẻ đẹp của nàng. Đó cũng chính là sự đóng góp thành công cho tác phẩm.

Tác phẩm kết hợp một cách nhuần nhuyễn, tài tình những phương thức tự sự, trữ tình và cả kịch, giữa ngôn ngữ nhân vật và ngôn ngữ tác giả, giữa văn xuôi, văn biền ngẫu và thơ ca. Lời văn cô đọng, súc tích, chặt chẽ, hài hòa và sinh động. Truyền kỳ mạn lục là mẫu mực của thể truyền kỳ, là “thiên cổ kỳ bút”, là “áng văn hay của bậc đại gia”, tiêu biểu cho những thành tựu của văn học hình tượng viết bằng chữ Hán dưới ảnh hưởng của sáng tác dân gian.

Đọc truyện, càng suy ngẫm, chúng ta càng thương Vũ Nương, người phụ nữ đảm đang, chung thuỷ và càng giận cái xã hội đã gián tiếp gây ra tai hoạ cho nàng. Cảm ơn tác giả đã cho chúng ta hiểu phẩn nào về hoàn cảnh xã hội và con người của một thời trong quá khứ. Tấm lòng và nỗi oan của người thiếu phụ đã làm rơi nước mắt người Việt Nam trong suốt mấy trăm năm qua chính là thế, khơi động trong ta sự cảm thương, trân trọng và tôn quý những con người phụ nữ tốt đẹp mà được nhận được hạnh phúc xứng đáng.

Thứ Hai, 26 tháng 4, 2021

Đề luyện tập 16

 

                                            ĐỀ LUYỆN TẬP TỔNG HỢP 2020 – 2021_16

Chủ đề: 2021 SẼ ĐẸP HƠN CHỨ?

Chính bạn có trở thành một con người tốt đẹp hơn không, trong năm 2021?

Câu 1. Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu:

2020 - một năm dữ - "một năm không muốn nhớ nhưng vĩnh viễn không thể nào quên" như lời ca sĩ Phan Mạnh Quỳnh chiêm nghiệm. Và 2021 - một năm đầy dự cảm mơ hồ nhưng cũng không thiếu niềm hi vọng - đang đến.

"Năm qua học được gì ư? Học yêu thương nhau hơn. Trong hiểm nguy, chúng ta học kỷ luật và dang rộng đôi tay cứu nhau. Một năm kinh khủng, may là nó đã qua. Và chúng ta có quyền hi vọng lại ở sự may mắn của loài người" - nhạc sĩ Quốc Bảo nói với Tuổi Trẻ.

Có lẽ nhiều người sẽ bật cười khi hồi tưởng những điều ước của chính mình cách đây một năm, khi năm 2020 vừa chạm ngõ. Chúng ta đã mong mỏi rằng trong một năm đặc biệt với những chữ số đẹp như mơ ấy, những điều tốt đẹp sẽ đến, ta sẽ thành đạt hơn, phong phú hơn, rực rỡ hơn, yêu thương nhiều hơn. Nhưng nhìn lại năm qua, nhiều người chẳng nhớ nổi gì ngoài mất mát. Chỉ có điều, đúng là chúng ta yêu thương nhiều hơn.

Nhờ năm qua, chúng ta bắt đầu biết ơn những may mắn bé nhỏ mà trước đây mình chẳng hề coi trọng. Chúng ta cảm ơn vì được an toàn, được sống, được có thu nhập. Chúng ta sẽ nhận ra rằng ta vẫn cống hiến nhưng có lúc sẽ chẳng nhận lại được gì cả. Thế nhưng, đó lại không phải lý do để ta ngừng cống hiến. Sự suy tàn gần với ngày tái sinh, chỉ cần ta đủ bền bỉ để sống sót qua quãng suy tàn.

Cuộc sống không chỉ xoay quanh những khoảnh khắc huy hoàng trên Facebook để nhận về lời tán tụng. Cuộc sống là chuỗi ngày bền bỉ vật lộn với từng cột mốc khó khăn, trong thầm lặng, đôi khi không được ai ghi nhận nhưng chính chuỗi ngày ấy lại góp phần hoàn thiện mỗi người.

(Theo Chiêm nghiệm đầu năm: Yêu thương, biết ơn và cười nhiều hơn, tuoitre.vn)

a. Theo tác giả, năm 2020 bắt chúng ta nhận ra điều gì?

b. Tìm và ghi lại thành phần biệt lập được sử dụng trong đoạn văn in đậm.

c. Em hiểu lời chiêm nghiệm về năm 2020 của ca sĩ Phan Mạnh Quỳnh: một năm không muốn nhớ nhưng vĩnh viễn không thể nào quên thế nào?

d. Em có đồng tình với ý kiến của nhạc sĩ Quốc Bảo: Trong hiểm nguy, chúng ta học kỷ luật và dang rộng đôi tay cứu nhau không? Vì sao? (Trả lời khoảng 4-6 dòng)

Câu 2. Virus COVID-19 là một thảm họa lớn. Nó được gửi đến để nhắc nhở chúng ta về những bài học mà chúng ta dường như đã quên và điều quan trọng là liệu chúng ta có thực sự muốn học được gì từ chúng hay không.

- Đại dịch lần này cho ta cơ hội nhận ra rằng hạnh phúc đến từ những điều giản đơn hằng ngày, và quan trọng nhất, là những thứ phi vật chất.

- Phải đến khi khao khát được ra ngoài hít thở bầu không khí trong lành, tắm dưới bóng mát của cây xanh, chúng ta mới nhận ra con người không thể sống thiếu thiên nhiên.

- Đại dịch COVID-19 đẩy tất cả chúng ta vào một hiện thực khó khăn. Nhưng bạn có thể xem thời gian này như một cơ hội để học hỏi và phát triển, bởi vì vào những thời điểm bế tắc, con người luôn khám phá ra sức mạnh và sự kiên trì bên trong mình.

Chọn một bài học từ đại dịch COVID-19 được gợi ra ở trên, em hãy viết bài văn ngắn (khoảng 500 chữ) trình bày suy nghĩ của bản thân về bài học ấy.

Câu 3. “Thơ là âm nhạc của tâm hồn nhất là những tâm hồn cao cả, đa cảm”( Voltaire). Âm nhạc có muôn vàn giai điệu ngân nga, trầm bổng, vui tươi, não nề… và thơ cũng là sự thể hiện của muôn vàn cảm xúc khác nhau: vui, buồn, nhớ thương, giận hờn….

Đó là tiếng thơ ngợi ca như một nốt nhạc ngọt ngào ca ngợi người phụ nữ đức hạnh, tài giỏi, xinh đẹp của Nguyễn Du trong đoạn thơ:

Kiều càng sắc sảo mặn mà,

So bề tài sắc lại là phần hơn:

Làn thu thuỷ nét xuân sơn,

Hoa ghen thua thắm liễu hờn kém xanh.

Một hai nghiêng nước nghiêng thành,

Sắc đành đòi một tài đành hoạ hai.

Thông minh vốn sẵn tính trời,

Pha nghề thi hoạ đủ mùi ca ngâm.

Cung thương làu bậc ngũ âm,

Nghề riêng ăn đứt Hồ cầm một trương.

Khúc nhà tay lựa nên chương,

Một thiên “Bạc mệnh” lại càng não nhân.

(Truyện Kiều, Nguyễn Du)

 Đó là tiếng hát với tâm trạng vui tươi, hào hứng của tinh thần hăng say lao động, tràn đầy sự lạc quan của người Ngư dân  trong đoạn thơ:

Ta hát bài ca gọi cá vào,

Gõ thuyền đã có nhịp trăng cao,

Biển cho ta cá như lòng mẹ,

Nuôi lớn đời ta tự buổi nào.

 

Sao mờ, kéo lưới kịp trời sáng,

Ta kéo xoăn tay chùm cá nặng,

Vảy bạc đuôi vàng loé rạng đông,

   Lưới xếp buồm lên đón nắng hồng.

  (Đoàn thuyền đánh cá, Huy Cận)

Đó là nỗi day dứt, niềm nhớ thương khôn nguôi của Bác Hồ và ước mong được gặp vị cha già dân tộc của người con miền Nam Viễn Phương trong đoạn thơ:

 Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác

Đã thấy trong sương hàng tre bát ngát

Ôi! Hàng tre xanh xanh Việt Nam

Bão táp mưa sa đứng thẳng hàng.

 

Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng

Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ.

Ngày ngày dòng người đi trong thương nhớ

Kết tràng hoa dâng bảy mươi chín mùa xuân…

(Viếng lăng Bác, Viễn Phương)

Học sinh được chọn 1 trong 2 đề sau:

Đề 1. Em hãy viết bài văn trình bày cảm nhận về một trong ba tấm lòng trên. Từ đó, liên hệ với một tác phẩm khác để làm nổi bật nội dung mà em chọn.

Đề 2. Văn học sinh ra để cho đời thêm hoa thơm trái ngọt, để tiếng hát ngợi ca sự sống vút cao trên mỗi trang văn, trang thơ. Thơ văn là bạn tâm tình, sẽ chia bao buồn vui với loài người và thơ là sức đồng cảm mãnh liệt , quảng đại đến với mọi tâm hồn.

Từ những trải nghiệm trong quá trình đọc tác phẩm văn chương, em hãy viết bài văn với nhan đề: Thơ văn nâng đỡ tâm hồn con người.

 

 

 

Chủ Nhật, 25 tháng 4, 2021

Mối liên hệ giữa thái độ sống tiêu cực và thất bại của con người trong đời sống.


 

 Trong muôn vàn bất trắc của cuộc sống, mọi thứ đều có thể bị mất đi, nhưng chỉ có một điều duy nhất không thể mất đi được, đó là sự lựa chọn thái độ sống. Thất bại luôn đồng hành với thái độ bi quan, chán nản, tuyệt vọng, sống không có mục tiêu.

Thái độ sống tiêu cực là luôn nhìn nhận vấn đề một cách trầm trọng đến mức không thể giải quyết được. Luôn nhìn, cảm nhận cuộc sống bằng sự bi quan, màu sắc xám xịt luôn tránh né và thoái thác vấn đề. Còn thất bại là trạng thái hụt hẫng, bế tắc khi không thể hoàn thành được mục tiêu mà mình đã đặt ra hay thua cuộc trước một ai đó. Thất bại để lại những hậu quả nghiêm trọng cho chúng ta cả về vật chất lẫn tinh thần. Khi bạn lựa chọn thái độ sống tiêu cực, đồng nghĩa với việc bạn sẽ luôn thất bại trong cuộc sống.

Người có thái độ sống tiêu cực luôn cảm thấy khó khăn, phức tạp khi giải quyết mỗi vấn đề nào đó và họ luôn tìm lý do để biện minh. Họ đi tìm và không muốn bỏ qua lỗi lầm của người khác, không tin vào sự thay đổi theo chiều hướng tích cực. Điểm đặc biệt ở những người có thái độ sống tiêu cực là họ rất hay chú tâm đến những mất mát và thường hay nuối tiếc những gì họ đã cho đi.

Có thái độ sống tiêu cực thì làm việc gì cũng sợ khó,sợ không vượt qua thế nên gây áp lực tâm lí.Điều này rất dễ đến thất bại.Khi thất bại mà chán nản,có thái độ sống tiêu cực thì cũng chẳng thể bước tiếp mà thành công.Thất bại và thái độ sống tiêu cực là những điều không đáng có trong cuộc sống con người. Cần loại bỏ thái độ tiêu cực khi bắt tay vào học tập,làm việc.

Nếu sống tiêu cực, bạn sẽ chẳng làm được việc gì. Thay vì ngồi ca thán, than thở trước nghịch cảnh sao bạn không tìm cách thay đổi và luôn tin tưởng sẽ thay đổi được nghịch cảnh. Nếu không thể đứng dậy sau vấp ngã, không thể bước tiếp,....thành công mãi là điều viễn vông. Không vượt qua được nỗi sợ hãi của bản thân cánh cửa thất bại sẽ luôn mở ra chờ đón bạn.

Lối nhìn tiêu cực hạn chế tầm nhìn ra thế giới bên ngoài, nó khiến ta chìm đắm trong những gì đã mất sau mỗi thất bại nào đó. Mất niềm tin, luôn bi quan, không khát vọng trong cuộc sống. Thái độ sống tiêu cực không thể giúp chúng ta thay đổi được cuộc đời. Thành công của chúng ta tùy thuộc rất lớn vào thái độ sống của chúng ta. Sống tiêu cực thì chúng ta sẽ không có được sức mạnh, bản lĩnh để vượt qua khó khăn, nghịch cảnh trong cuộc sống.

Hãy suy nghĩ tích cực, bởi lẽ nó có thể trở thành động lực giúp bạn vượt qua những tiếng sấm inh ỏi, vượt qua được những thử thách trên đường đời. Với cách nhìn tích cực, một tư duy sống tích cực cũng có nghĩa là tự ta đã thành công với chính mình.

Để không gặp thất bại, cạnh bên việc suy nghĩ tích cực, bản thân ta còn phải nỗ lực học hỏi, trau dồi kiến thức và kĩ năng. Cần phải trau dồi bản lĩnh, cố gắng hết sức khi làm một công việc nào đó. Thay vì luôn chỉ đặt câu hỏi thì  hãy tích cực đi tìm câu trả lời.

Ai cũng vậy những con người ẩn chứa những sức mạnh kì diệu mà đấng tạo hóa đã ban tặng đừng để phí phạm cuộc sống này vì những bế tắc, nỗi buồn triền miên,.. Hãy mỉm cười bước tới.

Phải chăng giọt nước mắt có thể giúp con người trở nên mạnh mẽ hơn?


 Nước mắt có thể là biểu hiện của yếu đuối, ngược lại cũng có những giọt nước mắt kim cương của sự mạnh mẽ. Khóc giúp bình tĩnh để suy nghĩ về vấn đề cần giải quyết mà không phải bị chi phối quá nhiều bởi những nỗi đau. Phải chăng giọt nước mắt có thể giúp con người trở nên mạnh mẽ hơn

Giọt nước mắt là một trong những biểu hiện của trạng thái cảm xúc, thể hiện sự xúc động cao độ. Buồn đau hay than khóc không phải là dấu hiệu của sự yếu đuối mà là những cung bậc cảm xúc của con người. Một người có thể rơi nước mắt đồng nghĩa với việc họ dám thổ lộ cảm xúc của mình, và không hề sợ hãi trước cảm xúc của họ. Khi chúng ta thành thật với bản thân thì đó là lúc mọi gánh nặng bên trong bị rũ bỏ, mặc dù ngoài mặt lại hoàn toàn khác. Vì thế, khóc không thể là một hành động của sự yếu đuối mà chính là dấu hiệu của sức mạnh tinh thần và cả ý niệm.

Bạn sinh ra bạn khóc, bạn buồn bạn khóc, bạn hạnh phúc bạn khóc, bạn nhìn thấy người bên cạnh phải chịu khổ đau bạn cũng khóc. Khóc tựa như một hành động để thể hiện cảm xúc của bạn với cuộc đời này. Vậy nên khi gặp chuyện buồn, gặp điều tuyệt vọng hãy khóc đi bạn ạ. Khóc thật to, giải phóng hết cảm xúc, khóc cạn nước mắt rồi lại đứng lên, lại mạnh mẽ bước tiếp. Rơi hết nước mắt yếu mềm ra ngoài để trái tim kiên cường mạnh mẽ hơn, để lòng không còn vướng bận.

Giống như những giọt nước được van nước xả ra, nước mắt được tuyến lệ tiết ra để giảm thiểu những căng thẳng, lo âu, đau buồn khỏi cơ thể và não của bạn. Đây là một phương pháp lành sạch tâm hồn, thanh rửa tâm trí và đóng vai trò to lớn trong việc tống khứ stress, kẻ thù của rất nhiều người. Khóc bên người thân , khóc bên bạn bè , thổ lộ lòng mình để tìm kiếm suối nguồn an ủi, để họ hiểu mình hơn, để cảm thấy bản thân không cô đơn tuyệt vọng một mình. Nước mắt sẽ đào thải bớt một lượng cảm xúc của bạn ra khỏi cơ thể vì giữ một lượng lớn cảm xúc như thế rất có hại cho bạn dù là tốt hay xấu.

Khi buồn tại sao bạn không khóc? Khi bạn buồn, bạn không hề chối bỏ cảm giác ấy. Nếu bạn đã dồn hết tâm huyết, sức lực cho một dự án, một công việc và cuối cùng kết quả có thể không như mong đợi của bạn, bạn có quyền được khóc. Có người từng nói, sân cỏ là một trong những nơi mà đàn ông rơi nước mắt nhiều nhất. Nếu như đã lăn xả hết mình để chiến đấu vì màu cờ sắc áo và phải gặp thất bại, thì chẳng ai chê cười những giọt nước mắt ấy cả. Nước mắt cũng như mưa, sau cơn mưa trời sẽ sáng, sau nước mắt là kiên cường. Khóc để rồi đứng lên bước tiếp vì cuộc sống còn nhiều điều tốt đẹp đang chờ ta nếu cố gắng và có niềm tin.

Giọt nước mắt không dành cho sự đau khổ, buồn thương, bi lụy mà hãy dành cho niềm hạnh phúc vì khi đó ta đã thật sự nhìn thấy chính mình mà từ lâu ta đã vô tình quên lãng, chỉ biết hờn trách cha, giận dỗi mẹ…vì “cái tôi” quá lớn còn tìềm ẩn trong con người. Giọt nước mắt là giọt nước mắt ý thức. Đó là giọt nước mắt hối hận kèm lời xin lỗi “ba mẹ ơi, con đã sai”.

Khóc chưa hẳn là buồn, vì có những giọt nước mắt tuôn chảy khi ta thực sự hạnh phúc. Hạnh phúc vì được sinh ra trên đời; hạnh phúc vì có ba có mẹ, có anh chị em; hạnh phúc vì có một người bạn thân để sẻ chia; hạnh phúc vì có một người để yêu, để nhớ, để giận hờn;….

Việc giấu những cảm xúc quá lâu trong cơ thể sẽ khiến bạn bế tắc. Nhiều người chọn cách giấu nước mắt trong tim, chọn cách im lặng chịu đựng vì nghĩ không muốn người bên canh mình phải lo lắng. Thế rồi họ cứ uất ức, chới với trong những cơn đau một mình, rồi suy sụp, rồi lụi tắt..

Nước mắt là kết tinh cảm xúc, tình cảm của con người. Đừng cố che giấu những giọt nước mắt. Hãy khóc để là chính mình... Hãy mở lòng mình ra, hãy giải phóng cảm xúc của bản thân để ta không còn dằn vặt trong những mớ cảm xúc ấy nữa, thoát khỏi nó, dẫm lên nó để bước tới một trạng thái tốt hơn, tiếp đón đời đẹp đẽ.

Bạn ơi hãy nhớ rằng, đừng cố gắng che giấu những giọt nước mắt. Hãy khóc để là chính mình, bạn nhé! Vì nước mắt là kết tinh của những cảm xúc, tình cảm của con người. Hãy khóc để rồi cười chứ đừng cười nhiều để rồi phải khóc.

 

Thứ Sáu, 23 tháng 4, 2021

Đề luyện tập 11



                                             ĐỀ LUYỆN TẬP TỔNG HỢP 2020 – 2021_11

Chủ đề: ĐIỀU BÌNH DỊ

Hạnh phúc khời nguồn từ những điều giản đơn.

Câu 1. Đọc 2 văn bản sau và thực hiện các yêu cầu:

Văn bản 1.

Hạnh phúc đơn sơ lắm! Có thể đó là niềm vui khi cha mẹ được thấy con cái ngoan ngoãn, hiếu thảo. Hạnh phúc khi ta có một người bạn tri kỷ để tâm sự, cùng chia sẻ niềm vui cũng như nỗi buồn. Hạnh phúc còn là khi ta giúp được người khác vượt qua khó khăn, hoạn nạn. Hạnh phúc không phải là điều gì quá xa vời, mà điều đó đang diễn ra hằng ngày, hiện diện bên cạnh chúng ta. Nếu ta biết bằng lòng với điều đơn giản nhất của cuộc sống, trân quý hạnh phúc hiện tại, đó chính là hạnh phúc. Hạnh phúc của chúng ta, chính là cách sống của chúng ta. Hạnh phúc là một quá trình được kết tinh từ những điều bình dị hằng ngày.

Và đến một lúc nào đó, khi con người trải qua mọi thăng trầm, chông gai và đau thương thì hạnh phúc chính là trân trọng những người bên cạnh ta, biết hài lòng và thỏa mãn những gì đang có. Mỗi sáng mai thức dậy, hãy mở rộng trái tim và cảm nhận những khoảnh khắc diệu kỳ của cuộc sống!

(Theo Hạnh phúc từ những điều giản dị, Đặng Hà)

Văn bản 2.

Sống tối giản, yêu những điều bình dị, tìm thấy vẻ đẹp từ những điều không hoàn hảo - nhiều người trẻ Việt giờ cũng lấy các giá trị đó làm điểm tựa tinh thần cho cuộc sống của bản thân. Một thế hệ các bạn trẻ giờ đã tạm quên đi những chuyến đi du lịch check-in vội vã ồn ào, khoe các món đồ hiệu đắt tiền hay cuộc sống xa hoa trên Facebook, đắm chìm trong các bữa tiệc sang chảnh… Họ nhận ra rằng hạnh phúc của cuộc sống bắt đầu từ những điều cân bằng, sự giản dị và việc "biết đủ".

Nếu có điều gì để soi chiếu vào sự trưởng thành và tinh thần sống có trách nhiệm của mỗi người trẻ, đó là khi họ biết trân quý những điều bình dị nhưng có ý nghĩa của cuộc sống, đi sâu vào thế giới trong chính bản thân hơn là chỉ chạy theo những thứ phù phiếm bên ngoài.

(Theo Đời ngắn biết bao để chạy theo những thứ lớn lao, Quang Vũ)

a. Theo tác giả 2 văn bản, con người chỉ nhận ra hạnh phúc khi nào?

b. Tìm và ghi lại thành phần biệt lập được sử dụng trong đoạn văn in đậm ở văn bản 1.

c. Ghi lại một điểm gặp gỡ và một điểm khác biệt về nội dung của 2 văn bản?

d. Em nghĩ gì về lời khuyên: “hãy mở rộng trái tim và cảm nhận những khoảnh khắc diệu kỳ của cuộc sống”? (Trả lời khoảng 4-6 dòng)

Câu 2. Nhiều bạn trẻ thế hệ 9x, 10x sống "chất" hơn với niềm đam mê cuộc sống từ những điều bình dị: rong ruổi trên chiếc xe máy đi khắp thế giới, làm bạn với mặt nạ tuồng, nuôi ước mơ về nghệ thuật truyền thống... Họ không ước mơ gì lớn lao trong cuộc đời và bắt đầu từ chính những điều nhỏ bé, sống có trách nhiệm với cộng đồng và trên hết, với bản thân mình.

 Từ gợi ý trên, em hãy viết bài văn ngắn (khoảng 500 chữ) với nhan đề: Hạnh phúc từ những điều giản dị.

Câu 3. Khi chúng ta lớn lên, bắt đầu theo đuổi những giấc mơ lớn, những mục tiêu quan trọng, chúng ta quên mất giá trị cuộc sống được tạo nên từ những điều bé nhỏ.

Phải chăng là một mùi hương vốn dĩ quen thuộc mà có lúc nào đó bị bỏ quên đã bắt đầu trở về khi chớm sang thu:

Bỗng nhận ra hương ổi

Phả vào trong gió se

Sương chùng chình qua ngõ

Hình như thu đã về.

 

Sông được lúc dềnh dàng

Chim bắt đầu vội vã

Có đám mây mùa hạ

Vắt nửa mình sang thu.

(Sang thu- Hữu Thỉnh)

Phải chăng là chốn bình yên luôn yêu thương ta vô điều kiện, luôn đón chào, ôm ấp ta:

Chân phải bước tới cha

Chân trái bước tới mẹ

Một bước chạm tiếng nói

Hai bước tới tiếng cười

Người đồng mình yêu lắm con ơi

Đan lờ cài nan hoa

Vách nhà ken câu hát

Rừng cho hoa

Con đường cho những tấm lòng

Cha mẹ mãi nhớ về ngày cưới

Ngày đầu tiên đẹp nhất trên đời.

(Nói với con- Y Phương)

Phải chăng là những kỉ niệm đẹp ấm áp tình tri kỉ, tình đồng chí của một thời gian lao:

Quê hương anh nước mặn, đồng chua

Làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá

Anh với tôi đôi người xa lạ

Tự phương trời chẳng hẹn quen nhau.

Súng bên súng, đầu sát bên đầu

Đêm rét chung chăn thành đôi tri kỷ

Đồng chí!

(Đồng chí- Chính Hữu)

Học sinh được chọn 1 trong 2 đề sau:

Đề 1. Em hãy viết bài văn trình bày cảm nhận về một trong câu hỏi trên. Từ đó, liên hệ với một tác phẩm khác để làm nổi bật nội dung mà em chọn.

Đề 2. Tác phẩm nghệ thuật nói chung và văn học nói riêng là cả một bí mật mà để mở bí mật đó, độc giả phải sử dụng chìa khóa trong óc tưởng tượng của mình.

Từ những trải nghiệm trong quá trình đọc tác phẩm văn chương, em hãy viết bài văn với nhan đề: Văn chương khơi dậy những khát khao sáng tạo.

 

Đề luyện tập 13

 


                                            ĐỀ LUYỆN TẬP TỔNG HỢP 2020 – 2021_13

Chủ đề: KỶ NIỆM

Giá trị cuộc sống được định giá từ những kỷ niệm...

Câu 1. Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu:

Kỷ niệm là món quà của trí nhớ, để ta đừng quên mình. Còn kỷ niệm là còn tâm hồn, còn nhớ, và còn biết thương chính mình, để sống còn niềm tin vào cái đẹp. Điều quan trọng nhất là bạn biết giữ những kỷ niệm đó như thế nào để cho nó trở thành những giá trị sống quanh mỗi người.

Hãy trân trọng những kỷ niệm vui các bạn ơi, giữ gìn một cách cẩn thận. Như là các bạn học sinh có kỷ niệm thời thời thơ ấu còn ngồi trên ghế nhà trường cùng với bạn bè thầy cô. Bởi vì trong cuộc đời mỗi người chúng ta có những kỷ niệm vui khó lắm. Trân trọng kỷ niệm đẹp, nghĩa là chúng ta đang trân trọng bản thân mình.

Hãy ghi nhớ những kỷ niệm buồn biết cách chuyển hóa nó để mình có thể vững chãi trong cuộc sống. Để từ đó chúng ta biết sống hoàn thiện hơn về bản thân mình để xứng đáng với những gì mà người thân, người gần gũi mình trao tặng cho mình.

Hãy cảm ơn những ai đã trao tặng cho bạn những kỷ niệm đẹp, bởi như thế bạn sẽ không bao giờ thấy lẻ loi trong cuộc sống, luôn cảm thấy ấm áp và hạnh phúc và đã được sẻ chia. Và cũng nên cảm ơn những ai cho bạn những kỷ niệm chưa đẹp vì đó chính mình cần phải rèn luyện thêm và sửa đổi bản thân hơn cho hoàn thiện.

Vì thế trong mỗi chúng ta hãy tạo cho bản thân mình có những kỷ niệm đẹp và đáng nhớ nhất để có thể lưu giữ lại trong cuộc sống cho riêng bản thân của mình.

 (Theo Tường Vy)

a. Theo tác giả, vì sao phải cảm ơn người trao ta kỷ niệm đẹp và người cho ta kỷ niệm chưa đẹp?

b. Nêu hiệu quả của 01 phép tu từ được sử dụng trong đoạn văn in đậm.

c. Em hiểu thế nào về lời khuyên: hãy tạo cho bản thân mình có những kỷ niệm đẹp và đáng nhớ nhất.

d. Em có đồng tình với quan điểm: Còn kỷ niệm là còn tâm hồn, còn nhớ, và còn biết thương chính mình, để sống còn niềm tin vào cái đẹp không? Vì sao? (Trả lời khoảng 4-6 dòng)

Câu 2. Tuổi thơ mỗi người chỉ một, cũng giống như bố, như mẹ. Nếu không tận dụng, không sống cho tốt trong khoảng thời gian còn quý hơn vàng ngọc ấy, thì khi nó qua đi, tất cả những gì chúng ta có thể làm là nuối tiếc. Vậy hãy làm nó trở thành một thước phim tuyệt vời của mười mấy năm ấu thơ, của hạnh phúc, của sự trong sáng và hồn nhiên. Có lẽ đó là những gì chúng ta có thể làm được.

 Từ gợi ý trên, em hãy viết bài văn ngắn (khoảng 500 chữ) trả lời câu hỏi: Tuổi trẻ cần tạo cho bản thân mình có những kỷ niệm đẹp và đáng nhớ?

 Câu 3. Sống đâu chỉ là miệt mài bước đi để rồi bỏ quên những điều xưa cũ nhưng ẩn chứa vô vàn ý nghĩa. Văn chương lắng đọng và khơi gợi tâm hồn ta kí ức một thời.

Đó là kỉ niệm lần đầu nhà thơ Viễn Phương ra thăm Bác đầy cảm xúc kính yêu biết ơn nghẹn ngào qua đoạn thơ:

Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác

Đã thấy trong sương hàng tre bát ngát

Ôi! Hàng tre xanh xanh Việt Nam

Bão táp mưa sa, đứng thẳng hàng.

 

Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng

Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ

Ngày ngày dòng người đi trong thương nhớ

Kết tràng hoa dâng bảy mươi chín mùa xuân...

(Viếng lăng Bác- Viễn Phương)

Đó là kỉ niệm tình yêu đẹp thành nỗi tê tái của Kiều khi bị giam lỏng ở lầu Ngưng Bích làm người đọc thương cảm xót xa:

Tưởng người dưới nguyệt chén đồng

Tin sương luống những rày trong mai chờ

Bên trời góc bể bơ vơ

Tấm son gột rửa bao giờ cho phai

Xót người tựa cửa hôm mai

Quạt nồng ấp lạnh những ai đó giờ

Sân Lai cách mấy nắng mưa

Có khi gốc tử đã vừa người ôm.

(Truyện Kiều- Nguyễn Du)

 

Đó là những kỉ niệm sâu sắc về tuổi thơ,tình bà cháu thiêng liêng, cảm động qua đoạn thơ:

Tám năm ròng, cháu cùng bà nhóm lửa

Tu hú kêu trên những cánh đồng xa

Khi tu hú kêu, bà còn nhớ không bà?

Bà hay kể chuyện những ngày ở Huế.

Tiếng tu hú sao mà tha thiết thế!

Mẹ cùng cha công tác bận không về,

Cháu ở cùng bà, bà bảo cháu nghe,

Bà dạy cháu làm, bà chăm cháu học,

Nhóm bếp lửa nghĩ thương bà khó nhọc,

Tu hú ơi! Chẳng đến ở cùng bà,

Kêu chi hoài trên những cánh đồng xa?!

(Bếp lửa- Bằng Việt)

Học sinh được chọn 1 trong 2 đề sau:

Đề 1. Em hãy viết bài văn trình bày cảm nhận về một trong ba kỷ niệm trên. Từ đó, liên hệ với một tác phẩm khác để làm nổi bật bài học nhận được từ kỷ niệm mà em chọn.

Đề 2. Lưu Quý Kì đã viết: Nhà thơ gói tâm tình của mình trong thơ. Người đọc mở ra bỗng thấy tâm tình của chính mình.

Từ những trải nghiệm trong quá trình đọc tác phẩm văn chương, em hãy viết bài văn với nhan đề: Văn chương giúp ta tìm thấy tâm tình của chính mình.