Thứ Năm, 8 tháng 4, 2021

Đề luyện tập 6



 ĐỀ LUYỆN TẬP TỔNG HỢP 2020 – 2021_6

Chủ đề: ƯỚC MƠ

“Ước mơ khác với nằm mơ!”

Câu 1. Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu:

Đời người ngắn ngủi, nếu hôm nay con đã lãng phí thời gian, mai đây hiểu được thì thấy rằng quãng đời đó đã vĩnh viễn mất rồi. Cho nên con càng sớm trân trọng đời con thì con càng được tận hưởng cuộc sống sớm; hãy trân trọng đời này càng sớm càng tốt, chứ đừng mong mình sống thọ. […]

Con hãy biết ước mơ, nhưng để trở thành hiện thực thì ước mơ đừng xa rời thực tế, đừng hão huyền và ảo tưởng. Niềm tin, con phải luôn có. Không chỉ là niềm tin vào chính bản thân mình mà con cũng cần có niềm tin vào mọi người, niềm tin vào cuộc sống. Nếu không có niềm tin, con sẽ chẳng thể làm được việc gì. Công việc, cuộc sống đôi lúc sẽ có những khó khăn, trở ngại đòi hỏi con phải luôn nỗ lực. Để có được những thành công thì không thể thiếu sự cố gắng và say mê, con ạ. Hãy nhớ rằng thành công không phải là đích đến mà là một quá trình. Vì thế, con hãy tiếp tục ước mơ, tiếp tục tin tưởng và không ngừng nỗ lực, con nhé.

(Trích Bức thư răn dạy con - Cố Thủ tướng Đài Loan Tôn Vận Tuyềnvietnamnet.vn)

a. Theo tác giả, ước mơ như thế nào mới có thể trở thành hiện thực?

b. Chỉ ra và gọi tên phép liên kết được sử dụng trong đoạn văn in đậm.

c. Em hiểu như thế nào về nhận định: “Hãy nhớ rằng thành công không phải là đích đến mà là một quá trình.?

d. Em có đồng ý với tác giả rằng: “Để có được những thành công thì không thể thiếu sự cố gắng và say mê” không? Vì sao? (Trả lời khoảng 4-6 dòng)

Câu 2. Bọn trẻ bây giờ hình như không có ước mơ, hoài bão, chỉ chơi là tích cực nhất - đó là ý kiến phàn nàn của phụ huynh từ chính con em mình. Ý kiến này đưa ra, nhận được sự đồng cảm của số đông. Nhiều người cho rằng họ cũng đã bế tắc với các “cục cưng” mới lớn của mình về ước mơ, hoài bão…

        Từ gợi ý trên, em hãy viết bài văn ngắn (khoảng 500 chữ) với nhan đề: Tuổi trẻ, hãy ước mơ, hãy hoài bão.

Câu 3. Thông qua tác phẩm, tác giả cất lên tiếng nói của mình. Thông qua quá trình đọc, người đọc tiếp nhận những thông điệp mà tác giả gửi gắm:

Thông điệp về mong ước,chủ động, sáng tạo trong lao động của người ngư dân qua đoạn thơ:

Hát rằng: cá bạc biển Đông lặng,

Cá thu biển Đông như đoàn thoi

Đêm ngày dệt biển muôn luồng sáng.

Đến dệt lưới ta, đoàn cá ơi!

 

Thuyền ta lái gió với buồm trăng

Lướt giữa mây cao với biển bằng,

Ra đậu dặm xa dò bụng biển,

Dàn đan thế trận lưới vây giăng.

(Đoàn thuyền đánh cá, Huy Cận)

Thông điệp về khát vọng hạnh phúc gia đình cũng như số phận bi kịch của người phụ nữ xưa qua qua hình tượng Vũ Nương trong truyện ngắn Chuyện người con gái Nam Xương của Nguyễn Dữ.

 

Thông điệp về tinh yêu tổ quốc, tình yêu cách mạng của người dân Việt Nam qua hình tượng ông Hai trong truyện ngắn Làng của Kim Lân.

 

Học sinh được chọn 1 trong 2 đề sau:

Đề 1. Em hãy viết bài văn trình bày cảm nhận về một trong ba thông điệp trên. Từ đó, liên hệ với một tác phẩm khác để làm nổi bật thông điệp mà em chọn.

Đề 2. Con người cần cái đẹp như một mục đích sống thì văn chương nhờ cái đẹp mà tồn tại. Cái mà văn chương đem đến cho người đọc, là những mỹ cảm, là những gì nên thơ. Văn học khơi dậy ở người đọc những cảm xúc xã hội tích cực, thỏa mãn người đọc cái nhu cầu nếm trải sự sống.

Từ những trải nghiệm trong quá trình đọc tác phẩm văn chương, em hãy viết bài văn với nhan đề: Văn học đem lại cho con người niềm vui trong sáng trước cái đẹp của sự sống.