ĐỀ
LUYỆN TẬP TỔNG HỢP 2020 – 2021_15
Chủ
đề: NỤ CƯỜI VÀ NƯỚC MẮT
Nước mắt, nụ cười như bề mặt, bề trái
của một sự việc. Hiểu được nó chưa chắc người ta sẽ sống an nhiên hơn, nhưng ít
ra cũng bớt đi sự mù quáng. (Đoàn Thạch Biền)
Câu
1.
Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu:
“Có
những người mà sự tồn tại của họ giống như không khí, êm dịu, nhẹ nhàng, chỉ
khi họ mất đi người ta mới nhận ra họ quan trọng nhường nào. Mình muốn trở
thành một sự tồn tại như thế.”
Có thể nói, đây là 1 trong những câu nói của
cô bé Kitou Aya mà mình ấn tượng nhất khi đọc cuốn "Một lít nước mắt".
"Tuổi
15, của chúng ta:
Tuổi của niềm hạnh phúc tràn đầy khi cánh cửa
trung học rộng mở chào đón
Tuổi của những lần vui đùa, chạy nhảy quanh bạn
bè
Tuổi của những khao khát thực hiện ước mơ ấp ủ
cho tương lai phía trước
Tuổi 15, của Kitou Aya:
Tuổi của chuỗi ngày mang trong mình căn bệnh
Thoái hóa Tiểu Não
Tuổi của những lần té ngã khi đi lại khó khăn,
của những trang nhật ký nguệch ngoạc khi không thể viết được một cách bình thường…
Tuổi của những đau khổ ngập tràn khi nhận ra
cánh cửa tương lai đang dần đóng sập lại
Và đó là Tuổi 15 của Kitou Aya – Tuổi của…Một
lít nước mắt."
Câu
chuyện của "Một lít nước mắt" là một câu chuyện thực, người thực và nỗi
đau thực. Cuốn nhật ký là tập hợp những gì Aya đã cảm nhận được trong suốt hơn
20 năm sống trên đời. Trong suốt hơn 6 năm kiên trì viết nhật ký để giải tỏa
suy nghĩ, Aya kể về những cảm nhận và suy tư của bản thân trong suốt quãng thời
gian chứng kiến cơ thể mình từng bước từng bước gánh lấy một số phận đau đớn.
Nhưng cũng từ trong nước mắt và tật nguyền ấy, chính bản thân cô cũng đã nhận
ra được nhiều giá trị sâu sắc về cuộc sống con người.
Từng
trang nhật ký của Aya là những chuyện buồn nhiều hơn chuyện vui, nước mắt cũng
nhiều hơn nụ cười. Điều đó khiến cho khi đọc truyện, chúng ta cũng cảm thấy tâm
trạng mình buồn bã đi theo. Tuy nhiên, trong những câu chuyện buồn của hiện thực
đó, hình ảnh cô gái Kitou Aya hiện lên vẫn thật đẹp và đầy sự lạc quan. Cô luôn
tự hứa với bản thân mình rằng phải luôn cố gắng hơn nữa. Cho dù cuộc sống có
khó khăn đến mấy thì vẫn phải luôn tiếp tục tiến lên, phải có niềm tin vào một
ngày mai tươi sáng hơn.
Aya
đã mất đi nhưng sự tồn tại của Aya trong lòng mọi người là mãi mãi. Người ta vẫn
sẽ mãi nhớ tới hình ảnh một cô bé lạc quan, kiên cường đối chọi với bệnh tật, để
rồi trở thành một tấm gương động viên cho những con người bất hạnh cố gắng vượt
lên số phận và giúp tất cả mọi người nhận ra và thấy quý trọng hơn cuộc sống của
mình.
(Theo
vananh.spiderum.com)
a. Theo tác giả, Tuổi 15, của Kitou Aya có gì?
b. Nêu hiệu quả của phép
tu từ chính được sử dụng trong đoạn văn in đậm.
c. Thông điệp tác giả gửi
đến người đọc là gì?
d. Em có đồng tình với
quan điểm: Cho dù cuộc sống có khó khăn đến mấy thì vẫn phải luôn tiếp tục
tiến lên, phải có niềm tin vào một ngày mai tươi sáng hơn không? Vì sao?
(Trả lời khoảng 4-6 dòng)
Câu
2.
Xin hãy dạy cho cháu biết cách mỉm cười
khi buồn bã. Xin hãy dạy cho cháu biết rằng không có sự xấu hổ trong những giọt
nước mắt. (Trích thư của Tổng Thống
Mĩ Lincoln gửi thầy hiệu trưởng của con trai mình)
Từ gợi ý trên,
em hãy viết bài văn ngắn (khoảng 500 chữ) trả lời câu hỏi: Phải chăng
giọt nước mắt có thể giúp con người trở
nên mạnh mẽ hơn?
Câu 3. Nụ cười – nước mắt là
biểu hiện của hai trạng thái cảm xúc đối lập nhau là sự bộc lộ tình cảm,
cảm xúc mãnh liệt đã được ý thức, được lắng lọc qua cảm xúc thẩm mĩ của nhà thơ
nhà văn, gói ghém bên trong một chiều sâu suy nghĩ, tư tưởng, chứa đựng ít nhiều
chân lí của cuộc đời.
Đó là nụ cười lạc quan yêu đời của người lính lái xe Trường
Sơn trong đoạn thơ: Không có kính, ừ thì có bụi, Bụi phun tóc trắng như người già Chưa cần rửa phì phèo châm điếu thuốc Nhìn nhau mặt lấm cười ha ha.
Không có kính ừ thì ướt áo Mưa tuôn mưa xối như ngoài trời Chưa cần thay, lái trăm cây số nữa Mưa ngừng, gió lùa khô mau thôi. (Bài thơ về tiểu đội xe
không kính, Phạm Tiến Duật) |
Đó là giọt nước mắt tủi nhục đắng cay khi bị chồng nghi oan của
Vũ Nương trong đoạn trích: Tính chàng hay ghen, nghe con nói vậy,
đinh ninh là vợ hư, mối nghi ngờ ngày càng sâu, không có gì gỡ ra được.Về đến
nhà, chàng la um lên cho hả giận. Vợ chàng khóc mà rằng: - Thiếp vốn con kẻ khó, được nương tựa
nhà giàu. Sum hợp chưa thoả tình chăn gối, chia phôi vì động việc lửa binh.
Cách biệt ba năm giữ gìn một tiết. Tô son điểm phấn từng đã nguôi lòng, ngõ
liễu tường hoa chưa hề bén gót. Đâu có sự mất nết hư thân như lời chàng nói.
Dám xin bày tỏ để cởi mối nghi ngờ. Mong chàng đừng một mực nghi oan cho thiếp. Chàng vẫn không tin. Nhưng nàng hỏi
chuyện kia do ai nói ra, thì lại giấu không kể lời con nói; chỉ lấy chuyện
bóng gió này nọ mà mắng nhiếc nàng, và đánh đuổi đi. Họ hàng làng xóm bênh vực
và biện bạch cho nàng, cũng chẳng ăn thua gì cả. Nàng bất đắc dĩ nói: - Thiếp sở dĩ nương tựa vào chàng vì có
cái thú vui nghi gia nghi thất. Nay đã bình rơi trâm gãy, mây tạnh mưa tan,
sen rũ trong ao, liễu tàn trước gió; khóc tuyết bông hoa rụng cuống, kêu xuân
cái én lìa đàn, nước thẳm buồm xa, đâu còn có thể lại lên núi Vọng Phu kia nữa. Đoạn rồi nàng tắm gội sạch, ra bến
Hoàng Giang ngửa mặt lên trời mà than rằng: - Kẻ bạc mệnh này duyên phận hẩm hiu,
chồng con rẫy bỏ, điều đâu bay buộc, tiếng chịu nhuốc nhơ, thần sông có linh,
xin ngài chứng giám. Thiếp nếu đoan trang giữ tiết, trinh bạch gìn lòng, vào
nước xin làm ngọc Mỵ Nương, xuống đất xin làm cỏ Ngu mĩ. Nhược bằng lòng chim
dạ cá, lừa chồng dối con, dưới xin làm mồi cho cá tôm, trên xin làm cơm cho
diều quạ, và xin chịu khắp mọi người phỉ nhổ. Nói xong nàng gieo mình xuống sông mà chết. (Chuyện người con gái Nam Xương, Nguyễn Dữ) |
Đó là giọt nước mắt của tình cha con ấm áp, của sự hạnh phúc vỡ
òa của cha con ông Sáu trong đoạn trích: Đến lúc chia tay, mang ba lô lên vai, sau khi bắt tay hết mọi người,
anh Sáu mới đưa mắt nhìn con, thấy nó đứng trong góc nhà. Chắc anh cũng muốn ôm con, hôn con, nhưng hình như cũng sợ nó giẫy
lên lại bỏ chạy, nên anh chỉ đứng nhìn nó. Anh nhìn với đôi mắt trìu mến lẫn
buồn rầu. Tôi thấy đôi mắt mênh mông của con bé bỗng xôn xao. Thôi! Ba đi nghe con! – Anh Sáu khe khẽ nói. Chúng tôi, mọi người – kể cả anh, đều tưởng con bé sẽ đứng yên đó
thôi. Nhưng thật lạ lùng, đến lúc ấy, tình cha con bỗng nổi dậy trong người
nó, trong lúc không ai ngờ đến thì nó bỗng kêu thét lên: - Ba...a...a...ba! Tiếng kêu của nó như tiếng xé, xé sự im lặng và xé cả ruột gan mọi
người, nghe thật xót xa. Đó là tiếng “ba” mà nó cố đè nén trong bao nhiêu năm
nay, tiếng “ba” như vỡ tung ra từ đáy lòng nó, nó vừa kêu vừa chạy xô tới,
nhanh như một con sóc, nó chạy thót lên và dang hai tay ôm chặt lấy cổ ba nó.
Tôi thấy làn tóc tơ sau ót nó như dựng đứng lên. Nó vừa ôm chặt lấy cổ ba nó vừa nói trong tiếng khóc: - Ba! Không cho ba đi nữa! Ba ở nhà với con! Ba nó bế nó lên. Nó hôn ba nó cùng khắp. Nó hôn tóc, hôn cổ, hôn
vai và hôn cả vết thẹo dài bên má của ba nó nữa. […]Trong lúc đó, nó vẫn ôm chặt lấy ba nó. Không ghìm được xúc động
và không muốn cho con thấy mình khóc, anh Sáu một tay ôm con, một tay rút
khăn lau nước mắt, rồi hôn lên mái tóc con: - Ba đi rồi ba về với con. - Không! – Con bé hét lên, hai tay nó siết chặt lấy cổ, chắc nó
nghĩ hai tay không thể giữ được ba nó, nó dang cả hai chân rồi câu chặt lấy
ba nó, và đôi vai nhỏ bé của nó run run. Nhìn cảnh ấy, bà con xung quanh có người không cầm được nước mắt,
còn tôi bỗng thấy khó thở như có bàn tay ai nắm lấy trái tim tôi. (Chiếc lược ngà, Nguyễn Quang Sáng) |
Học
sinh được chọn 1 trong 2 đề sau:
Đề 1. Em
hãy viết bài văn trình bày cảm nhận về một trong ba nụ cười hay nước mắt trên.
Từ đó, liên hệ với một tác phẩm khác để làm nổi bật nội dung mà em chọn.
Đề 2. Bàn về thơ, nhà thơ Ấn Độ R.Tagore
viết:
Cũng như nụ cười và nước mắt, thực
chất của thơ là phản ánh một cái gì đó hoàn thiện từ bên trong.
Từ những trải nghiệm trong quá trình đọc tác phẩm văn chương,
em hãy viết bài văn với nhan đề: Văn chương như người mẹ nâng đỡ giấc mơ
và tâm hồn con người.