Chủ Nhật, 18 tháng 4, 2021

Đề luyện tập 12



                                             ĐỀ LUYỆN TẬP TỔNG HỢP 2020 – 2021_12

Chủ đề: NỖI SỢ

“Cách tốt nhất để vượt qua nỗi sợ hãi là hãy đối mặt với chúng, từ đó bắt đầu một quá trình tạo nên sự khác biệt.” (Azim Jamal & Harvey McKinno)

Câu 1. Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu:

Trong mỗi người chúng ta có chứa đựng hai phần đối lập - bóng tối và ánh sáng. Để hạnh phúc luôn mỉm cười, ta cần phát huy mặt tốt và không phủ nhận mặt xấu trong con người mình. Khi không dám đối diện với nỗi sợ hãi và cơn ác mộng dày vò tâm trí, ta sẽ gián tiếp khước từ những cảm xúc tốt đẹp đang hiện hữu trong trái tim mình. Và cứ thế bóng tối dần xâm chiếm và bao phủ lên những điều tuyệt vời ta đang có. Ngược lại nếu ta can đảm đương đầu và chiếu rọi ánh sáng vào những vùng tối tăm, bóng tối sẽ lùi lại và tan biến.

Thật vậy, sự trưởng thành của mỗi người phụ thuộc vào sự dũng cảm đối mặt với thử thách - những thử thách không chỉ ở thế giới bên ngoài mà còn ở thế giới nội tâm. Bóng tối sẽ không thể tồn tại nếu ta phơi bày nó trước ánh sáng của sự thiện tâm, lòng nhân hậu và sự khoan dung, bởi chẳng có bóng tối nào trên thế gian này có sức mạnh và quyền năng to lớn bằng tình yêu.

 (Theo Quên hôm qua sống cho ngày mai, Tian- Dayton, NXB Tổng hợp TPHCM, Tr.129)

a. Theo tác giả, để hạnh phúc luôn mỉm cười ta phải làm gì? Điều gì sẽ xảy ra nếu con người không dám đối mặt với nỗi sợ hãi?

b. Nêu hiệu quả của phép tu từ được sử dụng trong câu văn: Trong mỗi người chúng ta có chứa đựng hai phần đối lập - bóng tối và ánh sáng.

c. Em hiểu thế nào về lời khuyên: Ta cần không phủ nhận mặt xấu trong con người mình.

d. Em có đồng tình với quan điểm: Sự trưởng thành của mỗi con người phụ thuộc vào sự dũng cảm đối mặt với thử thách không? Vì sao? (Trả lời khoảng 4-6 dòng)

Câu 2. Tuổi trẻ có rất nhiều đặc quyền, nhưng song song với nó cũng có vô số áp lực và nỗi sợ: Sợ thay đổi, sợ người khác đánh giá, sợ thất bại, sợ mất lòng người khác…

Sợ hãi ở đây không phải nỗi sợ lớn lao, mà đôi khi chỉ là những nỗi sợ rất bình thường. Nhưng chính những điều đó sẽ khiến bạn đánh mất cơ hội trong cuộc sống.

. Từ gợi ý trên, em hãy viết bài văn ngắn (khoảng 500 chữ) trả lời câu hỏi: Nỗi sợ nào là của bạn?

 Câu 3. Nhân vật tồn tại trong văn chương được quyền có nỗi sợ. Đó là những nỗi sợ mất đi cái đẹp, cái tốt, cái thật. Những nỗi sợ xuất phát từ những tấm lòng cao đẹp, làm nên vẻ đẹp bất tử.

Đó là nỗi sợ cô đơn, nỗi “thèm người” khi sống và làm việc một mình trên đỉnh núi mây mù Yên Sơn mà Anh thanh niên trong Lặng lẽ Sa Pa của Nguyễn Thành Long vượt qua bằng sức mạnh của ý thức trách nhiệm và tình yêu đối với công việc.

Đó là nỗi hoảng sợ tuyệt vọng của Kiều trước tương lai vô định khi bị giam lỏng ở lầu Ngưng Bích làm người đọc thấy tấm lòng nhân đạo của Nguyễn Du:

Buồn trông cửa bể chiều hôm

Thuyền ai thấp thoáng cánh buồn xa xa?

Buồn trông ngọn nước mới sa

Hoa trôi man mác biết là về đâu?

Buồn trông nội cỏ rầu rầu

Chân mây mặt đất một màu xanh xanh

Buồn trông gió cuốn mặt duềnh

Âm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi.

(Truyện Kiều- Nguyễn Du)

 

Đó là nỗi sợ cái đói, nỗi khổ cực, mất mát và đau thương của những năm tháng đói nghèo, chiến tranh khiến người cháu khắc ghi mãi tình yêu thương và nỗi nhớ thương bà:

Lên bốn tuổi cháu đã quen mùi khói
Năm ấy là năm đói mòn đói mỏi
Bố đi đánh xe khô rạc ngựa gầy
Chỉ nhớ khói, hun nhèm mắt cháu
Nghĩ lại đến giờ sống mũi còn cay!

Năm giặc đốt làng cháy tàn cháy rụi

Hàng xóm bốn bên trở về lầm lũi

Đỡ đần bà dựng lại túp lều tranh

Vẫn vững lòng bà dặn cháu đinh ninh:

Bố ở chiến khu bố còn việc bố

Mày viết thư chớ kể này kể nọ

Cứ bảo nhà vẫn được bình yên!

(Bếp lửa- Bằng Việt)

Học sinh được chọn 1 trong 2 đề sau:

Đề 1. Em hãy viết bài văn trình bày cảm nhận về một trong ba nỗi sợ trên. Từ đó, liên hệ với một tác phẩm khác để làm nổi bật bài học nhận được từ nỗi sợ mà em chọn.

Đề 2. Văn chương sinh ra từ những tình cảm mạnh liệt. Văn học chân chính có khả năng lay động tâm hồn và tác động đến nhận thức của con người. đó là quá trình đi từ trái tim đến khối óc.

Từ những trải nghiệm trong quá trình đọc tác phẩm văn chương, em hãy viết bài văn với nhan đề: Một tác phẩm nghệ thuật là kết quả của tình yêu.