Thứ Bảy, 30 tháng 3, 2024

Phân tích đoạn văn Phương Định kể về công việc

 Đơn vị chăm chúng tôi ra trò. Có gì lại bảo “để cho bọn trinh sát, chúng nó ở trên đó vắng”.

Điều đó cũng dễ hiểu thôi. Đơn vị thường ra đường vào lúc mặt trời lặn. Và làm việc có khi suốt đêm.

Còn chúng tôi thì chạy trên cao điểm cả ban ngày. Mà ban ngày chạy trên cao điểm không phải chuyện chơi. Thần chết là một tay không thích đùa. Hắn ta lẩn trong ruột những quả bom. Tôi bây giờ còn một vết thương chưa lành miệng ở đùi. Tất nhiên, tôi không vào viện quân y. Việc nào cũng có cái thú của nó. Có ở đâu như thế này không: đất bốc khói, không khí bàng hoàng, máy bay đang ầm ì xa dần. Thần kinh căng như chão, tim đập bất chấp cả nhịp điệu, chân chạy mà vẫn biết rằng khắp chung quanh có nhiều quả bom chưa nổ. Có thể nổ bây giờ, có thể chốc nữa. Nhưng nhất định sẽ nổ… Rồi khi xong việc, quay lại nhìn cảnh đoạn đường một lần nữa, thở phào, chạy về hang. Bên ngoài nóng trên 30 độ, chui vào hang là sà ngay đến một thế giới khác. Cái mát lạnh làm toàn thân rung lên đột ngột. Rồi ngửa cổ uống nước, trong ca hay trong bi đông. Nước suối pha đường. Xong thì nằm dài trên nền ẩm, lười biếng nheo mắt nghe ca nhạc từ cái đài bán dẫn nhỏ mà lúc nào cũng có pin đầy đủ. Có thể nghe, có thể nghĩ lung tung… hình như ta sắp mở chiến dịch lớn. Đêm nào xe cũng nườm nượp ngoài đường. Ban đêm chúng tôi được ngủ. Nhưng mấy đêm nay thì chịu. Đứa nào cũng leo tót lên trọng điểm, cầm xẻng xúc, nói vài câu buốn cười với một anh lái xe nào đó. Vui. Chỉ khổ đứa phải trực máy điện thoại trong hang.

(Trích Những ngôi sao xa xôi, Lê Minh Khuê, SGK Văn 9 tập 2,NXBGD, 2023, tr.114)

Em hãy viết bài văn nghị luận về đoạn trích trên khiến em suy nghĩ về giá trị của lý tưởng sống. Sau đó trình bày những tác động của đoạn thơ đối với bản thân em.

BÀI LÀM

A. Mở bài

Là một trong những nhà văn trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Mỹ của dân tộc, Lê Minh Khuê được đánh giá là cây bút độc đáo với những tác phẩm truyện ngắn. Ngòi bút của nhà văn luôn hướng về cuộc sống chiến đấu trong bom đạn của tuổi trẻ trong thời kỳ bấy giờ, đặc biệt là những người anh hùng thầm lặng trên tuyến đường Trường Sơn. "Những ngôi sao xa xôi” là một trong những tác phẩm đầu tay của Lê Minh Khuê, viết năm 1971, khi cuộc kháng chiến chống Mĩ của dân tộc ta đang diễn ra vô cùng ác liệt.Truyện ngắn làm nổi bật hình ảnh những cô gái thanh niên xung phong trên tuyến đường Trường Sơn – gan góc, quả cảm, lạc quan, yêu đời, có tinh thần trách nhiệm cao. Phương Định – nhân vật chính và cũng là người kể chuyện – là một điển hình như thế! Ta có thể cảm nhận được vẻ đẹp vừa anh hùng quả cảm không sợ hi sinh vừa hồn nhiên trẻ trung yêu đời của Phương Định ttrong đoạn cô kể về khung cảnh và công việc phá bom của mình ở một cao điểm trên đường mòn Trường Sơn.

B. Thân bài

1. Khái quát

Truyện "Những ngôi sao xa xôi” viết về ba cô gái thanh niên xung phong làm nhiệm vụ phá bom trên một cao điểm trên tuyến đường Trường Sơn thời kỳ cuộc chiến đấu chống đế quốc Mỹ đang diễn ra vô cùng ác liệt. Họ thuộc tổ trinh sát mặt đường tại một trọng điểm trên con đường ác liệt ấy. Ấn tượng sâu đậm nhất để lại trong lòng bạn đọc ở “Những ngôi sao xa xôi” có lẽ chính là hình ảnh những cô gái dũng cảm, có tinh thần trách nhiệm, có tình đồng chí đồng đội sáng ngời, có tâm hồn trong trẻo, giàu mơ mộng và nhạy cảm. Tất cả những vẻ đẹp ấy được thể hiện tập trung nhất ở nhân vật Phương Định, mà chủ yếu qua đời sống nội tâm của cô. Qua ngòi bút tài hoa của nhà văn, hiện thực cuộc sống nơi chiến trường và hình ảnh những nữ thanh niên xung phong đặc biệt là Phương Định với cuộc sống gian khổ một thời cứ hiện lên sống động sau từng câu chữ.

2. Phân tích

a. Giới thiệu về nơi sống và công việc

Xuất thân là một cô gái Hà thành nhiều mộng mơ và giàu xúc cảm, Phương Định đã đi theo tiếng gọi của Tổ quốc để lên đường chiến đấu. Phương Định tham gia thanh niên xung phong trên tuyến đường Trường Sơn máu lửa và đầy mưa bom bão đạn. Cô cùng Nho và Thao sống trong một cái hang ở dưới chân cao điểm, giữa một cùng trọng điểm trên tuyến đường Trường Sơn. Nơi đây tập trung nhiều bão đạn và nguy hiểm, bởi từng giờ từng ngày luôn phải đối mặt với bom rơi đạn nổ. Công việc của cô là “phải chạy lên cao điểm giữa ban ngày”, rồi phơi mình ra giữa vùng trọng điểm đánh phá của máy bay địch để ước tính và đo khối lượng đất đá lấp vào hố bom, đếm bom chưa nổ, và cần thì phá bom. Đây là một công việc vô cùng nguy hiểm, có thể đối diện với cái chết bất cứ lúc nào. Thậm chí, ở nơi cư trú của họ cũng luôn có sự rình rập của tử thần. Nhiệm vụ ấy vô cùng thiêng liêng và quan trọng, nhưng cũng đầy hy sinh và gian khổ.

b. Vẻ đẹp của Phương Định

Phương Định đã không tiếc thân mình, mang lý tưởng cao đẹp để chiến đấu, nguyện dâng hiến hết tuổi trẻ, tuổi thanh xuân và chính bản thân mình cho đất nước. Cô gái ấy sẵn sàng rời bỏ cuộc sống nhàn hạ phồn hoa để lên đường chiến đấu với cuộc sống nơi chiến trường đầy gian khổ ác liệt. Hiện thực khốc liệt của chiến tranh qua giọng điệu của cô gái ấy thật hóm hỉnh, thật như biết đùa trước gian khó hiểm nguy. Công việc của Phương định và đồng đội luôn ẩn chứa hiểm nguy, có thể lấy đi tính mạng con người: "Mà ban ngày chạy trên cao điểm không phải chuyện chơi. Thần chết là một tay không thích đùa. Hán ta lẩn trong ruột những quả bom." Hình ảnh ẩn dụ "thần chết" cùng sự miêu tả sinh động về bom đạn cho thấy sự nguy hiểm cận kề. Công việc ấy luôn phải căng thẳng thần kinh, đòi hỏi sự bình tình và dũng cảm hết sức để đối mặt với mạo hiểm, với cái chết luôn cận kề. Những quả bom im lặng nhưng ẩn chứa hiểm nguy đáng sợ. Đối diện với quả bom và hình dung về những gì nó có thể gây ra, dù là người có thần kinh vững chãi nhất cũng phải run sợ. Thế nhưng, với cô gái, đó là một cảm giác quen thuộc, quen đến nỗi họ quên hết sức tàn phá của nó. Cô đã quen với việc phải đối mặt với "Thần chết" mỗi ngày. Thậm chí, cô vẫn làm việc ngay cả khi "còn một vết thương chưa lành miệng ở đùi" -thật… "lì lợm"! Công việc phá bom của các cô gái thanh niên xung phong đầy nguy hiểm rình rập và luôn phải đối mặt với cái chết nhưng lại hiện lên qua giọng kể đầy hóm hỉnh và bình thản và cho là có cái thú riêng: “Việc nào cũng có cái thú của nó. Có ở đâu như thế này không: đất bốc khói, không khí bàng hoàng, máy bay đang ầm ì xa dần. Thần kinh căng như chão, tim đập bất chấp cả nhịp điệu, chân chạy mà vẫn biết rằng khắp chung quanh có nhiều quả bom chưa nổ. Có thể nổ bây giờ, có thể chốc nữa. Nhưng nhất định sẽ nổ…” Bức tranh chiến tranh dữ dội với những tiếng nổ, tiếng máy bay, khói bụi mịt mù. Phương Định thật sự căng thẳng, lo âu tột độ. Nỗi sợ hãi luôn hiện hữu nhưng họ vẫn dũng cảm chiến đấu. Công việc thực sự nguy hiểm nhưng cô gái vẫn không hề nản, vẫn luôn làm việc với tinh thẩn trách nhiệm cao nhất. Cô y thức rõ ràng về nguy hiểm "Có thể nổ bây giờ, có thể chốc nữa. Nhưng nhất định sẽ nổ"nhưng vẫn dũng cảm tiến lên. Lời thách thức "Có ở đâu như thế này không" khẳng định sự độc đáo của trải nghiệm và bản lĩnh của người lính, lạc quan, yêu đời, tìm kiếm niềm vui trong gian khổ. Khi xong việc, “quay lại nhìn cảnh đoạn đường một lần nữa, thở phào" rồi mới yên tâm chạy về hang ở. Phương Định mơ mộng trong cuộc sống và cả trong công việc nguy hiểm. Khi phải đối mặt với hiểm nguy, Phương Định cùng với những người đồng đội của mình thực sự là những cô gái anh hùng. Hơn thế nữa, cảm nhận nhân vật Phương Định, ta thấy những hy sinh và mất mát của bản thân cũng được cô gái coi hết sức nhẹ nhàng “Tôi bây giờ vẫn còn một vết thương chưa lành ở đùi. Tất nhiên tôi không vào viện quân y”. Chỉ với ngữ điệu bình thản ấy cũng đủ toát lên sự lạc quan, tinh thần dũng cảm của nhân vật. Với Phương Định, được sống và chiến đấu, hi sinh vì Tổ quốc, đó là trách nhiệm, nghĩa vụ và là niềm hạnh phúc của tuổi trẻ.

Lê Minh Khuê đã thể hiện thành công sự nguy hiểm và căng thẳng của cuộc chiến tranh, đồng thời cho thấy tinh thần dũng cảm, gan dạ của người lính. Qua đó, tác giả thể hiện sự trân trọng và ngợi ca những người lính đã chiến đấu và hy sinh vì Tổ quốc. Có thể khẳng định rằng Phương Định và những đồng đội của cô thực sự là những cô gái anh hùng, nhưng đều là những anh hùng mà không tự biết. Điều này đã khiến cho nhân vật Phương Định trở nên đáng mến.

Thế nhưng, ngay giữa chiến trường, ta vẫn thấy những tâm hồn tươi trẻ, luôn rạng rỡ niềm tin yêu cuộc sống của Phương Định. Kết thúc những giây phút căng thẳng nơi cao điểm, xong việc là cô gái thở phào và sà ngay vào một thế giới khác “Rồi khi xong việc, quay lại nhìn cảnh đoạn đường một lần nữa, thở phào, chạy về hang. Bên ngoài nóng trên 30 độ, chui vào hang là sà ngay đến một thế giới khác. Cái mát lạnh làm toàn thân rung lên đột ngột.” "Thở phào" nhẹ nhõm, giải tỏa sau khi hoàn thành nhiệm vụ. Sự đối lập giữa bên ngoài nóng bức và bên trong hang mát lạnh – thế giới của những cô gái nữ tính đầy mơ mộng mang đến cảm giác sảng khoái, dễ chịu. "Cái mát lạnh làm toàn thân rung lên đột ngột" lột tả cảm giác rõ ràng, chân thực khi bước cô vào hang. Hình ảnh "thế giới khác" được sử dụng như một phép so sánh, làm nổi bật sự khác biệt về môi trường và cảm giác của nhân vật. Khi hoàn thành nhiệm vụ, cô trở về nơi ở với tâm trạng hoàn toàn thư thái, như chưa hề trải qua cơn sinh – tử: Hình ảnh "sà ngay" thể hiện sự háo hức, mong muốn được tận hưởng sự mát mẻ sau một ngày làm việc vất vả. Phương Định tận hưởng cảm giác sảng khoái sau khi hoàn thành công việc, sự mát mẻ và thư giãn “ngửa cổ uống nước, trong ca hay trong bi đông. Nước suối pha đường. Xong thì nằm dài trên nền ẩm, lười biếng nheo mắt nghe ca nhạc từ cái đài bán dẫn nhỏ mà lúc nào cũng có pin đầy đủ. Có thể nghe, có thể nghĩ lung tung…” Cô thật sự thoải mái, tận hưởng phút giây bình yên. Hình ảnh "nằm dài", "lười biếng" cho thấy sự thả lỏng, không còn gánh nặng công việc. Trong điều kiện gian khó ấy, cô vẫn giữ được nét nữ tính, đơn thuần của tuổi trẻ. Đó chính là biểu hiện cao hơn cả của sự lạc quan, khi con người không đánh mất chính mình trong cuộc sống gian khó. Cô luôn yêu đời, khao khát hạnh phúc cùng nét thanh xuân chưa bao giờ bị khuất lấp bởi khói đạn. Lê Minh Khuê đầy tinh tế và ý nhị, khi khai thác tâm lý cô gái đôi mươi- Phương Định ở những điều tưởng chừng như quá đơn giản, gần gũi. Từ trong hang cô hức trước chiến dịch sắp diễn ra “Ban đêm chúng tôi được ngủ. Nhưng mấy đêm nay thì chịu. Đứa nào cũng leo tót lên trọng điểm, cầm xẻng xúc, nói vài câu buốn cười với một anh lái xe nào đó. Vui. Chỉ khổ đứa phải trực máy điện thoại trong hang.” Cô quan tâm vui vẻ, thoải mái,có chút háo hức và dự đoán về sự kiện quan trọng sắp diễn ra. Đây là tinh thần lạc quan của những người lính trong thời chiến. Cảm xúc và suy nghĩ chân thực của cô đã truyền sang cho người đọc nỗi niềm đồng cảm yêu mến và sự kính phục.

 Sau trùng trùng hiểm nguy, khung cảnh khốc liệt của chiến tranh vẫn được làm dịu lại bởi niềm lạc quan, yêu đời điểm xuyết vào từng câu chữ như những đóa hoa nở giữa trời đông giá buốt. Bởi lẽ ấy, người đọc càng được tiếp thêm niềm tin và sức mạnh để vươn tới tương lai tốt đẹp hơn.

3. Đánh giá

Nhà văn Lê Minh Khuê đã tỏa sáng với ngòi bút của mình với nhân vật Phương Định trong tác phẩm Những ngôi sao xa xôi. Xây dựng nhân vật cô gái này, nhà văn đã chọn được những phương thức trần thuật hợp lý khi đặt điểm nhìn vào nhân vật chính của mình để nhân vật tự kể chuyện. Chính vì thế, nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật Phương Định đạt đến độ tinh tế nhất. Ngôn ngữ trần thuật qua nhân vật chính đã làm cho tác phẩm có giọng điệu, ngôn ngữ tự nhiên gần với khẩu ngữ, trẻ trung và nữ tính như chính nét tính cách của nhân vật. Bên cạnh đó, lời kể linh hoạt, cùng câu ngắn dài, nhịp nhanh tạo không khí chiến trường, nhịp kể chậm lại khi hồi tưởng như gợi nhớ kỷ niệm của tuổi thơ êm đềm cũng là một nét nghệ thuật tạo nên sự thành công của tác phẩm. Lê Minh Khuê với tác phẩm Những ngôi sao xa xôi đã làm nổi bật lên vẻ đẹp tâm hồn của những cô gái vừa quả cảm trong chiến đấu, vừa mang nét hồn nhiên vô tư, trong sáng và đầy lạc quan… Đây là một hình ảnh đẹp, đặc trưng cho thế hệ trẻ Việt Nam đã sống và chiến đấu, hy sinh không tiếc tuổi xuân cho quê hương đất nước.

4. Tác động

Qua dòng suy nghĩ và tâm trạng của nhân vật Phương Định, cuộc sống chiến đấu của các cô thanh niên xung phong được tái hiện đầy đủ, chân thực và sinh động với vẻ đẹp tỏa sáng. Hình ảnh các cô gái thanh niên trong truyện ngắn trên chính là tấm gương về lý tưởng sống cho thanh niên ngày nay. Trong cuộc sống, để đạt được mục đích, ước mơ thì bất cứ ai cũng phải có một lý tưởng sống tốt đẹp. Lý tưởng sống giúp Phương Định và các đồng đội luôn cảm thấy thanh thản, lạc quan, vui vẻ, hạnh phúc. Nó góp phần bồi đắp vẻ đẹp tâm hồn cho mỗi người, giúp con người hoàn thiện nhân cách. Lý tưởng sống Đã giúp Phương Định và bản thân mỗi người chúng ta có định hướng phấn đấu để vươn lên, là điều kiện để giúp con người sống có ý nghĩa hơn, sống tốt, sống đẹp hơn. Lý tưởng sống được coi là yếu tố quan trọng góp phần xây dựng xã hội ngày một giàu đẹp và văn minh. Bởi vậy, trong thời kỳ công nghiệp hóa – hiện đại hóa như ngày nay, thế hệ trẻ, thanh niên như em cần hiểu được tầm quan trọng của lý tưởng sống với bản thân và cộng đồng. Bản thân em cần hiểu rõ năng lực và khả năng của mình để vạch định ra cho mình một lý tưởng sống tốt đẹp. Em sẽ thể hiện lý tưởng sống bằng việc làm, hành động cụ thể, nỗ lực học tập, lao động, làm việc, rèn luyện, tu dưỡng, không ngại khó, ngại khổ, không nản lòng, nhụt chí trước thất bại. Sống hữu ích cho bản thân, cho gia đình và quê hương đất nước là việc làm vĩ đại nhất.

C. Kết bài

Chiến tranh đã lùi xa, nhưng khi đọc lại tác phẩm Những ngôi sao xa xôi, người đọc như được sống lại những năm tháng hào hùng của dân tộc. Nhân vật Phương Định mang những nét đẹp tiêu biểu cho biết bao chàng trai và cô gái thanh niên xung phong trong những năm tháng chống Mỹ oanh liệt. Cảm nhận nhân vật Phương Định đã tiếp thêm cho ta sức mạnh và động lực để viết tiếp nên những nét son trong trang sử của thời đại mình.


Thứ Ba, 26 tháng 3, 2024

THẤT BẠI LÀ MÓN QUÀ

 Không có thất bại thì làm sao có thành công? Không có thất bại thì làm sao có kinh nghiệm? Không có nước mắt thì làm sao có nụ cười? Chẳng có cách nào để xa lánh thất bại. Vậy sao ta không dũng cảm đối mặt với nó và coi nó là một món quà.

 Thất bại được hiểu là khi chúng ta không đạt được mục tiêu đề ra, là sự vấp ngã, sai lầm trong quá trình thực hiện một việc nào đó. Thất bại là điều không ai mong muốn, nhưng nó là một phần tất yếu của cuộc sống. Thất bại có thể là một món quà quý giá mà cuộc sống ban tặng nếu ta biết cách nhìn nhận và tiếp thu nó. Thất bại không chỉ đơn thuần là sự vấp ngã, mà còn là bài học quý giá giúp ta trưởng thành và tiến xa hơn trên con đường chinh phục ước mơ.

. Lịch sử đã chứng minh không ít người thành công đã từng trải qua thất bại. Thomas Edison đã trải qua hàng nghìn lần thất bại trước khi phát minh ra bóng đèn. Michael Jordan bị loại khỏi đội bóng rổ của trường trung học, nhưng sau đó đã trở thành huyền thoại bóng rổ thế giới. J.K. Rowling đã nhận được hàng loạt lời từ chối trước khi Harry Potter trở thành series sách bán chạy nhất mọi thời đại. Ngay cả những con người thành công nhất cũng từng phải vượt qua thất bại, không ngừng vượt qua thất bại để bước tới trước, học hỏi từ thất bại, từng bước từng bước vững vàng tiến tới thành công. Vậy thì, bạn có lý do gì để sợ hãi và khước từ thất bại?

Để có cầu vồng phải có cơn mưa, không còn cách nào khác. Những lần khó khăn sẽ khiến ta trở nên mạnh mẽ hơn và không còn đau khổ nữa. Ta chỉ trở nên vững vàng hơn, mạnh mẽ, kiên cường và bản lĩnh hơn khi học hỏi từ những khó khăn và không dễ dàng gục ngã trước thất bại.

Từ những thất bại, chúng ta học được nhiều điều hơn là thành công.” Mỗi lần vấp ngã, ta rút ra bài học quý giá, khám phá ra những tiềm năng ẩn giấu và giới hạn của bản thân,  hiểu ra mình nên làm gì khi có ý thức không nên làm gì để không lặp lại sai lầm trong tương lai.

Thất bại thực sự rất tệ hại. Nếm thử hương vị của thất bại ta mới nhận ra được ý nghĩa của cuộc sống. Khi đã trải qua thất bại, ta mới hiểu được giá trị của sự nỗ lực và kiên trì, sẽ càng trân quý những thành công mà mình đạt được và sẽ có thêm động lực để tiếp tục tiến bộ.

Định mệnh đã cho ta thất bại thì hãy vui vẻ và đón nhận nó như một món quà vô giá. Nhờ từng trải qua thất bại, ta sẽ có thêm sự đồng cảm và thấu hiểu đối với những người gặp khó khăn trong cuộc sống, sẽ biết cách chia sẻ và hỗ trợ họ để cùng nhau vượt qua những thử thách. Để sống một cuộc đời trọn vẹn và đầy ý nghĩa.

Thất bại có thể là một món quà quý giá. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là ta nên chủ động tìm kiếm thất bại. Không phải thất bại nào cũng là một món quà, cũng dễ dàng chấp nhận. Chúng ta có thể cảm thấy buồn bã, thất vọng, thậm chí là chán nản. Thất bại có thể dẫn đến những tổn thương tâm lý, khiến ta sợ hãi và e dè trước những thử thách mới. không phải ai cũng biết cách biến thất bại thành món quà quý giá. Để biến thất bại thành một món quà, ta cần có một thái độ tích cực và sẵn sàng học hỏi từ những sai lầm và không ngừng nỗ lực.

Thực tế, vẫn còn nhiều người đã trở thành nô lệ của thất bại, hễ gặp thất bại là liền suy sụp, là dễ dàng từ bỏ. Nếu cố gắng, có chăng chỉ là nửa vời rồi cuối cùng chấp nhận đầu hàng trước thất bại. Có nhiều bạn trẻ sống không có ước mơ, không biết phấn đấu vươn lên, chỉ ỷ lại, dựa dẫm vào người khác, không biết tự làm chủ cuộc sống của mình, tự đánh mất cơ hội của cuộc đời mình. Có nhiều bạn ngã rồi chỉ mãi dừng chân ở đó mà không đủ can đảm bước tiếp, chỉ vì không đạt kết quả cao trong một kì thi đã vội từ bỏ cố gắng, xao nhãng việc học

Thất bại không phải là điều đáng sợ, mà là một món quà quý giá cho mỗi người trên con đường thành công. Hãy nhớ rằng thất bại không phải là dấu chấm hết, nó chỉ là một bước lùi tạm thời để chúng ta tiến xa hơn trong tương lai.

Là học sinh, nếu hôm nay ta chưa thể đạt được thành tích cao trong học tập, hãy tự ngồi lại và suy ngẫm xem mình đã cố gắng đủ chưa, hướng đi của mình liệu đã đúng đắn và mỗi ngày trôi qua hãy không ngừng học hỏi. Nếu dự án của ta đang gặp khó khăn hãy bình tĩnh và tìm cách tháo gỡ từng nút thắt bởi không việc gì không thể nếu ta đủ cố gắng. Cuộc đời có quyền xô ngã ta nhưng đứng dậy hay không là quyền của mình. Hãy cho phép bản thân nghỉ ngơi sau thất bại để bình tâm nhìn lại những điều đã qua, những thứ đã làm mình thất bại.  Chấp nhận thất bại với lòng kiêu hãnh, chấp nhận lời phê bình bằng tư thế đĩnh đạc, nhận vinh dự với sự nhún nhường – đó là dấu hiệu của sự trưởng thành và độ lượng.

Cuộc sống không đơn giản chỉ toàn màu hồng. Đó còn là mồ hôi, nước mắt; là bao chông gai, vấp ngã... Chỉ những ai dám thừa nhận và học hỏi từ chính sai lầm, dám tin tưởng và nỗ lực, dám quyết đoán, tích cực và không bao giờ bỏ cuộc thì mọi thất bại sẽ luôn là khởi nguồn của những thành công.

 

 

 

 

 

 

 

Phân tích vẻ đẹp người đồng mình trong đoạn thơ sau: Người đồng mình yêu lắm con ơi

Phân tích vẻ đẹp người đồng mình trong đoạn thơ sau:

Người đồng mình yêu lắm con ơi

Đan lờ cài nan hoa

Vách nhà ken câu hát

Rừng cho hoa

Con đường cho những tấm lòng

[…]

Người đồng mình thương lắm con ơi

Cao đo nỗi buồn

Xa nuôi chí lớn

( Trích Nói với con, Y Phương, NXBGDVN, 2023, trang 72)

Sau đó nêu những tác động của đoạn thơ đối với em.

Bài làm

I. Mở bài

Nhà thơ Y Phương là nhà thơ dân tộc thiểu số nổi bật trong nền thơ ca Việt Nam với những vần thơ mang đậm bản sắc vùng cao đầy chân thực, trong sáng, và cách tư duy giàu hình ảnh của người dân tộc miền núi. Bài thơ “Nói với con” là tác phẩm tiêu biểu của Y Phương. Bài thơ giúp ta hiểu thêm về sức sống và một vẻ đẹp tâm hồn của một dân tộc miền núi, gợi nhắc tỉnh cảm gắn bó với truyền thống, với quê hương và ý chí vươn lên trong cuộc sống. Những lời tâm tình thủ thỉ của người cha ấy khiến ta  nghĩ suy về những bài học gần gũi giản dị qua niềm tự hào của người cha về  niềm vui lao động cũng như sức sống mạnh mẽ, lối sống tình nghĩa của người đồng mình:

Người đồng mình yêu lắm con ơi

Đan lờ cài nan hoa

Vách nhà ken câu hát

Rừng cho hoa

Con đường cho những tấm lòng

[…]

Người đồng mình thương lắm con ơi

Cao đo nỗi buồn

Xa nuôi chí lớn

II. Thân bài

1.   Khái quát

Nói với con của Y Phương đã mang đến những xúc cảm chân thành và bình dị trong mỗi người. Bài thơ lấy cảm hứng từ tình yêu thương vô bờ của một người cha dành cho con của mình, từ đó mượn lời nói cùng con để ngợi ca về cội nguồn sinh dưỡng của mỗi con người, qua đó cũng thể hiện sự tự hào về truyền thống của quê hương, về sự sống bền bỉ của dân tộc. Quê hương không chỉ là nơi con được sinh ra, lớn lên, mà còn là nơi hun đúc, nuôi dưỡng nghị lực sống và tâm hồn con. Đặc biệt, nói đến quê hương là  Y Phương nói đến những con người xứng đáng là mẫu hình về mọi mặt cho con noi theo để trưởng thành.

2.   Phân tích

a.   Luận điểm 1

Trên quê hương thơ mộng nghĩa tình, người đồng mình hiện lên trong cuộc sống lao động cần cù , tươi vui mà đầy nghĩa tình:

Người đồng mình yêu lắm con ơi

Đan lờ cài nan hoa

Vách nhà ken câu hát

Rừng cho hoa

Con đường cho những tấm lòng

Giọng thơ vang lên đầy thiết tha và tự hào: 

Người đồng mình yêu lắm, con ơi!

“Người đồng mình” là người bản mình, người quê mình. Y Phương có cách gọi rất độc đáo, rất gần gũi và thân thương về những con người quê hương. Với hình thức câu cảm thán, người đọc cảm nhận lời tâm tình được cất lên tự đáy lòng thương mến của người cha về người đồng mình. Nhà thơ như đang giới thiệu ân cần đây là những người bản mình, người vùng mình, người dân quê mình gần gũi, thân thương. Cách gọi như thế, cùng với hô ngữ “con ơi” khiến lời thơ trở nên tha thiết, trìu mến.

Trên mảnh đất thân thương, “người đồng mình” giản dị và tài hoa trong cuộc sống lao động nơi miền sơn cước:

Đan lờ cài nan hoa

Vách nhà ken câu hát

Khi tâm tình với con về cuộc sống lao động của “người đồng mình”, tác giả đã lựa chọn đưa vào những hình ảnh đẹp đẽ “nan lờ cài đan hoa” và tươi vui “vách nhà ken câu hát”. Đan lờ để đánh bắt cá tôm, cùng dựng nhà dựng cửa, cấy cày, trồng trọt… Những chiếc lờ dùng để đánh bắt cá không chỉ làm bằng tre nứa mà còn làm bằng hoa. Ngôi nhà của người đồng mình có vách được ken bằng những câu hát hát si, hát lượn. Người đồng mình vừa làm vừa hát. Các động từ “đan”, “ken, cài” được sử dụng liên tiếp không chỉ giúp cho người đọc hình dung được những công việc cụ thể làm ra những dụng cụ lao động, những mái nhà vững chãi của con người trên quê hương còn gợi ra tính chất gắn bó, hoà quyện, quấn quýt của con người và của quê hương, xứ sở. Những đôi bàn tay lao động chân chất đã góp phần dựng xây quê hương ấm no, hạnh phúc. Dù không có dòng thơ nào nhắc đến họ trong dáng hình nhưng vẻ đẹp của người lao động được gợi ra từ những công việc hàng ngày, đầy tài hoa mà giản dị, đời thường. Cái “yêu lắm” của “người đồng mình” là gì nếu không phải là cốt cách tài hoa, là tinh thần vui sống? Phải chăng, ẩn chứa bên trong cái dáng vẻ thô mộc là một tâm hồn phong phú, lãng mạn biết bao?

Hơn tất cả, con lớn lên trong sự đùm bọc che chở của con người và rừng núi quê hương thơ mộng, nghĩa tình:

Rừng cho hoa

Con đường cho những tấm lòng

Nếu như hình dung về một vùng núi cụ thể, chắc hẳn mỗi người có thể gắn nó với những hình ảnh khác cách nói của Y Phương: là thác lũ, là bạt ngàn cây hay rộn rã tiếng chim thú hoặc cả những âm thanh “gió gào ngàn, giọng nguồn thét núi”, những bí mật của rừng thiêng….. Nhưng Y Phương chỉ chọn hình ảnh “hoa” để nói về cảnh quan của rừng. Hình ảnh ấy có sức gợi rất lớn, gợi về những gì đẹp đẽ và tinh tuý nhất. Hình ảnh này góp phần diễn đạt điều tác giả đang muốn khái quát: Thiên nhiên không chỉ đẹp thơ mộng mà còn chan chứa nghĩa tình. Thiên nhiên đã ban tặng cho con người những gì đẹp nhất. Rừng cho hoa trái ngát thơm, trên đường con đi, con sẽ gặp những tấm lòng rộng mở vỗ về con. Cha muốn con hiểu rằng, bên con không chỉ có tình yêu thương của cha mẹ mà còn có sự đùm bọc che chở của quê hương, làng xóm. Không chỉ có gia đình mà quê hương cũng chính là mái nhà ấm áp của con. Nếu cơm gạo của cha mẹ nuôi lớn con về thể xác thì quê huơng đã nuôi dưỡng con về tâm hồn, về lẽ sống. Bằng cách nhân hoá “rừng” và “con đường” qua điệp từ “cho”, người đọc có thể nhận ra lối sống tình nghĩa của “người đồng mình”. Đó cũng chính là một nguồn mạch yêu thương vẫn tha thiết chảy trong lâm hồn mỗi người, bởi “con đường cho những tấm lòng”, vẻ như mộng ấy của thiên nhiên, nghĩa tình sâu đậm ấy của “những tấm lòng” đã che chở, nuôi dưỡng, bồi đắp tâm hồn cũng như lối sống của con. “Con đường” là nơi con người liên kết gặp gỡ, tâm tình, và cũng là nơi để con người chia sẻ với nhau những khó khăn, trở ngại trong cuộc sống. Thế nên từ “hoa” cũng có thể hiểu là những tình cảm tốt đẹp mà “người đồng mình” dành tặng cho nhau mỗi ngày. Điệp từ “cho” đã khiến hai câu thơ trở nên sống động, giúp người đọc cảm nhận được cuộc sống của Người đồng mình. Người cha dạy dỗ con bằng chính tình yêu quê hương và muốn con cũng trở nên như vậy.

Chỉ với những câu thơ ngắn gọn, nhà thơ giúp ta hình dung được hình ảnh đáng yêu của người đồng mình giữa núi rừng thơ mộng, hiền hòa. Vẻ đẹp của họ được gợi ra từ cuộc sống lao động bình dị, từ bàn tay tài hoa và khối óc sáng tạo. Họ có niềm vui giản dị, tinh tế ngay trong cuộc sống mộc mạc đời thường.

b.   Luận điểm 2

“Người đồng mình” không chỉ “yêu lắm” với những hình ảnh đẹp đẽ, giản dị ghi nhắc nguồn cội sinh dưỡng tâm hồn, tình cảm, lối sống cho con người mà còn với những đức tính cao đẹp, đáng tự hào. Người đồng mình còn có một lẽ sống cao đẹp, biết lo toan và có chí đi lên:

Người đồng mình thương lắm con ơi

Cao đo nỗi buồn

Xa nuôi chí lớn

Nếu trên kia “yêu lắm con ơi” – yêu cuộc sống vui tươi bình dị, yêu bản làng thơ mộng, yêu những tấm lòng chân thật nghĩa tình, thì đến đây người cha nói “thương lắm con ơi”– bởi sau từ “thương” đó là những những nỗi vất vả, gian khó của con người quê hương. Người cha biểu lộ tình cảm yêu thương chân thành về gian truân, thử thách cùng ý chí mà người đồng mình đã trải qua.

Bằng cách tư duy độc đáo của người miền núi, Y Phương đã lấy cái cao vời vợi của trời để đo nỗi buồn, lấy cái xa của đất để đo ý chí con người:

Cao đo nỗi buồn

Xa nuôi chí lớn

Câu thơ có cách diễn đạt vô cùng độc đáo. Nỗi buồn và chí lớn vốn không thể định hình, định lượng nhưng lại được tác giả dùng cao để đo nỗi buồn, xa để đo ý chí của con người. Cách nói trên đã hữu hình hóa những trắc trở, khó khăn mà người đồng mình phải trải qua đồng thời còn cho thấy ý chí quyết tâm của họ. Trước mọi khó khăn, thử thách họ vẫn không ngừng cố gắng, không ngừng vươn lên. Những khó khăn kia chỉ là thuốc thử, tôi rèn ý chí của họ ngày một mạnh mẽ hơn. Tác giả sử dụng các tính từ “cao”, “xa” trong sự tăng tiến để thấy được những khó khăn, gian truân như ngày càng tăng lên, thử thách ý chí và nghị lực của con người. Nỗi buồn, những bộn bề thiếu thống càng nhiều thì ý chí của con người càng lớn, càng mạnh mẽ hơn để vượt qua tất cả. Có thể nói, cuộc sống của người đồng mình còn nhiều nỗi buồn, còn nhiều bộn bề thiếu thốn song họ sẽ vượt qua tất cả, bởi họ có ý chí và nghị lực, họ luôn tin tưởng vào tương lai tốt đẹp của dân tộc. Người cha vừa tự hào về tinh thần, ý chí của người đồng mình, đồng thời cũng gửi gắm ước mong về đứa con sẽ rắn rỏi như truyền thống quê hương. Y Phương muốn con mình hiểu rằng giá trị của con người không phải đo bằng những của cải vật chất mà là những phẩm chất người đó có. Giá trị đích thực của con người phải ở tầm cao nhân văn mà con người đang vươn tới.  Người cha mong ngay từ nhỏ, đứa con phải nhận biết rằng những gì làm nên phần tốt đẹp nhất của cuộc đời là những giá trị tinh thần chứ không phải là của cải vật chất tầm thường. Sống phải tràn đầy niềm tin và khí phách.

3.   Đánh giá

Giọng điệu tha thiết, trìu mến, lúc bay bổng, nhẹ nhàng, lúc triết lí sắc nhọn… tạo sự cộng hưởng hài hòa với những cung bậc tình cảm trong lời người cha truyền thấm sang con làm rung động tâm hồn chúng ta. Tác giả đã xây dựng các hình ảnh cụ thể mà có tính khái quát, mộc mạc nhưng giàu chất thơ một cách thành công. Bố cục chặt chẽ, từ ngữ giản dị, mộc mạc như lời nói hàng ngày của người miền núi, đã lột tả cái hồn cốt trong bản sắc người dân tộc với tiếng thơ mang phong cách độc đáo. Lời cha dìu dặt tựa như một khúc ca nhẹ nhàng mà âm vang sẽ là hành trang đi theo con suốt cuộc đời. Có lẽ, đó sẽ là một bài học, một lời tâm niệm bổ ích cho các bạn trẻ – bài học về lối sống nghĩa tình,nghị lực, ý chí vươn lên.

4.   Tác động

Đoạn thơ đã thể hiện tình yêu thương sâu sắc của tác giả dành cho người đồng mình, cho quê hương, đất nước. Đoạn thơ đã rất thành công trong việc ca ngợi phẩm chất của người đồng mình, giúp em hiểu thêm về vẻ đẹp và sức sống mãnh liệt của người dân miền núi và ta cũng như đang bắt gặp lại chính làng quê mình, tâm hồn mình. . Qua những hình ảnh đẹp đẽ về người đồng mình, tác giả muốn nhắn nhủ con cũng như em hay những bạn học sinh còn trên ghế nhà trường: Phải biết yêu thương, trân trọng quê hương và con người nơi đây, qua lao động, bằng văn hóa đã nuôi dưỡng, chở che, giúp con khôn lớn, trưởng thành. Phải học tập và rèn luyện để có "chí lớn", noi gương những người đồng mình đã vượt qua mọi khó khăn để vươn lên trong cuộc sống. Đây chính là nền tảng cơ bản để tiếp bước cho con khôn lớn, trưởng thành. Con phải luôn sống bằng tình yêu và niềm tự hào về  quê hương, mong con luôn trân trọng quê hương và sống xứng đáng với tình yêu thương đó. Bài thơ cũng là lời nhắn nhủ cho bản thân em: dù cuộc sống có khó khăn đến đâu, cũng cần phải giữ cho mình ý chí kiên cường, nghị lực vươn lên và không ngừng nuôi dưỡng ước mơ, hoài bão. Em thật sự biết ơn cha mẹ, thầy cô giáo và những người đã giúp đỡ em  trong cuộc sống, từ đó ra sức học tập, rèn luyện để trở thành người có ích cho xã hội.

III. Kết bài

Nói với con  của Y Phương là niềm rung cảm tự nhiên, ẩn sâu chiều sâu triết lí. Chỉ vài câu thơ ngắn, vài lời thơ giản dị nhưng nhà thơ giúp ta hình dung được hình ảnh đáng yêu của người đồng mình giữa núi rừng thơ mộng, hiền hòa. Vẻ đẹp của họ được gợi ra từ cuộc sống lao động bình dị, từ bàn tay tài hoa và khối óc sáng tạo. Họ có niềm vui giản dị, tinh tế ngay trong cuộc sống mộc mạc đời thường. Vẻ đẹp cuộc sống của người đồng mình hay cũng chính là tất cả những gì mà con người cần mang theo trên mỗi bước đường đời.

 

Thứ Bảy, 16 tháng 3, 2024

PHẢI CHĂNG HẠNH PHÚC CHỈ THUỘC VỀ NHỮNG NGƯỜI BIẾT CÁCH BIẾN MƠ ƯỚC THÀNH SỰ THẬT?

 

A. Mở bài:

- Ralph Waldo Emerson đã từng nói: “Thế giới luôn mở đường cho những người biết họ sẽ đi đâu." Bạn sẽ không chinh phục được ước mơ nếu bạn không biết mình thực sự muốn gì.”

- Ước mơ sẽ chẳng đi đến đâu nếu như ta không bắt tay vào làm việc. Dù cho những việc đó có nhỏ bé đến thế nào thì mỗi hành động đều mang ta gần tới ước mơ của mình thêm một bước nữa.

- Phải chăng hạnh phúc chỉ thuộc về những người biết cách biến mơ ước thành sự thật?

B. Mở bài:

1. Giải thích

- Hạnh phúc đơn giản là cảm giác sung sướng, vui vẻ, thanh thản khi ta đạt được hoặc thỏa mãn điều mà ta mong muốn.

- Những người biết cách biến mơ ước thành sự thật là những người chủ động hành động bằng nỗ lực, phấn đấu vượt qua mọi khó khăn, thử thách, phải bỏ sức lực, trí tuệ, phải đổ mồ hôi, nước mắt để có thể biến ước mơ thành hiện thực

- Biến ước mơ thành hiện thực là một cách để đạt được hạnh phúc.

Bạn chính là người sẽ tạo cơ hội và biến ước mơ thành hiện thực để bản thân mình hạnh phúc.

=> Đừng ngồi yên và trông chờ ai đó sẽ đem hạnh phúc đến cho mình. Tuy nhiên, đừng giới hạn ở việc đạt được thành công mới mang lại. Điều quan trọng là ta biết trân trọng những gì mình đang có, sống lạc quan và yêu thương bản thân.

2. Biểu hiện

- Ước mơ có thể là những nhu cầu bình thường trong sinh hoạt hằng ngày. Nhưng nó cũng chính là kế hoạch lâu dài, những khát khao hướng thượng cho chính bản thân mình.

- Khi nhìn vào thành công của ca sĩ Sơn Tùng M-TP, họa sĩ vẽ tranh bằng miệng Lê Minh Châu hay các ngôi sao thể thao…bạn sẽ chỉ nhìn thấy thứ mà họ đạt được mà không biết được rằng trên con đường tìm đến thành công, họ đã phải trải qua nhiều chông gai, sống hết mình vì khát khao, đam mê như thế nào.

3. Phân tích

* Hạnh phúc chỉ thuộc về những người biết cách biến mơ ước thành sự thật:

- Hạnh phúc không tự nhiên đến với chúng ta mà cần phải chủ động theo đuổi. Quá trình theo đuổi ước mơ tuy có thể gặp nhiều khó khăn, thử thách nhưng khi thành công, ta sẽ cảm nhận được niềm vui và sự viên mãn vô cùng to lớn.

- Biến ước mơ thành hiện thực mang lại niềm vui và sự tự hào. Khi có ước mơ và biết cách biến nó thành sự thật, ta sẽ cảm thấy bản thân có giá trị, có ích cho xã hội. Vượt qua mọi khó khăn và đạt được thành công, ta cảm thấy hạnh phúc vì nỗ lực của bản thân được đền đáp.

- Quá trình theo đuổi ước mơ giúp phát triển bản thân. Khi theo đuổi ước mơ, chúng ta buộc phải học hỏi những kỹ năng mới ,vượt qua thử thách và học hỏi từ thất bại giúp ta mạnh mẽ, kiên trì và trưởng thành hơn, tự tin hơn và hạnh phúc hơn.

- Hạnh phúc không chỉ đến từ kết quả. Niềm vui trong hành trình theo đuổi ước mơ cũng góp phần tạo nên hạnh phúc. Khi chúng ta sống một cuộc sống có mục đích, chúng ta cảm thấy như mình đang đóng góp cho điều gì đó lớn lao hơn bản thân mình. Điều này có thể dẫn đến một cảm giác hạnh phúc và viên mãn.

* Hạnh phúc không chỉ giới hạn ở việc đạt được thành công:

- Hạnh phúc không chỉ đơn giản là đạt được thành công trong việc thực hiện ước mơ. Hạnh phúc còn đến từ những điều bình dị trong cuộc sống như: dành thời gian cho người thân yêu, tận hưởng thiên nhiên hay giúp đỡ người khác…

- Thành công không chỉ được đo lường bằng kết quả mà còn là quá trình học hỏi và trưởng thành bản thân. Sẽ có những ước mơ không thể thành hiện thực và diều quan trọng là ta biết chấp nhận và học cách trân trọng những gì mình đang cóvà biết cách tạo ra niềm vui cho bản thân từ những điều nhỏ bé.

4. Phê phán

- Trong xã hội ngày nay, vẫn còn những bạn trẻ sống không có ước mơ, không hiểu mình muốn gì và không có ý chí phấn đấu, sống buông bỏ đời mình theo số phận muốn tới đâu thì tới.

- Một bộ phận giới trẻ có những suy nghĩ lệch lạc, sống ỷ lại, thụ động, phụ thuộc vào gia đình.

- Một số khác thì theo đuổi những ước mơ quá xa vời, thiếu thực tế.

- Một số lại sống bằng lòng với thực tại, ngại khó, ngại khổ, không dám theo đuổi ước mơ.

5. Bài học

- Hạnh phúc là một cảm xúc mà ai cũng mong muốn có được. Nhưng hạnh phúc không phải là điều tự nhiên đến mà cần phải nỗ lực theo đuổi và gìn giữ. Hãy nhớ rằng, hạnh phúc nằm trong tay mỗi người.

* Bản thân

- Con đường biến ước mơ thành hiện thực không hề dễ dàng, cần sự kiên trì, nỗ lực và không ngừng học hỏi.

+ Cần có những ước mơ và mục tiêu rõ ràng và nỗ lực để biến ước mơ thành hiện thực.

+ Không ngừng học hỏi, phát triển bản thân: Cố gắng hết sức, hoàn thành tốt nhiệm vụ học tập và rèn luyện; Không nản lòng trước thất bại, tiếp tục cố gắng và học hỏi từ những sai lầm.

+ Giữ một thái độ sống tích cực: Tin tưởng vào khả năng của bản thân; Giữ tinh thần lạc quan, vui vẻ và không ngừng học hỏi.

+ Trân trọng những gì mình đang có và những người đã giúp đỡ mình trên con đường theo đuổi ước mơ.

C. Kết bài:

- Mỗi người chỉ có một thời tuổi trẻ. Nếu thật sự có hoài bão, nếu thật sự muốn vươn tới ước mơ, cần chuẩn bị thật kỹ hành trang cho mình.

- Hãy nỗ lực theo đuổi ước mơ và trân trọng những giá trị hiện tại để có một cuộc sống hạnh phúc và viên mãn.

Thứ Sáu, 8 tháng 3, 2024

HỌC PHẢI CHĂNG LÀ CON ĐƯỜNG DUY NHẤT KHẲNG ĐỊNH GIÁ TRỊ BẢN THÂN?

 

I. Mở bài:

- Con người luôn mong muốn khẳng định giá trị bản thân để được xã hội công nhận.

- Từ bao đời nay, việc học tập luôn được coi trọng và xem như con đường quan trọng để khẳng định giá trị bản thân.

- Vậy học phải chăng là con đường duy nhất khẳng định giá trị bản thân?

II. Thân bài:

1. Giải thích:

-"Học" là một quá trình rèn luyện, thu nhận kiến thức và kỹ năng để hoàn thiện bản thân.

- "Khẳng định giá trị bản thân" là hành động chứng minh năng lực, phẩm chất và giá trị của bản thân để được mọi người công nhận.

- Quan điểm này cho rằng học tập là yếu tố then chốt để thành công và khẳng định bản thân. Tuy nhiên, trong thực tế, có nhiều con đường khác để mỗi người thể hiện giá trị của mình.

=> Mỗi người cần xác định được năng lực, sở thích và mục tiêu của bản thân để lựa chọn con đường phù hợp nhất để khẳng định giá trị bản thânvà cống hiến cho xã hội.

2. Biểu hiện:

- Học các kiến thức sách vở, rèn luyện nhận thức, thái độ sống, và cách ứng xử hàng ngày, cố gắng nâng cao kiến thức, kỹ năng, và phát triển các phẩm chất cá nhân để trở nên tốt hơn. Luôn giữ thái độ lạc quan và chủ động trong mọi tình huống, tìm kiếm cơ hội để học hỏi và phát triển. Sử dụng kiến thức và kỹ năng của mình để giúp đỡ người khác và cải thiện xã hội, từ đó tạo ra giá trị cho bản thân và cho cộng đồng.

- Có nhiều tấm gương là nguồn cảm hứng, là bài học quý giá cho chúng ta về tầm quan trọng của việc học hỏi và phấn đấu không ngừng để phát triển bản thân và đóng góp cho xã hội như:

+ Scrtee: Mặc dù nói ngọng bẩm sinh, ông đã chiến thắng khiếm khuyết của mình bằng cách luyện nói và diễn thuyết trước sóng biển để trở thành nhà hùng biện1.

+ Thomas Edison: Nhà bác học kiên trì hơn 1000 lần thử nghiệm để chế tạo thành công dây tóc bóng đèn, mang ánh sáng văn minh cho nhân loại1.

3. Phân tích

* Vì sao học tập đóng vai trò quan trọng trong việc khẳng định giá trị bản thân?

- Học tập không chỉ giúp cá nhân phát triển mà còn góp phần tạo nên một xã hội phát triển hơn.

- Học là con đường quan trọng, nhanh chóng để chúng ta phát triển, tự thể hiện và vượt qua khó khăn, khẳng định giá trị bản thân.

+ Học tập giúp con người trang bị kiến thức, kỹ năng cần thiết. Kiến thức và kỹ năng là nền tảng để mỗi người thực hiện công việc, cống hiến cho xã hội, để ta tự tin khẳng định năng lực và bản lĩnh của mình trong công việc và cuộc sống và tạo dựng cuộc sống thành công.

+ Học tập giúp con người phát triển tư duy, rèn luyện nhân cách: Thông qua học tập, ta được tiếp cận với những giá trị văn hóa, đạo đức, khoa học tiên tiến, từ đó hoàn thiện bản thân và trở thành một người có ích cho xã hội.

+ Học là cơ hội phát triển.  Học tập giúp con người khám phá bản thân, phát hiện tài năng, phát triển tiềm năng và theo đuổi đam mê, từ đó khẳng định giá trị riêng của mình.

- Học tập giúp con người tự tin vào bản thân, được mọi người tin tưởng và kính trọng.

* Học tập không phải là con đường duy nhất để khẳng định giá trị bản thân:

- Giá trị bản thân không chỉ được đánh giá qua bằng cấp hay thành công trong học tập mà còn thể hiện qua nhiều khía cạnh khác như: phẩm chất đạo đức, lối sống, những đóng góp cho gia đình, cộng đồng và xã hội.

- Học tập chỉ là một phần trong quá trình khẳng định giá trị bản thân. Quan trọng hơn cả là con người cần có ý chí, nghị lực, sự kiên trì và không ngừng nỗ lực để hoàn thiện bản thân và đạt được mục tiêu của mình.

-  Có nhiều người không có bằng cấp cao nhưng họ vẫn thành công trong lĩnh vực của mình bằng tài năng, đam mê và nỗ lực.

- Quan trọng là mỗi người cần tìm được con đường phù hợp với năng lực, sở thích và điều kiện của bản thân để khẳng định giá trị bản thân

4. Phê phán:

Trong xã hội vẫn còn có nhiều bạn trẻ quá lười biếng, không có ý thức học tập vươn lên để hoàn thiện bản thân mình, sống buông thả, không có ý chí tự ti, nhút nhát,… sống vật vờ tuân theo sự sắp xếp của người khác, không có hoài bão riêng… Lại có những người quá tự cao tự đại, ảo tưởng về giá trị của bản thân mình cho mình là hơn người, khinh thường những người xung quanh… Những người này đáng bị thẳng thắn phê phán.

5. Bài học:

- Nhận định này đặt ra vấn đề về vai trò của học tập trong việc khẳng định bản thân, đồng thời mở rộng tầm nhìn về những con đường khác để mỗi người thể hiện giá trị của mình. Mỗi người cần có ý thức tự học hỏi, rèn luyện để hoàn thiện bản thân.

- Khẳng định giá trị bản thân là một quá trình rèn luyện lâu dài, cần sự kiên trì và nỗ lực:

+ Luôn đặt học tập lên hàng đầu, để chúng ta trở thành những người có giá trị trong xã hội.

+ Cần học tập không ngừng để nâng cao kiến thức và kỹ năng.

+ Cần rèn luyện phẩm chất đạo đức, bồi dưỡng tâm hồn.

+ Cần dám nghĩ, dám làm, dám dấn thân vào những thử thách.

III. Kết bài:

Học tập là một quá trình quan trọng và cần thiết trong cuộc đời mỗi người. Hãy khẳng định giá trị bản thân thông qua những nỗ lực học tập và rèn luyện đạo đức, hoàn thiện nhân cách.

 

PHẢI CHĂNG SỐNG DỰA DẪM VÀO NGƯỜI KHÁC, CHÚNG TA SẼ CHẲNG BAO GIỜ LỚN NỔI?

 

A. Mở bài:

- Dựa núi núi sẽ đổ, dựa người người sẽ chạy, sống trên đời phải luôn nhớ bản thân mình mới là chỗ dựa vững chắc nhất.

- Người thúc đẩy hay kìm hãm chúng ta tiến tới thành công lại là chính bản thân chúng ta.

- Phải chăng sống dựa dẫm vào người khác, chúng ta sẽ chẳng bao giờ lớn nổi?

B. Thân bài:

1. Giải thích:

- Sống dựa dẫm vào người khác là ỷ lại phụ thuộc vào người khác, luôn trông chờ vào sự giúp đỡ, hỗ trợ của người khác trong mọi việc;  không có chính kiến của bản thân mình, không có khả năng tự giải quyết vấn đề hay tự mình hoàn thành công việc.

- Để trưởng thành và thành công trong cuộc sống, chúng ta cần phải học cách tự lập,  tự quyết định cho cuộc sống của mình, tự làm mọi việc và chịu trách nhiệm cho những hành động của mình.

=> Đừng vì dựa dẫm, ỷ lại mà mất tất cả! Từ bỏ thói quen sống dựa dẫm là điều vô cùng quan trọng để chúng ta có thể trưởng thành và có một cuộc sống tốt đẹp hơn.

2. Biểu hiện:

- Học sinh có thói quen không chịu làm bài tập mà cứ chờ bạn làm rồi mượn vở của bạn để copy, hoặc chờ ba mẹ soạn sách vở cho rồi chỉ việc cắp cặp đi học, hay chỉ đơn giản là chuyện ba mẹ dọn cơm ra rồi chỉ cần ngồi vào bàn ăn mà không ý thức tự giác phụ ba mẹ…

- Đứa con luôn trông đợi vào mẹ, không tự lập, không biết tự chăm sóc bản thân như vậy thì cuộc sống khi không có mẹ sẽ ra sao?

3. Phân tích:

* Sống dựa dẫm vào người khác sẽ cản trở sự trưởng thành của chúng ta:

- Trong cuộc sống luôn khắc nghiệt, sẽ chẳng có ai khoan nhượng với ta, cũng không có ai vì ta mà hy sinh, ta chỉ có thể trông chờ vào chính bản thân mình, tự mình nỗ lực, tự mình xoay sở.

+ Quen dựa dẫm, ta sẽ dần mất đi khả năng tự giải quyết vấn đề, tự đưa ra quyết định và biết cách chịu trách nhiệm cho cuộc sống của mình. Sống dựa dẫm làm ta mất đi ý chí và động lực để phấn đấu, trở nên ỷ lại, lười biếng và yếu đuối, thiếu tự tin và dễ dàng bị gục ngã trước những khó khăn, thất bại.

+ Sống dựa dẫm, chúng ta sẽ không có cơ hội để khám phá và phát triển bản thân. Chúng ta sẽ mãi mãi chỉ là "ký sinh trùng" bám vào người khác mà không thể tự đứng vững trên đôi chân của mình,sẽ tạo gánh nặng cho những người xung quanh, ảnh hưởng đến mối quan hệ và gây ra những mâu thuẫn không đáng có.

+ Sống dựa dẫm ta trở nên ích kỷ chỉ nghĩ đến bản thân; mất đi sự đồng cảm không hiểu được những khó khăn của người khác.

- Bill Gates từng nói: “Thói quen dựa dẫm ỷ lại là một hòn đá cản bước bạn đến với thành công, muốn làm nên nghiệp lớn, bạn phải đá chúng ra khỏi con đường của mình”.

* Trong một số trường hợp, việc dựa dẫm vào người khác là cần thiết và có thể mang lại lợi ích:

- Một số người sống luôn cần sự hỗ trợ của người nhác như: Trẻ nhỏ cần sự chăm sóc và hỗ trợ từ cha mẹ;  Người già sức yếu cần sự giúp đỡ từ con cháu; Người khuyết tật cần sự hỗ trợ từ cộng đồng.

- Ta không thể nào sống cô lập và không nhờ đền sự giúp đỡ từ người khác. Khi cần thiết, chúng ta vẫn có thể nhờ vả sự hỗ trợ từ gia đình, bạn bè hay những người có chuyên môn. Điều quan trọng là chúng ta cần phải biết tự đứng trên đôi chân của mình và không nên quá phụ thuộc vào người khác.

4. Phê phán:

- Hiện nay có nhiều bạn trẻ không có khả năng tự lập, phụ thuộc vào người khác vì  được nuông chiều từ nhỏ, quen được phục vụ và không cần phải tự làm gì.

- Nhiều bạn trẻ lười biếng và không muốn nỗ lực để đạt được mục tiêu của mình. Họ thích được hưởng thụ mà không cần phải bỏ công sức.

- Nhiều bạn trẻ chọn cách  sống dựa dẫm vào người khác như cha mẹ, người thân…để cảm thấy an toàn và được bảo vệ vì sợ hãi thất bại và không muốn đối mặt với thử thách.

5. Bài học:

- Mỗi người cần rèn luyện cho mình tính tự lập, tự chủ để có thể tự tin bước vào đời và gặt hái thành công.

- Bản thân em: hiểu rằng bản thân cần phải tự chịu trách nhiệm cho cuộc sống của mình.

+ Chăm chỉ học tập, rèn luyện, trau dồi kiến thức, kỹ năng, tin tưởng vào khả năng của bản thân và dám nghĩ dám làm.

+ Rèn luyện cho mình những kỹ năng cần thiết để có thể tự lập trong cuộc sống. Khi gặp khó khăn, hãy mạnh dạn tìm kiếm sự giúp đỡ từ người khác.

+ Tích cực tham gia các hoạt động xã hội.

C. Kết bài:

- Câu nói "Sống dựa dẫm vào người khác, chúng ta sẽ chẳng bao giờ lớn nổi" là một lời khẳng định về tầm quan trọng của tự lập trong cuộc sống. Để có một cuộc sống trọn vẹn và ý nghĩa, ta cần phải học cách tự lập và tự chủ.

- Hãy nhớ rằng: "Sống là để tự mình chinh phục và trưởng thành, chứ không phải để dựa dẫm vào người khác".