Chủ Nhật, 16 tháng 4, 2023

Phải chăng chỉ cần đọc sách là có một tương lai tốt đẹp và thành công?

1. Mở bài: 

Sách là kho kiến thức bất tận của nhân loại. Người đọc sách là những người miệt mài đi tìm hiểu đến tận cùng của kho báu quý giá ấy. Đọc sách là một cách để chúng ta tự hoàn thiện bản thân và hướng tới một tương lai tốt đẹp hơn. Phải chăng chỉ cần đọc sách là có một tương lai tốt đẹp và thành công?

2. Thân bài: 

* Giải thích:

- Đọc sách là cách tiếp thu ngôn ngữ, giao tiếp và chia sẻ thông tin, ý tưởng của tác giả.  Đọc sách đồng nghĩa với việc ta đang khám phá trí tuệ và tâm hồn của những người khác, đồng thời phát triển chính trí tuệ và tâm hồn của bản thân

- Đọc sách có thể giúp con người cải thiện cuộc sống và tương lai của mình.

=> Đọc sách là một thói quen tốt cho tương lai, thành công nhưng không phải là yếu tố duy nhất. Đọc sách chỉ là một trong những cách để bạn mở rộng kiến thức và kỹ năng của con người.

* Biểu hiện:

- Sách là sản phẩm tinh thần của tài năng, mọi ngành mọi phương diện: sách văn học, sách lịch sử, sách địa lí, triết học, toán học… nhằm để lưu trữ, tích lũy, truyền bá trong xã hội

- Những người chăm đọc, đọc nhiều và giỏi kiếm tiền như Bill Gates, Warren Buffetts … rất nhiều. Hầu hết các tỷ phú nổi tiếng nhất thế giới đều khuyên mọi người nên đọc sách càng nhiều càng tốt.

* Phân tích:

- Đọc sách mỗi ngày là “khoản đầu tư” có lãi nhất của đời người. Đọc sách mang lại rất nhiều lợi ích cho sức khỏe tinh thần, đồng thời giúp ta cải thiện bản thân một cách toàn diện, cho phép bạn sáng tạo hơn, suy nghĩ rõ ràng hơn và nghiêm túc hơn, đặt câu hỏi tốt hơn và kết nối tinh thần nhanh hơn.

+ Đọc sách có thể mở rộng kiến thức và hiểu biết của con người. Đọc sách, ta có thể tiếp thu được nhiều thông tin mới về các lĩnh vực khác nhau, từ khoa học, văn hóa, lịch sử cho đến triết học, nghệ thuật hay tâm lý. Mà kiến thức là nền tảng cho sự phát triển cá nhân và xã hội. Khi có kiến thức, con người có thể giải quyết được nhiều vấn đề trong cuộc sống.

- Đọc sách có thể phát triển kỹ năng và tư duy nâng cao khả năng giao tiếp và cải thiện kỹ năng sống. Đọc sách có thể ảnh hưởng tích cực đến tính cách của ta bởi cách nó mở rộng quan điểm của ta, biết đặt mình vào vị trí của người khác và sẽ có nhiều khả năng làm tốt hơn và chu đáo hơn trong các quyết định.

- Đọc sách giúp ta trở nên tốt đẹp hơn, tăng cường nhận thức và trách nhiệm xã hội. Đọc sách cũng giúp xây dựng sự đồng cảm, biết yêu thương và trân trọng những người xung quanh mình hơn.  Đọc sách còn làm giàu tâm hồn, nuôi dưỡng nhân cách và tạo nên những giá trị đạo đức cho bản thân, hình thành cách nghĩ tích cực hơn, luôn hướng tới những giá trị tốt đẹp.

- Đọc sách là một hoạt động có ích và nên được khuyến khích trong xã hội hiện nay. Đọc sách chỉ là một trong những yếu tố quan trọng như: mục tiêu rõ ràng, kế hoạch hành động, tinh thần không ngừng nỗ lực và tâm thái tích cực… để chúng ta có thể đạt được những mục tiêu và ước mơ của mình.

* Phê phán:

- Tuy nhiên, ngày nay với sự bùng nổ mạnh mẽ của công nghệ thông tin, văn hóa nghe nhìn lấn át văn hóa đọc làm cho giới trẻ xa dần thói quen đọc sách, không chịu đọc sách để làm giàu vốn tri thức của mình, hay chưa biết phương pháp đọc sách làm tốn thời gian, sức lực dẫn đến không chuyên sâu, lâu hiểu, nhanh quên. Ngoài ra, một số bạn trẻ chọn những cuốn sách có nội dung không lành mạnh, vô thưởng vô phạt, không đem lại lợi ích gì cho bản thân.

* Bài học:

- Đọc sách là một thói quen tốt cho tâm trí và cảm xúc của con người. Đặc biệt là những người trẻ tuổi cần biết chăm chỉ, chuyên tâm vào việc đọc sách.

* Bài học bản thân:

- Tìm kiếm những blog, sách và tạp chí liên quan đến sở thích và quan tâm của bản thân để khuyến khích việc đọc và tăng cường niềm vui

- Tạo ra một không gian đọc lý tưởng: một nơi yên tĩnh, sạch sẽ và thoáng mát và tránh những yếu tố gây phiền nhiễu, như điện thoại, máy tính hoặc ti vi. Chọn những thời điểm cảm thấy thoải mái và tập trung nhất để đọc.

- Đặt ra mục tiêu và kế hoạch cho việc đọc:  số lượng sách muốn đọc trong một khoảng thời gian nhất định, trong một tuần, một tháng hoặc một năm; lên lịch cho việc đọc hàng ngày, ví dụ như 30 phút mỗi ngày vào buổi sáng hoặc trước khi đi ngủ.

- Tham gia vào những câu lạc bộ đọc sách hoặc nhóm thảo luận trực tuyến để chia sẻ và trao đổi về những cuốn sách mà mình đang đọc hoặc muốn đọc.

3. Kết bài: 

Một cuốn sách hay sẽ đem đến cho ta những ý nghĩ tích cực, cao cả và giúp chúng ta có thêm niềm tin vào bản thân. Hãy đọc sách mỗi ngày, để tìm tòi ra những tiềm năng mới và xây dựng cơ sở tri thức của mình.

Thứ Bảy, 15 tháng 4, 2023

Phải chăng biết học cách chấp nhận những thất bại là lớn lên?

 

1. Mở bài: 

Trong cuộc sống, không ai có thể tránh khỏi những thất bại, sai lầm hay vấp ngã. Nhưng điều quan trọng không phải là những lần thất bại mà là cách chúng ta đối mặt và học hỏi từ những thất bại đó. Phải chăng biết học cách chấp nhận những thất bại là lớn lên?

2. Thân bài: 

* Giải thích:

- Thất bại là khi ta không đạt được mục tiêu của mình đề ra.

- Chấp nhận thất bại là dũng cảm nhìn nhận những sai lầm của mình, suy nghĩ về những gì mình đã tổn thất do thất bại gây ra và tìm cách vượt qua, tiếp tục làm cho tới khi thành công.

- Biết học cách chấp nhận những thất bại là dám đối mặt với những lần thất bại và học hỏi từ những kinh nghiệm đó.

- Lớn lên là trưởng thành, mạnh mẽ, kiên cường và tự tin trước những khó khăn và thử thách trong cuộc sống.

=> Thất bại có thể làm chúng ta nản lòng và mất tinh thần, nhưng chỉ cần không bỏ cuộc biết đúc kết những bài học, kinh nghiệm sau thất bại để cố gắng làm lại, ta chắc chắn sẽ tìm đến được đỉnh vinh quang cho cuộc đời mình.

* Biểu hiện:

- Biết học cách chấp nhận những thất bại là khi không trốn tránh, bỏ cuộc khi gặp thất bại, không đổ lỗi hay đưa ra các lý do bào chữa, mà chịu trách nhiệm, cố gắng tìm ra nguyên nhân, giải pháp và học hỏi từ sai lầm.

- Để trở thành một nghệ sĩ piano tài dành tầm cỡ thế giới, NSND Đặng Thái Sơn đã phải làm việc quên ăn, quên ngủ bên cây đàn, đến mức 10 đầu ngón tay bị tê dại. Còn Lê Quang Liêm – chàng trai vàng của cờ vua Việt đã phải lên cả một chương trình làm việc cho nhiều năm, hi sinh cả những cái Tết sum họp bên gia đình để có hệ số elo ở mức Siêu đại kiện tướng quốc tế…

* Phân tích:

- Chẳng có ai thành công mà chưa từng thất bại, chỉ là họ biết cách đứng dậy từ nơi mình vấp ngã, biết chấp nhận thất bại và đối mặt vượt qua chính bản thân mà thôi. Biết học cách chấp nhận những thất bại là dấu hiệu của sự trưởng thành.

+ Biết học cách chấp nhận những thất bại là biết rút ra những bài học quý giá để tránh lặp lại sai lầm những lỗi sai ấy. Ta sẽ không để cho những thất bại ảnh hưởng đến tâm trạng và niềm tin của mình.  Ta lạc quan, tích cực hơn, không dễ dàng từ bỏ ước mơ của mình, không ngừng cố gắng và nỗ lực để đạt được mục tiêu của mình và hoàn thiện bản thân.

+ Biết học cách chấp nhận những thất bại, ta sẽ biết cách phân tích nguyên nhân và hậu quả của những thất bại để tìm ra giải pháp hiệu quả. Ta sẽ học được kỹ năng giải quyết vấn đề và ứng phó với khó khăn tốt hơn, sẽ không sợ hãi hay nao núng trước những thử thách hay khó khăn trong cuộc sống. Ta biết được những thiếu sót của bản thân, sẽ linh hoạt và sáng tạo để vượt qua những rào cản và khắc phục những hạn chế.

+ Biết học cách chấp nhận những thất bại giúp ta nhận ra cái giá của lao động, biết trân trọng những gì mình đã có và cố gắng làm tốt hơn. Ta sẽ biết cách tự đánh giá và đánh giá người khác một cách công bằng và khách quan. Ta rèn được tư duy phản biện và phê phán đúng cách hơn, không mù quáng, ngây thơ tin vào những thành công dễ dàng hay ảo tưởng và  biết cách phản ánh và phê phán những điều sai trái hay bất công trong xã hội

* Phê phán:

- Trong cuộc sống, có nhiều người khi váp phải thất bại đã vội bỏ cuộc, khổ đau. Họ cam chịu số phận, không nỗ lực vươn lên để giành lấy chiến thắng. Cũng có nhiều người lười biếng, ỷ lại người khác, không dám làm những việc lớn lao. Những người như thế thật đáng chê trách.

* Bài học:

- "Một lần ngã là một lần bớt dại, ai nên khôn chẳng dại đôi lần". Muốn đi đến thành công, bạn đừng sợ thất bại và đừng tuyệt vọng khi gặp phải điều đó. Nếu biết học cách chấp nhận những thất bại ta sẽ trở nên mạnh mẽ tiếp tục phát triển.

* Bài học bản thân:

- Không ngừng học tập, trau dồi bản thân chính là cách cách tốt nhất để gạt bỏ những thất bại, để vượt qua thất bại nhanh nhất.

- Đứng trước thất bại hãy thật bình tĩnh, gạt bỏ nó bằng sự thông minh, tuyệt đối không căng thẳng với những thất bại đó. Dám đối mặt để chấp nhận, không né tránh sự thật, cũng không đổ lỗi hoàn toàn cho khách quan.

- Khi gặp thất bại hãy tìm  sự động viên, quan tâm của người thân, bạn bè. Hãy tự tin, cân bằng lại cuộc sống.

3. Kết bài: 

Khó tránh thất bại trong mỗi đời người. Phải biết cách chấp nhận thất bại để có thái độ sống tích cực. Không đắm chìm trong thất vọng nhưng cũng không được bất cần trước mọi sự việc, không để một sự thất bại nào đó lặp lại trong đời. Đó là bản lĩnh sống mạnh mẽ.

Phải chăng hy vọng là nơi khởi đầu của mọi ước mơ?

1. Mở bài: 

Ai đó đã nói rằng: “Hy vọng là nơi ước mơ bắt đầu với những điều tốt đẹp không bao giờ biến mất và mọi thứ được tạo ra trên thế giới này đều luôn được kết tinh bởi niềm hy vọng..”. Chúng ta không thể nhìn thấu tương lai, nhưng chúng ta có thể hình dung ra khả năng ở những ngày phía trước. Phải chăng hy vọng là nơi khởi đầu của mọi ước mơ?

2. Thân bài: 

* Giải thích:

- Hi vọng là sự mong chờ, sự ấp ủ niềm tin vào những điều mình mong muốn sẽ xảy ra trong tương lai.

- Ước mơ là khát vọng, là mục tiêu, đích đến mà ai cũng muốn hoàn thành, là những dự định, khát khao mà ta muốn đạt được trong cuộc sống.

-  Hi vọng là một cảm xúc tích cực, là một nguồn động lực, khởi nguồn về một tương lai tươi đẹp, giúp tahình dung ra khả năng và cơ hội cho bản thân, tạo ra niềm tin và sức mạnh để biến ước mơ thành hiện thực.

=> Hy vọng là nơi khởi đầu của mọi ước mơ. Có hy vọng làm nền tảng, ta tự tin theo đuổi những khả năng và cơ hội.

* Biểu hiện: Người sống có hi vọng:

- Luôn có niềm tin vào cuộc sống, vào con người, sống với tinh thần lạc quan, tích cực, hướng đến những điều tốt đẹp.

- Cố gắng, nỗ lực học tập, làm việc, khắc phục những khó khăn trước mắt và xây dựng kế hoạch lâu dài cho bản thân.

- Đầu tư tâm huyết cho những ước mơ, mục tiêu ngắn hạn và dài hạn của bản thân.

* Phân tích:

- Cùng với niềm tin và tình yêu, hy vọng là một trong những trụ cột của tinh thần, giúp tinh thần đứng vững trong mọi hoàn cảnh. Cuộc sống không phải lúc nào cũng suôn sẻ, chúng ta sẽ gặp nhiều khó khăn và thử thách, sẽ thất bại và đau khổ. Nhưng đó không phải là lý do để chúng ta từ bỏ hy vọng. Chúng ta phải biết rằng sau cơn mưa trời lại sáng, sau bóng tối là ánh sáng.

+ Hy vọng là tiếng nói của mục đích sống. Có hy vọng, ta mới có giấc mơ để theo đuổi; mới có niềm tin để vượt qua khó khăn, để sống, mới có sự cố gắng để biến ước mơ thành hiện thực. Mỗi hy vọng là một ngọn đèn soi sáng con đường của ta, một nguồn năng lượng tích cực  cho tâm hồn ta.

+ Hy vọng giúp chúng ta hình dung ra tương lai tươi sáng, tạo ra những khả năng và cơ hội cho bản thân. Nếu không có hy vọng, thì liệu bạn có kế hoạch lập gia đình hay không? Không có hy vọng, liệu bạn có bao giờ dám học một điều gì mới mẻ hay không? Hy vọng là sức bật cho gần như mọi bước tiến mà chúng ta thực hiện.

+ Hy vọng thành động lực để ta hành động, để ta không ngừng nỗ lực và phấn đấu. Hy vọng giúp ta có thêm niềm tin vào bản thân và vào cuộc sống. Ta biết rằng mỗi thất bại là một bài học quý giá, một cơ hội để chúng ta trưởng thành; mỗi khó khăn là một thách thức để chúng ta vượt qua, một dấu hiệu để chúng ta thay đổi; mỗi đau khổ là một kích thích để chúng ta mạnh mẽ hơn, một lời nhắc để chúng ta trân trọng hơn. Hi vong giúp ta tin rằng nếu cố gắng thì sẽ thành công, nếu kiên trì thì sẽ vượt qua, nếu dũng cảm thì sẽ chiến thắng.

- Hi vọng có thể trở thành nguồn gốc của sự thất bại nếu chúng ta không biết điều chỉnh cho phù hợp với thực tế, không biết giữ vững trong mọi hoàn cảnh. Hi vọng trở thành một gánh nặng, một áp lực, một nguồn thất vọng khi những gì chúng ta hy vọng không xảy ra, những gì chúng ta mong đợi không thành hiện thực. Từ bỏ hy vọng, tức giận, buồn bã, tuyệt vọng khi nhận ra rằng hy vọng của mình chỉ là hão huyền, chỉ là ảo tưởng.

* Phê phán:

- Thực tế vẫn còn có nhiều người sống không có hi vọng, ước mơ, không biết nỗ lực vươn lên trong cuộc sống của mình, luôn trong tình trạng lênh đênh vô định. Lại có những người chỉ nghe theo sự sắp đặt của cha mẹ, của người khác mà bản thân mình không biết mình cần gì, muốn gì,… những người này sẽ khó cảm nhận được giá trị của cuộc sống và luôn cảm thấy tẻ nhạt.

* Bài học:

- “Luôn luôn hi vọng, không bao giờ được tuyệt vọng. Đó là bản chất của người có tâm hồn lớn.” Mỗi người chỉ được sống một lần nên hãy sống với sự hi vọng và tạo ra những giá trị tốt đẹp cho cuộc sống của mình.

* Bài học bản thân:

- Luôn học hỏi, rèn luyện và cải thiện bản thân chăm chỉ làm việc để tạo ra các giá trị sống.  

- Rèn tư duy tích cực, lạc quan và biết khắc phục những khó khăn trước mắt và xây dựng kế hoạch lâu dài cho bản thân.

- Đầu tư tâm huyết cho những ước mơ, mục tiêu ngắn hạn và dài hạn của bản thân, không bỏ cuộc giữa chừng, không ngừng phấn đấu vươn lên.

3. Kết bài: 

Sống là phải dám hy vọng và mơ ước. Cuộc đời của chúng ta là do chúng ta nắm giữ, nếu chúng ta từ bỏ nó, cuộc sống sẽ chẳng còn ý nghĩa gì. Mọi giấc mơ đều bắt nguồn từ hy vọng, hãy nghĩ đến những giấc mơ lớn lao, giữ vững niềm tin rằng không gì là không thể.

Có cần phải học cách lắng nghe và yêu thương chính mình?

 

1. Mở bài: 

Trong cuộc sống hiện đại, con người thường phải đối mặt với nhiều áp lực, thử thách và khó khăn. Đôi khi, chúng ta bị mất phương hướng, mất niềm tin, mất tự trọng và tự tôn. Chúng ta quên mất rằng, để có thể sống tốt và hạnh phúc, chúng ta cần phải học cách lắng nghe và yêu thương chính mình.

2. Thân bài: 

* Giải thích:

- Lắng nghe chính mình là chú ý đến những cảm xúc, suy nghĩ, mong muốn và nhu cầu của bản thân một cách chân thật.

- Yêu thương chính mình là việc chăm sóc và quan tâm đến bản thân, đánh giá cao giá trị bản thân và tôn trọng cảm xúc của mình. Là trân trọng những giá trị, sở thích và tài năng của mình, và sống một cuộc sống đáp ứng những nhu cầu của bản thân.

- Học cách lắng nghe và yêu thương chính mình là để biết, để biết bản thân mong gì, muốn gì, để sống thành thực với những cảm xúc của bản thân, cũng là cách bạn hiểu được giá trị của bản thân với thế giới.

=> Học cách lắng nghe và yêu thương chính mình để ta có cơ hội hiểu hết những ngõ ngách sâu kín trong tâm hồn… Nhờ đó, ta sẽ có nhiều cơ hội làm chủ chính mình,làm chủ được cuộc đời mình.

* Biểu hiện:

- Lắng nghe và yêu thương chính mình là chấp nhận và đánh giá cao bản thân với những ưu điểm và khuyết điểm, nhận ra những gì mình thực sự muốn, cần và quan tâm. 

- Là biết tôn trọng và bảo vệ quyền lợi của bản thân. tự khen ngợi, tự thưởng cho bản thân khi làm được điều gì tốt, biết tha thứ cho bản thân khi mắc sai lầm hay thất bại. 

- Là biết đặt ra những mục tiêu, kế hoạch và hành động phù hợp với bản thân, biết chăm sóc cho sức khỏe, ngoại hình và tâm trạng của bản thân. Dành thời gian và không gian của riêng mình để tập trung lắng nghe và học hỏi chính mình.

* Phân tích:

- Thấu hiểu bản thân là điều vô cùng khó khăn, bởi chúng ta luôn có xu hướng tự che giấu, tự bao biện cho những mong muốn hoặc sai lầm của bản thân. Bởi vậy, chỉ khi thực sự hiểu bản thân cần gì, muốn gì thì khi ấy mới có thể hiểu người khác muốn gì.

- Lắng nghe và yêu thương chính mình giúp chúng ta có được sự tự tin, tự tin và tự do. Lắng nghe và yêu thương chính mình giúp hiểu rõ hơn về bản thân và có những quyết định phù hợp với mình. Nó giúp ta biết đặt niềm tin vào chính mình và làm những việc khiến bạn thấy hạnh phúc từ đó có được sự bình an, vui vẻ và hạnh phúc trong cuộc sống.

- Lắng nghe và yêu thương chính mình giúp có được sự sáng suốt, khôn ngoan và trưởng thành. Nó giúp ta nhận ra nhận ra những điểm mạnh và điểm yếu của mình, biết cách tự chấp nhận và tự cải thiện mình để hoàn thiện mình. Nó giúp ta học hỏi được nhiều kinh nghiệm để thấu hiểu và tôn trọng người khác hơn, biết cách giao tiếp và xử lý các vấn đề một cách linh hoạt và hợp lý.

- Lắng nghe và yêu thương chính mình giúp ta biết yêu thương, thấu hiểu, cảm thông và chia sẻ. Nó giúp ta nhìn nhận bản thân một cách khách quan và chân thành, không tự ti hay tự cao. Chỉ khi ta biết yêu thương bản thân mình, ta mới biết cách yêu thương người khác , không phán xét hay chỉ trích họ mà cố gắng lắng nghe và hiểu họ. Ta cũng sẽ dễ dàng cảm thông và chia sẻ với những người gặp khó khăn hay đau khổ hơn.

* Phê phán:

- Trong cuộc sống, vẫn còn nhiều người tự ti vào bản thân, không tin tưởng bản thân mình, luôn chỉ nhìn thấy nhược điểm của mình và sống trong sự chìm đắm, ao ước được như người khác,… Có những người không nhận biết được những giá trị của mình mà chỉ nghe theo sự sắp xếp của cha mẹ, của người khác, sống cuộc sống không vui không buồn. Lại có những người quá tự cao tự đại, ảo tưởng về giá trị của bản thân mình cho mình là hơn người,… Những người này đáng bị thẳng thắn phê phán. Mỗi người có cá tính, một giá trị bản thân khác nhau.

* Bài học:

- Trước khi lắng nghe đời, lắng nghe người, hãy cho phép đôi tai hướng vào con tim, hãy quay về với hơi thở của ta để lắng nghe con người bên trong “tiểu vũ trụ” của mình. Lắng nghe tiếng nói bản thể của mình để biết rằng mình là ai, tâm tư, nguyện vọng của mình là gì, để thấu hiểu mình và sống đúng với con người thật của mình.

* Bài học bản thân:

- Dành thời gian mỗi ngày để ngồi yên, thở sâu và lắng nghe cảm nhận cảm xúc và nhu cầu của bản thân và ghi lại những điều mình đã làm, đã cảm nhận trong ngày. Tôn trọng và thấu hiểu bản thân, không tự phủ nhận hay chỉ trích bản thân

- Chăm sóc sức khỏe, nâng cao giá trị và phát triển bản thân, học hỏi những điều mới mẻ, rèn luyện kỹ năng, tham gia các hoạt động ý nghĩa và tạo ra những thành tựu cho bản thân.

- Biết đặt ra giới hạn và bảo vệ bản thân, biết từ chối những yêu cầu quá sức hoặc không phù hợp, biết rời xa những môi trường hoặc mối quan hệ tiêu cực hoặc có hại với mình.

- Dành thời gian cho những sở thích đam mê của mình như đọc sách, xem phim, nghe nhạc hay làm những điều mình yêu thích.

3. Kết bài: 

Lắng nghe và Yêu thươn bản thân vô cùng quan trọng, nhưng không phải ai cũng ý thức được tầm quan trọng của nó. Hãy dành nhiều thời gian ,sức lực để lắng nghe và yêu thương chính mình hơn.

Kỷ luật bản thân có làm cho con người đánh mất tự do không?

 

1. Mở bài: 

Kỷ luật bản thân là một phẩm chất quan trọng của con người, giúp chúng ta có thể tự quản lý và cải thiện bản thân, đạt được những mục tiêu và thành công trong cuộc sống. Tuy nhiên, có một số người cho rằng kỷ luật bản thân làm cho con người đánh mất tự do, bị gò bó và không thể sống theo ý muốn của mình. Liệu quan điểm này có đúng hay không?

2. Thân bài: 

* Giải thích:

- Kỷ luật bản thân là đưa mình vào khuôn khổ, làm những việc cần làm vào những lúc cần thiết; không lười biếng, sa vào những hành động vô bổ.

- Tự do là làm những gì mình muốn, hành động theo những gì mình yêu thích.

- Nếu nhìn bề ngoài, ta dễ nghĩ rằng đưa bản thân vào kỉ luật thì sẽ mất tự do; tuy nhiên đấy là cách hiểu sai, người ta đang đánh đồng tự do với tùy tiện, dễ dãi.

- Có kỷ luật bản thân sẽ chủ động trong việc nhận ra những việc cần làm, những việc không nên làm và cách thức thực hiện những việc đó, ta sẽ có được sự tự do trong việc lựa chọn và quyết định cho cuộc sống của mình.

=> Kỷ luật bản thân không làm cho con người đánh mất tự do, mà ngược lại, nó giúp con người có được tự do thực sự.

 * Biểu hiện:

- Người có kỷ luật có thể tự kiểm soát bản thân về lời nói, hành động, tính cách và đảm bảo hành động nhất quán với mục tiêu lâu dài.

- Người có kỷ luật là người sự khước từ cảm giác thỏa mãn vui vẻ, cám dỗ tức thì và gác lại những việc nuông chiều bản thân trong một thời gian dài để đạt được mục tiêu đã đề ra.

- Thomas Edison đã kiên trì, tự kỷ luật bản thân mình bao nhiêu năm để phát minh ra máy móc và trở thành nhà phát minh vĩ đại của nhân loại

* Phân tích:

- Khi ép mình vào kỷ luật, người ta sẽ hình thành được cho mình những thói quen tốt, chiến thắng được bản thân từng ngày, hoàn thành được những mục tiêu mà mình đã đặt ra. Chính điều này đem đến sự tự tin, niềm vui sướng để con người cảm thấy tự hào về bản thân, cảm thấy mình sống có ý nghĩa và được người khác tôn trọng. Kỷ luật là tự do.

+ Kỷ luật đem đến sự tự do trong việc theo đuổi và hiện thực hóa những khát vọng. Nó giúp ta vượt qua những khó khăn và thử thách trong cuộc sống, không dễ dàng từ bỏ hay nản lòng trước những trở ngại hay thất bại gặp phải. Có kỷ luật, bản thân ta sẽ biết cách kiên trì và nỗ lực để đạt được những mục tiêu và ước mơ.

+ Kỷ luật đem đến sự tự do trong việc khám phá và làm giàu cho bản thân. Nó giúp ta biết cách học hỏi và rèn luyện những kỹ năng và kiến thức cần thiết cho cuộc sống, biết cách tôn trọng và trách nhiệm với bản thân và người khác. Có khả năng kiểm soát bản thân tốt ta mới có động lực để phấn đấu và phát triển bản thân một cách tốt nhất.

+ Kỷ luật đem đến sự tự do trong việc lựa chọn và quyết định cho cuộc sống của mình. Nó giúp ta biết cách sắp xếp thời gian, công việc và học tập một cách hợp lý, không để bị lãng phí hay sao nhãng; biết cách kiểm soát cảm xúc và hành động của mình, không để bị chi phối bởi những cám dỗ hay xúc động. Có kỷ luật, bản thân ta có thể tự chủ và không phụ thuộc vào những yếu tố bên ngoài.

- Tất nhiên kỷ luật ở đây không phải là khắc kỉ, là hành xác. Kỷ luật phải thực hiện từng bước, phù hợp với thể trạng, tâm lí và hoàn cảnh của từng người.

* Phê phán:

- Trong cuộc sống, vẫn còn có nhiều người không có tính kỷ luật. Họ sống và làm việc tùy thích, tùy hứng hời hợt, không theo một kế hoạch cụ thể và thiếu hẳn sự kỷ luật. Họ sống ích kỉ, lười biếng, thường né tránh khó khăn, tắc trách trong công việc, tranh giành lợi ích, lúc nào cũng muốn được phần hơn. Bởi thế, họ luôn gặp thất bại. Những người như thế thật đáng chê trách.

* Bài học:

-  Thực hành kỉ luật là một quá trình lâu dài, đòi hỏi sự bền bỉ, nỗ lực; nhưng phần thưởng sẽ thật xứng đáng. Khổng Tử nói: “Thất thập tòng tâm sở dục, bất dụ củ”, có nghĩa là nếu bạn thực hành kỉ luật hằng ngày, đến tuổi 70, bạn có thể hành động theo ý muốn của lòng mình mà không vi phạm vào quy củ

* Bài học bản thân:

- Học hỏi và rèn luyện những kỹ năng và kiến thức cần thiết cho cuộc sống, không ngừng phát triển và hoàn thiện bản thân.

- Đặt ra những mục tiêu rõ ràng và cụ thể, và có kế hoạch để thực hiện chúng. Và tự giác tuân thủ những quy tắc và tiêu chuẩn mà mình đã đề ra cho bản thân.

- Biết chịu trách nhiệm với những việc mình đã làm, không đổ lỗi hay trốn tránh, không để bị ảnh hưởng bởi những yếu tố bên ngoài.

- Biết kiểm soát và điều khiển cảm xúc và hành động của mình, không để bị chi phối bởi những cám dỗ hay xúc động.

3. Kết bài: 

Không có kỉ luật thì không có thành công. Rất nhiều người trở nên can đảm hơn là nhờ biết tự rèn luyện tính kỉ luật cho mình. Hãy quyết tâm duy trì và phát triển tính kỉ luật của bản thân.

Phải chăng cứ ở cái tuổi vượt ngưỡng 18 là ta đã trưởng thành?

 1. Mở bài: 

Làm sao để nhanh chóng trưởng thành.
Phải chăng cứ ở cái tuổi vượt ngưỡng 18 là ta đã trưởng thành? Không hẳn vậy. Bởi lẽ đó chỉ là sự phát triển của thể xác. Chỉ có khi vấp ngã ta tự biết cách đứng lên và rút kinh nghiệm cho chính mình thì ta mới trưởng thành.

2. Thân bài: 

* Giải thích:

- Tuổi 18 là một mốc quan trọng trong cuộc đời của mỗi người. Đó là lúc ta được xem là người lớn trước pháp luật, có quyền tự do làm những gì mình muốn và chịu trách nhiệm cho những hành động của mình.

- Trưởng thành là có thể tự lo cho bản thân và biết quan tâm đến người khác, biết tôn trọng và chia sẻ, biết nhận thức và giải quyết vấn đề, biết kiểm soát cảm xúc và thái độ.

=> Tuổi 18 không phải là tiêu chí duy nhất để đánh giá sự trưởng thành của một người. Hãy học cách trưởng thành từ trong gian khó, đón nhận những chông chênh, từ sự trân quý và gìn giữ yêu thương cùng những người thân trong gia đình…Chúng ta nên luôn học hỏi và hoàn thiện bản thân để có được sự trưởng thành toàn diện.

* Biểu hiện:

- Trưởng thành là biết tự chịu trách nhiệm cuộc sống của mình, biết cách đón nhận những thành công hay thất bại. Trưởng thành  là khi ta hiểu rằng không có một điều gì có thể dễ dàng như mình mong muốn, cuộc sống là những khó khăn, thử thách, muốn đạt được những điều mong muốn phải cố gắng rất nhiều, cuộc sống không là một món quà tặng mà nó là sự cố gắng hết mình để nhận lấy.

- “Trưởng thành là khi ta đủ mạnh mẽ để trỏe thành điểm tựa, dù là điểm tựa của bất cứ ai, kể cả chính bản thân mình.”(Phạ Lữ Ân)

* Phân tích:

- Trưởng thành là một quá trình liên tục của con người, không phụ thuộc vào tuổi tác mà phụ thuộc vào ý thức và nỗ lực của bản thân. Những trải nghiệm chính là những bài học thành công mà không ai có thể dạy cho ta. Đừng phó thác cho số phận chuyện gì đến sẽ đến, điều đó chỉ làm bạn ngày càng thất bại và mãi không bao giờ trưởng thành.

+ Có nhiều người chưa đến tuổi 18 nhưng đã có sự trưởng thành đáng kinh ngạc. Họ tự lập và sống rất có trách nhiệm, đã có những tầm nhìn và mục tiêu rõ ràng. Họ luôn chuẩn bị tinh thần động lực để tiến về phía trước sẵn sàng đối mặt với những khó khăn và thử thách trong cuộc sống, sẵn sàng vấp ngã nhưng quan trọng là họ biết đứng dậy từ sai lầm của mình, biết thận trọng hơn trong công việc để không phải vấp ngã nữa.

+ Có nhiều người chưa đến tuổi 18 nhưng đã biết yêu thương quý trọng bản thân và không để bị ảnh hưởng bởi những tiêu cực xung quanh Họ biết cảm thông và giúp đỡ người khác khi có thể.

+ Có nhiều người đã ở tuổi 18 nhưng vẫn còn non nớt và thiếu chín chắn trong suy nghĩ và hành động. Họ vẫn phụ thuộc vào cha mẹ hay người khác, không biết tự quyết định cho cuộc sống của mình, hay bị cuốn theo những cám dỗ và áp lực xã hội, không có những giá trị sống riêng. Họ sống bất mãn, hay than phiền, và không biết trân trọng những gì mình có.

- Tuổi trẻ nếu không có những lần vấp ngã, sao có thể trưởng thành. Tuổi trẻ nếu không có những chông chênh thì cuộc sống sẽ mãi bình lặng, đâu còn ý nghĩa gì? Vì thế phải luôn mạnh mẽ, kiên cường để bước tiếp, đừng vì những khó khăn "nhỏ nhoi" mà dừng bước và đừng bao giờ để những ước mơ, khát vọng trong ta vụt tắt.

* Phê phán:

- Thực tế, có những con người không bao giờ trưởng thành được bởi lẽ họ luôn được sống trong sự chở che,bao bọc của gia đình, không bao giờ phải đối mặt với khó khăn, thử thách, khi gặp thất bại họ sợ hãi,lùi bước,bi quan, phó mặc số phận cho cuộc đời,không chịu nỗ lực cố gắng. Nhiều bạn trẻ còn lao vào những cuộc “đỏ đen”, sử dụng thuốc lắc, ma tuý,…để thể hiện mình là người lớn,có đẳng cấp. Liệu tương lai của họ sẽ ra sao,sẽ đi đâu về đâu?

 * Bài học:

- Một mũi tên muốn lao đến đích trước khi về phía trước thì nó phải kéo về phía sau lấy sức tiến lên. Cuộc sống của chúng ta cũng vậy. Vì vậy  ta nên luôn học hỏi và hoàn thiện bản thân để có được sự trưởng thành toàn diện.

* Bài học bản thân:

- Cố gắng đạt được thành công trong học tập bằng cách đặt việc học lên hàng đầu, chăm chỉ, tự giác và có phương pháp học tập hiệu quả.

- Phát triển kỹ năng sống, học cách tự lo cho bản thân, chịu trách nhiệm cho những hành động của mình và giải quyết vấn đề một cách linh hoạt.

- Xác định những mục tiêu và ước mơ riêng cho tương lai của mình  và khám phá, phát huy những sở thích và tài năng của mình với thái độ tích cực và kiên trì để vượt qua những khó khăn và thất bại.

- Tham gia các hoạt động ngoại khóa và xã hội để phát triển thể chất, tinh thần và kỹ năng mềm. rèn luyện kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm và lãnh đạo.

3. Kết bài: 

Cuộc đời mỗi người cũng giống như một cong đường vậy, có những con đường bằng phẳng trải đầy hoa hồng nhưng cũng có những con đường gập ghềnh đầy gian nan và trắc trở. Ta chỉ trưởng thành khi tự mình trải nghiệm và có những cảm nhận sâu sắc về cuộc sống…