Thứ Năm, 5 tháng 8, 2021

Người trẻ cần can đảm, dám sống dấn thân.


 

Tuổi trẻ là lứa tuổi đẹp nhất. Nhưng có lẽ về bản chất, cái đẹp nhất ấy không mang tính độc quyền. Bởi trẻ mà không đủ can đảm, thiếu nhiệt huyết, nhạt đam mê và phung phí mình cho những hão huyền, phù phiếm thay vì nung nấu hoài bão, hăng say trải nghiệm và dám dấn thân..., thì đó là sự hoang phí thảm hại nhất. Vì vậy người trẻ cần can đảm, dám sống dấn thân.

* Giải thích:

Can đảm sống là mỗi ngày bạn sống với những gì mình mong muốn, bạn dám lựa chọn hành động phát triển chính mình mỗi ngày, từng bước một. Nói một cách chung nhất là bạn dám chọn sống cho chính mình

Dấn thân là dám hy sinh, tức là dám chịu thiệt thòi, dám bất chấp nguy hiểm, sẵn sàng quên mình vì một lý tưởng nào đó, nhưng vì ích lợi của tha nhân chứ không vì tư lợi hoặc tư danh: Dấn thân phục vụ người nghèo, bảo vệ tổ quốc... Đó là dấn thân theo nghĩa tốt. Dấn thân cũng có nghĩa xấu: Dấn thân vào con đường tội lỗi.

Sống dấn thân (cần hiểu theo nghĩa tích cực) là sống hết mình, năng động, không ngại khó khăn gian khổ, không sợ thất bại, là biết vượt ra khỏi “vùng an toàn”, dám mạo hiểm, dám thành công, là nỗ lực hết mình để hoàn thành sứ mệnh; sống có trách nhiệm.

Chỉ cần một tư duy đúng đắn, nuôi dưỡng khát vọng lớn và dám dấn thân lăn xả từng việc nhỏ bằng tất cả trách nhiệm của mình, ai cũng có thể ước mơ và hành động để toại nguyện ước mơ.

* Biểu hiện:

Nhà bác học Anh-xtanh (Albert Einstein) cũng chẳng đã từng nói: Từ trên cao, Tạo hóa mỉm cười nhìn xuống, Người đã trao cho chúng ta một lòng khao khát khám phá nhiều hơn là khả năng trí tuệ để làm việc ấy... Và vì thế, nhà văn Đốt-xtôi-ép-xki (E. Dotxoiepxki) chỉ rõ: Tài năng sẽ bị mai một nếu ta không có những ý tưởng lớn và không tận tâm với những chi tiết dù nhỏ nhất. Người thành công thật sự cũng phải thất bại nhiều lần, họ thành công chỉ đơn giản vì đã cố gắng nhiều lần. Ta trân trọng lòng can đảm, hết mình vì lý tưởng, công việc của họ.

Không ít bạn trẻ không ngại khó, ngại khổ, mang cái chữ và kiến thức về dạy cho học sinh vùng cao, hoặc làm việc, dấn thân nhằm giảm đói giảm nghèo ở các vùng xa xôi, hẻo lánh và khó khăn của tổ quốc. Đây có thể nói là những hành động dấn thân tích cực, đáng được tuyên dương, khen thưởng và lấy đó làm tấm gương cho các bạn trẻ hiện nay noi theo.

* Phân tích:

Nếu muốn cuộc sống đầy sắc màu, hãy can đảm dấn thân. Sống dấn thân đem lại nhiều trải nghiệm hay và hiểu biết rõ trong cuộc đời. Chẳng ai yêu cầu bạn phải sống như thế nào nhưng cách bạn sống nói lên hết con người của chính bạn. Cuộc sống tươi đẹp rộng lớn biết bao nhiêu vậy sao ta lại thu nhỏ mình với thế giới. Nếu không can đảm dấn thân thì cuộc sống đơn điệu, phẳng lặng không cảm nhận được sự thú vị của cuộc sống, nghèo nàn về ý tưởng và óc sáng tạo, thường dễ gục ngã trước những khó khăn, nguy hiểm, thử thách.

Can đảm sống sẽ có niềm tin tích cực vào bản thân mình để dám làm những điều khác biệt và sống trọn vẹn với tuổi trẻ của mình. Can đảm dấn thân chính là tự khẳng định bản thân, vượt lên những khó khăn thoát ra khỏi cái bóng của bản thân hoặc của ai đó, đưa ra được những quyết định chính xác và hiệu quả để vượt lên chính mình để có cuộc sống tích cực, vui vẻ hơn và sống ý nghĩa hơn.

Can đảm dấn thân để đưa bản thân vượt qua được những rào cảm trong cuộc sống. Trong cuộc sống luôn xuất hiện những rào cản vô hình, nếu bạn ngân ngại và luôn cho đó là cớ để bản thân dậm chân tại chỗ. Mỗi người sẽ có rào cản riêng của mình. Ví dụ như: Bạn có khó khăn và rào cản về giao tiếp khi đứng trước đám đông nhưng đừng lấy đó làm cơ khiến bạn thu mình và luôn lùi lại phía sau trong công việc. Chọn dấn thân, chấp nhận rủi ro và không sợ việc khó mới giúp bản thân phát triển và có được những thành tựu tốt nhất cho công việc và cuộc sống. Chỉ có dấn thân mới có thể làm lên những điều vĩ đại trong cuộc đời mình.

Sống dấn thân phải gắn liền với ước mơ khát vọng thực tế chứ không phải là sống với mơ ước viễn vông xa rời thực tế. Muốn dấn thân phải có hiểu biết và biết mình là ai. Muốn chinh phục cái mới phải có kiến thức, bản lĩnh và sự sáng tạo. Nên cân nhắc hoàn cảnh, điều kiện thực tế để không rơi vào bi quan, tuyệt vọng về khả năng của mình trước những thách thức quá sức.

* Phê phán:

Trên thực tế, còn nhiều bạn trẻ không dám can đảm dấn thân để bản thân trưởng thành. Đó là những người nhút nhát, không dám thể hiện bản thân, theo đuổi những thứ bản thân mình đề ra. Là những người sống như một người vô hình không có đam mê, không có ước mơ, không chịu trải nghiệm, ngồi yên thờ ơ với dòng chảy của cuộc sống. Một số khác lại đắm chìm trong thế giới ảo hay mới gặp chút khó khăn đã nghĩ đến việc bỏ cuộc, sợ thất bại, sợ vấp ngã,…. Đặc biệt hơn nữa, có những bạn trẻ lại lao vào thử nghiệm những điều có hại, sa vào tệ nạn… khiến cuộc sống trở nên vô ích. Những người này đáng bị xã hội thẳng thắn phê phán.

* Bài học:

Đời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa, ân hận vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí, cho khỏi hổ thẹn vì dĩ vãng ti tiện và hèn đớn của mình.

Đừng sống lãng phí, hạn hẹp như con ếch ngồi đáy giếng, cũng đừng sống dựa trên những trải nghiệm của người khác mà hãy sẵn sàng dấn thân để có những trải nghiệm của riêng mình.

Hãy tự tin làm những điều bạn thực sự yêu thích, đam mê. Đó hoàn toàn không phải là một khẩu hiệu kêu gọi. Đó là cách để bạn tận hưởng trọn vẹn từng khoảnh khắc của cuộc sống, tuổi trẻ của mình.

* Bài học bản thân:

Suy xét bản thân để nhận ra những thiếu sót của bản thân như chưa nỗ lực, chưa trách nhiệm… để thay đổi bản thân, sống đúng với trách nhiệm và nghĩa vụ của mình.

Cố gắng, nỗ lực không ngừng nghỉ trong học tập và lao động để biến ước mơ thành hiện thực. Sống phải có ý chí, quyết tâm, đấu tranh loại bỏ thói vô trách nhiệm, thói lười biếng ra khỏi bản thân.

Biết mở rộng lòng mình, đi nhiều nơi, gặp gỡ nhiều người, tích cực tham gia nhiều hoạt động xã hội.

Khi cuộc sống đẩy bạn vào khó khăn, đừng uất ức 'tại sao lại là tôi', mà hãy mỉm cười và nói 'cứ thử tôi đi'. Không một ai là hoàn hảo, nhưng khi ta biết cố gắng hoàn thiện bản thân và vươn lên phía trước, chúng ta sẽ đạt được những thành quả xứng đáng với công sức bỏ ra.

Sự cần thiết của một kỹ năng sống còn trong thời đại mới: kỹ năng thích ứng với sự thay đổi.

 


Cuộc sống khắc nghiệt luôn tồn tại vô vàn khó khăn và bất ngờ đòi hỏi chúng ta phải nhanh chóng thích nghi và giải quyết vấn đề. Khi ta luôn có tâm thế chủ động thích nghi thì ta sẽ không bị bất ngờ, hoang mang và dễ dàng đưa ra những cách thức để ứng phó với những thử thách trong cuộc sống. Chủ động thích nghi chính là một kỹ năng cần thiết và quan trọng đối với những ai luôn muốn làm mới bản thân, chủ động đón nhận và dám đương đầu với những thử thách bất ngờ để đạt được mục tiêu đã đặt ra.

* Giải thích:

+ Thay đổi trong tiếng anh là Change, tức là một hiện tượng, một quá trình không lặp lại hiện tượng, quá trình trước đó. Mỗi con người phải có những thay đổi phù hợp với môi trường sống, điều kiện sống xung quanh để tiến bộ, tốt đẹp hơn.

+ Thích nghi là khả năng thích ứng tốt trước sự thay đổi của môi trường, hoàn cảnh, là tinh thần sẵn sàng học hỏi, phạm sai lầm và học hỏi hơn nữa. Thích nghi là khả năng thu thập đủ lượng phản hồi cần thiết để thực hiện những chỉnh sửa hoặc thay đổi hành vi của bản thân, nhằm tạo ra kết quả tích cực và hiệu quả.

+ Khả năng thích ứng là kỹ năng giúp bạn hòa nhập, thích nghi nhanh chóng với sự thay đổi. Tốc độ thích nghi nhanh với biến động thời đại là yếu tố chọn lọc những người thành công, đặc biệt là khi thế giới xung quanh chúng ta đang thay đổi mỗi ngày.

=> Khả năng thích nghi có thể được rèn luyện bằng ý chí, thái độ và được xem là một trong các kỹ năng mềm cần có của mỗi người.

* Biểu hiện:

+ Con thỏ rèn cho mình kĩ năng chạy nhanh để trốn thoát sự truy đuổi của kẻ thù; con hổ phải rèn cho mình những kĩ năng cơ bản để có thể bắt mồi;… nếu chúng không có những kĩ năng ấy tất yếu sẽ bị triệt tiêu. Con người cũng không nằm ngoài vòng sinh tồn ấy.

+ Những người có khả năng thích nghi cao là những người có thể hình dung ra được nhiều viễn cảnh đa dạng và biết suy nghĩ về phương án đối phó. Họ luôn ở trong tư thế sẵn sàng và nắm lấy quyền chủ động xử lý nhanh chóng, sáng tạo, linh hoạt khi có bất kỳ thay đổi nào ập tới.

+ Đại dịch Covid-19 đến và phá vỡ hoàn toàn những hoạt động vốn có thường ngày, đảo lộn cuộc sống của con người. Nhưng chúng ta đã học được cách làm việc tại nhà, học online,… chúng ta đã tạm gác những hoạt động, thói quen thường ngày để chung tay bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Và kết quả là những hoạt động học tập, làm việc thường nhật cũng không hoàn toàn ngưng trệ như chúng ta nghĩ trước đó.

=> Cuộc sống luôn luôn thay đổi không ngừng. Mỗi người phải lựa chọn cho mình cuộc sống riêng để thích nghi với môi trường. Khi mình năng động, dấn thân và chủ động học hỏi thì sẽ nắm bắt được những cơ hội quý giá và trau dồi bản thân thành một cá nhân nổi bật.

* Phân tích:

- Mỗi giây phút trôi qua đều có những sự thay đổi không ai có thể lường trước được. Bằng chứng là các năm gần đây, sự biến động từ môi trường, kinh tế, dịch bệnh… khiến hoạt động của mỗi người, mỗi gia đình, mỗi cộng đồng và mỗi quốc gia phải chao đảo. Để vượt qua sự thay đổi của môi trường ngoại cảnh, mỗi người trong chúng ta cần phải “biến hóa” liên tục giống như cách chú “tắc kè hoa” đổi màu để thích nghi với từng điều kiện sống khác nhau.

+ Phải thay đổi để thích nghi với môi trường là một lẽ tất yếu, là một quy luật không thể phủ nhận hay né tránh của bất kì một sinh thể nào trong vũ trụ. Stephen Hawking là chuỗi ngày chiến đấu thay đổi bản thân thích nghi với căn bệnh hiểr nghèo, những loài chim di cư nương mình theo chiều gió để tiết kiệm sức bay, những cây xương rồng tự biến lá mình thành gai nhọn để chống chọi với sa mạc khắc nghiệt …

+ Trong tự nhiên, nếu không có sự thay đổi thỉ khó có thể có tồn tại lâu dài được. Con người cũng vậy! Làm mới bản thân, tạo ra cơ hội phát triển bản thân vào con đường trải nghiệm những điều mới mẻ của cuộc sống … Trong quá trình thay đổi để thích nghi, bạn không tránh khỏi thất bại một đôi lần, có thể mất đi một vài thứ tốt đẹp nhưng nhất định bạn sẽ nhận lại được những thứ còn tốt đẹp hơn.

+ Bạn có năng lực vượt trội nhưng lại không hòa hợp được với những người còn lại trong tập thể thì sớm muộn gì bạn cũng thất bại hoặc sẽ không ai đồng thuận, hợp tác với bạn.

+ Các loài vật phải thay đổi bản thân nó cho phù hợp với hoàn cảnh sống nhưng chỉ có con người mới có khả năng thay đổi hoàn cảnh sống để phù hợp với mình.Nhiều khi “thay đổi” còn có thể ảnh hưởng đến biết bao người khác, có thể quyết định đến vận mệnh của một xã hội, một đất nước. Không gì là không thể.

 + Thay đổi không nhất thiết là bạn mất đi những nét tính cách đặc biệt và đáng quý của mình…Thay đổi một cách thông minh hoàn toàn không phải là cách thay đổi tùy tiện, bừa bãi. Không có gì ngu ngốc bằng cố chấp và bào thủ, nhưng cũng không có gì nguy hiểm bằng tự phá bỏ bản sắc của chính mình.

* Phê phán:

+ Đại bộ phận các bạn trẻ hiện nay chưa ý thức được việc thay đổi bản thân phù hợp với hoàn cảnh. Họ thiếu tự tin, thiếu chủ động trong việc thay đổi trong khi cuộc sống nảy sinh những vấn đề phức tạp; vẫn bám theo những quy tắc cũ, tác phong làm việc lỗi thời, không chịu học hỏi các kĩ năng mới.

+ Nhiều người vẫn giữ lối suy nghĩ trốn tránh sự thật cực kỳ tệ hại, có cái nhìn thếu tích cực trong mọi hoàn cảnh, tình huống, không chấp nhận sai lầm và sửa đổi. Hoặc bộ phận nhỏ lại thay đổi theo hướng tiêu cực gây nên những hậu quả khó lường.

* Bài học nhận thức và hành động:

+ Cần có thái độ chủ động đón nhận những khám phá mới. Hãy dùng cách nhìn của những người khác để đón nhận sự việc, thay vì chỉ ôm khư khư quan điểm của mình. Bạn không cần phải thay đổi ý kiến cá nhân, nhưng bạn cần tôn trọng và tiếp nhận rằng những người khác sẽ có suy nghĩ khác bạn.

+ Khả năng thích nghi thể hiện phẩm chất trí tuệ của con người. Thực tế chứng minh rằng những người có mức độ thích nghi cao luôn có nhiều cơ hội thành công hơn.

* Bài học của bản thân

+ Bên cạnh tích lũy kiến thức hàn lâm từ nhà trường, sách vở,… ta cần thường xuyên trau dồi, rèn luyện, bồi dưỡng kĩ năng sống – kĩ năng mềm để dễ dàng thích nghi với cuộc sống hiện đại.

+ Chủ động khám phá và học hỏi những cái mới. Chủ động trong việc thay đổi những quy tắc cũ, tác phong học tập và làm việc lỗi thời, học hỏi các kĩ năng mới.

+ Luôn quan sát những gì xảy ra xung quanh, tự rút ra cho bản thân những bài học, những kinh nghiệm. Không ngừng thử nghiệm những cái mới, không sợ khó khăn gian khổ, trải nghiệm sẽ giúp học sinh chúng ta hình thành kĩ năng thích nghi. Coi sai lầm và thất bại là một bài học giúp chúng ta có kinh nghiệm, không để sai phạm thêm lần nữa.

Hãy thoát ra khỏi vùng an toàn, đón nhận nhiều thay đổi và trải nghiệm từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm. Mọi kỹ năng cần được trau dồi, hoàn thiện mỗi ngày. Thực hiện những hành động nhỏ để phá vỡ thói quen cũ mỗi ngày. Đầu tư cho bản thân chưa bao giờ là cuộc đầu tư lỗ.


Hi sinh phải chăng là nguồn sức mạnh tinh thần to lớn để ta sống và hành động?

 


Nếu như xã hội không có sự cảm thông và sự hi sinh vì mọi người thì làm sao có sự tươi đẹp của cuộc sống. Đức hi sinh là một giá trị đạo đức, là sự khôn ngoan của tâm hồn. Nó luôn mang lại những điều tốt đẹp cho con người, hay cho mối quan hệ giữa người với người. Vậy phải chăng hi sinh là nguồn sức mạnh tinh thần to lớn để ta sống và hành động?

*Giải thích:

- Đức hi sinh là một trong những phẩm chất cao quý của con người. Đó là sự quên mình để lo cho tha nhân. Sự hi sinh là nền tảng tạo nên tình cảm và phẩm chất tốt đẹp cho con người.

- Nguồn sức mạnh tinh thần là nơi xuất phát sức mạnh tâm lý giúp chúng ta vượt qua những nghịch cảnh trong cuộc sống, mang đến năng lượng để ta phục hồi sau những khó khăn.

- Biết hi sinh khiến con người biết sống đúng và tốt đẹp. Từ đó con người sống và hành động để cống hiến cho xã hội, sống và hành động vì sự hạnh phúc của bản thân cũng như mọi người, thúc đẩy con người vươn lên vì những điều tốt đẹp.

=>Hi sinh chính là động lực tinh thần vô cùng to lớn để ta sống có ý nghĩa và sẵn sàng hành động, đương đầu với những khó khăn, hướng về những mục đích lớn lao, lợi ích của cộng đồng.

*Biểu hiện:

- Có nhiều hình thức hy sinh: Sự hi sinh của cha mẹ cho con cái; Sự hi sinh của những thành viên này trong gia đình đối với những thành viên khác (ông bà - con cháu, anh chị em, con cái - cha mẹ,…); Sự hi sinh của công dân đối với tổ quốc; Hi sinh nhân đạo (hi sinh của người này đối với người khác trên tư cách đồng loại với nhau)…

- Trong cuộc chiến chống dịch COVID-19, nơi tâm dịch có rất nhiều câu chuyện cảm động, nhiều người phải xa gia đình, nén nỗi buồn của bản thân vì công việc chung của đất nước... Nhiều "chiến sĩ áo trắng“, chiến sĩ công an, bộ đội, tình nguyện viên…đã xung phong lên tuyến đầu chống dịch, họ bất chấp mọi khó khăn, hiểm nguy, thậm chí hy sinh hạnh phúc riêng, tất cả cho cuộc chiến với niềm tin tiêu diệt "giặc" Covid-19, đem lại sự bình yên cho cộng đồng.

*Phân tích:

- Sự hi sinh những lợi ích của bản thân để đạt được sự tồn tại cho một giá trị nào đó của cái chung, của tập thể là cao thượng. Sự đánh đổi những nhu cầu của bản thân để thỏa mãn những nhu cầu cấp thiết và quan trọng hơn đối với những người khác là che chở. Hi sinh sự an toàn của bản thân để đổi lấy những nền tảng thuận lợi cho xã hội là tranh đấu. Sự đánh đổi những nguồn lực của hiện tại để đạt được những thành tựu lâu dài và bền vững trong tương lai là dựng xây.

- Sự hi sinh không chỉ nói lên giá trị của con người mà còn góp phần làm thăng hoa giá trị ấy. Hi sinh là một nguồn sức mạnh tinh thần rất to lớn giúp người ta sống và hành động.

+ Nó khiến cha mẹ vì con cái mà hi sinh niềm vui, sự sung sướng của riêng mình để chịu vất vả lam lũ để con cái được khỏe mạnh, vui sướng, trưởng thành.

+ Người chiến sĩ vì tổ quốc mà sẵn sàng chịu khổ cực nơi đầu sóng ngọn gió, hi sinh mạng sống để bảo vệ đất nước quê hương.

+ …

- Chính tinh thần sẵn sàng hi sinh vì người khác, giúp ta vượt qua mọi khó khăn, thử thách, đánh đổi những nhu cầu cá nhân, đánh đổi hạnh phúc riêng, đánh đổi lợi ích riêng để cho người khác có được những điều tốt đẹp hơn. Nếu không có những hi sinh tận hiến thầm lặng của những tấm lòng cao cả, có thể cả xã hội sẽ không thể vượt qua hoạn nạn đầy thách thức.

- Hi sinh là biểu hiện của quá trình trưởng thành từ trong suy nghĩ và nhận thức của mỗi cá nhân. Nó giúp ta biết yêu thương, biết hành động vì người, giúp cuộc sống trở nên tươi đẹp hơn, sinh động hơn; giúp chúng ta hoàn thiện bản thân mình hơn, sống đẹp hơn và sống có ích cho xã hội bao la rộng lớn này.

- Đức hi sinh sẽ gây ra đau khổ khi người ta không hiểu đúng về nó, không cảm nhận được nó, hay không sử dụng nó đúng cách. Hi sinh là quý nhưng hi sinh cũng cần phải được dẫn dắt bởi một lý trí tỉnh táo, một tình cảm trong sáng, đúng đắn. Nếu thiếu hiểu biết, kĩ năng ta lại làm hỏng việc; nếu gắn chặt cuộc đời mình vào người khác ta dễ trở nên mù quáng, đánh mất bản thân mình và phải chịu những hậu quả tai hại từ sự mù quáng đó.

*Phê phán:

+ Thật đáng buồn khi trong đời sống hiện nay vẫn còn tồn tại những người hời hợt với những người xung quanh, chỉ tất bật lo nghĩ cho niềm vui, lợi ích của mình, buông thả bản thân theo những cuộc chơi, sự hưởng thụ mà không biết lo toan, san sẻ cho người khác.

+ Lại có những người coi rẻ sự hi sinh của người khác, hay cho rằng đó là trách nhiệm tất yếu của riêng cá nhân đó.

*Bài học:

- Đức hi sinh được xem là thước đo đánh giá phẩm chất của con người. Đức tính tốt đẹp này đã rèn luyện cho chúng ta sự can đảm, biết vượt qua mọi khó khăn, gian lao, trắc trở trong cuộc sống.

- Đức hi sinh là sợi dây kết nối những trái tim không chung nhịp đập đến được với nhau. Nó có sức mạnh vô biên làm giàu thêm tình yêu thương trong mỗi con người, giúp chúng ta hoàn thiện được bản thân mình, gắn kết mọi người lại với nhau, xã hội sẽ được phát triển, ngày càng đi lên, tốt đẹp hơn.

- Bản thân:

+ Khắc ghi trong lòng: Mỗi sự hy sinh dù nhỏ bé hay lớn lao cũng đều được trân quý và ghi nhớ, không bao giờ quên.

+ Cần rèn luyện đức tính hi sinh cho bản thân: biết nghĩ cho người khác,luôn luôn biết ơn những người đã hy sinh vì mình…

+ Góp tiền tiết kiệm mình gìn giữ vào Quỹ Vắcxin…

+ Bỏ ra thời gian để quan tâm, tâm sự với cha mẹ nhiều hơn trong thời gian dịch bệnh.

Hạnh phúc thay, khi những người cho đi nhìn nhận sự cho đi như là một niềm hạnh phúc, khi ấy, cuộc sống của họ sẽ ngập tràn hạnh phúc. Hãy biết rằng sự cho đi là tiền đề để xây dựng những mối quan hệ, những tình cảm, những giá trị sống đẹp đẽ… Sẵn sàng cho đi là một sự may mắn, bởi khi đó con người không phải nuối tiếc khi phải cho đi mà có cơ hội tận hưởng niềm vui khi nhận lại.

Thứ Tư, 4 tháng 8, 2021

Im lặng trước cái sai này chính là mầm mống nuôi dưỡng cho sự xuất hiện của những cái sai khác.


 Tục ngữ Việt Nam có câu “im lặng là vàng”, “một điều nhịn, chín điều lành” hay “dĩ hòa vi quý”. Bản chất của những lời răn này là dạy con người ta tiết chế cảm xúc, biết hành xử vừa phải, đúng mực, đúng lúc, đúng chỗ, đúng đối tượng. Đáng tiếc thay, “một bộ phận không nhỏ” trong chúng ta đang vận dụng lời răn này một cách sai lệch. Đó là sự im lặng tuyệt đối trước sự thật, im lặng nhu nhược trước cái ác hay im lặng nhẫn nhục trước bất công. Phải chăng im lặng trước cái sai này chính là mầm mống nuôi dưỡng cho sự xuất hiện của những cái sai khác.

* Giải thích:

Im lặng là không nói, không hành động gì trước một hay nhiều tình huống nào đó.

Im lặng trước cái sai là hành động dửng dưng, vô tâm, thờ ơ, không phản ứng, không bộc lộ những chính kiến, ý kiến đánh giá bình luận nào trước những hành vi xấu, tiêu cực, tội ác, điều chướng tai gai mắt của người xấu.

Im lặng trước cái sai là cơ sở cho sự nảy sinh, xuất hiện, phát triển cái sai mới, sẽ tiếp diễn thành những cái sai lớn khác nữa. Và rồi nó không chỉ ảnh hưởng tới vận mệnh của một cá nhân, tập thể mà thậm chí cả một dân tộc.

=> Im lặng trước cái sai không chỉ là chỉ mang tính cá nhân mà nó còn ảnh hưởng tới cả cộng đồng. Im lặng trước cái sai chính là sự tàn nhẫn với sự thật, với điều đúng. Sự im lặng trước cái sai làm chúng ta trở thành những con người vô cảm, vô trách nhiệm.

* Biểu hiện:

Cuộc sống xung quanh ta diễn ra vô số những hành động việc làm tưởng như nhỏ nhặt nhưng lại là mầm mống của sự im lặng trước cái sai. Như khi bạn phạm lỗi kỉ luật, ta thờ ơ và không nhắc nhở bạn. Học sinh quay phao trong giờ, trêu trọc bạn bè, ta cũng im lặng. Thấy một bạn nữ cùng trường bị bắt nạt mà nhiều bạn lại trơ trơ núp sau bụi cây hóng chuyện,bàn tán, quay clip chia sẻ…

Thực tế của cuộc sống hôm nay ta dễ dàng bắt gặp cảnh như khi đi trên xe bus, nhiều người có thể thấy hành động móc ví của tên cướp nhưng mấy ai dám nói cho người bị hại. Có mấy ai dám lên tiếng ta khi thấy người ta vượt đèn đỏ, lượn lách đánh võng, thấy đám côn đồ dối trá, lừa lọc bà cụ bán nước ven đường...

Xã hội hiện nay dường như lòng tốt chưa được xem trọng, dẫn đến tình trạng con người ta dần vô cảm với cái sai cái xấu. Sự bất công vẫn xảy ra nên con người ta dần mất đi ý chí, mất đi sự can đảm và thái độ chống lại cái xấu. Điều này đặt ra câu hỏi về đạo đức con người.

* Phân tích:

Sự im lặng trước cái sai có thể không gây hại gì nhưng đó là sự đồng thuận ngầm cho những hành vi sai trái của kẻ xấu. Có thể lúc này ta không phải là người bị hại, người cần sự giúp đỡ. Nhưng không ai nói trước được tương lai. Có thể một lúc nào đó chính ta sẽ tự hại chính bản thân mình về sự im lặng ấy. Hay nếu một ngày việc xấu xảy ra với chính người thân của chúng ta thì sao? Liệu chúng ta có chấp nhận sự thờ ơ của mọi người đối với họ? Sự im lặng có thể trả lại cho ta những mất mát, tổn thương với cấp số nhân.

Sự im lặng trước cái sai sẽ cổ xúy cho những hành vi sai trái, khuất tất, những kẻ xấu thừa cơ làm càn. Sự im lặng trước cái sai cũng khiến cho biết bao sự chờ mong, niềm hi vọng của nhiều người bị dập tắt. Nó khiến cho tình cảm giữa người với người trở nên nguội lạnh, vô cảm, khiến con người ngày càng cách xa nhau hơn. Sự im lặng trước cái sai chính là sự lên ngôi của cái xấu,cái ác và nếu trong một xã hội, một cộng đồng không có cái tốt, cái thiện, thì xã hội ấy sẽ xuống cấp, đạo đức con người sẽ bị tha hóa, con người bị đối xử đáng thương và tàn nhẫn…

Sự im lặng trước cái sai đã kéo theo sự xuống dốc trong đức hạnh, nhân cách, phẩm chất của con người, làm mất đi nét đẹp trong tâm hồn con người. Không dám đứng lên bênh vực sự thiện, không dám mạnh bạo làm việc nghĩa, hay cái ác, cái gian dối, cái lừa bịp đang từng ngày giết mòn lương tâm con người. Sự im lặng đó làm chúng ta trở thành những con người vô cảm, vô trách nhiệm. Sự im lặng sợ hãi trước cái sai đang giết chết dần sự lương thiện trong chúng ta.

Sự im lặng có tốc độ lan tỏa rất nhanh chóng trong cộng đồng. Rất đau lòng là hiện nay im lặng lại được coi là cách hành xử khôn ngoan, chuẩn mực. Sự im lặng l thui chột ý chí phản biện, tinh thần hướng thiện, sức mạnh đấu tranh cho cái đúng của không chỉ bản thân ta mà cả của những người quanh ta. Im lặng vì bất kì lí do nào đi nữa thì đó cũng là biểu hiện của sự tha hóa ở mỗi cá nhân và cho thấy dấu hiệu bất ổn của xã hội.

* Phê phán:

Trong cuộc sống hiện đại với nhịp sống hối hả, khoa học kĩ thuật, công nghệ thông tin phát triển chi phối đời sống, sinh hoạt con người, một số người ngày càng trở nên xơ cứng, vô cảm, thờ ơ trước bất hạnh của kẻ khác. Đây vừa là lời cảnh báo nghiêm khắc về sự băng hoại các giá trị đạo đức trong xã hội hiện nay. Lại vừa là lời kêu gọi, thức tỉnh cái thiện bên trong mỗi con người. Đừng vì những nỗi sợ không tên, lo âu không tuổi mà để cho sự sai trai, cái ác hoành hành.

* Bài học:

Hãy nhớ rằng, cái sai cái xấu chỉ mạnh khi nó thấy cái đúng cái tốt dường như đồng tình với nó. Và nó sẽ bị rút hết không khí và tắt thở khi chúng ta nhìn nó với ánh mắt khinh miệt và xa lánh.

Sự im lặng của mỗi chúng ta chính là cách đồng thuận và tiếp tay cho cái sai cái xấu phát triển. Chính vì thế ngay lúc này ta phải biết cách bày tỏ ý kiến quan điểm của mình. Và tất cả những gì chúng ta cần làm là sống dũng cảm, là làm những điều tốt đẹp cho cuộc sống, và để nó tự nhân bản.

* Bài học bản thân:

Bản thân chúng ta cần nhận thức sâu sắc về sự nguy hại của những lời nói, hành động của kẻ xấu và của sự thờ ơ, vô cảm;

Lên tiếng bảo vệ, đứng về phía những người/nhóm người thiệt thòi, yếu thế.

Bảo vệ lẽ phải, bảo vệ những sự thật mà trái tim ta gọi tên bằng những lời nói, việc làm cụ thể.

Rèn luyện cho mình lối sống tích cực, biết quan tâm, chia sẻ, yêu thương, có thái độ kiên quyết đấu tranh chống lại cái sai và lối sống ích kỉ, thiếu trách nhiệm.

Sự im lặng trong mọi hoàn cảnh đều mang đến cho con người sự tổn thương. Càng đáng sợ hơn khi nó đến với một người mà chúng ta tưởng như là tốt. Trong mọi hoàn cảnh chúng ta nên tìm cách đẩy lùi nó đây cũng là một cách để ta bảo vệ chính cuộc sống cũng như người thân của mình.

Có phải sống trung thực giúp cho cuộc sống của ta trở nên tốt đẹp hơn?


 Có rất nhiều người có suy nghĩ như câu tục ngữ “Thật thà là cha thằng dại”, người ta cho rằng việc trung thực, thật thà là một việc dại dột và chẳng việc gì mà chúng ta phải làm. Nhưng suy đi nghĩ lại, đã là một đức tính tốt đẹp thì trung thực chắc chắn sẽ đem đến những giá trị tuyệt vời cho mỗi con người.

* Giải thích:

Trong từ điển Tiếng Việt, trung thực là một tính từ chỉ sự ngay thẳng, thật thà của con người. Trung thực là tôn trọng lẽ phải, tôn trọng sự thật và tuân theo những chuẩn mực đạo đức, không dối trá không cố tình làm sai lạc sự thật từ lời nói đến hành vi.

Trung thực chính là một đức tính tốt đẹp mà mỗi con người cần phải rèn luyện để có được. Nhưng việc luôn sống trung thực bất kể hoàn cảnh nào, bất kể trước mắt chúng ta là ai liệu có phải một điều đúng đắn?

Ranh giới giữa trung thực và dối trá rất mong manh. Trung thực một điều tốt đẹp, tuy nhiên không phải ai cũng có thể luôn luôn trung thực trong mọi hoàn cảnh. Chính vì điều này mà mỗi người phải luôn cố gắng, trau dồi để có thể trung thực, ngay thẳng nhất có thể.

* Biểu hiện:

Theo từng đối tượng cụ thể, trung thực được biểu hiện rất rõ ràng. Trung thực trong học tập chính là khi bạn nghiêm túc học thuộc bài và làm bài, không sử dụng tài liệu trong thi cử, không nói dối với thầy cô và bạn bè. Trung thực trong kinh doanh chính là không buôn bán sản phẩm kém chất lượng, hàng giả, hàng nhái. Và trong những mối quan hệ giữa người với người, trung thực chính là khi ta không nói dối, luôn đối xử thật lòng với mọi người, không mưu cầu hay tính toán những điều xấu xa.

* Phân tích:

Ông bà ta có câu “Đi với bụt mặc áo cà sa, đi với ma thì mặc áo giấy”. Bạn trung thực với những người hiểu chuyện, tốt bụng, những người hiểu rõ bạn và sẵn sàng giúp đỡ bạn là điều nên làm. Nhưng với những người luôn có ý muốn tổn thương bạn, làm khó bạn, mà bạn vẫn ngây thơ thành thật với người ta thì chỉ là đang tự hại mình thôi. Với những ai tốt tính thì bạn sẽ trung thực đối xử lại với người ta y như thế, và đối với ai đanh đá sắc sảo, gian dối thì bạn nên nhận ra và tránh xa, hoặc học cách bảo vệ bản thân đừng để bị lừa dối, lợi dụng.

Trung thực là một điều chẳng dễ gì để làm được trong cuộc sống. Ta cần lựa hoàn cảnh và người đứng trước mặt để bảo vệ chính mình nhưng sống trung thực lại đem về cho ta rất nhiều điều tốt đẹp.

+Khi ta có sự trung thực, ta không phải đau đầu để suy nghĩ lí do để nói dối. Ta cũng không cần phải “nhìn trước, ngó sau” xem thử có bị “lộ” ra ngoài hay không. Có sự trung thực, ta dễ dàng đương đầu với cuộc sống hơn bởi cho dù có chuyện gì xảy ra, ta cũng có thể mỉm cười và chấp nhận nó bởi nó là sự thật, nó không hề giả dối. Luôn sống đúng với bên trong suy nghĩ của mình thì ta sẽ luôn thấy bình an, nhẹ nhõm trong lòng.

+ Khi chúng ta sống ngay thẳng, thật thà thì những người xung quanh cũng sẽ đối đãi với ta như vậy! Khi trung thực, ngay thẳng trở thành “thương hiệu” của bạn thì bạn sẽ luôn nhận được sự tín nhiệm, tin cậy từ tất cả mọi người. Dù có chuyện “tình ngay lý gian”, không thể trực tiếp giải thích mọi người vẫn sẽ có cái nhìn thiện cảm hơn, tin tưởng hơn dành cho bạn.

+ Ta sẽ luôn được mọi người quý mến vì đức tính cao đẹp này. Có thể là ta không giỏi nhưng với tính cách trung thực sẽ làm ta có một nhân cách cao quý, ai cũng nể phục. Sống trung thực là một trong những quyền tự do lựa chọn của chúng ta. Khi chúng ta thực hiện sự chọn lựa ấy, chúng ta trở thành người chúng ta muốn. Chúng ta cảm thấy hài lòng và tự tin hơn bất cứ lúc nào trước đây. Đó chính là ý nghĩa của việc trung thực với chính mình.

Đừng lúc nào cũng quá trung thực quá thẳng thắn một cách cứng nhắc, chỉ cần ta biết cách thể hiện, nói gián tiếp, giữ được phép lịch sự, nhã nhặn người nghe theo cách nào đó sẽ ngầm hiểu được thôi. Nên nhớ rằng trung thực không thể đánh giá ở bên ngoài con người, mà nó được đánh giá thông qua hành vi, biểu hiện, cách hành xử của con người.Trung thực mang đến giá trị lòng tin làm cho cuộc sống xã hội và các mối quan hệ trở nên bền vững chứ không phải là hình thức bên ngoài.

* Phê phán:

Tính thiếu trung thực đã trở thành căn bệnh phổ biến lây lan nhanh trong đời sống. Trong giới học sinh hiện nay, nạn học giả, bằng thật do quay cóp, chép bài của bạn, gian lận trong thi cử đã trở thành một tệ nạn phổ biến gây ảnh hưởng xấu đến kết quả học tập, đến ý nghĩa của việc dạy và học. Trong kinh doanh đời sống, là việc các báo cáo không trung thực, chất lượng sản phẩm kinh doanh ngày càng kém đi, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người tiêu dùng, đặc biệt có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng đe dọa tính mạng con người. Chính căn bệnh này đã khiến xã hội xuống cấp, đạo đức người dân dần bị hạ thấp, phá bỏ những nét đẹp truyền thống của dân tộc.

* Bài học:

Lòng trung thực sẽ không đưa đến cho ta sự giàu có ngay lập tức mà lại tạo cho ta niềm tin, sự tin tưởng giữa người với người.sẽ giúp đẩy lùi được sự gian dối, giả tạo, sự tha hoá đạo đức.

Sống trung thực không phải lúc nào cũng dễ, nó đòi hỏi sự dũng cảm và nghiêm khắc với bản thân. Trong xã hội ngày nay có rất nhiều chuyện khó có thể lường trước. Ngay cả con người cũng vậy, thật giả lẫn lộn, lừa dối, gian trá…và còn rất nhiều. Chính vì thế người có đức tính trung thực càng được nhiều người trân trọng và đáng quý.

Mỗi người chúng ta nên tích cực rèn luyện cho mình đức tính đáng quý này để nâng cao phẩm chất con người mình. Hãy nhớ rằng muốn người khác trung thực với mình thì trước tiên mình phải là người trung thực. Người có nhân cách không ngừng tu dưỡng để có được phẩm chất trung thực.

* Bài học bản thân:

Cần tích cực rèn luyện đức tính đáng quý này để hoàn thiện chính mình, trở thành người tốt trong từng việc nhỏ nhặt nhất mà hàng ngày không nói dối, không lừa đảo, không nói sai sự thật, không tham lam… Trong những trường hợp mình làm sai phải tự đứng ra nhận trách nhiệm.

Lên án những hành vi thiếu trung thực và tích cực đầy lùi những tiêu cực do thiếu trung thực.

Trong giao tiếp hàng ngày có những khi ta cần phải nhạy cảm, tinh tế hơn, trước khi nói ra điều gì cần phải nghe và nghĩ! Tùy tình huống để chú ý cách giao tiếp của mình, tránh làm tổn thương hay gây xấu hổ cho người khác.

Trung thực là chương đầu tiên của cuốn sách trí tuệCó thể coi lòng trung thực là đức tính quý giá và cần thiết nhất của con người trên con đường đi đến thành công là nền tảng cơ bản giữ cho những mối quan hệ được bền vững. Vì thế, ngay từ giờ phút này, hãy chung tay loại bỏ thói dối trá ra khỏi đời sống xã hội, hãy cùng nhau tạo nên một thế giới nơi con người tin tưởng và sống với nhau bình đẳng và bác ái.

Thứ Ba, 3 tháng 8, 2021

Chẳng có bóng tối nào trên thế gian này có sức mạnh và quyền năng to lớn bằng tình yêu


 Bạn có tin vào sức mạnh của tình yêu? Tình yêu đến rất giản đơn nhưng thực chất lại mang trong mình một sức mạnh vô hình mà chỉ có những người đã và đang yêu mới có thể thấu hiểu. Tình yêu khiến ta trở nên vui vẻ, trẻ trung, tự tin và có sức sống mãnh liệt hơn. Tình yêu giúp chúng ta mạnh mẽ hơn để vượt qua những thử thách, chông gai của cuộc sống. Chẳng có bóng tối nào trên thế gian này có sức mạnh và quyền năng to lớn bằng tình yêu.

* Giải thích:

Bóng tối là tượng trưng cho những xấu xa, ích kỷ, nhỏ nhen.... những điều tiêu cực kìm hãm sự phát triển của con người. Bóng tối gợi cho chúng ta về những thất bại, những điều không may trong cuộc sống, khiến chúng ta cảm thấy lạc lối, là những lúc ta vấp ngã trên con đường đời và gặp những điều không may.

Tình yêu là hành động quan tâm, chăm sóc và lo lắng… dành cho một người nào đó mà bạn yêu thương nhất và mong muốn mang lại thật nhiều hạnh phúc đến cuộc sống của họ. Tình yêu có thể khiến bạn làm bất cứ điều gì và hy sinh tất cả những điều tốt đẹp cho họ. Mọi thứ dường như tươi sáng hơn, hạnh phúc hơn và tuyệt vời hơn khi bạn đang yêu.

Không có sức mạnh nào lớn hơn tình yêu! Tình yêu có khả năng chữa lành cả thế giới. Sức mạnh đó còn giúp con người biết quay đầu cả khi lầm đường, lạc lối. Biết đứng dậy vượt lên lầm lỗi của chính mình trong quá khứ, biết hướng thiện để làm lại cuộc đời, có ích cho xã hội…

* Biểu hiện:

Tình yêu có thể có nhiều hình thức. Chúng ta có tình yêu  dành cho gia đình, một đứa trẻ hay một người bạn, cũng như tình yêu mà chúng ta dành cho thú cưng của mình.

Khi thực hiện giãn cách xã hội trong đại dịch Covid-19, những hình ảnh phát cơm từ thiện, máy ATM gạo, chủ nhà trọ giảm tiền thuê xuất hiện ngày càng nhiều để cùng giúp nhau vượt qua những khó khăn trước mắt. Những bữa cơm, thức uống, thông điệp tri ân được gửi đến các bác sỹ, y tá, đội tình nguyện để bày tỏ sự biết ơn và cổ vũ “những chiến sỹ ở tuyến đầu chống dịch” được lan tỏa toàn cầu.

Và còn rất, rất nhiều nghĩa cử tốt đẹp đang được lan tỏa trong cộng đồng trong và ngoài nước cùng nhau vượt qua đại dịch Covid-19 được chia sẻ trên các phương tiện truyền thông mỗi ngày. Thử hỏi, giữa bao biến động từ đầu năm đến giờ, nếu không có tình yêu thương, tinh thần tương thân tương ái thì ai sẽ nhắc chúng ta phải trân trọng những gì mình đang có và giúp đỡ những người xung quanh, sống trách nhiệm hơn với cộng đồng?

* Phân tích:

Tình yêu là nguồn sống, là sức sống, là ý nghĩa sống, là khát vọng cuối cùng mà con người hướng tới. Con người được sinh ra trong tình yêu và chỉ hạnh phúc khi được sống trong tình yêu. Tình yêu là một nhu cầu không thể thiếu trong cuộc sống con người. Tình yêu là sức mạnh phi thường có thể biến đổi con người từ trạng thái này sang trạng thái khá: từ buồn thành vui, nhút nhát nên can đảm, tự ti nên tự tin, yếu đuối nên mạnh mẽ… Tình yêu thương giúp xây dựng nên nhân cách con người, là cả quá trình cảm nhận cuộc sống này tốt đẹp hơn, ý nghĩa hơn. Tình yêu thương sẽ lan tỏa tác động tích cực, giúp gắn kết mọi người lại với nhau hơn.

Albert Einstein – nhà khoa học vĩ đại đã nói: “Có một sức mạnh lớn hơn sức mạnh của bom nguyên tử đó chính là tình yêu”. Nó giúp người ta vững tin hơn trong cuộc sống, giúp người ta vượt qua gian khổ, nó cảm hóa và làm thay đổi những người sống chưa tốt... Tình yêu thương của ta đưa người khác đến đỉnh cao của thành công và đưa ta vượt lên trên những điều tầm thường. Nó có khả năng chữa lành vết thương cũ và làm bạn vơi đi mọi tiêu cực. Suy nghĩ tích cực cần thiết phải xuất hiện trong những hoàn cảnh khó khăn. Có những xung đột chỉ được hóa giải khi xuất hiện sự tha thứ và tình yêu thương vĩ đại. Tình yêu thương làm cuộc đời này đẹp hơn.

Chúng ta đang sống trong thời đại có rất nhiều nhu cầu về tình yêu, hơn bao giờ hết. Con người ngày nay có rất nhiều thứ, song có hai thứ mà họ không có đó là sự bình an và tình yêu thương. Chúng cần thiết như không khí để thở, nước để uống và thức ăn hàng ngày. Khi ta hiểu yêu thương là từ tâm và yêu thương là KHÔNG ĐIỀU KIỆN thì mọi việc ta làm thật thoải mái và hạnh phúc thực sự sẽ tới! Bình an và hạnh phúc sẽ tự động đến với những người có tâm hồn trong sáng và tình yêu thương. Khi bên trong bạn có tình yêu thương, bạn sẽ lan tỏa tình yêu thương ra cho mọi người xung quanh. Một người chủ động trao tặng tình yêu thương thì bên trong họ tràn đầy tình yêu thương.

Tình yêu cần được thể hiện ra ngoài bằng hành động thiết thực. Nếu lời yêu thương chỉ dừng lại ở khóe môi thì lời yêu thương ấy sẽ mãi chỉ là những lời nói sáo rỗng, những lời giáo dục khuôn sáo. Yêu thương chính là cho đi, yêu thương là san sẻ và đồng cảm cho nhau…  Chỉ có tình yêu thương chân thành mới giúp cuộc sống trở nên tươi đẹp và ý nghĩa. Tình yêu luôn cao quý nên đừng vấy bẩn nó, đừng nhân danh tình yêu để làm điều gì xấu xa độc ác dưới vỏ bọc yêu thương.

Tuy nhiên, Tình yêu không phải là yêu thương mù quáng, phải phân biệt được đúng sai, không nên để tình yêu bị lợi dụng. Thật đáng tiếc và đáng buồn khi tình yêu thương, sự chân thành mà con người muốn gửi gắm lại bị sử dụng để làm lợi cho người khác, khiến họ cảm thấy mất niềm tin và không muốn trao đi yêu thương nữa. Và cũng càng không nên có tư tưởng không còn tồn tại tình yêu thương, bởi vì tình yêu thương thường xuất hiện vào những phút giây nhỏ nhoi trong cuộc sống, phải từng trải qua thì mới cảm nhận sâu sắc về tình yêu thương và hiểu được ý nghĩa quan trọng của nó.

* Phê phán:

Tình yêu thương quan trọng như thế nhưng vẫn có những con người không biết yêu thương cảm thông với mọi người. Họ vô cảm với thế giới xung quanh, vô tâm với mọi người. Họ sống vì bản thân và cảm thấy bản thân không cần có trách nhiệm phải chia sẻ với ai, phải giúp đỡ ai. Đó là một lối sống ích kỷ cần được phê phán và chấn chỉnh.

Còn có những người luôn tỏ ra là mình yêu thương người khác nhưng điều đó không xuất phát từ sự chân thành mà từ ham muốn danh lợi, thích được chứng tỏ bản thân mình với người khác. Như trong nhiều được quyên góp lũ lụt có người mang đến quyên tặng nạn nhân ở vùng bão lũ đồ bơi, đồ ăn, quần áo, những thứ đó liệu có cần thiết không? Có người giúp đỡ người khác giả vờ trước mặt người khác hay truyền thông, sau khi không có ống kính liệu họ có góp tặng như giá trị mà họ đã hứa? Bên cạnh đó, vẫn còn có nghệ sĩ đem việc giúp đỡ người khác ra để làm nổi bật danh tiếng của mình. Những người đó thật đáng trách khi làm sai lệch và méo mó đi giá trị thật sự của tình yêu.

* Bài học:

Tất cả mọi người đều cần có tình yêu. Muốn có tình yêu thì trước hết, ta phải trao tặng tình yêu cho thế giới. Tình yêu có sức mạnh rất lớn, Tình yêu là điều quý giá nhất trên đời mà người với người có thể trao tặng nhau. Hãy nói lời yêu thương một cách thật lòng với mọi người xung quanh, đặc biệt là với người thân. Vì rất nhiều người hối hận vì chưa kịp nói lời yêu thương với người thân khi người thân của họ còn sống. Đừng ngại nói lời yêu thương với những người mà ta quý mến họ.

* Bài học bản thân:

Yêu thương phải được được thể hiện bằng lời nói và hành động. Mỗi người chúng ta phải gạt bỏ thói ích kỷ cá nhân để chăm lo cho mọi người. Trước hết phải biết yêu thương chăm sóc giúp đỡ ngững người thân yêu gần gũi nhất: ông bà, cha mẹ, anh chị... Hãy nói lời yêu thương bố mẹ, người thân mỗi ngày. Hãy trân trọng từng giây phút được kề cận bên họ.

Tham gia tích cực các hoạt động của nhà trường: Phong trào nụ cười hồng,Phong trào nuôi heo đất,Tặng sách giáo khoa, tập vở, bút viết cho bạn nghèo, Ủng hộ đồng bào bị lũ lụt…

Cuộc sống này vốn đẹp biết bao nếu mỗi người thêm yêu thương và trân trọng lẫn nhau. Như một nhà văn đã từng viết “hãy cố gắng mà hiểu họ, hãy thương cảm cho nhau để cuộc đời thêm ý nghĩa…”. Giá trị và ý nghĩa của tình yêu thương con người là vô cùng to lớn. Biết rằng tình yêu thương tuy rất khó tìm thấy trong xã hội hiện nay, nhưng nếu tìm được sẽ là cả một quá trình đầy ý nghĩa đối với cuộc sống con người. Hãy trao đi yêu thương và để chính mình cũng ngập tràn trong tình yêu thương.

Và muôn đời, lời nói thành thực vẫn là lời hay nhất

 


Dựa vào lời nói cách thức diễn tả của người khác, ta có thể biết được phần nào tâm tư của họ đang muốn gì. Được yêu mến và kính trọng hay bị khinh bỉ và ghét bỏ, một phần lớn là do cái lưỡi và lời nói của chúng ta. Như thế, cái lưỡi đã đóng một vai trò quan trọng trong việc hình thành uy tín và giá trị của mỗi người, đúng như câu danh ngôn: “Lưỡi người khôn ngoan làm nên sự sống, còn miệng kẻ ngu gây thù chuốc oán”. Và muôn đời lời nói thành thực vẫn là lời hay nhất.

* Giải thích:

Lời nói thành thực là lời nói đúng sự thật, không xảo biện, ba hoa chích chòe, đặt điều nói xấu người khác; là lời xuất phát từ lòng chân thành, không giả tạo. Lời nói thành thực là lời nói có văn hoá, có sự tác động tốt đẹp đến người khác.

Lời nói thành thực được sử dụng đúng lúc, đúng chỗ, biết diền đạt mạch lạc, phù hợp dễ dàng đạt hiệu quả, mục đích cao. Nó phản chiếu đời sống tâm hồn của người nói, giúp con người xích lại gần nhau hơn. Là thước đo để đánh giá tính cách, phẩm hạnh, tư duy, văn hoá của con người, đồng thời cũng là cách thức để duy trì và phát triển các mối quan hệ xã hội.

Vì vậy chúng ta phải cẩn thận trong lời ăn tiếng nói hằng ngày, sâu xa hơn là hướng về sự chân thực mỗi khi chúng ta phát ngôn.

* Biểu hiện:

Đặt trong những hoàn cảnh cụ thể, lời nói thành thực sẽ có những biểu hiện khác nhau, sinh động, hấp dẫn như chính bản thân cuộc sống vậy. Có thể là lời nói biết làm dịu đi nỗi đau của người khác, là lời nói đem lại cho người khác động lực sống. Cũng có thể là lời nói chỉ ra được những lỗi lầm của mình, của người khác. Một lời cảm ơn, xin lỗi nếu đặt đúng hoàn cảnh, cũng sẽ là lời nói thành thực.

* Phân tích:

Lời nói thành thực là lời hay nhất bởi nó là lời nói xuất phát từ chính trái tim, suy nghĩ thật của người nói và nhận định đúng hoàn cảnh, sự việc. Lời nói thành thực là lời nói của những phẩm chất cao đẹp của sự thanh liêm, đứng đắn và cương trực. Chúng ta có lòng tự trọng, phẩm cách và điều ấy thể hiện qua lời ăn tiếng nói hằng ngày. Ăn ngay nói thật luôn được mọi người coi trọng hơn cả. Trung thực và chân thành sẽ luôn làm cho sự việc trong cuộc sống diễn ra thuận lợi cũng như dành được thiện cảm của những người xung quanh.

Những lời nói thành thực cho người nghe được an ủi, khích lệ và làm cho tình thân giữa ta với người khác được thêm thắm thiết đậm đà. Lời nói chân thành, không vị kỷ, không vụ lợi luôn luôn tạo được ấn tượng tốt trong giao tiếp và dễ thành công trong giao tiếp. "Thuốc đắng dã tật, người thật mất lòng" nhưng đem đến niềm tin trong các mối quan hệ. Khi phát ngôn "uốn lưỡi bảy lần" lại càng được tin tưởng và yêu mến, bởi khi tiếp xúc hoặc làm việc với người nói lời thành thực chúng ta luôn nhận được sự yên tâm, tin tưởng, một cam kết bằng lời.

Không thành thực trong lời nói biến con người ta thành kẻ đạo đức giả, gian dối, tha hóa nhân cách. Một lời nói dối liệu không thể che đậy được sự thật và người ta sẽ tìm cách lấp liếm nó bằng những lời nói dối khác kinh khủng và táo bạo hơn so với lời nói dối ban đầu. Đó chính là biểu hiện của sự trượt dài trong tội lỗi, là sự thiếu trách nhiệm với bản thân và với những người xung quanh. Con người dễ dàng dấn thân vào con đường tăm tối, càng lún sâu hơn vào cái thói xấu của mình thay vì thay đổi để tốt hơn.

Đối với những tâm hồn nhạy cảm một lời nói dẫu vô tình cũng đủ giết chết tâm hồn họ, liệu mọi người có nhận thức được điều ấy không. Lời nói vô tình, thiếu trách nhiệm của bạn sẽ khiến một ai đó tổn thương. Ví dụ như talỡ miệng thốt ra câu chê trách ai đó với bạn thân và để họ nghe được. Ôi chao thật tai hại, ta vừa làm tổn thương người khác, cũng vừa làm tổn thương đến danh dự của mình. Vì vậy nói gì thì cũng cố mà suy xét cho kỹ, cho tinh, đừng có cái kiểu bạ đâu nói đấy, không kiêng dè ai bao giờ. Lời nói thành thực là cơ sở của hành động đẹp.

* Phê phán:

Trong cuộc sống này vẫn còn có lắm kẻ sống bằng sự dối tra. Họ là những kẻ chuyên lừa gạt người khác, ăn không nói có. Xã hội lắm kẻ sống giả dối chắc chắn cái xấu, cái ác tràn lan, đạo đức xã hội cũng xuống dốc. Khi đó, đời sống con người sẽ rơi vào loạn lạc, công lí không được bảo vệ. Dối trá và lừa lọc là hành động của kẻ ngu xuẩn không có đủ trí óc để trung thực. Chỉ có những kẻ yếu đuối, lười biếng hoặc tham lam mới dối lừa người khác nhằm giành lấy sự bình yên hoặc cái lợi vè mình. Càng dối trá họ càng thấp kém và sớm muộn gì cũng nhận lấy hậu quả từ hành động dối lừa của họ.

* Bài học:

Ông bà đã có câu: "Học ăn, học nói, học gói, học mở", vì thế nói năng sao cho phải lễ, phải đạo. Lời nói cũng cần được tôi luyện và rèn dũa một cách thật nghiêm túc: phải tránh xa cái sự nói dối, nói điêu, cái sự lắm điều, đặt điều đi, sau là tập được cái tính "Uốn lưỡi bảy lần trước khi nói".

Hãy nhớ lời ra khỏi miệng nhưng nội dung vẫn phải còn trong não. Hứa gì thì phải làm cho kỳ được, chớ đừng có cái tật hứa lèo, hứa mãi rồi người ta cười thầm trong bụng, người ta ghét bỏ thì thật tai hại quá.

* Bài học bản thân:

Bản thân chúng ta cần ý thức được tầm quan trọng của lời nói, chúng ta hãy nên nói lời thành thật và lời nói ấy bao giờ cũng đáng được khen ngợi.

Rèn luyện cách nói những lời tốt đẹp, những lời yêu thương, những lời thành thực và tránh xa lộng ngữ, tà ngôn. Chúng ta phải sử dụng lời nói như là một phương tiện để nối kết yêu thương, giúp chúng ta cảm thông và xích lại gần nhau hơn.

Tập luyện sử dụng ngôn từ sao cho gọn gàng, mạch lạc, dễ hiểu, phù hợp với đối tượng giao tiếp. Một lời nói có nội dung hay nhưng nếu cách dùng từ thiếu chọn lọc, cách diễn đạt không thông thoát, lại không được đặt vào đúng hoàn cảnh thì chắc chắn không thể là lời nói hay.

Tiếng nói vốn là một tài sản quý giá mà tạo hóa đã ban tặng cho con người, để chúng ta được thoải mái giao tiếp, trao đổi, bày tỏ cảm xúc trong cuộc sống. Chính vì vậy chúng ta phải hết sức trân trọng và nâng niu nó, hãy dành cho nó một sự nâng niu nhất định, luôn đặt sự chân thực và trách nhiệm lên mỗi lời thốt ra từ cửa miệng, ấy cũng là lợi cho ta, cũng lại đẹp cả lòng người. Nếu ai cũng hiểu được như thế thì xã hội tất yên bình và tươi đẹp hơn.