Thứ Tư, 4 tháng 8, 2021

Có phải sống trung thực giúp cho cuộc sống của ta trở nên tốt đẹp hơn?


 Có rất nhiều người có suy nghĩ như câu tục ngữ “Thật thà là cha thằng dại”, người ta cho rằng việc trung thực, thật thà là một việc dại dột và chẳng việc gì mà chúng ta phải làm. Nhưng suy đi nghĩ lại, đã là một đức tính tốt đẹp thì trung thực chắc chắn sẽ đem đến những giá trị tuyệt vời cho mỗi con người.

* Giải thích:

Trong từ điển Tiếng Việt, trung thực là một tính từ chỉ sự ngay thẳng, thật thà của con người. Trung thực là tôn trọng lẽ phải, tôn trọng sự thật và tuân theo những chuẩn mực đạo đức, không dối trá không cố tình làm sai lạc sự thật từ lời nói đến hành vi.

Trung thực chính là một đức tính tốt đẹp mà mỗi con người cần phải rèn luyện để có được. Nhưng việc luôn sống trung thực bất kể hoàn cảnh nào, bất kể trước mắt chúng ta là ai liệu có phải một điều đúng đắn?

Ranh giới giữa trung thực và dối trá rất mong manh. Trung thực một điều tốt đẹp, tuy nhiên không phải ai cũng có thể luôn luôn trung thực trong mọi hoàn cảnh. Chính vì điều này mà mỗi người phải luôn cố gắng, trau dồi để có thể trung thực, ngay thẳng nhất có thể.

* Biểu hiện:

Theo từng đối tượng cụ thể, trung thực được biểu hiện rất rõ ràng. Trung thực trong học tập chính là khi bạn nghiêm túc học thuộc bài và làm bài, không sử dụng tài liệu trong thi cử, không nói dối với thầy cô và bạn bè. Trung thực trong kinh doanh chính là không buôn bán sản phẩm kém chất lượng, hàng giả, hàng nhái. Và trong những mối quan hệ giữa người với người, trung thực chính là khi ta không nói dối, luôn đối xử thật lòng với mọi người, không mưu cầu hay tính toán những điều xấu xa.

* Phân tích:

Ông bà ta có câu “Đi với bụt mặc áo cà sa, đi với ma thì mặc áo giấy”. Bạn trung thực với những người hiểu chuyện, tốt bụng, những người hiểu rõ bạn và sẵn sàng giúp đỡ bạn là điều nên làm. Nhưng với những người luôn có ý muốn tổn thương bạn, làm khó bạn, mà bạn vẫn ngây thơ thành thật với người ta thì chỉ là đang tự hại mình thôi. Với những ai tốt tính thì bạn sẽ trung thực đối xử lại với người ta y như thế, và đối với ai đanh đá sắc sảo, gian dối thì bạn nên nhận ra và tránh xa, hoặc học cách bảo vệ bản thân đừng để bị lừa dối, lợi dụng.

Trung thực là một điều chẳng dễ gì để làm được trong cuộc sống. Ta cần lựa hoàn cảnh và người đứng trước mặt để bảo vệ chính mình nhưng sống trung thực lại đem về cho ta rất nhiều điều tốt đẹp.

+Khi ta có sự trung thực, ta không phải đau đầu để suy nghĩ lí do để nói dối. Ta cũng không cần phải “nhìn trước, ngó sau” xem thử có bị “lộ” ra ngoài hay không. Có sự trung thực, ta dễ dàng đương đầu với cuộc sống hơn bởi cho dù có chuyện gì xảy ra, ta cũng có thể mỉm cười và chấp nhận nó bởi nó là sự thật, nó không hề giả dối. Luôn sống đúng với bên trong suy nghĩ của mình thì ta sẽ luôn thấy bình an, nhẹ nhõm trong lòng.

+ Khi chúng ta sống ngay thẳng, thật thà thì những người xung quanh cũng sẽ đối đãi với ta như vậy! Khi trung thực, ngay thẳng trở thành “thương hiệu” của bạn thì bạn sẽ luôn nhận được sự tín nhiệm, tin cậy từ tất cả mọi người. Dù có chuyện “tình ngay lý gian”, không thể trực tiếp giải thích mọi người vẫn sẽ có cái nhìn thiện cảm hơn, tin tưởng hơn dành cho bạn.

+ Ta sẽ luôn được mọi người quý mến vì đức tính cao đẹp này. Có thể là ta không giỏi nhưng với tính cách trung thực sẽ làm ta có một nhân cách cao quý, ai cũng nể phục. Sống trung thực là một trong những quyền tự do lựa chọn của chúng ta. Khi chúng ta thực hiện sự chọn lựa ấy, chúng ta trở thành người chúng ta muốn. Chúng ta cảm thấy hài lòng và tự tin hơn bất cứ lúc nào trước đây. Đó chính là ý nghĩa của việc trung thực với chính mình.

Đừng lúc nào cũng quá trung thực quá thẳng thắn một cách cứng nhắc, chỉ cần ta biết cách thể hiện, nói gián tiếp, giữ được phép lịch sự, nhã nhặn người nghe theo cách nào đó sẽ ngầm hiểu được thôi. Nên nhớ rằng trung thực không thể đánh giá ở bên ngoài con người, mà nó được đánh giá thông qua hành vi, biểu hiện, cách hành xử của con người.Trung thực mang đến giá trị lòng tin làm cho cuộc sống xã hội và các mối quan hệ trở nên bền vững chứ không phải là hình thức bên ngoài.

* Phê phán:

Tính thiếu trung thực đã trở thành căn bệnh phổ biến lây lan nhanh trong đời sống. Trong giới học sinh hiện nay, nạn học giả, bằng thật do quay cóp, chép bài của bạn, gian lận trong thi cử đã trở thành một tệ nạn phổ biến gây ảnh hưởng xấu đến kết quả học tập, đến ý nghĩa của việc dạy và học. Trong kinh doanh đời sống, là việc các báo cáo không trung thực, chất lượng sản phẩm kinh doanh ngày càng kém đi, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người tiêu dùng, đặc biệt có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng đe dọa tính mạng con người. Chính căn bệnh này đã khiến xã hội xuống cấp, đạo đức người dân dần bị hạ thấp, phá bỏ những nét đẹp truyền thống của dân tộc.

* Bài học:

Lòng trung thực sẽ không đưa đến cho ta sự giàu có ngay lập tức mà lại tạo cho ta niềm tin, sự tin tưởng giữa người với người.sẽ giúp đẩy lùi được sự gian dối, giả tạo, sự tha hoá đạo đức.

Sống trung thực không phải lúc nào cũng dễ, nó đòi hỏi sự dũng cảm và nghiêm khắc với bản thân. Trong xã hội ngày nay có rất nhiều chuyện khó có thể lường trước. Ngay cả con người cũng vậy, thật giả lẫn lộn, lừa dối, gian trá…và còn rất nhiều. Chính vì thế người có đức tính trung thực càng được nhiều người trân trọng và đáng quý.

Mỗi người chúng ta nên tích cực rèn luyện cho mình đức tính đáng quý này để nâng cao phẩm chất con người mình. Hãy nhớ rằng muốn người khác trung thực với mình thì trước tiên mình phải là người trung thực. Người có nhân cách không ngừng tu dưỡng để có được phẩm chất trung thực.

* Bài học bản thân:

Cần tích cực rèn luyện đức tính đáng quý này để hoàn thiện chính mình, trở thành người tốt trong từng việc nhỏ nhặt nhất mà hàng ngày không nói dối, không lừa đảo, không nói sai sự thật, không tham lam… Trong những trường hợp mình làm sai phải tự đứng ra nhận trách nhiệm.

Lên án những hành vi thiếu trung thực và tích cực đầy lùi những tiêu cực do thiếu trung thực.

Trong giao tiếp hàng ngày có những khi ta cần phải nhạy cảm, tinh tế hơn, trước khi nói ra điều gì cần phải nghe và nghĩ! Tùy tình huống để chú ý cách giao tiếp của mình, tránh làm tổn thương hay gây xấu hổ cho người khác.

Trung thực là chương đầu tiên của cuốn sách trí tuệCó thể coi lòng trung thực là đức tính quý giá và cần thiết nhất của con người trên con đường đi đến thành công là nền tảng cơ bản giữ cho những mối quan hệ được bền vững. Vì thế, ngay từ giờ phút này, hãy chung tay loại bỏ thói dối trá ra khỏi đời sống xã hội, hãy cùng nhau tạo nên một thế giới nơi con người tin tưởng và sống với nhau bình đẳng và bác ái.