Thứ Ba, 3 tháng 8, 2021

Và muôn đời, lời nói thành thực vẫn là lời hay nhất

 


Dựa vào lời nói cách thức diễn tả của người khác, ta có thể biết được phần nào tâm tư của họ đang muốn gì. Được yêu mến và kính trọng hay bị khinh bỉ và ghét bỏ, một phần lớn là do cái lưỡi và lời nói của chúng ta. Như thế, cái lưỡi đã đóng một vai trò quan trọng trong việc hình thành uy tín và giá trị của mỗi người, đúng như câu danh ngôn: “Lưỡi người khôn ngoan làm nên sự sống, còn miệng kẻ ngu gây thù chuốc oán”. Và muôn đời lời nói thành thực vẫn là lời hay nhất.

* Giải thích:

Lời nói thành thực là lời nói đúng sự thật, không xảo biện, ba hoa chích chòe, đặt điều nói xấu người khác; là lời xuất phát từ lòng chân thành, không giả tạo. Lời nói thành thực là lời nói có văn hoá, có sự tác động tốt đẹp đến người khác.

Lời nói thành thực được sử dụng đúng lúc, đúng chỗ, biết diền đạt mạch lạc, phù hợp dễ dàng đạt hiệu quả, mục đích cao. Nó phản chiếu đời sống tâm hồn của người nói, giúp con người xích lại gần nhau hơn. Là thước đo để đánh giá tính cách, phẩm hạnh, tư duy, văn hoá của con người, đồng thời cũng là cách thức để duy trì và phát triển các mối quan hệ xã hội.

Vì vậy chúng ta phải cẩn thận trong lời ăn tiếng nói hằng ngày, sâu xa hơn là hướng về sự chân thực mỗi khi chúng ta phát ngôn.

* Biểu hiện:

Đặt trong những hoàn cảnh cụ thể, lời nói thành thực sẽ có những biểu hiện khác nhau, sinh động, hấp dẫn như chính bản thân cuộc sống vậy. Có thể là lời nói biết làm dịu đi nỗi đau của người khác, là lời nói đem lại cho người khác động lực sống. Cũng có thể là lời nói chỉ ra được những lỗi lầm của mình, của người khác. Một lời cảm ơn, xin lỗi nếu đặt đúng hoàn cảnh, cũng sẽ là lời nói thành thực.

* Phân tích:

Lời nói thành thực là lời hay nhất bởi nó là lời nói xuất phát từ chính trái tim, suy nghĩ thật của người nói và nhận định đúng hoàn cảnh, sự việc. Lời nói thành thực là lời nói của những phẩm chất cao đẹp của sự thanh liêm, đứng đắn và cương trực. Chúng ta có lòng tự trọng, phẩm cách và điều ấy thể hiện qua lời ăn tiếng nói hằng ngày. Ăn ngay nói thật luôn được mọi người coi trọng hơn cả. Trung thực và chân thành sẽ luôn làm cho sự việc trong cuộc sống diễn ra thuận lợi cũng như dành được thiện cảm của những người xung quanh.

Những lời nói thành thực cho người nghe được an ủi, khích lệ và làm cho tình thân giữa ta với người khác được thêm thắm thiết đậm đà. Lời nói chân thành, không vị kỷ, không vụ lợi luôn luôn tạo được ấn tượng tốt trong giao tiếp và dễ thành công trong giao tiếp. "Thuốc đắng dã tật, người thật mất lòng" nhưng đem đến niềm tin trong các mối quan hệ. Khi phát ngôn "uốn lưỡi bảy lần" lại càng được tin tưởng và yêu mến, bởi khi tiếp xúc hoặc làm việc với người nói lời thành thực chúng ta luôn nhận được sự yên tâm, tin tưởng, một cam kết bằng lời.

Không thành thực trong lời nói biến con người ta thành kẻ đạo đức giả, gian dối, tha hóa nhân cách. Một lời nói dối liệu không thể che đậy được sự thật và người ta sẽ tìm cách lấp liếm nó bằng những lời nói dối khác kinh khủng và táo bạo hơn so với lời nói dối ban đầu. Đó chính là biểu hiện của sự trượt dài trong tội lỗi, là sự thiếu trách nhiệm với bản thân và với những người xung quanh. Con người dễ dàng dấn thân vào con đường tăm tối, càng lún sâu hơn vào cái thói xấu của mình thay vì thay đổi để tốt hơn.

Đối với những tâm hồn nhạy cảm một lời nói dẫu vô tình cũng đủ giết chết tâm hồn họ, liệu mọi người có nhận thức được điều ấy không. Lời nói vô tình, thiếu trách nhiệm của bạn sẽ khiến một ai đó tổn thương. Ví dụ như talỡ miệng thốt ra câu chê trách ai đó với bạn thân và để họ nghe được. Ôi chao thật tai hại, ta vừa làm tổn thương người khác, cũng vừa làm tổn thương đến danh dự của mình. Vì vậy nói gì thì cũng cố mà suy xét cho kỹ, cho tinh, đừng có cái kiểu bạ đâu nói đấy, không kiêng dè ai bao giờ. Lời nói thành thực là cơ sở của hành động đẹp.

* Phê phán:

Trong cuộc sống này vẫn còn có lắm kẻ sống bằng sự dối tra. Họ là những kẻ chuyên lừa gạt người khác, ăn không nói có. Xã hội lắm kẻ sống giả dối chắc chắn cái xấu, cái ác tràn lan, đạo đức xã hội cũng xuống dốc. Khi đó, đời sống con người sẽ rơi vào loạn lạc, công lí không được bảo vệ. Dối trá và lừa lọc là hành động của kẻ ngu xuẩn không có đủ trí óc để trung thực. Chỉ có những kẻ yếu đuối, lười biếng hoặc tham lam mới dối lừa người khác nhằm giành lấy sự bình yên hoặc cái lợi vè mình. Càng dối trá họ càng thấp kém và sớm muộn gì cũng nhận lấy hậu quả từ hành động dối lừa của họ.

* Bài học:

Ông bà đã có câu: "Học ăn, học nói, học gói, học mở", vì thế nói năng sao cho phải lễ, phải đạo. Lời nói cũng cần được tôi luyện và rèn dũa một cách thật nghiêm túc: phải tránh xa cái sự nói dối, nói điêu, cái sự lắm điều, đặt điều đi, sau là tập được cái tính "Uốn lưỡi bảy lần trước khi nói".

Hãy nhớ lời ra khỏi miệng nhưng nội dung vẫn phải còn trong não. Hứa gì thì phải làm cho kỳ được, chớ đừng có cái tật hứa lèo, hứa mãi rồi người ta cười thầm trong bụng, người ta ghét bỏ thì thật tai hại quá.

* Bài học bản thân:

Bản thân chúng ta cần ý thức được tầm quan trọng của lời nói, chúng ta hãy nên nói lời thành thật và lời nói ấy bao giờ cũng đáng được khen ngợi.

Rèn luyện cách nói những lời tốt đẹp, những lời yêu thương, những lời thành thực và tránh xa lộng ngữ, tà ngôn. Chúng ta phải sử dụng lời nói như là một phương tiện để nối kết yêu thương, giúp chúng ta cảm thông và xích lại gần nhau hơn.

Tập luyện sử dụng ngôn từ sao cho gọn gàng, mạch lạc, dễ hiểu, phù hợp với đối tượng giao tiếp. Một lời nói có nội dung hay nhưng nếu cách dùng từ thiếu chọn lọc, cách diễn đạt không thông thoát, lại không được đặt vào đúng hoàn cảnh thì chắc chắn không thể là lời nói hay.

Tiếng nói vốn là một tài sản quý giá mà tạo hóa đã ban tặng cho con người, để chúng ta được thoải mái giao tiếp, trao đổi, bày tỏ cảm xúc trong cuộc sống. Chính vì vậy chúng ta phải hết sức trân trọng và nâng niu nó, hãy dành cho nó một sự nâng niu nhất định, luôn đặt sự chân thực và trách nhiệm lên mỗi lời thốt ra từ cửa miệng, ấy cũng là lợi cho ta, cũng lại đẹp cả lòng người. Nếu ai cũng hiểu được như thế thì xã hội tất yên bình và tươi đẹp hơn.