Thứ Tư, 4 tháng 8, 2021

Im lặng trước cái sai này chính là mầm mống nuôi dưỡng cho sự xuất hiện của những cái sai khác.


 Tục ngữ Việt Nam có câu “im lặng là vàng”, “một điều nhịn, chín điều lành” hay “dĩ hòa vi quý”. Bản chất của những lời răn này là dạy con người ta tiết chế cảm xúc, biết hành xử vừa phải, đúng mực, đúng lúc, đúng chỗ, đúng đối tượng. Đáng tiếc thay, “một bộ phận không nhỏ” trong chúng ta đang vận dụng lời răn này một cách sai lệch. Đó là sự im lặng tuyệt đối trước sự thật, im lặng nhu nhược trước cái ác hay im lặng nhẫn nhục trước bất công. Phải chăng im lặng trước cái sai này chính là mầm mống nuôi dưỡng cho sự xuất hiện của những cái sai khác.

* Giải thích:

Im lặng là không nói, không hành động gì trước một hay nhiều tình huống nào đó.

Im lặng trước cái sai là hành động dửng dưng, vô tâm, thờ ơ, không phản ứng, không bộc lộ những chính kiến, ý kiến đánh giá bình luận nào trước những hành vi xấu, tiêu cực, tội ác, điều chướng tai gai mắt của người xấu.

Im lặng trước cái sai là cơ sở cho sự nảy sinh, xuất hiện, phát triển cái sai mới, sẽ tiếp diễn thành những cái sai lớn khác nữa. Và rồi nó không chỉ ảnh hưởng tới vận mệnh của một cá nhân, tập thể mà thậm chí cả một dân tộc.

=> Im lặng trước cái sai không chỉ là chỉ mang tính cá nhân mà nó còn ảnh hưởng tới cả cộng đồng. Im lặng trước cái sai chính là sự tàn nhẫn với sự thật, với điều đúng. Sự im lặng trước cái sai làm chúng ta trở thành những con người vô cảm, vô trách nhiệm.

* Biểu hiện:

Cuộc sống xung quanh ta diễn ra vô số những hành động việc làm tưởng như nhỏ nhặt nhưng lại là mầm mống của sự im lặng trước cái sai. Như khi bạn phạm lỗi kỉ luật, ta thờ ơ và không nhắc nhở bạn. Học sinh quay phao trong giờ, trêu trọc bạn bè, ta cũng im lặng. Thấy một bạn nữ cùng trường bị bắt nạt mà nhiều bạn lại trơ trơ núp sau bụi cây hóng chuyện,bàn tán, quay clip chia sẻ…

Thực tế của cuộc sống hôm nay ta dễ dàng bắt gặp cảnh như khi đi trên xe bus, nhiều người có thể thấy hành động móc ví của tên cướp nhưng mấy ai dám nói cho người bị hại. Có mấy ai dám lên tiếng ta khi thấy người ta vượt đèn đỏ, lượn lách đánh võng, thấy đám côn đồ dối trá, lừa lọc bà cụ bán nước ven đường...

Xã hội hiện nay dường như lòng tốt chưa được xem trọng, dẫn đến tình trạng con người ta dần vô cảm với cái sai cái xấu. Sự bất công vẫn xảy ra nên con người ta dần mất đi ý chí, mất đi sự can đảm và thái độ chống lại cái xấu. Điều này đặt ra câu hỏi về đạo đức con người.

* Phân tích:

Sự im lặng trước cái sai có thể không gây hại gì nhưng đó là sự đồng thuận ngầm cho những hành vi sai trái của kẻ xấu. Có thể lúc này ta không phải là người bị hại, người cần sự giúp đỡ. Nhưng không ai nói trước được tương lai. Có thể một lúc nào đó chính ta sẽ tự hại chính bản thân mình về sự im lặng ấy. Hay nếu một ngày việc xấu xảy ra với chính người thân của chúng ta thì sao? Liệu chúng ta có chấp nhận sự thờ ơ của mọi người đối với họ? Sự im lặng có thể trả lại cho ta những mất mát, tổn thương với cấp số nhân.

Sự im lặng trước cái sai sẽ cổ xúy cho những hành vi sai trái, khuất tất, những kẻ xấu thừa cơ làm càn. Sự im lặng trước cái sai cũng khiến cho biết bao sự chờ mong, niềm hi vọng của nhiều người bị dập tắt. Nó khiến cho tình cảm giữa người với người trở nên nguội lạnh, vô cảm, khiến con người ngày càng cách xa nhau hơn. Sự im lặng trước cái sai chính là sự lên ngôi của cái xấu,cái ác và nếu trong một xã hội, một cộng đồng không có cái tốt, cái thiện, thì xã hội ấy sẽ xuống cấp, đạo đức con người sẽ bị tha hóa, con người bị đối xử đáng thương và tàn nhẫn…

Sự im lặng trước cái sai đã kéo theo sự xuống dốc trong đức hạnh, nhân cách, phẩm chất của con người, làm mất đi nét đẹp trong tâm hồn con người. Không dám đứng lên bênh vực sự thiện, không dám mạnh bạo làm việc nghĩa, hay cái ác, cái gian dối, cái lừa bịp đang từng ngày giết mòn lương tâm con người. Sự im lặng đó làm chúng ta trở thành những con người vô cảm, vô trách nhiệm. Sự im lặng sợ hãi trước cái sai đang giết chết dần sự lương thiện trong chúng ta.

Sự im lặng có tốc độ lan tỏa rất nhanh chóng trong cộng đồng. Rất đau lòng là hiện nay im lặng lại được coi là cách hành xử khôn ngoan, chuẩn mực. Sự im lặng l thui chột ý chí phản biện, tinh thần hướng thiện, sức mạnh đấu tranh cho cái đúng của không chỉ bản thân ta mà cả của những người quanh ta. Im lặng vì bất kì lí do nào đi nữa thì đó cũng là biểu hiện của sự tha hóa ở mỗi cá nhân và cho thấy dấu hiệu bất ổn của xã hội.

* Phê phán:

Trong cuộc sống hiện đại với nhịp sống hối hả, khoa học kĩ thuật, công nghệ thông tin phát triển chi phối đời sống, sinh hoạt con người, một số người ngày càng trở nên xơ cứng, vô cảm, thờ ơ trước bất hạnh của kẻ khác. Đây vừa là lời cảnh báo nghiêm khắc về sự băng hoại các giá trị đạo đức trong xã hội hiện nay. Lại vừa là lời kêu gọi, thức tỉnh cái thiện bên trong mỗi con người. Đừng vì những nỗi sợ không tên, lo âu không tuổi mà để cho sự sai trai, cái ác hoành hành.

* Bài học:

Hãy nhớ rằng, cái sai cái xấu chỉ mạnh khi nó thấy cái đúng cái tốt dường như đồng tình với nó. Và nó sẽ bị rút hết không khí và tắt thở khi chúng ta nhìn nó với ánh mắt khinh miệt và xa lánh.

Sự im lặng của mỗi chúng ta chính là cách đồng thuận và tiếp tay cho cái sai cái xấu phát triển. Chính vì thế ngay lúc này ta phải biết cách bày tỏ ý kiến quan điểm của mình. Và tất cả những gì chúng ta cần làm là sống dũng cảm, là làm những điều tốt đẹp cho cuộc sống, và để nó tự nhân bản.

* Bài học bản thân:

Bản thân chúng ta cần nhận thức sâu sắc về sự nguy hại của những lời nói, hành động của kẻ xấu và của sự thờ ơ, vô cảm;

Lên tiếng bảo vệ, đứng về phía những người/nhóm người thiệt thòi, yếu thế.

Bảo vệ lẽ phải, bảo vệ những sự thật mà trái tim ta gọi tên bằng những lời nói, việc làm cụ thể.

Rèn luyện cho mình lối sống tích cực, biết quan tâm, chia sẻ, yêu thương, có thái độ kiên quyết đấu tranh chống lại cái sai và lối sống ích kỉ, thiếu trách nhiệm.

Sự im lặng trong mọi hoàn cảnh đều mang đến cho con người sự tổn thương. Càng đáng sợ hơn khi nó đến với một người mà chúng ta tưởng như là tốt. Trong mọi hoàn cảnh chúng ta nên tìm cách đẩy lùi nó đây cũng là một cách để ta bảo vệ chính cuộc sống cũng như người thân của mình.