Thứ Năm, 5 tháng 8, 2021

Hi sinh phải chăng là nguồn sức mạnh tinh thần to lớn để ta sống và hành động?

 


Nếu như xã hội không có sự cảm thông và sự hi sinh vì mọi người thì làm sao có sự tươi đẹp của cuộc sống. Đức hi sinh là một giá trị đạo đức, là sự khôn ngoan của tâm hồn. Nó luôn mang lại những điều tốt đẹp cho con người, hay cho mối quan hệ giữa người với người. Vậy phải chăng hi sinh là nguồn sức mạnh tinh thần to lớn để ta sống và hành động?

*Giải thích:

- Đức hi sinh là một trong những phẩm chất cao quý của con người. Đó là sự quên mình để lo cho tha nhân. Sự hi sinh là nền tảng tạo nên tình cảm và phẩm chất tốt đẹp cho con người.

- Nguồn sức mạnh tinh thần là nơi xuất phát sức mạnh tâm lý giúp chúng ta vượt qua những nghịch cảnh trong cuộc sống, mang đến năng lượng để ta phục hồi sau những khó khăn.

- Biết hi sinh khiến con người biết sống đúng và tốt đẹp. Từ đó con người sống và hành động để cống hiến cho xã hội, sống và hành động vì sự hạnh phúc của bản thân cũng như mọi người, thúc đẩy con người vươn lên vì những điều tốt đẹp.

=>Hi sinh chính là động lực tinh thần vô cùng to lớn để ta sống có ý nghĩa và sẵn sàng hành động, đương đầu với những khó khăn, hướng về những mục đích lớn lao, lợi ích của cộng đồng.

*Biểu hiện:

- Có nhiều hình thức hy sinh: Sự hi sinh của cha mẹ cho con cái; Sự hi sinh của những thành viên này trong gia đình đối với những thành viên khác (ông bà - con cháu, anh chị em, con cái - cha mẹ,…); Sự hi sinh của công dân đối với tổ quốc; Hi sinh nhân đạo (hi sinh của người này đối với người khác trên tư cách đồng loại với nhau)…

- Trong cuộc chiến chống dịch COVID-19, nơi tâm dịch có rất nhiều câu chuyện cảm động, nhiều người phải xa gia đình, nén nỗi buồn của bản thân vì công việc chung của đất nước... Nhiều "chiến sĩ áo trắng“, chiến sĩ công an, bộ đội, tình nguyện viên…đã xung phong lên tuyến đầu chống dịch, họ bất chấp mọi khó khăn, hiểm nguy, thậm chí hy sinh hạnh phúc riêng, tất cả cho cuộc chiến với niềm tin tiêu diệt "giặc" Covid-19, đem lại sự bình yên cho cộng đồng.

*Phân tích:

- Sự hi sinh những lợi ích của bản thân để đạt được sự tồn tại cho một giá trị nào đó của cái chung, của tập thể là cao thượng. Sự đánh đổi những nhu cầu của bản thân để thỏa mãn những nhu cầu cấp thiết và quan trọng hơn đối với những người khác là che chở. Hi sinh sự an toàn của bản thân để đổi lấy những nền tảng thuận lợi cho xã hội là tranh đấu. Sự đánh đổi những nguồn lực của hiện tại để đạt được những thành tựu lâu dài và bền vững trong tương lai là dựng xây.

- Sự hi sinh không chỉ nói lên giá trị của con người mà còn góp phần làm thăng hoa giá trị ấy. Hi sinh là một nguồn sức mạnh tinh thần rất to lớn giúp người ta sống và hành động.

+ Nó khiến cha mẹ vì con cái mà hi sinh niềm vui, sự sung sướng của riêng mình để chịu vất vả lam lũ để con cái được khỏe mạnh, vui sướng, trưởng thành.

+ Người chiến sĩ vì tổ quốc mà sẵn sàng chịu khổ cực nơi đầu sóng ngọn gió, hi sinh mạng sống để bảo vệ đất nước quê hương.

+ …

- Chính tinh thần sẵn sàng hi sinh vì người khác, giúp ta vượt qua mọi khó khăn, thử thách, đánh đổi những nhu cầu cá nhân, đánh đổi hạnh phúc riêng, đánh đổi lợi ích riêng để cho người khác có được những điều tốt đẹp hơn. Nếu không có những hi sinh tận hiến thầm lặng của những tấm lòng cao cả, có thể cả xã hội sẽ không thể vượt qua hoạn nạn đầy thách thức.

- Hi sinh là biểu hiện của quá trình trưởng thành từ trong suy nghĩ và nhận thức của mỗi cá nhân. Nó giúp ta biết yêu thương, biết hành động vì người, giúp cuộc sống trở nên tươi đẹp hơn, sinh động hơn; giúp chúng ta hoàn thiện bản thân mình hơn, sống đẹp hơn và sống có ích cho xã hội bao la rộng lớn này.

- Đức hi sinh sẽ gây ra đau khổ khi người ta không hiểu đúng về nó, không cảm nhận được nó, hay không sử dụng nó đúng cách. Hi sinh là quý nhưng hi sinh cũng cần phải được dẫn dắt bởi một lý trí tỉnh táo, một tình cảm trong sáng, đúng đắn. Nếu thiếu hiểu biết, kĩ năng ta lại làm hỏng việc; nếu gắn chặt cuộc đời mình vào người khác ta dễ trở nên mù quáng, đánh mất bản thân mình và phải chịu những hậu quả tai hại từ sự mù quáng đó.

*Phê phán:

+ Thật đáng buồn khi trong đời sống hiện nay vẫn còn tồn tại những người hời hợt với những người xung quanh, chỉ tất bật lo nghĩ cho niềm vui, lợi ích của mình, buông thả bản thân theo những cuộc chơi, sự hưởng thụ mà không biết lo toan, san sẻ cho người khác.

+ Lại có những người coi rẻ sự hi sinh của người khác, hay cho rằng đó là trách nhiệm tất yếu của riêng cá nhân đó.

*Bài học:

- Đức hi sinh được xem là thước đo đánh giá phẩm chất của con người. Đức tính tốt đẹp này đã rèn luyện cho chúng ta sự can đảm, biết vượt qua mọi khó khăn, gian lao, trắc trở trong cuộc sống.

- Đức hi sinh là sợi dây kết nối những trái tim không chung nhịp đập đến được với nhau. Nó có sức mạnh vô biên làm giàu thêm tình yêu thương trong mỗi con người, giúp chúng ta hoàn thiện được bản thân mình, gắn kết mọi người lại với nhau, xã hội sẽ được phát triển, ngày càng đi lên, tốt đẹp hơn.

- Bản thân:

+ Khắc ghi trong lòng: Mỗi sự hy sinh dù nhỏ bé hay lớn lao cũng đều được trân quý và ghi nhớ, không bao giờ quên.

+ Cần rèn luyện đức tính hi sinh cho bản thân: biết nghĩ cho người khác,luôn luôn biết ơn những người đã hy sinh vì mình…

+ Góp tiền tiết kiệm mình gìn giữ vào Quỹ Vắcxin…

+ Bỏ ra thời gian để quan tâm, tâm sự với cha mẹ nhiều hơn trong thời gian dịch bệnh.

Hạnh phúc thay, khi những người cho đi nhìn nhận sự cho đi như là một niềm hạnh phúc, khi ấy, cuộc sống của họ sẽ ngập tràn hạnh phúc. Hãy biết rằng sự cho đi là tiền đề để xây dựng những mối quan hệ, những tình cảm, những giá trị sống đẹp đẽ… Sẵn sàng cho đi là một sự may mắn, bởi khi đó con người không phải nuối tiếc khi phải cho đi mà có cơ hội tận hưởng niềm vui khi nhận lại.