“Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” là tinh thần của thế hệ tuổi trẻ Việt Nam thời kháng chiến chống mỹ cứu nước. Vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, họ đã không tiếc tuổi thanh xuân và xương máu xung phong đi chiến đấu ở tuyến đường Trường Sơn khói lửa. Phẩm chất cao quý ấy được khắc họa đậm nét qua hình ảnh ba nữ thanh niên xung phong trong tác phẩm Những ngôi sao xa xôi của Lê Minh Khuê. Truyện “Những ngôi sao xa xôi” của Lê Minh Khuê đã làm nổi bật tâm hồn trong sáng, mơ mộng, tinh thần dũng cảm, cuộc sống chiến đấu đầy gian khổ, hi sinh nhưng rất hồn nhiên, lạc quan của những cô gái thanh niên xung phong trên tuyến đường Trường Sơn. Đặc biệt là Phương Định, tác giả đã tập trung khắc họa phẩm chất anh hùng ở cô gái trông có vẻ tiểu thư.
Con đường Trường
Sơn huyền thoại thời kháng chiến chống Mĩ không chỉ có những chàng trai ra trận
“quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” mà còn in dấu chân của các cô gái thanh niên
xung phong dũng cảm, trách nhiệm, hồn nhiên trong sáng. Nhà văn Lê Minh Khuê đã
dựng nên bức tượng đài nữ thanh niên xung phong bằng ngôn từ nghệ thuật qua
truyện ngắn “Những ngôi sao xa xôi”. Tác phẩm đều ra đời năm 1969, 1971 trong mịt
mù bom đạn ở Trường Sơn, khi cuộc kháng chiến chống Mĩ bước vào giai đoạn khốc
liệt nhất. Đọc tác phẩm trên, ai trong chúng ta không dậy lên tình yêu mến và
khâm phục thế hệ đi trước đã không tiếc máu xương để dệt gấm thêu hoa trên
trang sử vàng đất nước?
Viết về ba cô
thanh niên xung phong, Lê Minh Khuê đã không tô vẽ, không mĩ lệ mà miêu tả hết
sức cụ thể, chân thực bằng cách cá thể hóa nhân vật với những hình ảnh rất đời
thường. Họ đã từ cuộc đời bước vào trang sách, trở thành những anh hùng –những
ngôi sao trên bầu trời Trường Sơn. Mỗi người có một cá tính riêng nhưng ở họ đều
ngời sáng vẻ đẹp của chủ nghĩa anh hùng Việt Nam, của tuổi trẻ Việt Nam.
Ba cô gái ở
trong một cái hang đá dưới chân cao điểm, giữa một vùng trọng điểm trên tuyến
đường Trường Sơn, nơi tập trung nhiều nhất bom đạn, sự nguy hiểm và ác liệt, từng
ngày từng giờ phải đối mặt với bom rơi, đạn nổ. Ngay tại nơi ác liệt nhất, nguy
hiểm nhất, họ ở đó, chờ đợi và hành động. Không có màu xanh của sự sống, chỉ thấy
thần chết luôn rình rập. Đó là hiện thực của chiến tranh đầy khốc liệt.Hàng
ngày, họ phải chạy trên chiến trường giữa ban ngày, phơi mình ra giữa vùng trọng
điểm đánh phá của máy bay địch để đo và ước tính khối lượng đất đá lấp vào hố
bom, đếm bom chưa nổ và nếu cần thì phá bom. Đó là một khối lượng công việc rất
lớn so với sức của ba cô gái nhỏ. Việc lấp hố bom vất vả bao nhiêu thì việc phá
bom nổ chậm lại càng nguy hiểm bấy nhiêu. Nhiệm vụ của họ thật quan trọng nhưng
cũng đầy gian khổ, hi sinh, phải mạo hiểm với cái chết, luôn căng thẳng thần
kinh, đòi hỏi sự dũng cảm và bình tĩnh hết sức.Hiện thực khốc liệt hơn cả những
gì chúng ta có thể tưởng tượng, nhưng ba cô gái lúc nào cũng tràn đầy lạc quan,
tin tưởng. Họ làm việc vui vẻ, gắn kết, cùng vào sinh ra tử có nhau. Mỗi người
một tính cách nhưng họ là một khối thống nhất, không gì có thể tách rời họ.
Để xây dựng
thành công nhân vật Phương Định, có lẽ nhà văn đã rất am hiểu tâm lí tuổi trẻ.
Tính cách Phương định được soi chiếu nhiều, nhiều góc độ và trong nhiều trạng
thái khác nhau. Có thể nói, cô mang vẻ đẹp của lớp thanh niên yêu nước thời kháng
chiến chống Mỹ cứu nước. Đó là tinh thần nhiệt huyết, sôi nổi, dũng cảm và sẵn
sàng hi sinh vì lý tưởng cách mạng.
Phương Định là
cô gái có tâm hồn trong sáng, nhạy cảm và đầy mơ mộng. Là cô
gái trẻ người Hà Nội, Phương Định từng có một thời học sinh hồn nhiên vô tư. Cô
hay nhớ về kỷ niệm của những tháng ngày xưa cũ. Đó cũng là một tình cảm dễ thấy
của lứa tuổi còn nhiều khát khao, mong ước. Nó vừa là khao khát, vừa là liều
thuốc tinh thần động viên cô nơi tuyến lửa.Phương Định hết sức nhạy cảm với những
cảm xúc phức tạp của mình. Cô thường quan tâm đến hình thức, tự đánh giá mình
là một cô gái khá; biết mình được nhiều người để ý, thấy tự hào nhưng không vồn
vã mà tỏ ra kín đáo, tưởng như kiêu kì. Cô bắt đầu xác định vị trí của mình
trong lòng mọi người, tự thức nhận giá trị bản thân để kiếm tìm những mục đích
chân thực ở tương lai. Nếu không có chiến tranh, có lẽ Phương Định sẽ là một cô
giáo, một bác sĩ, tận tâm đem sức mình cống hiến cho xã hội.Phương Định rất hay
mơ mộng. Chính những điều mơ mộng tuy có vẻ viễn vong nhưng lại là nguồn sức mạnh
giúp cô tìm thấy sự thú vị trong cuộc sống, trong cả công việc đầy nguy hiểm “Việc
nào cũng có cái thú vị của nó. Có ở đâu như thế này hay không…”. Nó
như thách thức thần kinh con người để rồi lúc vượt qua nó, chiến thắng nó,cô cảm
thấy thú vị.
Ngay trong
hoàn cảnh chiến đấu ác liệt, sinh tử cận kề cô vẫn rất lạc quan, yêu đời. Cô
thích hát và thuộc rất nhiều bài hát, thậm chí bịa ra lời mà hát. Tiếng hát
giúp cô vơi đi những khổ nhọc, giúp tâm hồn sảng khoái, yêu hơn công việc đang
làm và không ngừng khát vọng ở tương lai. Dưới cơn mưa đá, cô “vui thích
cuống cuồng”, say sưa tận hưởng cơn mưa hồn nhiên như chưa hề nghe thấy tiếng
bom rơi đạn nổ.
Phương Định là
người có phẩm chất anh hùng của tuổi trẻ Việt Nam thời kì kháng chiến chống Mỹ
cứu nước. Cô là người luôn có tinh thần trách nhiệm với công việc.
Phương Định đặt công việc lên trên hết. Đội của cô làm việc mọi lúc, mọi nơi, bất
kể ngày đêm. Hễ việc gì cần làm là họ làm ngay, không chần chừ, không chờ đợi hay
lảng tránh. Tất cả vì tiền tuyến, tất cả vì con đường cho xe đi tới.
Cô mang trong
mình lòng dũng cảm, gan dạ của con người Việt Nam bao đời đối diện với kẻ thù
xâm lược. Ngay cả khi kẻ thù đang oanh tạc, cô dũng cảm chạy băng dưới mưa
bom bão đạn. Dẫu có té ngã, lại đứng dậy chạy tiếp. Dẫu có bị thương, cũng cắn
răng lao tới. Dường như, hiểm nguy đối với họ là chuyện nhỏ, không gì có thể
ngăn họ lại, chỉ trừ cái chết. Lúc đối diện với quả bom, lòng gan dạ giúp cô trụ
lại với nhiệm vụ chứ không bỏ chạy theo sự mách bảo của bản năng. Tiếng thôi
thúc của bản năng khuấy động nỗi sợ hãi trong cô nhưng cô cố trấn tĩnh mình, tiếp
tục làm cho đến khi hoàn thành nhiệm vụ. Tinh thần dũng cảm, gan dạ của cô còn
cứng hơn cả sắt đá, vượt qua nỗi sợ hãi và chiến thắng cái chết. Bởi cô biết rằng
cái chết không đáng sợ, kẻ quay lưng, bỏ mặt đồng đội mới là cái đáng sợ hơn
gáp nghìn lần.
Cô là người rất
tự tin và đầy tự trọng. Khi thực hiện nhiệm vụ phá bom, ban đầu cô
cũng thấy căng thẳng, hồi hộp, nhưng cảm thấy có ánh mắt của các chiến sĩ đang
dõi theo động viên, khích lệ, lòng tự trọng trong cô đã thắng cả bom đạn. Cô
không đi khom mà đàng hoàng bước tới; bình tĩnh, tự tin thực hiện từng thao tác
phá bom, chạy đua với thời gian để vượt qua cái chết.
Phương Định rất
thương yêu những người đồng đội của mình, coi Thao và nho như gia đình của mình
vậy. Lúc Nho bị thương, cô chăm sóc Nho chu đáo. Trong
lòng thấy xót xa khi nhìn Nho mặt trắng bệt, mắt nhắm cam chịu đau đớn. Cô cũng
hiểu rõ tâm trạng lo lắng của Thao khi Nho bị thương, mặc dù Thao đã cố che dấu
bằng việc bảo cô hát. Với đại đội trưởng, chỉ tiếp xúc qua điện thoại nhưng biết
rõ từ cách ăn nói đến đặc điểm riêng. Cô biết quý trọng và cảm phục tất cả những
chiến sĩ mà cô đã gặp trên tuyến đường Trường Sơn. Với cô, tất cả những ai đang
cống hiến sức mình cho cuộc chiến đấu bảo vệ đất nước đều rất đáng quý trọng, rất
đáng tôn kính.
Qua dòng suy
tư của Phương Định, người đọc không chỉ thấy sự toả sáng của phẩm chất anh hùng
mà còn hình dung được thế giới nội tâm phong phú ở cô. Sự khốc liệt của chiến
tranh đã tôi luyện tâm hồn vốn nhạy cảm yếu đuối thành bản lĩnh kiên cường của
người anh hùng cách mạng. Nét điệu đà, hồn nhiên, duyên dáng của một cô gái
càng tôn thêm vẻ đáng yêu của cô Thanh niên xung phong gan dạ, dũng cảm. Phương
Định (cả Nho và Thao nữa) là hình ảnh tiêu biểu cho thế hệ trẻ Việt Nam thời chống
Mỹ cứu nước.
Qua nhân vật
Phương Định và các cô thanh niên xung phong trong truyện “Những ngôi sao xa
xôi”, nhà văn Lê Minh Khuê đã có cái nhìn thật đẹp, thật lãng mạn về cuộc sống
chiến tranh, về con người trong chiến tranh.Chiến tranh là đau thương mất mát
song chiến tranh không thể hủy diệt được vẻ đẹp tâm hồn rất tươi xanh của tuổi
trẻ, của con người. Chính từ những nơi gian lao, quyết liệt ta lại thấy ngời sáng
vẻ đẹp của tuổi trẻ, của chủ nghĩa anh hùng Cách mạng Việt Nam.
Lê Minh Khuê đều
trải mình trong đời sống chiến tranh, từng trải nghiệm trong đời sống thanh
niên xung phong nên khi viết về các cô gái mở đường, ngôn ngữ kể chuyện tràn đầy
xúc cảm, chân thực. Truyện kể theo ngôi thứ nhất đã tạo một điểm nhìn phù hợp dễ
dàng tái hiện hiện thực khốc liệt của chiến tranh, khắc họa thế giới tâm hồn, cảm
xúc và suy nghĩ của nhân vật một cách chân thực giàu sức thuyết phục, làm hiện
lên vẻ đẹp của con người trong chiến tranh.Truyện viết về chiến tranh, có những
chi tiết, sự việc về bom đạn, chiến đẩu, hi sinh, nhưng chủ yếu vẫn hướng vào
thế giới nội ,tâm, làm hiện lên vẻ đẹp tâm hồn của con người trong chiến tranh.
“Văn học, đó
là tư tưởng đi tìm cái đẹp trong ánh sáng”. Văn học gợi ý cho nhân loại về lối
sống, cách sống và cách để trở nên các vĩ nhân. Truyện Những ngôi sao xa xôi của
Lê Minh Khuê đã làm sống lại trong lòng ta hình ảnh tuyệt đẹp và những chiến
công phi thường của tổ trinh sát mặt đường, của Định, Nho, của chị Thao, của
hàng ngàn, hàng vạn cô thanh niên xung phong thời chống Mĩ. Chiến tranh đã đi
qua, sau ba thập kỉ, đọc truyện Những ngôi sao xa xôi, ta như được sống lại những
năm tháng hào hùng của đất nước.