Đơn vị thường ra đường vào lúc mặt trời lặn. Và làm việc có khi suốt đêm. Còn chúng tôi thì chạy trên cao điểm cả ban ngày. Mà ban ngày chạy trên cao điểm không phải chuyện chơi. Thần chết là một tay không thích đùa. Hắn ta lẩn trong ruột những quả bom. Tôi bây giờ còn một vết thương chưa lành miệng ở đùi. Tất nhiên, tôi không vào viện quân y. Việc nào cũng có cái thú của nó. Có ở đâu như thế này không: Đất bốc khói, không khí bàng hoàng, máy bay đang ầm ì xa dần. Thần kinh thì căng như chão, tim đập bất chấp cả nhiệp điệu, chân chạy mà vẫn biết rằng khắp xung quanh có nhiều quả bom chưa nổ. Có thể nổ bây giờ, có thể chốc nữa. Nhưng nhất định sẽ nổ... Rồi khi xong việc, quay lại nhìn cảnh đoạn đường một lần nữa, thở phào, chạy về hang. Bên ngoài nóng trên 30 độ chui vào hang là sà ngay đến một thế giới khác. Cái mát lạnh làm toàn thân rung lên đột ngột. Rồi ngửa cổ uống nước, trong ca hay trong bi đông. Nước suối pha đường. Xong thì nằm dài trên nền ẩm, lười biếng nheo mắt nghe ca nhạc từ cái đài bán dẫn nhỏ mà lúc nào cũng có pin đầy đủ. Có thể nghe, có thể nghĩ lung tung...
(Trích Những ngôi sao xa
xôi – Lê Minh Khuê, SGK Ngữ văn 9, tập 2).
Bài làm
Những dấu chân lùi lại
phía sau
Dấu chân in trên đời
chúng tôi những tháng năm trẻ nhất
Mười tám hai mươi sắc như
cỏ.
(Khúc bảy – Thanh Thảo)
Đó là tinh thần của lớp thanh niên Việt
Nam thời kháng chiến chống Mĩ cứu nước. Ở đó, ai cũng sẵn một lòng hi sinh vì đất
nước, sẵn sàng lên những chiến tuyến xa xôi nhất, hiểm nguy nhất, không tiếc
thân mình để bảo vệ tổ quốc yêu thương. Những cô gái thanh niên xung phong, những
cô trinh sát mặt đường, những cô chuyên phá bom nổ chậm mở đường cho xe qua trên
các nẻo đường Trường Sơn trong những năm đánh Mĩ. đã được Lê Minh Khuê (một cây
bút nữ xuất sắc của mảnh đất Xứ Thanh) kể lại và khắc hoạ chân thực tâm hồn
trong sáng, mơ mộng, tinh thần dũng cảm, cuộc sống chiến đấu đầy gian khổ, hi
sinh nhưng rất hồn nhiên, lạc quan. Trong đó, có lẽ đem đến cho người đọc những
ấn tượng sâu sắc là đoạn trích “Đơn vị thường ra đường vào lúc mặt trời lặn.
…. Có thể nghe, có thể nghĩ lung tung...”. Trong đoạn trích, công việc phá
bom và đời sống sau công việc của Phương Định ở một cao điểm trên đường mòn Trường
Sơn đã được nhà văn tái hiện một cách chân thực và sinh động. Nhân vật Phương Định
trong đoạn trích đã để lạ ấn tượng sâu đậm trong lòng người đọc hình ảnh một cô
gái trẻ trung yêu đời đầy lòng quả cảm, tinh thần trách nhiệm…
Tác phẩm viết về ba cô gái thanh niên
xung phong làm nhiệm vụ phá bom trên một cao điểm trên tuyến đường Trường Sơn
thời kỳ cuộc chiến đấu chống đế quốc Mỹ đang diễn ra vô cùng ác liệt. Họ thuộc
tổ trinh sát mặt đường tại một trọng điểm trên con đường ác liệt ấy. Qua ngòi
bút tài hoa của nhà văn, hiện thực cuộc sống nơi chiến trường và hình ảnh những
nữ thanh niên xung phong với cuộc sống gian khổ một thời cứ hiện lên sống động
sau từng câu chữ. Truyện ngắn giúp ta có cái nhìn khách quan về tuổi trẻ trong
những năm tháng chống Mỹ gian khổ. Ấn tượng sâu đậm nhất mà Lê Minh Khuê để lại
trong lòng bạn đọc ở “Những ngôi sao xa xôi” có lẽ chính là hình ảnh những cô
gái dũng cảm, có tinh thần trách nhiệm, có tình đồng chí đồng đội sáng ngời, có
tâm hồn trong trẻo, giàu mơ mộng và nhạy cảm. Tất cả những vẻ đẹp ấy được thể
hiện tập trung nhất ở nhân vật Phương Định, mà chủ yếu qua đời sống nội tâm của
cô.
Như biết bao con người trẻ tuổi của đất
nước đang dấn thân vào cuộc chiến một mất một còn với kẻ thù xâm lược, họ là những
cô gái còn rất trẻ, tuổi đời mười tám đôi mươi. Nghe theo tiếng gọi thiêng
liêng của Tổ quốc, họ rời xa gia đình, xa mái trường, tình nguyện vào cái nơi
mà sự mất còn chỉ diễn ra trong gang tấc. Họ hi sinh tuổi thanh xuân và không
tiếc máu xương, thực hiện lí tưởng cao đẹp:
Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu
nước
Mà lòng phơi phới dậy
tương lai.
Cô gái ấy đã không tiếc thân mình,
mang lý tưởng cao đẹp để chiến đấu, nguyện dâng hiến hết tuổi trẻ, tuổi thanh
xuân và chính bản thân mình cho đất nước. Mặc dù còn rất trẻ, luôn phải đối mặt
với bom rơi, đạn nổ, họ có thể hi sinh bất cứ lúc nào, nhưng để con đường được
thông suốt nên các cô luôn sẵn sàng trong việc ra trận. Có lệnh là lên đường bất
kể trong tình huống nào. Họ làm việc một cách tự nguyện, luôn nhận khó khăn,
nguy hiểm về mình. Họ đã đặt công việc lên trên cả tính mạng của mình. Nhiệm vụ
của tổ trinh sát mặt đường là phá bom có ngày đến năm lần, phải chạy trên cao
điểm cả ban ngày phơi mình dưới con mắt “cú vọ của giặc Mỹ”. Sau mỗi trận bom họ
phải lao ra trọng điểm để “đo khối lượng đất đá, san lấp mặt đường, đánh dấu
vị trí những quả bom chưa nổ nếu cần thì phá bom”. Đó là một công việc nguy
hiểm có khi cận kề với cái chết, “thần chết là một tay không thích đùa, hắn
ta lẩn trong ruột của những quả bom”. Tuyến đường Trường Sơn vào những năm
1969, 1970 vô cùng khắc nghiệt. Mỹ dội những trận mưa bom bão đạn trên con đường
huyết mạch này. Trước cái chết ai cũng run sợ và né tránh. Thế mà họ phải mạo
hiểm với cái chết. Nguy hiểm không lường nhưng các cô tự hào với cái tên mà đơn
vị đặt cho là tổ trinh sát mặt đường. Gắn với cái tên gợi sự khao khát làm nên
sự tích anh hùng ấy là công việc chẳng nhẹ nhàng đơn giản nào. Phương Định không
ngại hy sinh thân mình. “Tôi bây giờ còn một vết thương chưa lành miệng ở
đùi. Tất nhiên, tôi không vào viện quân y”. Cô có thể chấp nhận tất cả, kể
cả cái chết chỉ để hoàn thành nhiệm vụ thiêng liêng của mình. Lời tự bạch một
cách tự nhiên như lời trò chuyện với bạn đọc - một kiểu độc thoại nội tâm đơn
giản. Qua điểm nhìn trần thuật của người kể chuyện, nhân vật hiện lên với đầy đủ
phẩm chất anh hùng và đầy tính thuyết phục. Với họ công việc không đơn giản là
nhiệm vụ nữa, mà nó đã ăn sâu vào tâm trí, như một điều gì đó không thể thiếu. Cô
không sợ cái chết, chỉ sợ bom không nổ, đường không được lấp nguyên vẹn, họ đã
hy sinh cả tuổi thanh xuân tươi đẹp để giữ cho tuyến đường Trường Sơn huyết mạch
được thông suốt. Những chi tiết về công việc trên chiến trường ấy làm hiện lên
những vẻ đẹp tâm hồn đáng quý. Đó là tinh thần yêu nước, yêu quê hương nồng nàn
và lý tưởng cách mạng sâu sắc, tinh thần trách nhiệm cao trong công việc.
Gánh vác trên vai một nhiệm vụ quan
trọng nên cô gái của chúng ta được tôi luyện một bản lĩnh can trường. Làm công
việc ấy thần kinh luôn căng thẳng đòi hỏi phải có lòng dũng cảm và sự bình tĩnh.
Với họ, công việc ấy đã trờ thành bình thường: “Có ở đâu như thế này không:
đất bốc khói, không khí bàng hoàng, máy bay đang ầm ì xa dần. Thần kinh căng
như chão, tim đập bất chấp cả nhịp điệu, chân chạy mà vẫn biết rằng có nhiều quả
bom chưa nổ, nhưng nhất định sẽ nổ…”. Đây là một hiện thức tàn khốc của chiến
tranh, của sự tàn phá khủng khiếp khi mà màu xanh của cây cỏ tự nhiên cũng
không thể sống nổi. Vì thế, sự che chắn giản đơn của thiên nhiên như là ngụy
trang để bảo vệ mạng sống của họ cũng không có được. Trước mắt người đọc là cảnh
tượng của hoang phế, trần trụi, ảm đạm chết chóc, tang thương. Dường như ta cảm
nhận được cả những hơi thở nóng rực, sự khẩn trương gấp gáp đang dội về trong
tâm hồn các cô gái, cái cảm giác hồi hộp khi “chạy trên cao điểm cả ban ngày”,
“thần kinh căng như chão, tim đập bất chấp cả nhịp điệu”, mà Phương Định
cũng vừa nghiêm túc vừa tếu táo rằng “ban ngày chạy trên cao điểm không phải
là chuyện chơi”. Cuộc sống người lính thật nhiều gian khổ và nguy hiểm như
vậy nhưng cô lúc nào cũng yêu đời. Bởi lẽ trong lòng cô biết rõ rằng cuộc chiến
này sẽ còn kéo dài và chỉ có những niềm tin tinh thần lạc quan mới có thể giúp
họ vượt qua được nhưng khó khăn và gian khổ này. Việc lựa chon điểm nhìn từ nhân
vât chính đã tạo nên thành công trong nghệ thuật trần thuật và nghệ thuật xây dựng
hình tượng nhân vật.
Trong chiến đấu cô can trường bao
nhiêu thì trong cuộc sống sinh hoạt, cô hồn nhiên, tươi trẻ bấy nhiêu. Khi xong
việc, quay lại nhìn cảnh đoạn đường một lần nữa, thở phào, chạy về hang. Đối lập
với cảnh tàn khốc do bom đạn giặc gây ra là sự bình tĩnh đến lạ lùng của các cô
gái. Cảnh các cô sống trong hang sao mà lạc quan, thơ mộng đên thế: Bên
ngoài nóng trên 30 độ, chui vào hang là sà ngay đến một thê giới khác. Cái mát
lạnh làm toàn thân run lẽn đột ngột- Rồi ngửa cô uống nước trong ca hay trong
bi đông. Nước suối pha đường. Xong thì nằm dài trên nền ẩm lười biếng nheo mắt
nghe ca nhạc tử cái đài bán dẫn nhỏ mà lức nào cũng có pin đầy đủ. Có thể nghe,
có thể nghĩ lung tung… Dường như cô gái ấy vẫn còn rất “trẻ con” mặc dù đã
bước sang độ tuổi mười tám đôi mươi. Định đã hồn nhiên kể về sự khốc liệt
của chiến tranh, về công việc hằng ngày rất nguy hiểm của ba người và cũng tự
nhiên kể về những thói quen, những thú vui đời thường của cô. Cô tận hưởng cuộc
sống hồn nhiên như chưa hề nghe thấy bom rơi, đạn nổ. Chiến tranh đã không thể
cướp đi niềm tin yêu cuộc sóng,niềm lạc quan của cô gái trẻ. Tâm hồn của cô gái
trẻ còn đẹp hơn những vì sao trên trời. Đẹp nhất là sự lạc quan, yêu đời và mơ
mộng. Dù rằng giữa bao nhiêu khói bụi của chiến trường thì tâm hồn họ vẫn giữ
mãi nét trẻ trung của lứa tuổi mộng mơ, nhiều khát vọng. Dù rằng bao nhiêu vết
thương để lại thì trái tim họ vẫn không hề chai sần. Dù rằng cái chết luôn cận
kề nhưng với họ thì cuộc đời này vẫn còn đẹp chán đấy chứ! Chiến trường có thể
cướp đi tuổi thanh xuân của họ nhưng không thể nào làm chết được sự tươi trẻ và
khát vọng được sống đẹp, sống đúng nghĩa với tuổi đời dù đó chỉ là những giấy
phút hiếm hoi.
Tác giả tỏ ra rất sắc sảo trong việc
thể hiện khung cảnh và không khí sôi sục ở một trọng điểm trên tuyến đường Trường
Sơn bằng một vài nét điển hình. Thành công hơn cả là nghệ thuật miêu tả tâm lí
nhân vật. Bằng cách để cho người đứng ra kể chuyện là cô thanh niên xung phong
Phương Định, tác giả đã phản ánh một cách tự nhiên và tinh tế tâm trạng của những
cô gái ở chiến trường, luôn đối mặt với cái chết mà vẫn sống hồn nhiên, lạc
quan và không kém phần lãng mạn. Chiến tranh làm cho họ dày dạn và cứng cỏi
hơn, nhưng vẫn không thể làm mất đi nét hồn nhiên, trong sáng của tuổi trẻ. Sự
khốc liệt của chiến tranh đã tôi luyện những tâm hồn vốn nhạy cảm, yếu đuối của
họ thành bản lĩnh, kiên cường của người anh hùng.
Những gì còn đọng lại sau khi đọc
xong truyện ngắn Những ngôi sao xa xôi có lẽ chính là vẻ đẹp cả hình thức lẫn
tinh thần của nhân vật Phương Định- một nhân vật chỉ mới độ tuổi mười tám đôi
mươi. Phương Định là hình ảnh tiêu biểu của thế hệ trẻ Việt Nam anh hùng, bất
khuất trong thời kì kháng chiến chống Mĩ cứu nước. Viết về các cô gái thanh
niên xung phong, Lê Minh Khuê đã không tô vẽ, không mĩ lệ mà miêu tả hết sức cụ
thể, chân thực bằng cách cá thể hóa nhân vật với những hình ảnh rất đời thường,
làm hiện lên sức mạnh của cả dân tộc trong giai đoạn khốc liệt nhất của chiến
tranh:
Chúng tôi đã đi không tiếc
đời mình
(Những tuổi hai mươi làm
sao không tiếc)
Nhưng ai cũng tiếc tuổi
hai mươi thì còn chi Tổ quốc?