Thứ Bảy, 10 tháng 4, 2021

Đề luyện tập 7



                                             ĐỀ LUYỆN TẬP TỔNG HỢP 2020 – 2021_7

Chủ đề: YÊU VÀ THƯƠNG…

“Khi em biết dành thời gian để ưu tư về nơi không có nắng thì ấy là lúc tinh thần của em cũng không cớm nắng.” (Đoàn Công Lê Huy)

Câu 1. Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu:

Khi cất tiếng khóc chào đời cũng là lúc ta được nhận một ân huệ, đó là quyền trao và nhận yêu thương…

Yêu và thương, mỗi lần nhắc đến hai tiếng ấy, lòng ta chợt dâng nên một cảm xúc khó tả, ngọt lịm và nồng nàn, thêm cả niềm hân hoan và hạnh phúc. Ta cảm nhận ly trà cảm xúc ấy cả khi trao và nhận yêu thương. Nhưng có bao giờ bạn tự hỏi giữa dòng đời tấp nập, ta đã từng yêu, từng thương những gì? Ta nghĩ đến những người thân, nghĩ đến bạn bè, thầy cô,…để rồi lớn hơn, ta nghĩ đến xứ sở, đồng bào.

Tình yêu xứ sở là tình cảm mà bạn gửi trao trong từng nét vẽ khi phác họa tấm bản đồ nước Việt, là tình yêu dành cho Tiếng Việt, là sự đồng cảm với nỗi đau miền Trung, là niềm tha thiết với những điều thuộc về cội nguồn dân tộc và ngay cả những điều giản đơn nhất. Từng góc phố, từng hàng cây, từng loài hoa, từng mùa,…bỗng trở nên thân thương đến lạ. Nhưng trên hết, yêu xứ sở còn là nhắc nhở bản thân để sống xứng đáng với mảnh đất mình sinh ra và lớn lên. Bức tranh yêu thương ấy còn được viết nên bằng câu chuyện nhân ái về những người thân yêu trong gia đình, những người đã hi sinh vì đất nước, và cả những con người lao động bình dị nhất. Một áng mây, một tiếng rao, một cái tên gọi dân dã, tất cả đều nhắc ta nhớ đến một miền kí ức, mà có thể vì vô tình ta đã trót lãng quên. Để rồi, ta nhận ra, bên mình còn bao yêu thương, còn bao điều cần nâng niu, trân trọng.

(Bùi Hương Liên, docsachcungcon.com)

a. Theo tác giả, tình yêu xứ sở là gì?

b. Chỉ ra và gọi tên phép liên kết được sử dụng trong đoạn văn in đậm.

c. Em hiểu như thế nào về nhận định: “yêu xứ sở còn là nhắc nhở bản thân để sống xứng đáng với mảnh đất mình sinh ra và lớn lên.?

d. Em có đồng ý với tác giả rằng: “Khi cất tiếng khóc chào đời cũng là lúc ta được nhận một ân huệ, đó là quyền trao và nhận yêu thương…” không? Vì sao? (Trả lời khoảng 4-6 dòng)

Câu 2. “Tổ quốc”, “Đồng bào” là tình yêu, là trách nhiệm. Mỗi người hãy mở một ngăn “thư mục” trong trái tim để chứa rất nhiều “file” của tình yêu nặng trĩu này. Để rồi tự nghĩ, ngày mai mình sẽ là ai trong đất nước này? Mình sẽ làm gì cho xứ sở mình yêu thương? (Trích Tôi muốn hỏi em:Về sau thế nào?,Đoàn Công Lê Huy, NXB Kim Đồng, 2018, tr.41)

        Từ gợi ý trên, em hãy viết bài văn ngắn (khoảng 500 chữ) với trả lời câu hỏi: Việc cần làm nhất cho “xứ sở mình yêu thương” trước đại dịch Covid-19 hiện nay là gì?

Câu 3. Thông qua tác phẩm, tác giả cất lên tiếng nói của mình. Thông qua quá trình đọc, người đọc tiếp nhận những thông điệp mà tác giả gửi gắm:

Thông điệp về lòng kính yêu, trân trọng và biết ơn của người cháu với bà, với gia đình, quê hương, đất nước qua đoạn thơ:

Tám năm ròng, cháu cùng bà nhóm lửa

Tu hú kêu trên những cánh đồng xa

Khi tu hú kêu, bà còn nhớ không bà?

Bà hay kể chuyện những ngày ở Huế.

Tiếng tu hú sao mà tha thiết thế!

Mẹ cùng cha công tác bận không về,

Cháu ở cùng bà, bà bảo cháu nghe,

Bà dạy cháu làm, bà chăm cháu học,

Nhóm bếp lửa nghĩ thương bà khó nhọc,

Tu hú ơi! Chẳng đến ở cùng bà,

Kêu chi hoài trên những cánh đồng xa?.

(Bếp lửa, Bằng Việt)

Thông điệp về tinh thần hiệp nghĩa qua cách ứng xử cao đẹp của Lục Vân Tiên trong đoạn trích Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga của Nguyễn Đình Chiểu.

 

Thông điệp về lối sống nghĩa tình chân thật trong sự chan hòa với thiên nhiên tươi đẹp qua đoạn thơ;

Hồi nhỏ sống với đồng

với sông rồi với bể

hồi chiến tranh ở rừng

vầng trăng thành tri kỷ

 

Trần trụi với thiên nhiên

hồn nhiên như cây cỏ

ngỡ không bao giờ quên

cái vầng trăng tình nghĩa

(Ánh trăng, Nguyễn Duy)

 

Học sinh được chọn 1 trong 2 đề sau:

Đề 1. Em hãy viết bài văn trình bày cảm nhận về một trong ba thông điệp trên. Từ đó, liên hệ với một tác phẩm khác để làm nổi bật thông điệp mà em chọn.

Đề 2. Quê hương đất nước là nguồn thơ không bao giờ vơi cạn trong văn học nước ta. Nó xuyên suốt và là nguồn cảm hứng chủ đạo trong mạch nguồn thơ văn dân tộc. Mỗi nhà văn nhà thơ khám phá quê hương ở những điểm nhìn khác nhau với cá tính sáng tạo riêng biệt nên hình ảnh quê hương hiện ra với những nét đẹp riêng rất đa dạng.

Từ những trải nghiệm trong quá trình đọc tác phẩm văn chương, em hãy viết bài văn với nhan đề: Văn chương đã làm cho tình yêu quê hương đất nước sẵn có trong ta thêm phong phú và sâu sắc.