Thứ Tư, 7 tháng 4, 2021

Đề luyên tập 5



         ĐỀ LUYỆN TẬP TỔNG HỢP 2020 – 2021_5

Chủ đề: TRƯỞNG THÀNH

“Trưởng thành là khi bạn nhận ra…”

Câu 1. Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu:

Lớn lên về thể chất là giấc mơ có thật của những thế hệ sinh ra trong rơm rạ đói nghèo,(…). Nhưng khi lớn lên về thể chất cũng là khi tôi dần biết về một giấc mơ khác nữa. Giấc mơ con người sẽ trưởng thành về nhân cách tâm hồn.

Khi ta lớn, ta có thể chỉ biết về quyền của mình. Khi ta thực sự trưởng thành, ta mới biết về trách nhiệm của bản thân. Ta biết cho đi hơn là nhận lại. Ta biết đi tình nguyện thực ra là để chính ta trưởng thành lên. Ta biết rằng yêu thương người khác cũng chính là vỗ về tâm hồn của chính mình.

Thử thách của tuổi mới lớn có thể chỉ đơn giản là một cú vật tay xem ai cơ bắp dẻo dai hơn. Em hãy thử đi xa hơn, bước tới những thử thách rằng ai cống hiến nhiều hơn cho cộng đồng. Ai truyền đi những năng lượng tích cực mạnh mẽ hơn. Ai biết sống vì người khác, vì bạn bè còn gian khó, vì làng quê còn nghèo nàn, vì đất nước còn lạc hậu, vì dân tộc còn tụt lại phía sau.

Mỗi ngày hãy nhìn thẳng vào phía Mặt Trời thiêu đốt và vạch những vạch đinh hằn mốc đánh dấu trưởng thành của mình theo cách cao thượng: cách trưởng thành khi em biết nghĩ về những điều dài rộng và biết sống vì người khác.

(Trích Bút kí Sống như cây rừng, Hà Nhân, NXB Văn học, 2016, tr. 191)

a. Tác giả muốn các bạn tuổi mới lớn tìm các thử thách như thế nào?

b. Chỉ ra và gọi tên phép liên kết được sử dụng trong đoạn văn in đậm.

c. Em hiểu như thế nào về cụm từ “trưởng thành về nhân cách tâm hồn”?

d. Thông điệp nào của đoạn trích trên có ý nghĩa nhất đối với em? Vì sao? (Trả lời khoảng 4-6 dòng)

Câu 2. Trưởng thành là khi ta sống không chỉ vì mình mà còn vì người ta yêu thương. Trưởng thành chính là khi bạn có thể hiểu những điều bố mẹ chưa nói ra, là khi bạn nhận ra đằng sau sự hà khắc là cả một tấm lòng hi sinh vì con cái

        Từ gợi ý trên, em hãy viết bài văn ngắn (khoảng 500 chữ) với nhan đề: Trưởng thành là biết sống vì người khác.

Câu 3. Thông qua tác phẩm, tác giả cất lên tiếng nói của mình. Thông qua quá trình đọc, người đọc tiếp nhận những thông điệp mà tác giả gửi gắm:

Thông điệp về sự hi sinh, chấp nhận gian khổ vì lý tưởng của người lính qua đoạn thơ:

Ruộng nương anh gửi bạn thân cày

Gian nhà không mặc kệ gió lung lay

Giếng nước gốc đa nhớ người ra lính.

Anh với tôi biết từng cơn ớn lạnh,

Sốt run người, vừng trán ướt mồ hôi.

Áo anh rách vai

Quần tôi có vài mảnh vá

Miệng cười buốt giá

Chân không giày

Thương nhau tay nắm lấy bàn tay!

(Đồng chí, Chính Hữu)

Thông điệp về cách sống thủy chung, hiếu nghĩa của Thúy Kiều qua đoạn thơ:

Tưởng người dưới nguyệt chén đồng

Tin sương luống những rày trông mai chờ

Bên trời góc bể bờ vơ

Tấm son gột rửa bao giờ cho phai?

Xót người tựa cửa hôm mai

Quạt nồng ấp lạnh những ai đó giờ?

Sân Lai cách mấy nắng mưa?

Có khi gốc tử đã vừa người ôm

 (Kiều ở lầu Ngưng Bích, Nguyễn Du)

Thông điệp về tinh thần trách nhiệm với công việc với tổ quốc của thế hệ thanh niên thời kì chống Mĩ qua hình tượng nhân vật Phương Định trong truyện ngắn Những ngôi sao xa xôi của Lê Minh Khuê.

 

Học sinh được chọn 1 trong 2 đề sau:

Đề 1. Em hãy viết bài văn trình bày cảm nhận về một trong ba thông điệp trên. Từ đó, liên hệ với một tác phẩm khác để làm nổi bật thông điệp mà em chọn.

Đề 2. Văn học làm cho con người thêm phong phú, tạo khả năng cho con người lớn lên, hiểu được con người nhiều hơn.” (M.L.Kalinine)

Từ những trải nghiệm trong quá trình đọc tác phẩm văn chương, em hãy viết bài văn với nhan đề: Văn chương làm cho người lớn lên.