Thứ Sáu, 9 tháng 4, 2021

Phân tích khổ 1 Sang thu của Hữu Thỉnh


Thơ là thu của lòng người, thu là thơ của đất trời. Mùa thu mang đến cho tâm hồn con người những gì nhẹ nhàng và dịu êm nhất. Mùa thu là mùa đẹp nhất, mùa ban tặng cho thi sĩ nhiều tứ thơ tình tứ nhất. Mùa của sự tĩnh lặng và những rung động sâu sắc nhất khơi gợi nhiều những suy nghĩ tâm tư rung động của mỗi nhà văn nhà thơ. Có biết bao áng thơ tuyệt tác viết về mùa thu, trong đó nhà thơ Hữu Thỉnh cũng góp vào một nét “Sang thu”. Bài thơ “Sang thu” thật đẹp, thật nên thơ và trữ tình, và tấm lòng của nhà thơ cũng thật duyên. Bài thơ đã phác họa thành công sự chuyển mùa kỳ diệu của đất trời và của lòng người. Nhà thơ diễn đạt thật tinh tế, sâu sắc của về sự chuyển mình của thiên nhiên, cảnh vật lúc cuối hạ đầu thu :

Bỗng nhận ra hương ổi

Phả vào trong gió dịu.

Sương chùng chình qua ngõ

Hình như thu đã về.

“Sang thu” là bài thơ ngũ ngôn của Hữu Thỉnh thể hiện một bút pháp nghệ thuật thanh, nhẹ, tài hoa, diễn tả những cảm nhận, những rung động man mác, bâng khuâng của tác giả trước vẻ đẹp và sự biến đổi kì diệu của thiên nhiên trong buổi chớm thu. Đối tượng được cảm nhận là cảnh sắc mùa thu nơi đồng quê trên miền Bắc đất nước ta. Thiên nhiên nơi miền quê Bắc Bộ được cảm nhận từ những điều vô hình. Bức tranh thiên nhiên đẹp ấy đã được người thi nhân cảm nhận phác họa một cách tinh tế và sinh động, giàu sức biểu cảm qua xúc giác, khứu giác và thị giác.

Những tín hiệu nhẹ nhàng khi đất trời giao mình chuyển mùa trong một không gian nên thơ nhẹ nhàng:

Bỗng nhận ra hương ổi

Phả vào trong gió dịu.

Sương chùng chình qua ngõ

Không báo trước, chưa chuẩn bị vậy mà thu đã về! Thu đến thật bất ngờ không báo trước và được tác giả nhận ra thông qua mùi hương quen thuộc “hương ổi”. Chao ôi, thức quà nhà quê đã đánh thức tâm hồn nghệ sĩ trong con người ấy. Động từ “bỗng” đặt đầu câu như một sự ngạc nhiên kỳ lạ của nhà thơ về thời khắc giao mùa đầy xao xuyến này. Có biết bao giật mình, thảng thốt được gói gọn trong chữ “bỗng”. Tín hiệu đầu tiên được nhận dạng qua khứu giác- mùi hương. Hương ổi nồng nàn, hương ổi quen thuộc, thứ quà đơn sơ giản dị mà đong đầy xúc cảm. Có lẽ thứ hương này chưa thật dày chỉ phảng phất nơi cánh mũi nhưng đã được nhà thơ khéo léo bắt lấy. Hương ổi không nồng nàn,nó giản đơn thuần khiết nhưng không kém phần ngọt ngào si mê. Hương ổi dịu dàng, hương ổi len lỏi nhờ vào gió se. Thì đúng rồi, mùa thu Hà Nội, mùa thu xứ Bắc bao giờ chả bắt đầu bằng những cơn gió se lạnh, nó cũng êm ả như chính mùa thu vậy, chỉ kịp mơn trớn, vuốt ve làn da của con người rồi để lại thứ cảm giác dễ chịu, khoan khoái. Những cơn gió ấy đã mang hương ổi đi xa, theo vào từng ngóc ngách và rồi mang cả đến người nghệ sĩ ấy. Từ “phả” diễn tả dư vị nồng nàn, đậm đà đang lan tỏa trong gió. Chính làn gió này đã mang hương ổi đi xa hòa quyện với không gian cùng đất trời tạo nên vẻ đẹp của bài thơ.

Khi khứu giác được đánh thức, xúc giác và thị giác cũng đã trở nên nhạy bén hơn. Những dấu hiệu về thu cũng trở nên thật rõ ràng, sắc nét, Thu đến mang theo hương ổi, chút lạnh tê tê cùng với làn sương mỏng. Sương mùa thu không dày đặc bao phủ như mùa đông mà chỉ nhẹ nhàng vương vấn, phủ lên vạn vật làn hơi mờ ảo vừa đủ để tạo nên những mơ hồ huyền ảo. Nghệ thuật nhân hóa “chùng chình” cho thấy bước đi của mùa thu, của làn sương chỉ là mới chớm, đó là những bước chân đầu tiên chậm thật chậm như đang dạo chơi, khám phá. Nhưng chính bước đi chậm rãi ấy đã truyền vào lòng người những xúc cảm bồi hồi, khó nói. Màn sương trở nên có hồn, tinh tế đầy sinh động. Làn sương nhẹ nhàng mỏng manh e ấp như nàng thiếu nữ đôi mươi xao xuyến trước những rung động. Sương qua ngõ chùng chình – Ngõ ở đây vừa mang ý hiện thực là ngõ nhỏ nơi thôn xóm lại như là ẩn dụ với cửa ngõ của thời gian đang từ từ bước qua ranh giới giữa hạ và thu.

 Làng quê yêu mến dìu bước chân thi nhân đi từ hương ổi đến gió se... Rồi khi lạc giữa làn mây sớm chùng chình thì nhà thơ không nén nổi niềm xúc động, ông khe khẽ thì thầm:

Hình như thu đã về.

Những dấu hiệu của mùa thu đã trở nên thật rõ ràng xong tác giả dường như vẫn chưa tin, vẫn còn hoài vực. Từ “hình như” diễn tả tâm trạng ngỡ ngàng băn khoăn rất tinh tế của nhà thơ khi ngỡ ngàng nhận ra “thu đã về”. Hình như chứ chưa chắc, có lẽ bởi con người ấy chưa kịp chuẩn bị. Cách nói thì ngờ vực nhưng những dấu hiệu kể trên thì đã rõ ‘thu đã về”, đây là cách nói khéo léo bộc lộ cảm xúc của tác giả, vẫn còn chút bỡ ngỡ như chưa tin, vẫn còn chút nuối tiếc vì nhanh như vậy thu đã đến sao. Nhưng dù sao cũng không giấu được chút mong chờ, vui sướng khi thu đã về. Khổ thơ sử dụng những từ ngữ rất giản dị được lồng ghép với nghệ thuật nhân hóa đã khắc họa những nét đầu mùa thu thật trong trẻo, mang nét đặc trưng của mùa thu miền Bắc. Ẩn sau những đổi thay của thiên nhiên đất trời lúc sang thu là niềm vui, niềm hạnh phúc của thi nhân.

 “Sang thu" là một tiếng lòng trang trải, gửi gắm, báo mùa thu của quê hương đất nước; một tiếng thu nồng hậu, thiết tha. Đoạn thơ gợi cho ta hình dung một bức tranh thiên nhiên tươi đẹp vào thời điểm giao mùa hạ - thu ở vùng nông thôn Bắc Bộ. Những câu thơ của Hữu Thỉnh như có một chút gì đó thâm trầm, kín đáo, rất hợp với cách nghĩ, cách nói của nguời thôn quê. Bài thơ giúp ta cảm nhận được tình cảm thiết tha, tâm hồn tinh tế của nhà thơ giàu lòng yêu thiên nhiên của nhà thơ.

Đoạn thơ diễn biến theo mạch cảm xúc tự nhiên của tác giả vào lúc sang thu.Nghệ thuật nhân hóa và ẩn dụ, cách chọn lọc từ ngữ khá tinh tế là những thành công của Hữu Thỉnh để lại dấu ấn đẹp và sâu sắc trong “Sang thu". Cách sử dụng thể thơ ngũ ngôn thể hiện một cách cảm, cách nghĩ, cách diễn đạt mới mẻ, hàm lắng đọng và hồn nhiên. Hữu Thỉnh đã phác họa một bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp bằng nhiều cảm xúc tinh nhạy.

“Sang thu” đặc biệt dịu dàng tinh tế, nó diễn tả những biến đổi tinh vi của đất trời và lòng người trong thời khắc giao mùa được chờ đợi rất nhiều trong năm: từ hạ chuyển sang thu. “Sang thu” là một áng thơ thu duyên dáng và tài tình trong thi đề mùa thu quen thuộc của văn học Việt Nam. Đọc thơ Hữu Thỉnh ta càng cảm thấy yêu quê hương đất nước hơn, càng cảm thấy mình cần phải ra sức góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.