Thứ Hai, 5 tháng 4, 2021

Đề luyện tập 3



                         ĐỀ LUYỆN TẬP TỔNG HỢP 2020 – 2021_3

Chủ đề: THÁI ĐỘ SỐNG

“Thái độ của bạn sẽ quyết định và làm thay đổi cuộc đời bạn.”

Câu 1. Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu:

(1) Người thành công luôn chịu trách nhiệm cho bất cứ chuyện gì xảy ra trong cuộc sống của họ. Họ tin rằng dù chuyện gì xảy ra đi chăng nữa, họ là một phần nguyên nhân gây ra nó. Ví dụ: nếu học thi trượt, đó là lỗi của họ. Nếu không được cha mẹ tin tưởng, đó là lỗi của họ. Nếu phải vào lớp tệ hại nhất, đó là lỗi của họ. Nếu trở thành một học sinh xuất sắc, đó cũng là nhờ nỗ lực của họ. Nhận lãnh trách nhiệm về bản thân có một sức mạnh tiềm ẩn vô cùng to lớn. Nếu bạn tin rằng bạn là nguyên do của mọi chuyện, bạn sẽ có khả năng thay đổi và cải thiện mọi chuyên. Nói một cách đơn giản, bạn làm chủ cuộc sống của chính bạn.

(2) [...] Những kẻ thất bại bao giờ cũng có khuynh hướng đổ lỗi cho mọi người ngoại trừ bản thân họ.  Họ đổ thừa thầy cô giảng bài nhàm chán, đổ thừa kỳ thi quá khó, đổ thừa bạn bè làm họ xao nhãng việc học, đổ thừa cha mẹ suốt ngày cằn nhằn họ. Tệ hại hơn cả, một số học sinh còn tự lừa dối bản thân rằng mọi việc cũng không đến nỗi quá tệ, rằng môn Toán của họ cũng không tệ đến thế, rằng thực chất họ học hành rất chăm chỉ... trong khi tự đáy lòng, họ biết rõ những điều đó không phải là sự thật. Những người và những việc xung quanh mình khiến mình thất bại”. Suy nghĩ đó khiến bạn trở thành nạn nhân bất lực, không thể thay đổi được cuộc sổng.

(Trích Tôi tài giỏi, bạn cũng thế, Adam Khoo, NXB Phụ nữ, 2013)

a. Tác giả đã nêu những ví dụ nào cho việc đổ thừa của những kẻ thất bại?

b. Chỉ ra và gọi tên phép liên kết được sử dụng trong đoạn văn in đậm.

c. Em cần làm gì để không rơi vào khuynh hướng đổ lỗi cho mọi người được nói đến trong đoạn trích?

d. Em có đồng ý với quan điểm: “Nhận lãnh trách nhiệm về bản thân có một sức mạnh tiềm ẩn vô cùng to lớn” không? Vì sao? (Trả lời khoảng 4-6 dòng)

Câu 2. Lười biếng, vô cảm và ưa hưởng thụ là những tính từ được nhắc đến nhiều nhất đi kèm thái độ sống của những người trẻ hiện nay. Đây có đang là một vấn nạn cần cảnh báo?

Từ gợi ý trên, em hãy viết bài văn ngắn (khoảng 500 chữ) trình bày về một vấn nạn thái độ sống mà theo em cần cảnh báo nhất.

Câu 3. Thông qua tác phẩm, tác giả cất lên tiếng nói của mình. Thông qua quá trình đọc, người đọc tiếp nhận những thông điệp mà tác giả gửi gắm:

Thông điệp về sự thức tỉnh con người qua đoạn thơ:

Ngửa mặt lên nhìn mặt

có cái gì rưng rưng

như là đồng là bể

như là sông là rừng

 

Trăng cứ tròn vành vạnh

kể chi người vô tình

ánh trăng im phăng phắc

đủ cho ta giật mình.

(Ánh trăng, Nguyễn Duy)

Thông điệp về sự tự tin và tinh thần trách nhiệm qua đoạn thơ:

Không có kính không phải vì xe không có kính

Bom giật, bom rung kính vỡ đi rồi

Ung dung buồng lái ta ngồi,

Nhìn đất, nhìn trời, nhìn thẳng.

 

Nhìn thấy gió vào xoa mắt đắng

Nhìn thấy con đường chạy thẳng vào tim

Thấy sao trời và đột ngột cánh chim

Như sa, như ùa vào buồng lái?

(Bài thơ về tiểu đội xe không kính,Phạm Tiến Duật)

Thông điệp về lòng thủy chung và hiếu thảo qua:

Tưởng người dưới nguyệt chén đồng

Tin sương luống những rày trông mai chờ

Bên trời góc bể bờ vơ

Tấm son gột rửa bao giờ cho phai?

Xót người tựa cửa hôm mai

Quạt nồng ấp lạnh những ai đó giờ?

Sân Lai cách mấy nắng mưa?

Có khi gốc tử đã vừa người ôm

 (Kiều ở lầu Ngưng Bích, Nguyễn Du)

 

Học sinh được chọn 1 trong 2 đề sau:

Đề 1. Em hãy viết bài văn trình bày cảm nhận về một trong ba thông điệp trên. Từ đó, liên hệ với một tác phẩm khác để làm nổi bật thông điệp mà em chọn.

Đề 2. Nam Cao cho rằng một tác phẩm văn học có giá trị phải là một tác phẩm ca tụng lòng thương, tình bác ái, sự công bình...Nó làm cho người gần người hơn.

Từ những trải nghiệm trong quá trình đọc tác phẩm văn chương, em hãy viết bài văn với nhan đề: Văn chương làm cho người gần người hơn.