Thứ Tư, 13 tháng 12, 2023

Tưởng tượng gặp gỡ và trò chuyện với người lính Ánh trăng

Trân trọng, khắc ghi, tri ân kỉ niệm. Luôn nhớ, yêu thương, không quên ngày đã qua. Tôi nhận thức sâu sắc điều đó nhờ văn bản “Ánh trăng” của Nguyễn Duy.  Bài thơ “Ánh trăng” là tâm sự của Nguyễn Duy, là suy ngẫm của nhà thơ trước sự đổi thay của hoàn cảnh sống, khi mà con người từ chiến tranh trở về cuộc sống hoà bình. Bài thơ nhắc nhở tôi về lòng biết ơn, sự thủy chung son sắt và tấm lòng biết trân trọng đối với những giá trị thiết thân, bình dị mà bền vững mà ta đã từng gắn bó, từng trải qua, nay đã thuộc về quá khứ. Tôi thật sự muốn một lần được tâm sự với người lính trong bài thơ để hiểu rõ hơn thông điệp đó. Và ước mơ đó đẫ thành sự thật trong một giấc mơ đầy ý nghĩa…

Trong giấc mơ, tôi đang có một chuyến đi thực tế ở vùng núi Trường Sơn để lấy tư liệu cho bài luận văn tốt nghiệp của mình. Phải! Là sinh viên đại học, khi con người đang ở cái ngưỡng của đam mê, của tìm tòi, khám phá, tuổi trẻ và niềm yêu thích thúc giục tôi bắt đầu cuộc hành trình đến dãy Bắc Trường Sơn này – dãy núi của chiến công hiển hách, nhân chứng của chiến tranh Việt Nam. Đêm Trường Sơn lạnh, gió rít gào trên những vòm cây cao vút, rì rào một bản nhạc kì dị. Rùng mình một cái, tôi bước dài hơn, nhanh chóng tới ngôi nhà có hơi ấm của ngọn lửa nép mình bên bìa rừng.

Một cơn gió mang lại hơi lạnh luồn qua khe áo đã nhắc nhở tôi rằng mình cần một nơi đủ ấm áp để trú ngụ qua đêm. Tôi thở phào nhẹ nhõm khi mình đã đến căn nhà nhỏ bằng gỗ, tỏa ra thứ hơi ấm của con người. “Ở đây có người ở!” – tôi thầm nghĩ rồi nhẹ nhàng gõ cửa. Một bà lão mặt đầy nếp nhăn bước ra cùng với đứa cháu tầm tám chín tuổi. Sau khi chào hỏi, tôi nói với bà mong sẽ được ngủ nhờ một đêm. Bà lão vui vẻ đồng ý. Sự đón tiếp của bà làm tôi cảm thấy ấm lòng như gia đình vậy.

Loay hoay tìm chỗ cất ba lô và đồ dùng leo núi, tôi chợt nhận ra trong nhà còn có thêm một người nữa. “Đó là một người lính” – tôi lặng lẽ thốt lên, khá nhỏ nhưng vẫn thu hút sự chú ý của người kia. Mái tóc anh đen, nước da ngăm ngăm nhưng vẻ mặt lại là người có trí thức. Đặc biệt, bộ đồ anh đang mặc là quân phục xanh lá. Thật kì lạ làm sao khi một người lính đáng nhẽ đang ở nhà sau khi hòa bình đất nước được lập lại thì lặn lội đến vùng núi hẻo lánh. Có thể nào anh là con của chủ nhà? Cũng có khả năng. Dòng suy nghĩ của tôi bị dập tắt bởi câu nói:

- Cháu cũng là khách xin ngủ nhờ phải không? Chú cũng thế! Xin chào.

Điều khiến tôi chú ý là người lính đó xưng “ chú ” và gọi tôi là “ cháu”. Nhưng thực sự trông chú ấy rất trẻ, hẳn là do cái dáng vẻ trí thức và là người dân thành phố. Chỉ là đoán mò mà thôi nhưng không hiểu sao tôi lại đinh ninh như thế. Tôi đáp:

- Chào chú! Cháu là sinh viên trường Khoa học xã hội và nhân văn, lên đây tìm tư liệu tham khảo cho luận văn tốt nghiệp. Xin hỏi chú có việc gì mà lên tận đây ạ?

Người lính có vẻ ngạc nhiên, rồi chú đáp:

- Chú là cựu chiến binh, từng chiến đấu với đồng đội ở dãy Trường Sơn này. Nay quay về đây tìm lại kỉ niệm xưa cũ. Cháu biết đấy. Có những thứ luôn khiến người ta hoài niệm.

Đưa mắt nhìn lên bầu trời, tôi thấy ánh trăng trên cao như đã dát vàng cả một vùng rừng xào xạc. Trăng đêm nay tròn và sáng quá, đối lập hẳn với cái thời tiết lạnh lẽo nơi đây. Dường như càng lên núi cao, tôi cảm nhận được mình gần trăng hơn một chút. Một cảm giác được gần gũi với thiên nhiên khiến tôi vui vẻ:

-Trăng đẹp quá chú nhỉ!

Không biết cố ý hay vô tình mà tôi cảm nhận được, trong một giây nào đó, hàng ngàn cảm xúc lướt qua ánh mắt của người lính kia. Chú đáp:

- Ừ, trăng vẫn đẹp đẽ như thế, đấy là cái đẹp vĩnh hằng, là cái đẹp ân tình thủy chung khiến lòng người phải ngỡ ngàng.

Tôi cảm thấy lạ. Dường như biết được sự tò mò của tôi, người lính chậm rãi nói giọng nghẹn ngào bao xúc cảm:

- Chú năm nay gần năm mươi tuổi rồi. Chắc cháu nghĩ chú trẻ hơn vì chú vốn là người thành phố. Sống ở thành phố đã được mười lăm năm kể từ khi chiến tranh kết thúc. Tuy vậy nhưng ngày còn bé, chú lại cùng gia đình sống ở quê, thế nên tuổi thơ chú gắn bó với những gì ở nông thôn, mộc mạc, dân dã. Chú vẫn còn như còn cảm nhận được trên da cái ánh sáng dìu dịu, thanh lành của trăng mỗi tối mùa hạ trên đồng, vẫn còn khắc ghi cái hình ảnh trăng tròn vành vạnh, ánh sáng trên mặt bể mỗi đêm rằm của tháng… Tuổi thơ của chú làm bạn với trăng, ngây dại bởi trăng, rồi chơi đùa cùng trăng, trăng đã nhẹ nhàng mà sâu sắc in đậm trong tâm trí chú. Thiên nhiên lúc đó đẹp mà gần gũi lắm cháu ạ: nào đồng, sông, bể, cả ánh trăng đẹp đẽ nữa!

Tôi thích thú và tập trung lắng nghe. Chú nói tiếp, càng lúc càng chậm rãi, từ tốn, cứ như một người bạn lâu năm đang trút bầu tâm sự.

- Cháu biết không? Rồi lớn lên, chú đi bộ đội. Hồi chiến tranh ở rừng, khi mọi điều kiện vật chất đều thiếu thốn thì chỉ có đời sống tinh thần mới là động lực chính để ta tiếp tục sống, tiếp tục chiến đấu. Vầng trăng, nó là đời sống tinh thần của chú và đồng đội đấy cháu ạ! Dù gian khổ biết mấy, trăng vẫn luôn theo. Hành quân giữa đêm, nhờ trăng mà đỡ mỏi, bom đạn rền vang có trăng ta không phải ngại ngần. Đời lính nhờ trăng mà có được những phút giây êm đềm và lãng mạn như thế. Không riêng gì chú, mà nhiều anh em đồng chí khác, chắc chắn cũng đã được vầng trăng tiếp cho sức mạnh để kiên cường chiến đấu, dành lại độc lập cho Tổ quốc. Trăng tự nhiên trở thành chỗ thân quen. Không gò bó ép buộc! Chú lúc ấy và trăng là tri kỉ. Cứ ngỡ mình sẽ không bao giờ quên được người bạn tình nghĩa này. Ấy vậy mà…

Tôi đang lắng nghe như muốn nuốt từng câu từng chữ thì chú bỗng ngừng lại, thở dài thật sâu. Nghe như bao đau thương, ăn năn và hối hận đều được chất chứa trong một tiếng thở dài đó. Chú lại ngửa mặt lên nhìn trăng hồi lâu. Tôi không nói gì, chỉ kiên nhẫn đợi chú tiếp tục.

- Chiến tranh kết thúc, hòa bình được lặp lại, chú được lên thành phố sinh sống. Khác với thôn quê, khác với mặt trận, cuộc sống nơi thành phố hiện đại và tiện nghi hơn nhiều. Mù quáng bởi sự kì diệu của những tiến bộ trong khoa học - kĩ thuật, chú và nhiều đồng đội khác chẳng thèm ngó ngàng gì đến vầng trăng nữa. Thật sự, ai lại muốn sinh hoạt dưới cái ánh trắng mờ mờ ảo ảo của trăng, một khi đã có đèn điện ? Vầng trăng khi ấy, dù tròn hay khuyết, dù tỏ hay mờ, đối với chú đã chẳng còn quan trọng nữa. Không ai tự nhiên lại đi quan tâm đến kẻ dửng dưng qua đường. Sao, kẻ bạc tình này đáng giận lắm đúng không ?

Đáng giận lắm không ? Tôi tự hỏi bản thân nếu là mình thì sẽ hành động như thế nào. Giận thì đáng giận, nhưng cảm thông thì cũng đáng cảm thông. Suy cho cùng, chú đã nhận ra sai lầm và đổi thay. Tôi không biết phải trả lời sao cho phải phép, nên quyết định giữ im lặng, lắng nghe chú kể tiếp:

- Thế rồi, một đêm hôm nọ, cả thành phố đột ngột bị cúp điện. Căn phòng đang sáng trưng, bỗng ngập chìm trong bóng tối. Chú cuống lắm, vội bật tung cửa sổ ra. Và chính lúc đấy, trăng xuất hiện - vẫn tròn vành vạnh như thuở nào, lững lờ ngay trước mắt chú. Bây giờ nghĩ lại ,chú vẫn nhớ rõ mồn một những cảm xúc rối ren lúc đó, bàng hoàng, sợ hãi, xúc động, rưng rưng. Những hình ảnh như một đoạn phim tua chậm lướt qua đầu chú. Chú thấy ở trăng có đồng, có rừng, có sông, có bể, tựa như trăng đã ghi lại tất cả những khoảnh khắc tươi đẹp đó, chờ một ngày ta quên, sẽ cho ta thấy, để ta hối hận, day dứt để ta thấy mình đã bội bạc như thế nào!

Tôi xúc động ngắm nhìn vầng trăng, lặng lẽ hoài niệm về tuổi thơ của chính mình. Sao tôi thấy trăng bây giờ mới là sáng nhất!

Người lính không để ý đến sự im lặng của tôi, tiếp tục kể.

- Trăng đẹp nhất vào lúc chú ngỡ ngàng nhất! Dường như trăng vẫn mãi ở đó cháu ạ! Trăng vẫn một mực chung thủy. Khi đó, chú biết mình lại không thể mãi trốn chạy được nữa. Phải đối mặt với trăng, đối mặt với sự thật mình đã thay đổi. Cháu có biết sự trách cứ nặng nề nhất là gì không. Đó là sự im lặng cháu ạ! Ánh trăng lúc đó cứ im phăng phắc, như cố tình cho ta thời gian để cho ta hoài niệm, để nhận ra mình đã vô tình biết bao nhiêu! Chính sự im lặng đó đã khiến chú giật mình, theo đúng nghĩa.

Tôi vội lên tiếng:

-Vậy giờ chú trở lại đây vì cảm thấy có lỗi với vầng trăng hay sao?

- Một phần thôi cháu ạ! Chú muốn trở lại là chú của trước kia, chú muốn sống lại cái thời kì diệu ấy, với thiên nhiên, với vầng trăng!

Tôi nghe tiếng côn trùng kêu, tiếng gió lùa. Nhưng sau tất cả, tôi lại nghe thấy trong tim tôi – một trái tim nóng bỏng yêu thương và sự cuồng nhiệt của tuổi trẻ, giọng nói vang vọng từ tâm hồn, nhắc nhở tôi sống sao cho tình nghĩa, thủy chung, sống sao để không hổ thẹn với quá khứ, với những tuyệt vời mình đã trải qua.

Chào tạm biệt biệt chú,  tôi đi ngủ, và lòng thầm nghĩ đã tìm được tư liệu quý giá cho bài luận văn tốt nghiệp của mình. Ngoài trời vẫn tràn ngập ấm áp của ánh trăng.

Tiếng chuông báo thức vang lên . Tôi tỉnh dậy và nhận ra mình đã có một giấc mơ thật đẹp  và một cuộc trò chuyện thật thú vị. Hai chúng tôi, cách biệt về tuổi tác, cách biệt về vùng miền và có lẽ là về cả văn hóa lẫn tư tưởng. Tất cả bắt nguồn từ một sự tò mò rất trẻ con, mà tôi thậm chí còn không biết tên chú, thậm chí có lẽ sẽ không bao giờ biết, nhưng câu chuyện được nghe kể đêm hôm đó đã giúp tôi ngộ ra nhiều điều về thiên nhiên, về chiến tranh, và về cả trái tim con người. Thời thế thay đổi, lòng người cũng đổi thay. Chúng ta trở nên lãnh cảm với những gì tự nhiên, quay lưng với những giá trị truyền thống, với quá khứ nghĩa tình. Đừng để bản thân con người trở thành nô lệ của những cỗ máy do chính chúng ta tạo ra. Đôi khi, trong cái xã hội hối hả này, hãy thử sống chậm lại, nhìn lại bản thân và trân trọng những gì đã giúp ta tiến được đến bước đường ngày hôm nay.