Thứ Ba, 16 tháng 5, 2023

Phải chăng phán xét đang trở thành một thú vui?

 


1. Mở bài: 

Soi mói khuyết điểm của người khác, rồi vịn vào đó mà phán xét, mà lên án dường như từ lâu đã là việc làm được con người “yêu thích”. Trên mạng xã hội, “phán xét” là việc làm diễn ra nhơn nhỡn như một lẽ tự nhiên, như bản năng của con người.

2. Thân bài:

* Giải thích

- Phán xét là thốt ra những lời nhận xét, đánh giá (thường tiêu cực) về người khác một cách nhanh chóng, vội vàng, chưa có sự suy nghĩ, nhìn nhận thấu đáo, phiến diện theo quan điểm cá nhân của mình.

=> Tựa như những mũi dao xuyên tâm, vô hình mà có sức sát thương ghê gớm - lời phán xét vội vàng sẽ để lại vết thương lòng khó chữa lành.

* Thực trạng

- Chỉ qua vài bức ảnh, vài giây hình - người ta có thể suy diễn, đánh giá, chụp mũ 1 người mà mình chưa từng gặp gỡ; kết luận một vụ việc mà mình không nắm được đầy đủ các góc độ. Đẩy nạn nhân vào tình trạng oan ức mà không thể giải thích.

- Chúng ta không khó để tìm ra nhiều thí dụ liên quan đến việc "cư dân mạng" mặc sức chê bai, mắng mỏ, xâm phạm đời tư của ai đó khi họ có phát ngôn, hành động trái với ý kiến của một nhóm người.

- Bất kỳ ai sử dụng mạng xã hội đều không lạ lẫm khi bắt gặp các hội nhóm "Anti" (chống lại, phản đối) xuất hiện nhan nhản trên mạng.

* Nguyên nhân

- Sự tự do trên MHX đang trở thành mảnh đất dung dưỡng cho cái xấu khi người ta dễ dàng lên án, chỉ trích, cười cợt, chê bai bất kỳ thứ gì không "vừa mắt".

- Trong thời đại công nghệ thông tin phát triển như hiện nay, phán xét dường như đã trở thành một thú vui của nhiều người. Những "anh hùng bàn phím" tự cho mình cái quyền lập một "tòa án công lý ảo" trên internet để phán xét, chửi rủa, kết tội những hành vi mà họ cho là có lỗi, trong bất kỳ lĩnh vực nào từ chuyện gia đình, công sở, tình yêu đến kinh doanh, các vấn đề xã hội....

- Nhiều người phán xét vì muốn thể hiện ý kiến cá nhân, vì muốn thu hút sự chú ý, vì muốn gây tranh luận, vì muốn thoả mãn lòng tự ái. Họ phán xét như một cách giải trí, một cách thỏa mãn nhu cầu tâm lý.

- Gia đình, nhà trường thiếu giáo dục, định hướng hệ giá trị sống cho những người trẻ, chưa giúp họ có “bộ lọc” văn hóa khi tham gia môi trường mạng.

* Tác hại

- Phán xét một cách vô tội vạ, thiếu căn cứ sẽ gây ra những hiểu lầm, những mâu thuẫn, những tổn thương cho người khác. Phán xét thiếu thiện cảm có thể đẩy người khác đến tận cùng của sự đau khổ, tuyệt vọng. Có người mạnh mẽ vượt qua nhưng không ít người tự làm hại chính mình hoặc có hành động phản kháng tiêu cực.

- Phán xét một cách quá đáng, quá khích sẽ gây ra những cuộc tranh cãi, những cuộc chiến không đáng có. Lời nói gió bay nhưng tổn thương là thật. Người bị phán xét có được minh oan thì cũng không thể quên được cảm giác đau khổ khi bị cả xã hội tấn công. Phán xét một cách lạm dụng sẽ làm mất đi sự tôn trọng, sự tin tưởng, sự hợp tác giữa con người.

- Không chỉ hại người, lời phán xét cay nghiệt còn hại chính mình. Hại mình trở nên xấu xí trong mắt người khác, hại mình phải day dứt hối hận hiểu ra bản chất vấn đề sau khi lỡ buông lời phán xét vội vàng.

- Phán xét người khác hình thành nên định kiến, và chúng ta đã tự buông mình vào tấm lưới đầy thành kiến đó.

* Biện pháp

- Mỗi người hãy nâng cao tinh thần trách nhiệm với bản thân và cộng đồng bằng cách sử dụng mạng xã hội đúng quy định và có văn hóa. Hãy thật thận trọng khi đăng tải thông tin, đừng vì sự thiếu hiểu biết, bốc đồng mà chia sẻ hoặc bình luận những nội dung sai trái.

- Gia đình, nhà trường cần giáo dục định hướng hệ giá trị sống cho những người trẻ, giúp họ có “bộ lọc” văn hóa khi tham gia môi trường mạng.

- Cơ quan chức năng cần tăng cường tuyên truyền pháp luật về sử dụng mạng xã hội để định hướng người dân có sự chọn lọc, tránh bị thông tin “ảo” cũng như kẻ xấu chi phối, tác động, ảnh hưởng an ninh.

* Bài học

- Chúng ta nên hạn chế phán xét và chỉ nên nhận xét khi có đủ căn cứ và có ý định tốt đẹp để giúp đỡ, để khuyên nhủ, để góp ý cho người khác

- Suy nghĩ kỹ trước khi bấm nút like, share, hoặc phát tán thông tin trên môi trường mạng. Sử dụng mạng xã hội ý thức được trách nhiệm của mình, tự điều chỉnh hành vi, không có những hành xử lệch chuẩn đạo đức, vi phạm thuần phong mỹ tục... khi tham gia mạng xã hội.

-  Nắm vững các điều cấm liên quan văn hóa ứng xử trên môi trường mạng (như xúc phạm danh dự, uy tín, nhân phẩm người khác, thông tin bịa đặt, sai sự thật, phá hoại thuần phong mỹ tục...).

3. Kết bài:

Phán xét không phải là một thú vui. Nhận xét là một trách nhiệm và một quyền lợi của con người. Hãy nhận xét đánh giá  một cách có trách nhiệm và có lợi cho bản thân và xã hội.