Đề. Hãy chọn phân tích một đoạn
thơ hay một nhân vật truyện giúp em cảm nhận được giá trị của lý
tưởng sống cao đẹp. Trình bày những tác động của đoạn thơ hay nhân
vật đó đối với bản thân em.
Bài
làm
Hỡi ai lẳng lặng mà
nghe
Dữ răn việc nước, lành
dè thân sau
Trai thời trung hiếu
làm đầu
Gái thời tiết hạnh làm
câu trau mình.
Lời
thơ giản dị, rành rẽ như một tuyên ngôn, định hướng cho bước đi của toàn bộ tác
phẩm Lục Vân Tiên của cụ Đồ Chiểu. Truyện thơ “Lục Vân Tiên” của cụ được nhân dân
ta yêu thích vì những chi tiết, sự việc, những nhân vật toả sáng đạo lí cũng
như vì những ý tưởng giáo huấn chân thành và đầy thấm thía. Lấp lánh sau những
câu thơ giản dị và hồn hậu chính là nét đẹp của phẩm cách, của tấm lòng đáng
quý, đáng phục ở Vân Tiên, Nguyệt Nga …Đặc biệt đoạn trích Lục Vân Tiên cứu Kiều
Nguyệt Nga sáng ngời một Lục Vân Tiên đầy khí chất của người anh hùng chân
chính, hiệp nghĩa. Lục Vân Tiên nổi bật lí tưởng tuyệt đẹp của người anh
hùng giàu lòng thương người, dũng cảm và vị nghĩa cao cả qua đoạn thơ:
Vân
Tiên ghé lại bên đàng,
Bẻ
cây làm gậy nhằm làng xông vô.
Kêu
rằng: “Bớ đảng hung đồ,
Chớ
quen làm thói hồ đồ hại dân.”
Phong
Lai mặt đỏ phừng phừng:
“Thằng
nào dám tới lẫy lừng vào đây.
Trước
gây việc dữ tại mầy,
Truyền
quân bốn phía phủ vây bịt bùng.”
Vân
Tiên tả đột hữu xông,
Khác
nào Triệu Tử phá vòng Đương Dang.
Lâu
la bốn phía vỡ tan,
Đều
quăng gươm giáo tìm đàng chạy ngay.
Phong
Lai trở chẳng kịp tay,
Bị
Tiên một gậy thác rày thân vong.
Nguyễn Đình Chiểu được biết đến như một nhà văn và cũng là
nhà thơ tiêu biểu của nền văn học Việt Nam. Thơ văn của ông không có sự chau
chuốt, cầu kì về câu từ mà lại rất mộc mạc, dân dã gắn liền với đời sống của
người dân Nam Bộ. Văn chương của cụ Đồ Chiểu lại thâm nhập vào chiều sâu đời sống
và trở thành một phần không thể thiếu của người dân Nam bộ. “Lục Vân Tiên” của
cụ Đồ Chiều đã quen thuộc như những bài đồng dao dân gian. Với Nguyễn Đình
Chiểu, nhân nghĩa là đạo đức nhân dân, là căn cốt, gốc rễ để trau dồi rèn giũa
con người. Vì vậy, nhà thơ đã hào hứng giới thiệu Lục VânTiên trẻ tuổi, biết hướng
theo lòng nhân, biết hành động theo việc nghĩa. Hình ảnh Lục VânTiên được khắc
họa theo mô típ quen thuộc của truyện Nôm truyền thống: một chàng trai tài giỏi
cứu một cô gái thoát khỏi tình huống hiểm nghèo, rồi từ ân nghĩa đến tình yêu…
như chàng Thạch Sang đánh đại bàng, cứu công chúa Quỳnh Nga (“Thạch Sanh”).
Mô-típ này thể hiện niềm mong ước của tác giả và cũng là của nhân dân.
Cũng như bao đấng nam nhi khác, Lục Vân Tiên cũng ôm khát vọng
công danh, đem tài trí giúp ích cho đời, chàng ngày đem chăm lo học tập, rèn
luyện võ nghệ cùng thầy ở trên núi. Năm ấy, triều đình mở khoa thi, cũng là
lúc, Lục vân Tiên văn đã thông thạo, võ đã hơn người, chàng từ biệt thầy xuống
núi, lên kinh ứng thí. Chàng đang háo hức trên con đường lên kinh ứng thí. Vậy
mà gặp cướp. Không phải chúng gây sự với chàng, mà chúng đang quấy nhiễu nhân
dân. Trước mắt chàng, bày ra một nghịch cảnh: dân thì “than khóc tưng bừng, đều
đem nhau chạy vào rừng lên non”, bọn cướp thì “xuống thôn hương, thấy con gái tốt
qua đường bắt đi”. Chàng vô cùng tức giận, sau một lời hứa ngắn gọn: “Tôi
xin ra sức anh hào”, quyết ra tay giúp dân trừ bạo, diệt lũ tham tàn:
Vân Tiên ghé lại bên đường
Bẻ cây làm gậy nhằm làng xông vô.
Đối với Lục Vân Tiên cứu người trong lúc lâm nguy không những
là việc nên làm mà còn là bổn phận của đấng trượng phu thấy chuyện bất bình ra
tay tương trợ. Đối diện với bọn cướp vừa đông đảo, khí thế hung bạo lại vũ khí
sắc bén, chàng vẫn sẵn sàng xông vào giữa chốn nguy hiểm, ra tay cứu người
lương thiện. Chàng chỉ một mình, tay không dũng cảm chống lại bọn cướp hung dữ,
giáo gươm đầy đủ, rất đông đảo và “thanh thế lẫy lừng”. Trước tình thế đó, Vân
Tiên không hề nao núng, không hề nghĩ đến bản thân, chàng bình tĩnh “bẻ cây làm
gậy” nhằm thẳng quân cướp mà xông vào. Chàng nhằm thẳng bọn cướp mà xông vào,
chẳng hề sợ hãi. Một thân một mình với chiếc gậy bằng cây là vũ khí quá thô sơ,
Lục Vân Tiên thật mất cân xứng trước một bọn cướp khét tiếng. Nhưng vũ khí đó càng làm nổi bật tinh thần diệt
bạo trừ gian cứu người sức yếu thế cô của Vân Tiên
Không những thế, chàng còn khẳng định lập trường chính nghĩa
của mình, chỉ thẳng vào mặt bọn chúng mà trách tội:
Kêu rằng bớ đảng hung đồ
Chớ quen làm thói hồ đồ hại dân.
Uy phong của người anh hùng: cách đánh cướp của chàng công
khai, đàng hoàng, quang minh, chính đại như các anh hùng hảo hán. Trong mắt
chàng, bọn giặc cướp Phong Lai chỉ là những kẻ hung đồ ngang ngược, ỷ thế làm
càn, bức hại người dân vô tội. Chàng gọi tên chúng, trách măng tên cướp hung bạo
nhằm khẳng định hành động phi nghĩa của chúng. Hành động ấy trái với đạo lí, trời
không dung, đất không tha. Chàng quyết ra tay tương trợ, trừ gian diệt bạo để bảo
toàn công lý, chính nghĩa, cứu giúp muôn dân.
Lời nói đó đã làm cho tên tướng cướp điên cuồng “mặt đỏ phừng
phừng” vô cùng tức giận, nhìn chàng ra vẻ dữ tợn:
Thằng nào dám tới lẫy lừng vào đây
Trước gây việc dữ tại mày.
Sau đó ngay lập tức: Truyền quân lệnh xuống phủ vây bịt
bùng. Trong hoàn cảnh ấy, Vân Tiên dẫu một thân một mình, tay không tấc sắt,
chỉ có cây gậy vũ khí độc nhất trong tay mà vẫn không hề nao núng sợ hãi. Chàng
xông thẳng vào vòng vây của mấy mươi tên cướp, thanh thế lẫy lừng, giáo gươm nhọn
hoắt. Chàng đối kháng trực tiếp dựa trên lập trường chính nghĩa đánh kẻ hung bạo,
bảo vệ kẻ yếu. Lục Vân Tiên đã rất bình tĩnh, uy phong lẫm liệt, thể hiện bàn
lĩnh của người anh hùng. Chàng tung hoành ngang dọc, tả đột hữu xông như chốn
không người. Gươm giáo của kẻ cướp không sao chạm tới chàng được. Chiếc gậy
bình thường trong tay vị anh hùng dã trở thành vũ khí lợi hại, đáng sợ. Hình ảnh
ấy thể hiện tài nghệ phi thường của chàng trai họ Lục, một hình ảnh đẹp, dùng cảm
sánh ngang cùng dũng tướng Triệu Tử Long:
Vân
Tiên tả đột hữu xông,
Khác
nào Triệu Tử phá vòng Đương Dang.
Hình ảnh của chàng lúc ấy thật oai phong lẫm liệt biết bao.
Triệu Tử Long, người anh hùng dũng tướng thời Tam quốc ngày xưa, một thân một
mình phá được vòng vây của hàng ngàn quân giặc để báo đền ơn chủ tướng, giữ vẹn nghĩa vua tôi
còn Lục Vân Tiên liều thân mình là để cứu giúp người trong cơn nguy khó mà là để
cứu người trong lúc lâm nguy. Đối với chàng, những người gặp nạn kia hoàn toàn
là một người xa lạ. Chàng hành động với một khát vọng mãnh liệt, cao đẹp đó là
hành hiệp trượng nghĩa, cứu người thiện lương. Chàng không tính toán thiệt hơn,
thấy việc nghĩa giữa đường đành ra tay tương trợ. Hành động đánh cướp cao cả đó
bởi nó không những thể hiện một tính cách anh hùng dũng cảm, một tài năng, một
khí phách lớn mà cao hơn đó là tấm lòng vì nghĩa của chàng Lục Vân Tiên. Chàng
đã hành động quên mình vì việc nghĩa, thể hiện cái tài, cái tâm của bậc anh
hùng bất chấp hiểm nguy bênh vực kẻ yếu, đánh tan quân cướp, chiến thắng thế lực
tàn bạo.Đó cũng là lý tưởng và nghĩa khí của người anh hùng xưa nay.
Trận đánh đã kết thúc nhanh chóng, bất ngờ như trong truyện
cổ tích. Chỉ thoáng chốc, chàng đã đánh cho bọn chúng đến thất điên bát đảo,
hoang mang tìm đường bỏ chạy:
Lâu la bốn phía vỡ tan
Đều quăng gươm giáo tìm đàng chạy ngay.
Ngay cả tên cướp đầu não là Phong Lai cũng trở chẳng kịp
tay, bị Vân Tiên đánh đến thân vong.
Hành động đánh cướp cứu người của Lục Vân Tiên thật cao đẹp
và đáng ca ngợi. Nó chứng tỏ chàng là người anh hùng dũng cảm, võ nghệ phi thường,
ít ai sánh kịp. Nhưng cao hơn, điều này còn thể hiện khát vọng của nhân dân, là
niềm tin của nhân dân về cái thiện và chân lí ở đời. Con người và việc làm tốt
đẹp, trong sáng dù trải qua khó khăn nhưng cuối cùng vẫn sáng ngời và vẫn chiến
thắng. Từ hành động đó của Vân Tiên, ta hiểu được quan niệm anh hùng của Nguyễn
Đình Chiểu. Đối với Đồ Chiểu, người anh hùng phải là người có tấm lòng nhân
nghĩa, yêu thương con người, bất chấp hiểm nguy, cứu người hoạn nạn, không mưu
lợi cầu danh. Đó là người phải là người có tài trí phi thường, võ nghệ cao cường
để có thể tự bảo vệ mình, cứu người, đem lại điều tốt đẹp cho mọi người, hành động
vì nghĩa lớn, vì lẽ phải, lẽ công bằng ở đời.
Bằng hình ảnh so sánh, liệt kê, kết hợp với những từ ngữ tuy
vô cùng giản dị nhưng Nguyễn Đình Chiểu đã khắc họa thành công hình ảnh Lục Vân
Tiên một con người hào hiệp, dũng cảm, sẵn sàng hi sinh mình vì người khác, vị
nghĩa vong thân. Qua việc vận dụng nghệ thuật xây dựng tính cách nhân vật theo
thủ pháp quen thuộc của truyện cổ dân gian, để cho nhân vật trực tiếp bộc lộ bản
chất, tính cách bằng hành động cụ thể, Nguyễn Đình Chiểu đã khắc họa thành công
vẻ đẹp hình tượng Lục Vân Tiên. Đó là người anh hùng thời loạn, dũng cảm hào hiệp,
trọng nghĩa khinh tài, sẵn sàng liều thân mình cứu giúp người trong cơn nguy
khó. Lục Vân Tiên mãi là nhân vật tượng trưng cho những phẩm chất tốt đẹp của
người dân Nam Bộ và gởi gắm trong đó là biết bao hoài bão mong ước của Nguyễn
Đình Chiểu về người anh hùng tài năng đức độ có thể cứu dân cứu nước.
Đoạn trích giàu cảm xúc, khoáng đạt, ngôn ngữ bình dị, dân
dã giúp em hiểu ra lý tưởng sống cao đẹp từ Lục Vân Tiên là lý tưởng nhân
nghĩa, là đạo đức của nhân dân, là gốc rễ để trau dồi rèn giũa con người.
Người anh hùng chính là những người sẵn sàng hy sinh lợi ích cá
nhân của mình để giúp đỡ cộng đồng, giúp đỡ người khác bằng tấm lòng lương thiện,
không kể đó là việc nhỏ hay việc lớn. Em nhận ra rằng thanh niên chúng em - người
chủ tương lai của đất nước- rất cần phải sống đẹp, sống bản lĩnh, sống có ý
nghĩa đối với bản thân, gia đình và xã hội. Đó không những là bổn phận cao cả
mà còn trách nhiệm thiêng liêng thể hiện mối gắn kết của thanh niên và đất nước.
Sống có lý tưởng giúp giới trẻ chúng em có suy nghĩ tích cực, hành động mạnh mẽ,
đúng đắn hướng đến tạo ra các giá trị hữu ích, xây dựng được
cho mình lối sống vững mạnh, phù hợp với các chuẩn mực của xã hội. Là một thanh
niên không có lựa chọn nào khác em phải biết sống đẹp, sống có lý tưởng cao đẹp,
có ước mơ, khát vọng và hoài bão lớn lao. Sống là phải sống vì con người, vì
dân tộc, vì đất nước. Phải sống một cuộc sống có ý nghĩa, đừng để thời gian vùi
lấp bạn trong sự tầm thường và giả dối đáng khinh bỉ. Không cần phải cao sang
hay hô hào, mỗi bạn trẻ chỉ cần thực hiện đúng nhiệm vụ, nghĩa vụ của mình, góp
một phần rất lớn vào công cuộc xây dựng đất nước phồn vinh là đã trở thành “anh
hùng” đúng nghĩa.
Bản thân em sẽ cố trở thành một "anh hùng" nhỏ giữa
cuộc sống đời thường, không chỉ là anh hùng trong mắt người khác mà còn trở
thành anh hùng trong tâm hồn chính mình. Em sẽ ra sức học tập cho thật tốt,
học cái hay, cái tốt, cái tiến bộ, cái cần thiết nhất và
tránh xa cái xấu, cái ác, cái có hại đối với bản thân và cuộc sống. Trải nghiệm
thật nhiều để tích lũy kinh nghiệm, sẵn sàng cho năng lực làm việc sau này.
Rèn luyện tình yêu tổ quốc, yêu nhân dân, yêu xã hội chủ
nghĩa, yêu lao động và kỉ luật, trở thành con người hữu ích cho đát nước.
Sống không ỷ lại, dựa dẫm vào người khác, năng động, tích cực,
sáng tạo, không ngừng nỗ lực vươn lên trong cuộc sống.Em tâm niệm rằng sống có
ích, sống có ý nghĩa, có cống hiến thì mới thực sự là một cuộc đời tốt đẹp mà mọi
cá nhân đều nên hướng tới.
Bằng bút pháp kể và tả thực mang phong cách Nam Bộ, nhưng
hơn thế nữa là bằng tấm lòng nhân đạo cao cả Nguyễn Đình Chiểu đã dựng lại một
trận đánh cướp oai hùng của tráng sĩ Lục Vân Tiên. Chàng là người tiêu biểu cho
cái thiện mang vẻ đẹp hào hiệp trong cái xã hội đầy bất công tàn ác. Những phẩm
chất cao đẹp của Lục Vân Tiên là tấm gương sáng về đạo đức nhân cách đối với
chúng ta. Nhưng anh hùng không chỉ nằm trong sách vở, trong lịch sử, trong truyền
thuyết, cũng không phải là một hình tượng để mọi người chỉ mãi ao ước và tự cảm
thấy mình thật bé nhỏ. Trái lại trong đời sống hiện nay, chính chúng ta cũng có
thể trở thành anh hùng, khi có những hành động, đóng góp tích cực trong xã hội,
quan trọng là bản thân các bạn có nhận thức được ý nghĩa từ mỗi hành động của bản
thân, lựa chọn hành động để trở thành anh hùng hay không mà thôi.