Thứ Tư, 17 tháng 5, 2023

Phải chăng lời nói thành thực vẫn là lời hay nhất?

 


1. Mở bài: 

Dựa vào lời nói cách thức diễn tả của người khác, ta có thể biết được phần nào tâm tư của họ đang muốn gì. Được yêu mến và kính trọng hay bị khinh bỉ và ghét bỏ, một phần lớn là do cái lưỡi và lời nói của chúng ta. Như thế, lời nói đã đóng một vai trò quan trọng trong việc hình thành uy tín và giá trị của mỗi người. Phải chăng lời nói thành thực vẫn là lời hay nhất?

2. Thân bài: 

* Giải thích:

- Lời nói thành thực là lời nói đúng sự thật, không xảo biện, ba hoa chích chòe, đặt điều nói xấu người khác; là lời xuất phát từ lòng chân thành, không giả tạo. Lời nói thành thực là lời nói có văn hoá, có sự tác động tốt đẹp đến người khác.

=> Niềm tin, muôn đời vẫn là nền tảng vững chắc của mọi mối quan hệ. Và chắc chắn một điều rằng bạn không thể xây dựng niềm tin bằng những lời dối trá mà chỉ có thể vun đắp cho niềm tin ấy bằng bời nói thành thực, chân thành. Không có gì quý giá hơn sự trung thực trong lời nói.

* Biểu hiện:

Đặt trong những hoàn cảnh cụ thể, lời nói thành thực sẽ có những biểu hiện khác nhau, sinh động, hấp dẫn như chính bản thân cuộc sống vậy. Có thể là lời nói biết làm dịu đi nỗi đau của người khác, là lời nói đem lại cho người khác động lực sống. Cũng có thể là lời nói chỉ ra được những lỗi lầm của mình, của người khác. Một lời cảm ơn, xin lỗi nếu đặt đúng hoàn cảnh, cũng sẽ là lời nói thành thực.

* Phân tích:

- Lời nói thành thực phản chiếu đời sống tâm hồn của người nói, giúp con người xích lại gần nhau hơn. Là thước đo để đánh giá tính cách, phẩm hạnh, tư duy, văn hoá của con người, đồng thời cũng là cách thức để duy trì và phát triển các mối quan hệ xã hội.

- Lời nói thành thực xuất phát từ chính trái tim, suy nghĩ thật là biểu hiện của những phẩm chất cao đẹp của sự thanh liêm, đứng đắn và cương trực. Người nói thành thực sẽ được mọi người kính trọng, tin tưởng và yêu mến. Trung thực và chân thành sẽ luôn làm cho sự việc trong cuộc sống diễn ra thuận lợi cũng như dành được thiện cảm của những người xung quanh.

- Lời nói thành thực là cách để chúng ta bày tỏ lòng tôn trọng và biết ơn với người nghe cũng là cách thể thiện lòng tự trọng, tự tôn của ta. Lời nói thành thực sẽ tạo ra những hiểu biết chân thật, những quan hệ chân thành và những hành động chính đáng, sẽ đẩy lùi sự ngụy biện, xuyên tạc và lợi dụng, làm cho tình thân giữa ta với người khác được thêm thắm thiết đậm đà

- Lời nói thành thực là điều kiện để phát triển bản thân và tập thể. Nó giúp ta học hỏi được nhiều điều mới, khắc phục được những sai sót và hoàn thiện được bản thân, giúp chúng ta giao lưu được với nhiều người, mở rộng được tầm nhìn và kiến thức, đưa ra được những ý kiến đúng đắn, đóng góp được cho sự phát triển của tập thể và xã hội.

- Trong một số trường hợp, việc nói thật cũng sẽ khó khăn và có những hậu quả khó đoán trước. Nhưng nếu chúng ta muốn trở thành một người thành công trong cuộc sống, chúng ta phải dũng cảm và chân thành. Người chiến thắng chính là người có đủ gan để nói thật và đứng vững trước những hậu quả của sự thật.

* Phê phán:

Trong cuộc sống này vẫn còn có lắm kẻ sống bằng sự dối tra. Họ là những kẻ chuyên lừa gạt người khác, ăn không nói có. Xã hội lắm kẻ sống giả dối chắc chắn cái xấu, cái ác tràn lan, đạo đức xã hội cũng xuống dốc. Khi đó, đời sống con người sẽ rơi vào loạn lạc, công lí không được bảo vệ. Dối trá và lừa lọc là hành động của kẻ ngu xuẩn không có đủ trí óc để trung thực. Chỉ có những kẻ yếu đuối, lười biếng hoặc tham lam mới dối lừa người khác nhằm giành lấy sự bình yên hoặc cái lợi vè mình. Càng dối trá họ càng thấp kém và sớm muộn gì cũng nhận lấy hậu quả từ hành động dối lừa của họ.

* Bài học:

Ông bà đã có câu: "Học ăn, học nói, học gói, học mở", vì thế nói năng sao cho phải lễ, phải đạo. Lời nói cũng cần được tôi luyện và rèn dũa một cách thật nghiêm túc: phải tránh xa cái sự nói dối, nói điêu, cái sự lắm điều, đặt điều đi, sau là tập được cái tính "Uốn lưỡi bảy lần trước khi nói".

* Bài học bản thân:

- Bản thân chúng ta cần ý thức được tầm quan trọng của lời nói, chúng ta hãy nên nói lời thành thật và lời nói ấy bao giờ cũng đáng được khen ngợi.

- Rèn luyện cách nói những lời tốt đẹp, những lời yêu thương, những lời thành thực và tránh xa lộng ngữ, tà ngôn. Chúng ta phải sử dụng lời nói như là một phương tiện để nối kết yêu thương, giúp chúng ta cảm thông và xích lại gần nhau hơn.

- Tập luyện sử dụng ngôn từ sao cho gọn gàng, mạch lạc, dễ hiểu, phù hợp với đối tượng giao tiếp. Một lời nói có nội dung hay nhưng nếu cách dùng từ thiếu chọn lọc, cách diễn đạt không thông thoát, lại không được đặt vào đúng hoàn cảnh thì chắc chắn không thể là lời nói hay.

3. Kết bài: 

Tiếng nói vốn là một tài sản quý giá mà tạo hóa đã ban tặng cho con người, để chúng ta được thoải mái giao tiếp, trao đổi, bày tỏ cảm xúc trong cuộc sống. Chính vì vậy chúng ta phải hết sức trân trọng và nâng niu nó, hãy dành cho nó một sự nâng niu nhất định, luôn đặt sự chân thực và trách nhiệm lên mỗi lời thốt ra.