Thứ Bảy, 13 tháng 5, 2023

ĐỀ LUYỆN TẬP TUYỂN SINH 10_2022-2023_CHỦ ĐỀ: Ngôn từ

 

(Ngôn từ yêu thương, Ngôn từ bạo lực,...) 

Câu 1. Đọc 2 văn bản sau và thực hiện các yêu cầu:

Văn bản 1

Theo kết quả nghiên cứu của Chương trình Nghiên cứu Internet và Xã hội (VPIS), 78% người được hỏi tại Việt Nam đều khẳng định từng là nạn nhân của phát ngôn gây thù ghét trên mạng xã hội hoặc biết những trường hợp tương tự.

Trên thực tế, khi miệt thị ngoại hình người khác, nhiều người dựa trên những lý do như gu thẩm mỹ hay cái đẹp này không đạt chuẩn để đưa ra những nhận định gay gắt, thậm chí có hành động bắt nạt. Từ đó khiến những người tiếp nhận bị tổn thương sâu sắc đôi khi nó trở thành những nỗi ám ảnh không thể xóa nhòa.

Bodyshaming chỉ là một hình thức dễ nhận thấy nhất của bạo lực ngôn từ. Những lời nói gây sát thương còn có thể đến từ những người xung quanh, thậm chí là cả những người mình yêu thương. Những lời nói chê bai, nhiều người hay lấy lý do là góp ý, hay những lời châm chọc... tưởng chừng là trò đùa vô thưởng vô phạt nhưng đó đều như những mũi dao "vô hình", gây tổn thương người tiếp nhận.

Theo các chuyên gia tâm lý, bạo lực ngôn từ có thể gây ra sát thương không kém gì bạo lực thể xác, thậm chí còn nghiêm trọng hơn.

(Theo https://vtv.vn/xa-hoi/bao-luc-ngon-tu-nhung-mui-dao-vo-hinh-0221021111300832.htm)

Văn bản 2

Lời nói có một sức mạnh khôn lường, có thể làm ta vui, ta buồn, làm ta đau đớn tuyệt vọng hoặc hài lòng và cũng nhiều khi, một lời nói vô ý có thể giết chết một con người. "Giết" ở đây không hẳn theo nghĩa đen mà còn có nghĩa "giết chết" tâm hồn, niềm tin, niềm hy vọng. Một con người sống mà đánh mất mình, không còn niềm tin và hy vọng vào cuộc đời, chẳng phải là đã chết hay sao?

Một lời động viên đúng lúc đủ khiến con người ta thay đổi, dám nghĩ, dám làm và đạt được thành công. Một lời chê bai hiềm khích cũng khiến một tâm hồn trong trắng mang một vết chàm, đáng sợ hơn khi ta không quên được điều đó và mỗi lần nghĩ đến, tất cả lại gieo vào tâm trí ta những hằn học, những tự ti, mưu toan tội lỗi. Một lời nói ích kỷ, phán xét chưa thấu tình đạt lý dễ khiến con người ta mang một nỗi tổn thương, một vết cứa và khiến họ day dứt trong suốt những năm tháng về sau.

Hãy biến lời nói thành những hạt giống, gieo vào lòng người nghe những thanh âm ngọt ngào để thế giới này tốt đẹp, nhân từ và vị tha hơn. Và nếu có thể, hãy nói thật! Bởi sự thành thật luôn được đánh giá cao, chứng tỏ được sự trưởng thành và trách nhiệm đối với chính lương tâm của mình.

(Theo https://ngoisao.vnexpress.net/suc-manh-cua-loi-noi-2617852.html)

a. Tác giả văn bản 2 lời nói có một sức mạnh khôn lường thế nào?

b. Tìm và ghi lại 01 phép liên kết hình thức được sử dụng trong đoạn cuối văn bản 2.

c. Xác định 01 điểm chung và 01 điểm riêng về nội dung của hai văn bản trên.

d. Tìm một ví dụ trong thực tế cho thấy tác hại của bạo lực ngôn từ với con người. (Trả lời khoảng 4-6 dòng)

Câu 2. Bạo lực ngôn từ là một thực trạng nan giải ở Việt Nam cũng như nhiều quốc gia trên thế giới. Đặc biệt, trong thời đại các mạng xã hội phát triển như hiện nay, vấn đề này trên mạng xã hội ngày càng nguy hiểm và gây ra nhiều hệ lụy xấu cho xã hội.

Hãy viết bài văn (khoảng 500 chữ) trình bày suy nghĩ của em về hiện tượng trên.

Câu 3.  Học sinh được chọn 1 trong 2 đề sau:

Đề 1.

Hãy chọn phân tích một đoạn thơ hay một tình huống truyện giúp em cảm nhận được tác động của lời nói đối với hành trình sống của con người. Trình bày những tác động của đoạn thơ hay tình huống truyện đó đối với bản thân em.

Đề 2.

Tình huống: Một hiện tượng dễ thấy hiện nay là thế hệ trẻ ngày nay dần trở nên thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm với người thân, gia đình và cộng đồng.

Nhiệm vụ: Em hãy chọn giới thiệu một tác phẩm văn học để giúp các bạn trẻ hiểu được ý nghĩa, giá trị của lối sống yêu thương và trách nhiệm và viết bài văn nghị luận lí giải sự lựa chọn của em.