Thứ Ba, 23 tháng 5, 2023

Tác động của lời nói đối với hành trình sống qua đoạn thơ Người đồng mình thương lắm... Không lo cược nhọc

 

Đề. Hãy chọn phân tích một đoạn thơ hay một tình huống truyện giúp em cảm nhận được tác động của lời nói đối với hành trình sống của con người. Trình bày những tác động của đoạn thơ hay tình huống truyện đó đối với bản thân em.

Bài làm

Tần tảo sớm hôm mẹ nuôi con lớn

Mang cả tấm thân gầy cha che chở đời con

Quả thật đúng như vậy, cha mẹ người sinh thành nuôi dạy ta trưởng thành, làm sao có thể đong đếm nổi công ơn. Nếu như mẹ là chỗ dựa tinh thần vững chắc thì cha lại là người định hướng, đưa ra cho con những lời khuyên hữu ích trên con đường đời đầy chông gai, bão tố. Có rất nhiều bài thơ, bài văn đã thể hiện vấn đề đó và ta không thể không nhắc đến bài thơ Nói với con của Y Phương. Chúng ta bắt gặp trong bài thơ Nói với con của tác giả Y Phương những lời tâm tình thiết tha, những lời dặn dò ân cần của người cha đối với con. Bài thơ giúp ta hiểu thêm về sức sống và vẻ đẹp tâm hồn của người dân tộc miền núi, gợi nhắc tình cảm gắn bó với truyền thống, với quê hương và ý chí vươn lên trong cuộc sống. Lời tâm tình của người cha đối với đứa con mộc mạc mà để lại nhiều tác động sâu sắc:

Người đồng mình thương lắm con ơi!

Cao đo nỗi buồn

Xa nuôi chí lớn.

Dẫu làm sao thì cha vẫn muốn.

Sống trên đá không chê đá gập ghềnh

Sống trên thung không chê thung nghèo đói

Sống như sông như núi

Lên thác xuống ghềnh

Không lo cực nhọc…

Ai đã đọc qua bài thơ “Nói với con” của Y Phương hẳn sẽ xuất hiện không ít cảm xúc, nỗi xúc động về tình cảm gia đình cũng như tình quê hương thắm thiết. Nổi bật trên nền cảnh núi rừng Tây Bắc là vẻ đẹp đời sống và phẩm chất của “người đồng mình” cần cù nhẫn nại, gắn kết muôn đời với quê hương, với cội rễ sinh thành khiến ta thêm trân trọng và mến yêu. Bài thơ có 28 câu, chia theo bố cục ba phần, trải dài qua đó là lời nói ân tình của người cha đối với con về đạo làm người, về lẽ sống vượt lên mọi nghịch cảnh bằng niềm tin về văn hóa truyền thống của dân tộc.  Người cha trong bài thơ nói với con về niềm hạnh phúc của cuộc đời con khi được lớn lên trong tình yêu thương của cha mẹ, nơi có cả tình nghĩa xóm làng. Con lớn lên trong cuộc sống lao động vui tươi nghĩa tình. Con mang trong mình dòng máu “người đồng mình” giàu ý chí, tâm hồn luôn tự hào về sức mạnh sinh tồn và vẻ đẹp văn hóa truyền thống tốt đẹp của quê hương.

Nhỏ nhẹ, thủ thỉ, lời tâm sự, dặn dò con trẻ lúc ban sơ, người cha đã thể hiện niềm tự hào lớn lao về nguồn cội quê hương và mong muốn con sau này phải trân trọng, gìn giữ lấy những giá trị cao đẹp mà người đồng mình đã muôn đời gìn giữ.

Trong cái ngọt ngào của kỉ niệm về gia đình và quê hương, người cha đã tha thiết nói với con về những phẩm chất tốt đẹp của người đồng mình. Người đồng mình biết lo toan và giàu mơ ước (Giàu ý chí, nghị lực):

Người đồng mình thương lắm con ơi!

Cao đo nỗi buồn

Xa nuôi chí lớn.

Mở đầu đoạn thơ thứ hai nhà thơ lại lặp lại câu thơ “Người đồng mình thương lắm con ơi” (khác với câu thơ trong đoạn trước một chữ “yêu” bằng “thương”). Nếu trên kia “yêu lắm con ơi”– yêu cuộc sống vui tươi bình dị, yêu bản làng thơ mộng, yêu những tấm lòng chân thật nghĩa tình, thì đến đây người cha nói “thương lắm con ơi”– bởi sau từ “thương” đó là những  những nỗi vất vả, gian khó của con người quê hương. Nghệ thuật điệp ngữ đã nhấn mạnh được cảm xúc đang trào dâng trong tâm trạng nhà thơ trước bao nỗi niềm thiêng liêng, da diết của quê hương. Tiếng lòng nhà thơ như đang thổn thức với nhưng cơn “nấc” yêu lắm, thương lắm trước cái “đẹp” và cái “khó” của quê hương. Nhà thơ tiếp tục “Nói với con” về những cái “đẹp” của người “đồng mình”. Cái “đẹp” đó là nghị lực và ý chí của con người quê hương: “Cao đo nỗi buồn/ Xa nuôi chí lớn”. Nhà thơ đã dùng cái cao của trời và cái xa của đất làm thước đo nỗi buồn và ý chí vươn lên. Nét đặc sắc ở đây là tác giả đã dùng những cái vô cùng của thiên nhiên để thể hiện tầm kích chí hướng của con người. Sắp xếp tính từ “cao”, “xa” trong sự tăng tiến, nhà thơ cho thấy khó khăn, thử thách càng lớn thì ý chí con người càng mạnh mẽ cũng như để nhấn mạnh cuộc sống tự nhiên, mạnh mẽ đầy khoáng đạt của những người đồng mình. Họ là những con người hăng say lao động bằng cả tấm lòng. Dù có khó khăn chồng chất, dù có nghèo đói nhưng người đồng mình vẫn luôn sống ngẩng cao đầu, vẫn luôn kiên định về vững chí. Câu thơ cô đúc, đăng đối, chắc nịch như câu tục ngữ đã diễn tả một cách mạnh mẽ, dứt khoát một thái độ, một phương châm ứng xử rất đẹp của con người xứ núi: dẫu gian khó nhưng con người nơi đây không vì thế mà dời bỏ quê hương, ngược lại họ tìm mọi cách để thích nghi với cái khó, cải biến cái khó như cây rừng đã từng sinh sôi phát triển trên núi đá, xanh tốt trong thung, trong khe. Nói với con trong những bước chập chững vào đời, người cha mong con hiểu và rèn cho mình ý chí, nghị lực sống và phẩm chất như “người đồng mình” từng trải qua.

Với cách nói có chút cường điệu, người cha muốn con phải biết yêu thương và tự hào về quê hương dù nó không to nhất, không đẹp nhất:

Dẫu làm sao thì cha vẫn muốn.

Sống trên đá không chê đá gập ghềnh

Sống trên thung không chê thung nghèo đói

Sống như sông như núi

Lên thác xuống ghềnh

Không lo cực nhọc…

Tình cảm và ước muốn của người cha mạnh mẽ và kiên quyết:

Dẫu làm sao thì cha vẫn muốn

Lời khuyên chân tình, nghe có chút miễn cưỡng nhưng lại ẩn chứa niềm mong mỏi thiết tha. Lời thơ chứa đựng trong đó niềm mong mỏi và hi vọng đến cháy bỏng của người cha đối với con. Bởi người cha biết rằng, trong cuộc sống mới, khi mà vật chất chiếm giữ vai trò chủ đạo, thì việc gìn giữ và phát triển các giá trị của quê hương là một nhiệm vụ rất khó khăn.Từ hình ảnh “người đồng mình”, người cha mong muốn ở con những điều thật giản dị mà lớn lao đầy nghị lực:

Sống trên đá không chê đá ghập ghềnh

Sống trong thung không chê thung nghèo đói

Nếu như hội họa, người họa sỹ dùng đường nét để sáng tạo, âm nhạc, người nghệ sĩ dùng âm thanh để tạo nên tác phẩm hay trong điêu khắc dùng hình khối để sáng tác thì văn chương dùng ngôn từ làm chất liệu. Nhà thơ đã chọn lọc, sử dụng điệp từ “sống” cùng phép liệt kê “đá, thung” đã khắc họa một bức tranh làng bản núi đồi thật đẹp.Với những hình ảnh cụ thể của rừng núi quê hương: đá gập ghềnh, thung nghèo đói, nhà thơ gợi lại cuộc sống vất vả đầy gian nan, thách thức giữa hoang sơ đại ngàn. Trên đá cằn khô ấy, trong thung cằn cỗi ấy, họ vẫn tìm thấy sự tươi đẹp của cuộc đời. Cụm từ phủ định nhưng mang ý khẳng định “không chê” được tác giả nhấn mạnh vấn đề một điều tiên quyết, con không bao giờ được phép quên đi những khó khăn, vất vả của quê nhà mình, con hãy nhớ và không ngừng nghỉ vươn lên. Những “người đồng mình” mạnh mẽ, bền bỉ, gắn bó với quê hương dẫu còn nhọc nhằn, nghèo đói. Sự chấp nhận cuộc sống một cách tự nguyện, không kêu ca là đức tính cao quý của người miền núi nói riêng và người Việt Nam nói chung. Vì vậy, người cha mong muốn con mình phải có nghĩa tình thủy chung với quê hương, biết chấp nhận, vượt qua gian nan, thử thách bằng ý chí, nghị lực của bản thân.

Dù cuộc sống có khó khăn, dù quê hương mình nghèo đói nhưng người cha vẫn muốn truyền vào đứa con nghị lực để hình thành trong nó những tình cảm hết sức tốt lành:

Sống như sông như suối

Lên thác xuống ghềnh

Không lo cực nhọc.

Phép so sánh “Sống như sông như suối” gợi vẻ đẹp tâm hồn và ý chí của người đồng mình. Gian khó là thế, họ vẫn tràn đầy sinh lực, tâm hồn lãng mạn, khoáng đạt như hình ảnh đại ngàn của sông núi. Tình cảm của họ trong trẻo, dạt dào như dòng suối, con sống trước niềm tin yêu cuộc sống, tin yêu con người. Y Phương gợi ý một cách sống và làm việc cho con mình đó đây chính là hãy sống như tự nhiên, hãy biết mềm dẻo, linh hoạt như con suối của bản làng để vượt qua những khó khăn trên đường đời. Đời người giống như một dòng sông chảy từ núi xuống biển cả. Dòng sông ấy có đoạn gầm gào thác đổ, có đoạn sôi sục lũ rừng nhưng rồi cũng đến cái êm ả của đồng bằng và cuối cùng là vẻ mênh mông của biển cả. Đó chính là quy luật của tự nhiên. Con người hãy như dòng sông, biết chấp nhận tất cả thác ghềnh đó: “Sống như sông như suối”. Nhưng khi băng qua những thác ghềnh đó, con người phải học lấy những bài học trong đó. Được vậy thì mọi khó khăn, gian nguy cũng không làm ta nản chí

Vượt lên trên tất cả những khó khăn, gian khổ của quê hương, là sự hình thành trong con người đứa con nghị lực biết vượt lên hoàn cảnh để trụ vững, để đối mặt với những gian nan phía trước. Thành ngữ “lên thác xuống ghềnh” được tác giả sử dụng ở đây khá đặc sắc, nó tạo âm hưởng thơ thêm trúc trắc, giàu sức gợi. Nhịp thơ tuôn chảy mạnh mẽ gợi lên sức sống bền bỉ, mãnh liệt của con người trước vất vả, cực nhọc của cuộc đời. Nhà thơ biết rằng, con cũng như tất cả mọi người đều phải sở hữu những ước mơ, hoài bão như sông suối vì tất cả đều hướng ra phía nơi mênh mông của biển khơi để thấy cuộc đời rộng lớn và có nhiều điều cần phải học hỏi hơn.Bởi bên cạnh đứa trẻ, những người “đồng mình” là nhân chứng sống để con học tập và tự tu rèn bản thân mình. Dù có đi bất kỳ phương trời nào thì quê hương vẫn luôn là điểm tựa và niềm tin để con nhớ về và có thêm sức mạnh.

Con sẽ thế nào, tất cả do con quyết định. Bởi người cha biết rằng, trong cuộc sống mới, khi mà đời sống vật chất được đề cao hơn bao giờ hết, thì việc giữ gìn và phát triển đạo lí, tình người là một nhiệm vụ hết sức khó khăn. Đọc lên câu thơ mong muốn của cha, ta thấy nghẹn ngào, rưng rưng nước mắt trước tấm lòng của người cha.

Bài thơ “Nói với con” của nhà thơ Y Phương đã thành công một cách rực rỡ và khác biệt hơn bao giờ hết với thể thơ tự do kết hợp cùng lối tư duy khoáng đạt của người miền núi. Đặc biệt hơn là giọng điệu thơ luôn luôn linh hoạt, lúc thì thiết tha, trìu mến khi thì trang nghiêm, mạnh mẽ. Hình ảnh thơ vừa cụ thể vừa khái quát, mộc mạc, giàu chất thơ cũng như thành công sử dụng các biện pháp tu từ so sánh và điệp ngữ. Bài thơ giúp ta hiểu thêm về sức sống và vẻ đẹp tâm hồn của một dân tộc miền núi, gợi lên được ý chí vươn lên trong cuộc sống đầy mạnh mẽ, đồng thời còn cho thấy một tình cảm thiêng liêng mà người cha dành cho con. Tình cảm lúc nào cũng đong đầy, lúc nào cũng muốn dành cho con những điều tốt đẹp nhất. Tình cảm đó thật đáng quý và đáng trân trọng.

Những lời cha viết nên trên trang thơ mong con hãy luôn gắn bó với truyền thống, dân tộc mình, mong con vươn lên bất chấp khó khăn, gian khổ, là những lời tâm tình thủ thỉ với con như một người bạn lớn. Nó tựa như một khúc ca nhẹ nhàng mà âm vang. Lời thơ tâm tình của người cha sẽ là hành trang đi theo con suốt đời và có lẽ mãi mãi là bài học bổ ích cho các bạn trẻ  chúng em – bài học về niềm tin, nghị lực, ý chí vươn lên. Em hiểu rằng hành trang mỗi người con mang theo khi vào đời, “lên đường”  không có gì khác ngoài niềm tự hào về quê hương, nguồn cội cùng với ý chí, quyết tâm và hi vọng lớn lao về một ngày mai tươi sáng. Lời cha tha thiết, thủ thỉ, tâm tình, dặn dò ẩn chứa bao nỗi niềm và lắng đọng, kết tinh mọi cảm xúc, tình yêu thương vô bờ bến của cha dành cho con  Những lời cha mẹ dạy bảo nhắc nhở, phải được mỗi ngừơi con “khắc cốt ghi tâm”. Cuộc sống luôn có những vất vả, gian lao nhưng mỗi người con Việt Nam phải luôn phải biết tự hào, yêu thương, tôn trọng và gìn giữ truyền thống quê hương cũng là lời nhắc nhở chúng ta phải sống có trách nhiệm với quê hương, đất nước. Những lời khuyên dạy bảo giá trị từ người yêu thương, quan tâm, giúp đỡ mình trong hoàn cảnh nghịch cảnh, chênh vênh, mặc cảm, tự ti, dễ buông xuôi và chấp nhận thất bại sẽ giúp ta nhận ra những bài học quý giá và thay đổi tích cực.

Đoạn thơ của Y Phương đã giúp em nhận thức rõ được rằng không có thành công nào tự nhiên sẵn có, cũng như “Không có con đường nào trải đầy hoa hồng…”. Tất cả đều phải bắt đầu từ vạch xuất phát với: kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm,… nhỏ nhất. Bước chân ra cuộc đời với đầy bỡ ngỡ, dễ mắc sai lầm, thất bại, dễ rơi vào bế tắc, tuyệt vọng. Lúc này, những lời khuyên bảo, góp ý, sẻ chia chân tình của cha mẹ của những người đi trước sẽ là kim chỉ nam giúp em tỉnh táo, sáng suốt, thay đổi bản thân và đi đúng đường. Em sẽ không ngừng nỗ lực cố gắng để hoàn thiện mình. Học và làm theo những lời khuyên hữu ích mang tính chỉ dẫn, khích lệ, cổ vũ  của cha mẹ thầy cô để em có thêm động lực làm mới mình, từ đó hướng tới sự trọn vẹn, đầy đủ và tốt đẹp.

Bài thơ “Nói với con” là lời tâm tình của người cha với mong muốn, nhắn nhủ và đặt niềm tin con sẽ kế tục xứng đáng truyền thống người đồng mình. Con hãy vững vàng bước đi trên đường đời dài rộng bằng chí khí, niềm tin mà quê hương đã trao gửi. Đồng thời gợi nhắc đến tình cảm gắn bó với truyền thống, quê hương của người dân Việt Nam, dạy con không bao giờ quên đạo lý cao cả “uống nước nhớ nguồn”. Bài thơ chính là một đóa hoa thơm góp vào mảng đề tài quê hương, đất nước. Cho ta thêm yêu thêm nhớ quê nhà thân thuộc của mình:

Quê hương ơi! Xa rồi nhớ thành thơ

Tiếng mẹ đẻ, gặp nhau mừng khôn xiết

Ai cũng vậy xa lâu rồi mới biết

Những ngôn từ không đủ viết…quê hương!