Thứ Bảy, 13 tháng 5, 2023

ĐỀ LUYỆN TẬP TUYỂN SINH 10_2022-2023_CHỦ ĐỀ: Nước mắt

 

( Nước mắt hạnh phúc, Nước mắt tủi hờn,…)

Câu 1. Đọc 2 văn bản sau và thực hiện các yêu cầu:

Văn bản 1

Độ tuổi từ lớp Tám đến lớp Mười hai (14 đến 18 tuổi) là giai đoạn đặc biệt nhất đời người. Chúng ở cái tuổi “không lớn không nhỏ”, cái tuổi muốn thể hiện mình nhiều nhất; cái tuổi bồng bột, dễ bị cuốn vào làn sóng bạn bè và dễ phạm sai lầm nhất - những sai lầm có khi vĩnh viễn là vết thương cho mình và người khác.

Giáo viên tốt phải luôn quan sát, tìm hiểu, khẽ khàng, kiên nhẫn, yêu thương cùng lúc hàng chục con người với hoàn cảnh khác nhau, tính cách khác nhau, vấn đề khác nhau… từng phút từng ngày. Để “biết” một người thân trong gia đình có ổn hay không, chúng ta còn cảm thấy khó khăn huống chi trong cái tuổi ấy và số lượng 40, 50 học sinh, để cô giáo có thể “biết” học sinh mình ổn hay không nào phải việc dễ dàng. Nếu chỉ dựa vào sự tự nguyện, vào lương tâm người thầy vì thương học sinh mà làm, thì được mấy?

Chưa kể, giáo viên cũng là con người, không phải ai cũng có thể dễ dàng bắt kịp cảm xúc, vấn đề của người khác bởi khả năng nhìn nhận và giải quyết vấn đề từng người khác nhau. Vậy nên, có thể trách giáo viên nhưng trong bức tranh giáo dục của ta hiện nay mà đổ hết cho giáo viên lỗi không nắm bắt tâm tư các em, tôi e là quá nặng. Thầy cô thực sự không làm nổi.

Mấy ai từng thấy giáo viên bất lực rơi nước mắt? Mấy ai từng thấy các thầy cô nhỏ nhoi, cô đơn trước những phụ huynh hay học sinh không hiểu chuyện?

(Theo https://www.phunuonline.com.vn/se-bot-nhung-giot-nuoc-mat-dau-long-a1490495.html)

Văn bản 2

LỆ

nước mắt của ong là mật

nước mắt của hoa là hương

nước mắt của chim là những

tiếng ca thoáng tưởng du dương

 

nước mắt của sông là những

gợn sóng dường như bình yên

nước mắt của mây là những

giọt mưa ngỡ vợi ưu phiền

 

nước mắt thiên nhiên là những

dịu êm khiến ta mỉm cười

liệu nước mắt ta rớt xuống

có làm một đóa hoa tươi?

(Trích Hở, Nguyễn Thế Hoàng Linh, NXB Hội nhà văn, 2011)

a. Tác giả văn bản 2 đã đã đề cập đến nước mắt của những đối tượng nào?

b. Tìm và ghi lại các thành phần phụ chú được sử dụng trong đoạn đầu văn bản 1.

c. Xác định 01 điểm chung và 01 điểm riêng về nội dung của hai văn bản trên.

d. Hình ảnh nước mắt trong 2 văn bản gợi em nghĩ đến điều gì? Vì sao? (Trả lời khoảng 4-6 dòng)

Câu 2. Trong những dòng cuối bài thơ Lệ, tác giả nhắc nhở ta phải biết trân quý những nỗi đau, nghịch cảnh, vượt lên nó mà khẳng định giá trị sống và sống có ý nghĩa, tận hiến như một đóa hoa tươi thơm ngát giữa đời thường.

Em hãy viết một bài văn ngắn (khoảng 500 chữ) trả lời câu hỏi: Liệu nước mắt ta rớt xuống có làm một đóa hoa tươi?

Câu 3.  Học sinh được chọn 1 trong 2 đề sau:

Đề 1.

Hãy chọn phân tích một đoạn thơ hay một tình huống truyện giúp em cảm nhận được ý nghĩa của giọt nước mắt. Trình bày những tác động của đoạn thơ hay tình huống truyện đó đối với bản thân em.

Đề 2.

Tình huống: Có bao giờ em không cho phép mình khóc? Có bao giờ em không để cho người khác nhìn thấy mình khóc chỉ vì cho rằng khóc là chứng tỏ mình yếu đuối bất lực, và khóc thì chẳng làm được gì hay thay đổi được gì cả?

Nhiệm vụ: Hãy chọn giới thiệu một tác phẩm văn học để giúp mình nhận ra được cảm xúc và vơi đi những giọt nước mắt và viết bài văn nghị luận lý giải cho sự lựa chọn của em.