Thứ Ba, 30 tháng 5, 2023

Cảm nhận trách nhiệm giới trẻ với quê hương đất nước qua nhân vật Phương Định của truyện ngắn “Những ngôi sao xa xôi”

 

Đề. Hãy chọn phân tích một đoạn thơ hay một nhân vật truyện giúp em cảm nhận được trách nhiệm giới trẻ với quê hương đất nước. Trình bày những tác động của đoạn thơ hay nhân vật đó đối với bản thân em.

Bài làm

Cách nhìn và thể hiện con người thiên về tốt đẹp, trong sáng là phương hướng chủ đạo và thống nhất là phương hướng chủ đạo và thống nhất của văn học Việt Nam thời kì kháng chiến. Lê Minh Khuê – nhà văn nữ chuyên viết truyện ngắn trong thời kì này – cũng không nằm ngoài phương hướng chung ấy. Điển hình là truyện ngắn “Những ngôi sao xa xôi” viết về những cô gái thanh niên xung phong trên tuyến đường Trường Sơn. Truyện xoáy sâu vào nhân vật Phương Định với lòng dũng cảm, tinh thần trách nhiệm, sự hồn nhiên, mơ mộng và tình đồng đội gắn bó. Tình huống Phương Định trong một lần phá bom đã thể hiện lòng dũng cảm, tinh thần trách nhiệm của một người trẻ với quê hương đất nước.

Có những bài ca không bao giờ quên, cũng có những năm tháng chiến tranh không phai mờ trong tâm trí mỗi người. Văn học với sứ mệnh thiêng liêng, cao cả của nó, đã phản ánh thời kỳ chiến tranh với những hình tượng đẹp. “Những ngôi sao xa xôi” là một trong số đó. Những ngôi sao xa xôi viết năm 1971 của nhà văn Lê Minh Khuê. Truyện đề cập tới cuộc sống và làm việc của ba cô gái thanh niên xung phong nơi chiến trường. Phá bom là công việc thường ngày của các cô.

Phương Định là nhân vật chính và là người kể chuyện góp phần bộc lộ chủ đề tư tưởng của tác phẩm. Cô là một cô gái Hà Nội tuổi mười tám đôi mươi xinh tươi, mềm mại, tâm hồn đầy mộng mơ, trong sáng rời ghế nhà trường đi vào Trường Sơn theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc,mang trong mình lý tưởng sống cao đẹp của thế hệ trẻ Việt Nam thời đại đánh Mỹ anh hùng. Cô cùng đồng đội ở trên một cao điểm, trọng điểm ác liệt của tuyến đường Trường Sơn. Công việc của cô vô cùng nguy hiểm: “khi có bom nổ thì chạy lên đo khối lượng đất lấp vào hố bom, đếm bom chưa nổ và nếu cần thì phá bom”. Thế nhưng vật qua không khí nguy hiểm cô vẫn ngời sáng bao vẻ đẹp tâm hồn, ý chí. Lê Minh Khuê đã xây dựng một tình huống truyện vô cùng căng thẳng, kịch tính: tình huống phá bom để thể hiện vẻ đẹp của Phương Định. Tác giả đã miêu tả tâm lý nhân vật Phương định phá bom rất chân thực.

Qua ngòi bút miêu tả tâm lí vô cùng cụ thể, tinh tế đến từng cảm giác, ý nghĩ vẻ đẹp con người hiện ra. Khi thực hiện nhiệm vụ phá bom, ban đầu cô cũng thấy căng thẳng, hồi hộp. Phương Định đến gần quả bom “Vắng lặng đến phát sợ, cây còn lại xơ xác. Đất nóng, khối đen vật vờ từng cụm trong không trung, che đi những gì từ xa”. Đây không phải là sự vắng lặng bình yên mà là sự vắng lặng bất thường thật khủng khiếp báo trước sự thịnh nộ, khốc liệt của chiến tranh. Lê Minh Khuê sử dụng câu văn ngắn liệt kê để diễn tả không khí chiến tranh ác liệt, sợ hãi. Không gian xơ xác hoang tàn, mọi thứ bị hủy diệt đến không còn dấu hiệu của sự sống. Không cần tô vẽ, tự bản thân khung cảnh ấy, với những hình ảnh của hung thần chiến tranh đã đủ gây ấn tượng về chiến trường ác liệt, nơi hằng ngày Phương Định cùng với những người đồng đội của mình phải sống và chiến đấu, làm nhiệm vụ. Chính không gian này đã góp phần làm nổi bật vẻ đẹp Phương Định.

Nhưng cảm thấy có ánh mắt của các chiến sĩ đang dõi theo động viên, khích lệ, lòng tự trọng trong cô đã thắng cả bom đạn. “Tôi đến gần quả bom . Cảm thấy ánh mắt các chiến sĩ dõi theo mình, tôi không sợ nữa. Tôi sẽ không đi khom. Các anh ấy không thích cái kiểu đi khom khi có thể cứ đàng hoàng mà bước tới”. Lòng tự trọng đã khiến cô trở nên dũng cảm nơi chiến trường. Cô không đi khom nữa mà đàng hoàng bước tới. Cô bình tĩnh, tự tin thực hiện từng thao tác phá bom, chạy đua với thời gian để vượt qua cái chết. Khai thác chi tiết này, nhà văn muốn ca ngợi tư thế tuyệt đẹp của con người Việt Nam khi ra trận: một cô gái mảnh dẻ, nhỏ bé nhưng không hề run sợ trước bom đạn của kẻ thù.

Khi đối diện với cái chết, Phương Định đã tỏ ra bình tĩnh đến đáng sợ. Điều ấy cô cũng hoàn toàn bất ngờ. Trước khi tiếp cận quả bom, cô lo lắng hết sức, vừa sợ vừa lo sơ xuất. Nhưng khi đã tiếp cận nó rồi, trong đầu cô chỉ còn biết là làm cho thật nhanh. Lúc này cô lại thấy hào hứng khi mình đang chạy đua với thần chết, thách thức thần chết. Khi Phương Định đến gần quả bom. Cô bắt tay vào làm công việc của mình. Công việc mà ba năm nay mỗi ngày từ năm đến ba lần cô đều phải làm: Phá bom. Công việc này quả thực rất nguy hiểm, cận kể tới cái chết. Định bỏ thuốc nổ bên cạnh quả bom. “Thỉnh thoảng lưỡi xẻng chạm vào mỏ quả bom, một tiếng động sắc đến gai người cứa vào da thịt tôi. Tôi rùng mình và thấy tại sao mình làm quá chậm. Nhanh lên một tý! Bỏ quả bom nóng một dấy hiêu chẳng lành”. Không khí giờ đây thật căng thẳng nhưng cô từng nói “Thần chết là một tay không thích đùa. Hắn lần trong ruột những quả bom”. Nguy hiểm lắm, căng thẳng lắm, vậy mà cô vẫn bình tĩnh, thao tác cẩn trọng, tỉ mỉ, thành thạo. Lời văn như dao nhọn, sắc lạnh đến rợn người, khiến người đọc như cảm giác đang trực tiếp trải nghiệm tham gia công việc phá bom cùng với nhân vật vậy! Rồi trong giờ phút đó người ta cũng dõi theo từng cử chỉ của nhân vật. Tiếp đó là những giây phút chuẩn bị kích nổ trái bom: "Tôi cẩn thận bỏ gói thuốc mìn xuống cái hố đã đào, châm ngòi. Dây mìn dài, cong, mềm. Tôi khỏa đất rồi chạy lại chỗ ẩn nấp của mình...". Phương Định cũng có nghĩ đến cái chết nhưng là cái chết mờ nhạt. Các cô gái thanh niên xung phong lạc quan làm việc, cống hiến cho tổ quốc. Cuối cùng mọi chuyện diễn ra khá tốt đẹp. Qủa là một cuộc chiến đấu không cân sức, nguy hiểm đầy ngoạn mục nhưng cô gái đã mạnh mẽ vượt qua. Đến đây, người đọc càng cảm nhận thấy sự tàn ác khốc liệt của chiến tranh bao nhiêu thì lại càng cảm phục tinh thần trách nhiệm trong công việc, lòng quả cảm vô song, sẵn sàng hi sinh vì tổ quốc, vì hòa bình của những cô gái thanh niên xung phong phá bom mở đường đến bấy nhiêu. Qua đó, chúng ta mới thấy hết được ý thức, trách nhiệm công dân cao độ của những con người anh hùng sả thân vì kháng chiến, cách mạng:

    "Chúng tôi đã đi không tiếc đời mình

    (Những tuổi hai mươi làm sao không tiếc)

    Nhưng ai cũng tiếc tuổi hai mươi thì còn chi tổ quốc."

Với “Những ngôi sao xa xôi” nữ nhà văn Lê Minh Khuê đã thành công ở nhiều phương diện không chỉ ở nội dung mà còn ở nghệ thuật. Bằng sự thăng hoa giữa tài năng và cảm hứng, ngòi bút hiện thực của người nghệ sĩ đã viết lên những câu văn ca ngợi hình tượng những nữ thanh niên xung phong mà tiêu biểu là trích đoạn khi Phương Định phá bom đã thể hiện được phẩm chất chung của họ. Câu văn ngắn ngọn, câu rút gọn đặc biệt được sử dụng tài tình. Đặc biệt là nghệ thuật miêu tả tâm lý nhân vật đặc sắc. Giọng văn linh hoạt, ngôi kể thứ nhất thuận lợi việc bộc lộ cảm xúc. Lê Minh Khuê viết ít về những đau thương mất mát với tác dụng động viên, quả thực tác giải góp vào đề tài một tác phẩm hay.

Chiến tranh đã qua đi nhưng vẫn còn đó một con đường Trường Sơn sừng sững, thấp thoáng bức chân dung chân thực về những thanh niên xung phong thời chống Mỹ. Hình ảnh của họ, đặc biệt là hình ảnh nhân vật Phương Định với lòng dũng cảm và tinh thần trách nhiệm trong công việc mãi mãi là niềm tự hào vô bờ của thế hệ trẻ hôm nay, nhắc em hãy sống sao cho xứng đáng nhất với thế hệ đi trước. Quê hương - hai tiếng thân thương mỗi lần nghe thấy chúng ta không khỏi xúc động bồi hồi. Bất cứ thời đại nào, mỗi con người chúng ta nhất là thế hệ thanh niên chúng em luôn phải ý thức vai trò trách nhiệm của mình đối với đất nước. Em nhận thức sâu sắc những đau thương, gian khổ, hy sinh mà thế hệ anh hùng cha ông trong thời kì kháng chiến phải chịu đựng. Họ không tiếc thân mình, sẵn sàng ra đi theo tiếng gọi tổ quốc, tinh thần trách nhiệm với quê hương. Em thật sự tự hào và khâm phục những con người vượt lên đau thương mất mát của chiến tranh vẫn sáng ngời vẻ đẹp tâm hồn rất tươi xanh của tuổi trẻ giàu nhiệt huyết, yêu cuộc đời. Qua nhân vật Phương Định, em hiểu hơn và cảm ơn sâu sắc thế hệ trẻ Việt Nam trong những năm tháng hào hùng ấy. Đó là những những con người vĩ đại với phẩm chất anh hùng, bất khuất, kiên trung, sẵn sàng chiến đấu hi sinh vì sự nghiệp giải phóng, thống nhất nước nhà, cống hiến thầm lặng cho quê hương đất nước.

Quê hương nếu ai không nhớ / Sẽ không lớn nổi thành người.” (Đỗ Trung Quân). Ai lãng quên quê hương là đã tự đánh mất đi nguồn cội và quá khứ của mình. Việc đó cũng chẳng khác đánh mất linh hồn, sống vong ân bội nghĩa, cuộc sóng cũng chẳng còn ý nghĩa gì nữa. Vì vậy mỗi người trẻ chúng em phải trách nhiệm góp phần phát triển đất nước theo kịp thời đại, hội nhập với xu thế phát triển chung của quốc tế. Em phải học tập và rèn luyện bản thân để có kiến thức, kỹ năng và đạo đức tốt, không ngừng vươn lên trong học tập và trong cuộc sống để làm rạng danh gia đình, dòng họ, mái trường. Sáng tạo và đổi mới trong công việc, trong học tập, trong cuộc sống,, không ngại thử thách và khó khăn phát triển bản thân và đóng góp cho sự phát triển của đất nước. Em sẽ tích cực tham gia vào các hoạt động xã hội, công ích, tình nguyện, góp phần giải quyết những khó khăn, vấn đề của cộng đồng và xã hội, biết chia sẻ, giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn hơn mình. Cố gắng giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa, lịch sử, truyền thống của dân tộc, tôn trọng và bảo vệ những di sản văn hóa, thiên nhiên của quê hương, làm đẹp quê hương trong cách ứng xử văn minh lịch sự trong cuộc sống hàng ngày. Biết lên tiếng trước những hành vi, suy nghĩ chưa tích cực về quê hương: chê quê hương nghèo khó, lạc hậu, làm thay đổi dáng vẻ quê hương…

Qua dòng chảy tâm trạng của nhân vật Phương Định, người đọc không chỉ thấy sự toả sáng của phẩm chất anh hùng mà còn hình dung được thế giới nội tâm phong phú ở cô. Lê Minh Khuê đã có cái nhìn thật đẹp, thật lãng mạn về cuộc sống chiến tranh, về con người trong chiến tranh. Chiến tranh là đau thương mất mát song chiến tranh không thể hủy diệt được vẻ đẹp tâm hồn rất tươi xanh của tuổi trẻ, của con người. Chính từ những nơi gian lao, quyết liệt ta lại thấy ngời sáng vẻ đẹp của tuổi trẻ, của chủ nghĩa anh hùng Cách mạng Việt Nam. Gấp lại trang truyện Lê Minh Khuê cũng như trích đoạn hình ảnh Phương Định phá bom đã neo đậu trong tim ta ấn tượng đẹp. Từ đó, học sinh chúng ta có ý thức trách nhiệm với tổ quốc hơn như trong câu hát: “Đừng hỏi tổ quốc đã làm gì cho ta. Mà phải hỏi ta đã làm gì cho cuộc sống hôm nay.”