Thứ Tư, 17 tháng 5, 2023

Phải chăng cố chứng minh là đúng khi sai lầm là đánh mất giá trị bản thân?

 


1. Mở bài: 

Sống như chính mình – một con người chân chính nhưng có nhiều người không nhận ra điều đó, họ luôn sống bằng sự dối trá, hạ thấp giá trị bản thân chỉ vì không dám đối diện với những sai lầm của bản thân. Phải chăng cố chứng minh là đúng khi đã sai lầm là đánh mất giá trị bản thân?

2. Thân bài: 

* Giải thích:

- Giá trị bản thân là những nội lực riêng biệt của mỗi người về tố chất, trí tuệ, năng lực, kĩ năng… để đem đến thành công trong việc học tập và làm việc. Là yếu tố cốt lõi tạo nên con người bạn, không lẫn với bất kì một ai, là những gì ta đã cống hiến vì cuộc sống chung của cộng đồng.

- Cố chứng minh là đúng khi đã sai lầm là luôn cho rằng mình là đúng, không chịu nghe lời khuyên hay chỉ trích của người khác, cố gắng bào chữa hoặc biện minh cho hành động sai trái của mình.

=> Sai lầm là một phần tất yếu của cuộc sống. Việc phủ nhận, chối bỏ hay che đậy lỗi lầm là một hành động vô cùng tai hại, klà hành động tự đánh mất giá trị bản thân, không có lợi cho sự phát triển cá nhân.

* Biểu hiện:

- Issac Newton, nhà bác học vĩ đại, cha đẻ của thuyết Vạn vật hấp dẫn, người thống trị bầu trời suốt hơn 300 năm, đã mắc sai lầm nghiêm trọng khi thử sức mình với công việc kinh doanh và đã mất một một khoản tiền lớn. Thomat Edison, người phát minh vĩ đại nhất mọi thời đại, đã trải qua hàng nghìn sai lầm mới có thể phát minh thành công bóng đèn điện. Steve Job trước khi thành công với chiếc IPhone huyền thoại cũng đã đi qua những sai lầm nghiêm trọng, đánh mất cả vị trí lãnh đạo và bị đánh bật ra khỏi công ty do chính ông thành lập… Họ đã sai lầm, nhưng không cố gắng chứng minh mình đã đúng. Họ dũng cảm nhìn nhận sai lầm, đúc kết bài học, tự kiểm soát bản thân, nhanh chóng bước qua sai lầm, hướng về phía trước.

* Phân tích:

- Việc cố chứng minh là đúng khi đã sai lầm sẽ khiến sự việc trở nên tồi tệ hơn. Hành vi  đó  không chỉ làm tổn thương người khác mà còn làm tổn thương chính bản thân ta và người khác sẽ xem thường và khinh bỉ, không tôn trọng, tin tưởng ta nữa. Những người xung quanh ta không ai mong muốn được sống với kẻ dối trá, hèn nhát.

- Việc cố chứng minh là đúng khi đã sai lầm làm cho mình không có cơ hội để học hỏi từ sai lầm, để phát triển và hoàn thiện bản thân. Một người luôn cho rằng mình là đúng sẽ không bao giờ tiến bộ được. Không có một thành công nào trở nên bền vững và có giá trị mà không đi qua những sai lầm. Dũng cảm nhìn nhận sai lầm, đúc kết bài học, tự kiểm soát bản thân, nhanh chóng bước qua sai lầm, hướng về phía trước. Chính vì điều đó, giá trị bản thân đã không hề suy giảm mà ngược lại càng được khẳng định và thêm bền vững.

- Giá trị bản thân của mỗi con người không nằm ở những gì ta sở hữu, không nằm ở lời nói mà nằm ở hành động. Sự dối trá, hèn nhát, nỗi sợ hãi, không dám chịu trách nhiệm với hành động, sai lầm là những kẻ thù làm hao tổn giá trị bản thân của mỗi con người. Nếu không vượt qua được những cạm bẫy ấy, chắc chắn, giá trị bản thân của con người sẽ không thể hình thành và khẳng định.

* Phê phán:

- Trong xã hội ngày nay  có nhiều người không dám nhận trách nhiệm, không muốn học hỏi từ sai lầm, cố tình chối bỏ lỗi lầm của mình hoặc đổ tội cho người khác. Thất bại trong cuộc sống, nhiều người đổ lỗi do hoàn cảnh khó khăn, nghèo khó mà quên mất rằng cũng nhiều người nhờ nỗ lực không ngừng mà làm giàu từ hai bàn tay trắng. Học sinh lười biếng, không chăm chỉ học tập đạt kết quả kém lại đổ lỗi cho chương trình sách giáo khoa nặng nề…

* Bài học:

- Sai lầm là điều không thể tránh khỏi trong cuộc sống. Hãy dũng cảm nhận lỗi, tích cực khắc phục sai lầm và biến nó thành cơ hội để học hỏi và trưởng thành hơn.

* Bài học bản thân:

- Nên biết khiêm tốn và thẳng thắn trong cuộc sống, khi mắc phải sai lầm, hãy dũng cảm thành thật thừa nhận sai lầm của bản thân và đừng cố gắng bào chữa hoặc đổ lỗi cho người khác.

- Tìm cách khắc phục, sửa chữa sai lầm bằng nỗ lực và kiên trì đến cùng.

- Khi sai lầm, hãy biết suy ngẫm rút kinh nghiệm và lắng nghe, học hỏi cải thiện kỹ năng và kiến thức của mình để tránh mắc phải các sai lầm tương tự trong tương lai.

3. Kết bài: 

Để tạo được giá trị cho bản thân, ta phải sống biết sống chân thật, luôn là chính mình trong mọi tình huống, không sợ sự phán xét của người khác. Thừ nhận và học hỏi từ sai lầm sẽ tạo động lực giúp ta không ngừng hoàn thiện hiểu biết, nhân cách, lối sống, tạo dựng giá trị vững chắc cho bản thân.