Đề. Hãy chọn phân tích một đoạn thơ hay một nhân vật truyện giúp em cảm nhận được Niềm tự hào với truyền thống quê hương để tự tin vững bước trên đường đi tới. Trình bày những tác động của đoạn thơ hay nhân vật đó đối với bản thân em.
Bài làm
Tình cảm gia
đình là là thứ tình cảm đặc biệt,thiêng liêng và bất diệt. Tình cảm gia đình từ
xưa đến nay, vẫn luôn như dòng sữa ấm áp nuôi nấng ta khôn lớn trưởng thành. Nó
là nguồn cảm hứng bất tận cho các nhà thơ nhà văn sáng tác ra những tác phẩm để
đời của mình. Cũng khai thác tiếp chủ đề gia đinh Y Phương - một nhà thơ dân tộc
miền núi, cho ra đời tác phẩm “Nói với con” đầy sâu sắc. Với giọng thơ tha thiết,
“Nói với con” viết về tình cảm cha con thắm thiết, hay rộng hơn cả đó chính là
tình cảm đối với quê hương dân tộc, với bản làng. Mượn lời của người cha nói với
con, tác giả kín đáo gửi vào đó những bài học đạo lí về lòng biết ơn cội nguồn
sinh dưỡng của mỗi con người, bộc lộ niềm tự hào, sức sống mạnh mẽ bền bỉ của
quê hương mình. Người cha muốn truyền cho con niềm tự hào với truyền thống quê
hương để tự tin vững bước trên đường đi tới qua đoạn thơ:
Người đồng
mình thô sơ da thịt
Chẳng mấy
ai nhỏ bé đâu con
Người đồng
mình tự đục đá kê cao quê hương
Còn quê
hương thì làm phong tục
Con ơi tuy
thô sơ da thịt
Lên đường
Không bao
giờ nhỏ bé được
Nghe con.
Ai đã đọc qua
bài thơ “Nói với con” của Y Phương hẳn sẽ xuất hiện không ít cảm xúc, nỗi xúc động
về tình cảm gia đình cũng như tình quê hương thắm thiết. Nổi bậc trên nền cảnh
núi rừng Tây Bắc là vẻ đẹp đời sống và phẩm chất của “người đồng mình” cần cù
nhẫn nại, gắn kết muôn đời với quê hương, với cội rễ sinh thành khiến ta thêm
trân trọng và mến yêu. Người cha trong bài thơ nói với con về niềm hạnh phúc của
cuộc đời con khi được lớn lên trong tình yêu thương của cha mẹ, nơi có cả tình
nghĩa xóm làng. Con lớn lên trong cuộc sống lao động vui tươi nghĩa tình. Con
mang trong mình dòng máu “người đồng mình” giàu ý chí, tâm hồn luôn tự hào về sức
mạnh sinh tồn và vẻ đẹp văn hóa truyền thống tốt đẹp của quê hương.
Trong giọng điệu
mạnh mẽ, chắc nịch, đầy quyết tâm và niềm tin, Y Phương trong vai người cha đã
nhắc con luôn tự hào, luôn ngẩng cao đầu tự tin, vững bước trên đường đời:
Người đồng
mình thô sơ da thịt
Chẳng mấy
ai nhỏ bé đâu con
Người đồng
mình tự đục đá kê cao quê hương
Còn quê
hương thì làm phong tục.
Cách gọi thân
thương "Người đồng mình thô sơ da thịt" với biết bao trìu mến,
ẩn chứa niềm tự hào về những con người giản dị, chất phác, thật thà, đồng thời
là lời ngợi ca ý chí, cốt cách không hề "nhỏ bé" của họ. Phẩm chất của
con người quê hương được người cha ca ngợi qua cách nói đối lập tương phản giữa
hình thức bên ngoài và giá trị tinh thần bên trong họ: Người đồng mình “tuy thô
sơ da thịt” nhưng “chẳng mấy ai nhỏ bé”. Tuy “người đồng mình” không mấy
đẹp đẽ ở hình thức nhưng luôn ẩn chứa một sức mạnh tinh thần lớn lao, không bao
giờ nhỏ bé, không bao giờ thôi ước vọng vươn cao. Dù trong bất kì hoàn cảnh
nào, “người đồng mình” cũng luôn đề cao danh sự, nhân phẩm và biết gìn giữ, bảo
vệ lấy như chính sinh mệnh của mình. Họ không vì đời sống vật chất mà đánh đổi
lương tâm, phản bội núi rừng, phản bội quê hương.
Từng hoạt động
sống khắc ghi vào đá núi, khắc ghi vào sông suối, khắc ghi vào trí nhớ mỗi con
người và biến thành phong tục, cách sống, cách ứng xử của cả cộng đồng:
Người đồng
mình tự đục đá kê cao quê hương
Còn quê
hương thì làm phong tục.
Lời cha giản dị,
ân cần mà trang nghiêm. Niềm tự hào về sức mạnh sinh tồn và vẻ đẹp văn hóa “người
đồng mình” khiến cho lời thơ càng thêm tha thiết. Cách nói hình ảnh "Người
đồng mình tự đục đá kê cao quê hương" tạo nên một lối nói độc đáo, vừa diễn
tả quá trình dựng nhà, dựng cửa làm nên truyền thống của người miền núi, vừa là
hình ảnh ẩn dụ diễn tả ý thức tự tôn, tinh thần đề cao, làm giàu đẹp mảnh đất
quê hương. Họ tự hào và kiêu hãnh khi đã dựng nên quê hương trên núi đá, sinh tồn
ngay giữ vùng đất dữ dội và chinh phục thế giới xung quanh bằng chính sức mạnh
của văn hóa cộng đồng. Họ hiểu rõ, nếu không gìn giữ và phát huy sức mạnh ấy, một
ngày nào đó, quê hương của họ sẽ sớm tàn lụi, mọi công sức của cha ông đều tiêu
tan trước sức mạnh của tự nhiên vĩ đại. Câu thơ “Còn quê hương thì làm phong
tục" nhấn mạnh ý nghĩa và giá trị của những phong tục tập quán, truyền
thống văn hóa, chính điều đó là điểm tựa tinh thần nâng đỡ và tạo động lực cho
con người.
Họ cũng hiểu
rõ, ở ngoài kia luôn có nhũng điều tốt đẹp hơn nhưng họ mong muốn mọi thế hệ
mai sau không vì sự hẹp hòi, ích kỉ của bản thân mà thay đổi mình:
Con ơi tuy
thô sơ da thịt
Lên đường
Không bao
giờ nhỏ bé được
Nghe con.
Người cha dặn
dò ân cần, trìu mến, mộc mạc với biết bao niềm tin hy vọng, cũng như dặn dò
chính mình về giá trị của tình yêu quê hương đất nước.
Cách diễn đạt
với biện pháp nghệ thuật điệp cấu trúc đã góp phần khiến bài thơ trở nên sinh động
và giàu tính nhạc hơn, đi sâu vào lòng người. Hai ý thơ “tuy thô sơ da thịt”
và “không bao giờ nhỏ bé” một lần nữa được lặp lại nhằm khẳng định và khắc
sâu hơn những phẩm chất cao đẹp của “người đồng mình”. Hành trang con mang theo
khi “lên đường” không có gì khác ngoài niềm tự hào về quê hương, nguồn cội cùng
với ý chí, quyết tâm và hi vọng lớn lao về một ngày mai tươi sáng. Người cha nhấn
mạnh, nhắc nhở, “khắc cốt ghi tâm” tuy cuộc sống có vất vả, gian lao thế nào
thì cũng phải chịu khó, chung thủy với đất rừng, quê hương, tổ tiên. Hai tiếng
“Nghe con” ẩn chứa bao nỗi niềm và lắng đọng, kết tinh mọi cảm xúc, tình
yêu thương vô bờ bến của cha dành cho con. Lời cha tha thiết, thủ thỉ, tâm
tình, dặn dò. Lời cha gửi gắm đến con về bổn phận phải biết tự hào, yêu thương,
tôn trọng và gìn giữ truyền thống quê hương cũng là lời nhắc nhở chúng ta phải
sống có trách nhiệm với quê hương, đất nước.
Bài thơ “Nói với
con” của nhà thơ Y Phương đã thành công một cách rực rỡ và khác biệt hơn bao giờ
hết với thể thơ tự do kết hợp cùng lối tư duy khoáng đạt của người miền núi. Đặc
biệt hơn là giọng điệu thơ luôn luôn linh hoạt, lúc thì thiết tha, trìu mến khi
thì trang nghiêm, mạnh mẽ. Hình ảnh thơ vừa cụ thể vừa khái quát, mộc mạc, giàu
chất thơ cũng như thành công sử dụng các biện pháp tu từ so sánh và điệp ngữ. Bài
thơ giúp ta hiểu thêm về sức sống và vẻ đẹp tâm hồn của một dân tộc miền núi, gợi
lên được ý chí vươn lên trong cuộc sống đầy mạnh mẽ, đồng thời còn cho thấy một
tình cảm thiêng liêng mà người cha dành cho con. Tình cảm lúc nào cũng đong đầy,
lúc nào cũng muốn dành cho con những điều tốt đẹp nhất. Tình cảm đó thật đáng
quý và đáng trân trọng.
Lời tâm tình của
người cha với mong muốn, nhắn nhủ và đặt niềm tin con sẽ kế tục xứng đáng truyền
thống ấy, vững vàng bước đi trên đường đời dài rộng bằng chí khí, niềm tin mà
quê hương đã trao gửi, gợi và khắc sâu trong em tình cảm gắn bó với truyền thống,
quê hương của người dân Việt Nam. Em nhận ra và càng tự hào vì mỗi địa phương,
vùng miền trong cả nước đều có những truyền thống, bản sắc văn hóa riêng, có những giá trị văn hoá tốt đẹp của quê hương được
truyền từ đời này qua đời khác. Em hiểu rằng tự hào về truyền thống quê hương
chính là tự hảo về nguồn gốc của minh, là nền tảng để xây dựng giá trị cốt lõi
và hinh thành sự tự tin cho mỗi người. Là người con Việt Nam em tự hào với
lịch sử hàng nghìn năm của dân tộc với nhiều giá trị truyền thống văn hóa tốt đẹp,
nổi bật là tinh thần yêu nước, đoàn kết, tương thân tương ái, nhân nghĩa, bao
dung, cần cù, sáng tạo và ý chí kiên cường, bất khuất... Em cũng như tất cả gười dân Việt Nam tự tin, hãnh diện về
nguồn gốc con Lạc cháu Hồng với truyền thống văn hóa: Thờ phụng tổ tiên ông bà
như một lẽ sống, một đạo lý ngàn đời (mà ít thấy dân tộc hay nước nào có được);
càng tự hào là công dân của một đất nước có hơn 4.000 năm lịch sử anh hùng và
nhân nghĩa với những giá trị truyền thống cao đẹp; những con người kiệt xuất,
có tầm ảnh hưởng to lớn (Trần Hưng Đạo, đại thi hào Nguyễn Du, Chủ tịch Hồ Chí
Minh...), những cuộc kháng chiến chống ngoại xâm oanh liệt mà vẻ vang của dân tộc...
Đáng ca ngợi biết bao khi kruyền thống tốt đẹp của quê hương được truyền từ thế
hệ này qua thế hệ khác một cách tự nhiên. Như trong phòng, chống đại dịch Covid
- 19 mọi người Việt Nam, từ lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đến mỗi công dân; từ ngõ
xóm, đồng quê đến thành thị, phố phường, từ trong nước đến đồng bào Việt Nam ở
xa Tổ quốc vẫn hướng về đất nước với tinh thần đoàn kết, quyết tâm. Hơn bao giờ
hết, trong mỗi thời khắc “sống còn ấy” dòng máu Lạc Hồng lại chảy trong huyết
quản mỗi con người Việt Nam.
Tiếp bước cha
ông, em nhận lấy ngọn lửa truyền thống tốt đẹp ấy và thắp sáng nó trong lồng ngực
của mình. Là học sinh, em ghi nhớ và thực hiện 5 điều Bác Hồ dạy, luôn ghi nhớ
lịch sử dân tộc và biết ơn những người đã ngã xuống vì nền độc lập của Tổ quốc.
Em học tập và rèn luyện chăm chỉ mỗi ngày, luôn cố gắng để cho bản thân mình của
ngày hôm nay, phải hoàn thiện hơn chính mình của ngày hôm qua. Em cố gắng trang
bị cho mình một hành trang vững chãi để có thể cống hiến nhiều hơn cho đất nước
trong tương lai. Em sẽ tích cực tìm hiểu, bảo vệ và phát huy, quảng bá, giới
thiệu với bạn bè trong và ngoài nước những giá trị tốt đẹp từ truyền thống. Không
chỉ dừng lại ở đó em sẽ cất tiếng nói phê phán, ngăn chặn những việc làm thiếu
trách nhiệm, đi ngược lại những truyền thống tốt đẹp của quê hương.
Người ta chỉ
có thể tách con người ra khỏi quê hương chứ không thể tách quê hương ra khỏi
con người. Qua vẻ đẹp đời sống và phẩm chất của “người đồng mình” cùng tình cảm
thiết tha của nhà thơ Y Phương, trong bài thơ “Nói với con” đã giúp ta hiểu
thêm về sức sống và vẻ đẹp tâm hồn của một người miền núi. Đồng thời cũng nhắn
gửi mỗi người phải luôn tự hào về truyền thống tốt đẹp của gia đình, quê hương.
Mỗi người chúng ta phải biết sống gắn bó với gia đình, quê hương, xứ sở. Nếu ai
đó quay lưng ngoảnh mặt từ bỏ cội nguồn quê hương đất nước thì mãi mãi con người
đó không thể khôn lớn trưởng thành, và đó là hành động vong ơn bội nghĩa đi ngược
lại với những giá trị truyền thống tốt đẹp của ông cha.