Thứ Tư, 17 tháng 5, 2023

Đề. Hãy chọn phân tích một đoạn thơ hay một nhân vật giúp em cảm nhận được sức mạnh của niềm tin. Trình bày những tác động của đoạn thơ hay nhân vật đó đối với bản thân em.

 


Bài làm

Trong văn học thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, hình ảnh những người chiến sĩ lái xe trên tuyến đường chiến lược Trường Sơn đã gợi nguồn cảm hứng sáng tác cho nhiều nhà văn, nhà thơ. Phạm Tiến Duật với những cảm xúc chân thành đã tạc lên hình tượng về người chiến sĩ quả cảm và anh dũng chiến đấu trong tác phẩm “Bài thơ tiểu đội xe không kính”. Bằng ngôn ngữ giản dị, dung dị, đậm chất đời thường, nhà thơ Phạm Tiến Duật đã tạc nên bức thành đồng của dân tộc, khắc vào thế kỉ hình tượng người lính anh dũng, kiên cường, không bao giờ bị khuất phục bởi một lí do duy nhất: tình yêu miền Nam ruột thịt và khát vọng thống nhất đất nước. Niềm tin tất thắng là nguồn sức mạnh bất diệt, thúc giục các anh bất chấp hiểm nguy, đưa xe ra trận:

Bếp Hoàng Cầm ta dựng giữa trời

Chung bát đũa nghĩa là gia đình đấy

Võng mắc chông chênh đường xe chạy

Lại đi lại đi trời xanh thêm.

 

Không có kính rồi xe không có đèn

Không có mui xe, thùng xe có xước

Xe vẫn chạy vì miền Nam phía trước:

Chỉ cần trong xe có một trái tim.

Phạm Tiến Duật khắc họa thành công hình ảnh những người lính bộ đội cụ Hồ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ xâm lược. Họ là những con người hiên ngang kiên cường khi chiến đấu nhưng cũng có tâm hồn vui vẻ lạc quan và yêu đời. Đây chính là hình tượng đẹp xuyên suốt tác phẩm. Người lái xe trong bài thơ là những người chiến sĩ trẻ trung. Các anh rất vô tư, sôi nổi, tâm hồn gần gũi với thiên nhiên. Khó khăn gian khổ các anh coi thường. Khí phách ấy thể hiện qua cách nói chắc nịch: “ừ thì có bụi”, “ừ thì ướt áo”. Thái độ “chưa cần rửa, phì phèo châm điếu thuốc”, “chưa cần thay, lái trăm cây số nữa” là sự thách thức, coi thường khó khăn gian khổ. Những chiếc xe từ trong bom rơi, bị bom giật, bom rung, nhưng người chiến sĩ vẫn ung dung. Các anh nhìn thẳng phía trước, vui vẻ bắt tay nhau.

Dù mọi khó khăn chất ngất như nào trong cuộc chiến ấy thì tình cảm mà những người đồng chí đồng đội dành cho nhau thì luôn chiến thắng tất cả. Đó chính là niềm tin chiến thắng, là sự đoàn kết mà không một khó khăn nào có thể cản bước.

Bếp Hoàng Cầm ta dựng giữa trời

Chung bát đũa nghĩa là gia đình đấy

Võng mắc chông chênh đường xe chạy

Lại đi, lại đi trời xanh thêm.

Đây là một đoạn thơ thể hiện sinh hoạt vật chất và tinh thần người lính thời đánh Mỹ, rất độc đáo mà ta ít gặp trong thơ thời ấy. Thời chiến tranh luôn luôn gian khó, họ là những người chiến sĩ lái xe trên tuyến đường Trường Sơn kiên trung bất khuất. Con đường giữa rừng núi ấy gặp lại anh em, cùng dựng nồi nấu bếp ăn một chén cơm. Cuộc trú quân dã chiến của tiểu đội xe không kính ngắn ngủi mà thắm tình đồng chí, tình đồng đội. Chỉ bằng ba chi tiết nhưng rất điển hình: “bếp Hoàng Cầm”, “chung bát đũa”, “võng mắc chông chênh” đã tóm lược cái ăn cái ngủ, cách sinh hoạt của người lính lái xe. Đời lính giản dị, bình dị mà lại rất sang trọng. Giữa chiến trường đầy bom đạn mà họ vẫn đàng hoàng “Bếp Hoàng Cầm ta dựng giữa trời”. Giữa trời là giữa thanh thiên bạch nhật. Bữa cơm dã chiến chỉ có một bát canh rau rừng, có lương khô... thế mà rất đậm đà: “Chung bát đũa nghĩa là gia đình đấy”- Một chữ “chung” rất hay gợi tả gia tài người lính, tấm lòng, tình cảm của người lính. Tiểu đội xe không kính đã trở thành một tiểu gia đình chan chứa tình thương. Cái gì cũng tạm bợ, cơ động, gian khổ nhưng cách nhìn, cách nghĩ của người chiến sĩ vế chúng thật tươi tắn và cảm động: là gia đình đấy. Chất thơ nghịch ngợm đầy ý vị đã mở ra từ những hình ảnh chân chất đời lính đã ấm lên tình đồng ngũ, nghĩa anh em. Tình đồng đồng đội cũng là tình anh em ruột thịt, vô cùng thân thiết. Những sinh hoạt, nghỉ ngơi thật ngắn ngủi, cái ăn, giấc ngủ thật giản dị, gian khổ nhưng tâm hồn người lính thật vui tươi, lạc quan, có cái gì xao xuyến: “Võng mắc chông chênh đường xe chạy”. “Chông chênh” gì thì chông chênh nhưng ý chí chiến đấu, khí phách, nghị lực vẫn vững vàng, kiên định, vượt lên tất cả. Chính mình đồng đội đã tiếp cho họ sức mạnh để tâm hồn họ phơi phới lạc quan. Trong các cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc, tình đồng chí đã trở thành sức mạnh vô giá, giúp người lính trụ vững nơi chiến trường bom đạn, giành chiến thắng trước quân thù. Sau một bữa cơm thân mật, một vài câu chuyện thân tình lúc nằm võng, những người lính trẻ lại lên đường. Tiền phương vẫy gọi:

 Lại đi, lại đi trời xanh thêm.

 Điệp ngừ “lại đi” diễn tả nhịp bước hành quân, những cung đường, những chặng đường tiến quân lên phía trước của tiểu đội xe không kính. Đoàn xe không ngừng tiến tới, không một sức mạnh bạo tàn nào của giặc Mỹ có thể ngăn nổi. Điệp từ “lại đi” như một lời cỗ vũ, một lời động viên các anh hãy luôn mạnh mẽ kiên cường tiến về phía trước về phía bầu trời xanh. Trời xanh là trời đẹp, bầu trời yên tĩnh, không gian cao xa … Hình ảnh ẩn dụ “trời xanh thêm” là một nét vẽ rất tài hoa mang ý nghĩa tượng trưng sâu sắc: lạc quan, yêu đời, chứa chan hy vọng. Là hy vọng, là chiến công đang đón chờ. Câu thơ đã gợi mở biết bao tâm hồn vẫn sôi nổi lên đường, rộng mở những ngày mai, những ngày vẫn “xanh thêm” niềm tin chiến thắng …Trong tâm hồn họ, trời như xanh thêm, chứa chan hi vọng lạc quan dào dạt.

Sự khốc liệt trong chiến tranh cũng không ngăn cản được ý chí chiến đấu, quyết tâm sắt đá, tình cảm sâu đậm với miền Nam ruột thịt:

Không có kính rồi xe không có đèn

Không có mui xe, thùng xe có xước

Xe vẫn chạy vì miền Nam phía trước:

Chỉ cần trong xe có một trái tim.

Có thể nói, khổ thơ mang giá trị tư tưởng của toàn bài. Những khổ thơ trước đó tạo một nền tảng, một “sân khấu” để khổ cuối này tỏa sáng. Phạm Tiến Duật đã vô cùng tinh tế khi tạo được sức dồn nén để cảm xúc vỡ òa trong khổ thơ cuối cùng. Biện pháp tu từ điệp ngữ kết hợp với liệt kê “không kính, không mui, không đèn, thùng xe có xước…” tạo nên hình ảnh một chiếc xe biến dạng đến không còn nhận ra. Tất cả những khổ thơ trước đó chỉ nói về những khó khăn của “xe không kính” nhưng khó khăn không chỉ dừng lại ở đó. Xe còn không có đèn, thùng xe méo mó, biến dạng. Không có kính đã chồng chất khó khăn thì không có đèn giữa núi rừng thì sự khó khăn còn tăng lên gấp bội.Có thể nói, nghệ thuật vẽ mây nảy trăng (nói cái khó khăn khi không kính để gợi những khó khăn khi không có đèn) khiến độc giả có thể cảm nhận được những trở ngại mà người lính lái xe phải chịu đựng trên tuyến đường Trường Sơn hùng vĩ. Cuộc chiến đấu ngày càng gian khổ, ác liệt (qua hình ảnh những chiếc xe ngày càng méo mó, biến dạng). Bất chấp gian khổ, hy sinh, những chiếc xe vẫn thẳng đường ra tiền tuyến.  Chiếc xe không còn là chiếc xe nữa. Cái KHÔNG được nhấn mạnh ở khổ cuối bài thơ để làm nổi bật một cái CÓ vô cùng đáng quý:

Xe vẫn chạy vì miền Nam phía trước:

Chỉ cần trong xe có một trái tim.

Đối nghịch với những bom rơi đạn lạc, với những thiếu thốn, khó khăn, tâm thế của những người lính lại càng sáng ngời. Những người lính lái xe quả cảm vững tay lái vì họ có một trái tim tràn đầy nhiệt tình cách mạng, tình yêu tổ quốc nồng nàn, ý chí quyết tâm giải phóng miền Nam sắt đá. Chính tinh thần phơi phới đó đã giúp họ giữ vững tay lai, coi thường hiểm nguy để lái từng vòng bánh xe vững chắc. Đoàn xe đã chiến thắng, vượt lên bom đạn, hăm hở tiến ra phía trước, hướng ra tiền tuyến lớn với một tình cảm thiêng liêng “vì Miền Nam”, vì cuộc chiến đấu giành độc lập thống nhất đất nước đang vẫy gọi. Sức mạnh của cả đoàn xe, gốc rễ, phẩm chất anh hùng của người cầm lái tích tụ, đọng kết lại ở cái “trái tim” gan góc, kiên cường, giàu bản lĩnh và chan chứa tình yêu thương này. Nghệ thuật hoán dụ: trong xe có một trái tim làm người đọc xúc động. Chiếc xe biến dạng bỗng trở nên có linh hồn, có trái tim. Xe vẫn chạy bởi trong xe có trái tim người lính với tình yêu nước cháy bỏng. Chính tình yêu nước ấy đã tạo nên sức mạnh để chiếc xe méo mó, không kính, không đèn ấy vẫn băng băng tiến về phía trước. Một trái tim yêu nước quả cảm đã đủ mạnh mẽ, thế nhưng đây là lại cả một “tiểu đội” trái tim như vậy, rồi còn bao binh đoàn chưa được nhắc tên là bấy nhiêu trái tim mạnh mẽ. Hình ảnh này kết hợp cùng kết câu câu “vẫn – chỉ cần” đã lý giải về sức mạnh vượt khó, khẳng định hơn tinh thần hiên ngang bất khuất, sự lạc quan tự tin trong cuộc chiến của người lính lái xe. Chính điều đó đã tạo nên cho họ sức mạnh để chiến đấu và chiến thắng để chúng ta mãi mãi yêu quý và cảm phục.

Bài thơ đã sáng tạo một hình ảnh độc đáo: những chiếc xe không kính, qua đó khắc hoạ nổi bật hình ảnh những người lính lái xe ở Trường Sơn trong công cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước, với tư thế hiên ngang, tinh thần dũng cảm, bất chấp khó khăn, nguy hiểm, niềm vui sôi nổi của tuổi trẻ và ý chí quyết chiến vì sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà. Tác giả đã đưa vào bài thơ chất liệu hiện thực sinh động của cuộc sống ở chiến trường, cùng với ngôn ngữ, giọng điệu giàu tính khẩu ngữ tự nhiên, khoẻ khoắn. Giọng điệu vui tươi kết hợp nhiều biện pháp tu từ như nhân hóa, so sánh, điệp từ, ẩn dụ xuyên xuốt cả bài thơ làm cho người đọc cảm nhận được hiện thực tàn khốc ngoài kia như dịu đi trong con mắt của người chiến sĩ, làm cho bài thơ thêm sinh động, dễ đi vào lòng người.

Những câu thơ giản dị, hình ảnh sinh động cụ thể, sự đối lập ở từng khổ thơ, Phạm Tiến Duật đã để lại những ấn tượng đẹp về tiểu đội xe không kính. Cảm ơn nhà thơ đã cho thế hệ trẻ chúng em ngày nay hiểu thêm về cha anh trước đây trong thời đất nước có chiến tranh đã sống và chiến đấu ra sao. Nhà thơ đã khắc họa rõ sức mạnh của niềm tin và tinh thần đoàn kết trong cuộc chiến chống lại quân Mỹ. Đoạn thơ trên đây thể hiện rất thực, rất hay cách sống, cách nghĩ, cách cảm của những người chiến sĩ lái xe trên con đường mòn Hồ Chí Minh thời đánh Mỹ. Đoạn thơ còn là một minh chứng cho sức mạnh của niềm tin, khi những người lính lái xe không kính đã vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, hiểm nguy để hoàn thành nhiệm vụ. . Xe không có kính, xe bị biến dạng nhưng tinh thần người người thì luôn hướng tới miền Nam với những quyết tâm lớn lao. Xe phải đi, phải lao nhanh ra chiến trường, xe thẳng tiến để chi viện cho tiền tuyến miền Nam yêu dấu.  Tình đồng đội, tinh thần chiến đấu dũng cảm ngoan cường vì sự nghiệp giải phóng miền Nam của người lính tỏa sáng vần thơ. Niềm tin không chỉ là một yếu tố quan trọng để giúp con người vượt qua những khó khăn trong cuộc sống, mà còn là một yếu tố quyết định đến sự thành bại của một cuộc chiến.

Bài thơ là một lời ca ngợi niềm tin và là một nguồn cảm hứng cho những người đang sống trong cuộc sống này. Niềm tin có thể giúp con người vượt qua mọi khó khăn, thử thách và thành công. Khi ta tin tưởng vào sự thật và tiến về phía trước với lòng quyết tâm, kết quả sẽ luôn đến với ta. Đọc xong “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” em thấy cần học cách tin tưởng vào khả năng của mình và hy vọng sẽ đạt được những điều mà mình mong muốn.  Em phải xác định mục tiêu và niềm đam mê của bản thân, và tin rằng em có thể đạt được nó nếu cố gắng hết sức. Em quan tâm, lắng nghe và áp dụng những lời khuyên hữu ích từ những người có kinh nghiệm. Khẳng định những giá trị và năng lực của bản thân khi hoàn thành tốt một công việc hay vượt qua một thử thách, không né tránh hay bỏ cuộc, hãy coi chúng là cơ hội để phát triển và trưởng thành hơn.

Năm tháng trôi đi và lịch sử không ngừng biết động, "Bài thơ về tiểu đội xe không kính" của Phạm Tiến Duật; mãi là bông hoa không tuổi tựa mùa xuân không ngày tháng, đã ghi lại cái quá khứ hào hùng, sôi động của đất nước mình một thuở. Vẻ đẹp của con người Việt Nam đã làm nên cái hồn của cả dân tộc và góp phần làm cho tác phẩm sống mãi với thời gian. Hình ảnh những người lính lái xe và còn biết bao con người nữa là kết tinh của vẻ đẹp dân tộc, sức sống dân tộc. Những con người yêu nước thiết tha, quên mình vì tổ quốc ấy lại rất đỗi giản dị, sáng trong.