Thứ Tư, 31 tháng 5, 2023

Nhân vật anh thanh niên_vẻ đẹp của lao động

 

Đề. Hãy chọn phân tích một đoạn thơ hay một nhân vật truyện giúp em cảm nhận được vẻ đẹp của lao động. Trình bày những tác động của đoạn thơ hay nhân vật truyện đó đối với bản thân em.

Bài làm

Có những trang sách đi suốt đời vẫn nhớ. Có những tác phẩm vẫn tồn tại bền bỉ tựa dòng suối chảy mãi trong tâm hồn bao thế hệ hôm qua, hôm nay và ngày mai. “Lặng lẽ Sa pa” chính là một trong số đó. Trong tác phẩm là một thế giới được nhà văn phác họa một cách nhẹ nhàng mà lắng đọng, đẹp đẽ mà không khoa trương, giản dị mà chẳng kém phần tinh tế. Nguyễn Thành Long đã dẫn lối ta đến với xứ sở của những con người lao động miệt mài mà thầm lặng. Nhân vật anh thanh niên chính là biểu tượng cho phẩm chất và con người lao động ở miền đất ấy.

Nguyễn Thành Long là một trong những cây bút văn xuôi đáng chú ý trong những năm 60 – 70, chỉ chuyên viết về truyện ngắn và kí. “Lặng lẽ Sa Pa” là một truyện ngắn nhẹ nhàng có cốt truyện đơn giản nhưng thật thú vị và ẩn chứa bên trong nhiều ý vị sâu sắc. Tác phẩm như một bài thơ về vẻ đẹp trong cách sống và suy nghĩ của những con người lao động bình thường mà cao cả, những con người đầy quan tâm, đầy trách nhiệm đối với đất nước mà tiêu biểu là anh thanh niên làm công tác quan trắc khí tượng. Nhân vật anh thanh niên chỉ hiện ra trong chốc lát nhưng vẫn là điểm sáng nổi bật nhất của bức tranh về phẩm chất và tâm hồn tốt đẹp của con người mới trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc mà tác giả tập trung thể hiện. Anh hiện ra qua cái nhìn và sự cảm nhận của các nhân vật khác, đặc biệt là ông họa sĩ già và anh cũng tự bộc lộ qua cuộc gặp gỡ ngắn ngủi với mọi người.

Anh thanh niên là một chàng trai 27 tuổi, cái tuổi sôi nổi, yêu đời và khát khao được cống hiến cho đời. Quanh năm suốt tháng, anh sống một mình trên đỉnh núi cao, giữa cỏ cây và mây mù lạnh lẽo. Tác giả giới thiệu anh qua lời của bác lái xe: “Anh thanh niên hai mươi bảy tuổi, người cô độc nhất thế gian, một mình trên trạm khí tượng ở đỉnh cao hai ngàn sáu trăm mét, rất “thèm người”… “Thử thách lớn nhất đối với chàng trai trẻ ấy chính là sự cô độc. Sống đơn độc nơi rừng núi mà làm việc thì không phải là chuyện dễ dàng. Biết bao vất vả, gian lao rình rập, thiếu thốn vật chất...”. Hơn nữa lại phải làm việc trong điều kiện khắc nghiệt. Công việc của anh là đo gió, đo mưa, tích mây, đo chấn động mặt đất góp phần vào việc dự báo thời tiết hàng ngày, phục vụ sản xuất và chiến đấu. Gian khổ nhất là vào lúc một giờ sáng, dù mưa gió, tuyết lạnh thế nào cũng phải trở dậy ra ngoài làm việc. Đó là công việc đòi hỏi sự tỉ mỉ, chính xác, kiên nhẫn và có tinh thần trách nghiệm cao. Quả thực, điều kiện sống và làm việc đó là một thử thách lớn đối với tuổi trẻ vốn sung sức và khát khao hành động. Nhưng anh vẫn vượt qua được. Chính hoàn cảnh sống đặc biệt ấy lại là “chiếc đòn bẩy” nâng tầm cho ý chí sắt đá, nghị lực phi thường của anh thanh niên được nổi bật và neo giữ mãi trong trái tim người đọc.

Anh thanh niên là một người nhiệt thành, yêu nghề và có tinh thần trách nhiệm cao. Anh tự nguyện chấp nhận sống trên đỉnh núi cao vời vợi, thiếu vắng thanh âm của con người và phải một mình chống chọi, vượt qua sự khắc nghiệt của thời tiết. Không ai có thể bắt buộc anh lên cái nơi “khỉ ho cò gáy” này để làm việc và cống hiến. Trong khi bao nhiêu người sau khi ra trường đã cố chạy chọt tìm bằng được một nơi làm việc giữa thủ đô thì anh đã khoác ba lô vui vẻ vượt suối băng rừng để lên công tác ở nơi này. Anh tự nguyện lên đây không phải do sự bốc đồng nhất thời mà là cả một sự nhận thức chín chắn, đúng đắn, sâu sắc nhất. Anh thanh niên, một cán bộ vật lý kiêm khí tượng địa cầu, đã sẵn sàng đi đến bất cứ nơi nào để có thể phát huy tài năng và thực hiện ước mơ của mình. Anh yêu và say mê công việc đến nổi khi người ta còn ái ngại cho cuộc sống ở độ cao 2600m của anh thì anh lại mơ ước được làm việc trên đỉnh Phan-xi-băng cao đến 3142m. Bởi với anh “làm khí tượng ở độ cao thế mới là lí tưởng”. Đó là ước vọng được vươn cao hơn trong công việc để đạt được mục đích tốt đẹp nhất.

Cũng chính vì yêu tha thiết công việc nên ở anh còn có những hành động đầy trách nhiệm. Dẫu làm việc một mình, chẳng có ai đôn đốc hay giám sát, anh vẫn luôn tự giác, nghiêm túc và tận tụy với nghề. Công việc của anh ở nơi đây thật là vất vả và đơn điệu, phải lặp đi lặp lại những con số nhưng anh không cảm thấy nhàm chán. Công việc của anh từng phút, từng giờ anh làm bạn với đủ loại máy móc đòi hỏi phải tỉ mỉ, chính xác và có tinh thần trách nhiệm cao. Và anh đã lập ra một thời gian biểu để thực hiện nó một cách nghiêm ngặt. Đây là lời anh tâm sự với ông hoạ sĩ già: “Gian khổ nhất là lần ghi bão về lúc một giờ sáng. Rét, bác ạ. Ở đây có cả mưa tuyết đấy. Nửa đêm đang nằm trong chăn nghe chuông đồng hồ chỉ muốn đưa tay tắt đi. Chui ra khỏi chăn, ngọn đèn báo bão vặn to đến cỡ nào vẫn không đủ sáng. Xách đèn ra vườn, gió tuyết và im lặng ở bên ngoài như chỉ chực đợi mình ra là ào ào xô tới…” Qua lời anh nói ta có thể hình dung được bao nhiêu vất vả, khó khăn mà anh đã chịu đựng. Anh có thể nằm ở trong nhà, lấy số liệu cũ mà gọi bộ đàm về để báo cáo. Nhưng anh không làm điều đó. Có là ngày hay đêm, mưa tuyết hay rét lạnh, anh thanh niên vẫn chẳng nề hà vất vả, không bỏ qua bất kỳ một giờ “ốp” nào. Anh luôn cố gắng hoàn thành xuất sắc công việc của mình với tác phong khoa học, nghiêm túc và chính xác.Nói sao hết những niềm vui mừng, hạnh phúc, sung sướng, tự hào về công việc của anh.Chính từ niềm vui trong công việc, anh càng cảm thấy yêu đời, yêu công việc của mình hơn bao giờ hết.

Anh còn có những chiêm nghiệm đúng đắn và sâu sắc về mối liên kết giữa công việc với con người. Với anh, công việc như một người bạn tri âm tri kỉ song hành cùng ta đi qua những nốt thăng trầm: “Khi ta làm việc, ta với công việc là đôi, sao gọi là một mình được”. Anh đâu xem công việc của mình là những nhiệm vụ khô khan và nhạt nhẽo. Công việc với anh là lí tưởng, là nguồn vui, dẫu nó thật gian khổ, thật cô độc nhưng “cất nó đi cháu buồn chết mất”. Chan chứa trong những câu nói ấy là biết bao tình yêu, bao nỗi niềm say mê của người thanh niên trẻ. Anh còn tìm ra ý nghĩa của công việc thầm lặng ấy. Anh hiểu rằng công việc của mình gắn bó với biết bao tâm sức của những anh em đồng chí dưới kia, là mắt xích quan trọng trong sự nghiệp “phục vụ sản xuất, phục vụ chiến đấu”. Những suy nghĩ ấy chỉ có ở những con người yêu lao động, yêu công việc của mình dù nó thật khó khăn, đơn điệu và buồn tẻ. Công việc là niềm vui, là cuộc sống của anh. Động cơ làm việc vì nhân dân, vì Tổ quốc đã khiến bức chân dung về anh thanh niên hiện lên thật cao cả và đẹp đẽ.

Anh thanh niên còn đẹp ở cách sống có lý tưởng, có suy nghĩ tích cực. Anh tự mình tìm lời giải đáp cho những câu hỏi quan trọng “Mình sinh ra là gì, mình đẻ ra ở đâu, mình vì ai mà làm việc?”. Những câu hỏi cho anh biết giá trị của bản thân và ý nghĩa của cuộc sống. Nhận thức đó cho thấy anh trẻ nhưng không hời hợt. Anh sống một mình nhưng không cô đơn vì lúc nào trong tư tưởng của anh mục đích sống, lẽ sống vẫn luôn luôn tồn tại và nhắc nhở.Anh rất “thèm” người, nhưng không phải là “nỗi nhớ phồn hoa đô thị”. Anh hiểu sự cống hiến của mình và nó sợ dây để gắn kết anh với mọi người xung quanh anh. Đối với anh, hạnh phúc là khi được cống hiến, tận tụy với công việc. Chính vì tất cả những điều trên mà cuộc sống của người thanh niên ấy giữa núi cao mây mù vẫn không buồn tẻ. Anh đã dồn tất cả thời gian, tâm sức mình cho nhiệm vụ. Sự say mê công việc đã giúp anh không cảm thấy cô đơn.Hạnh phúc không phải là khi cuộc sống đầy đủ về vật chất mà là khi ta làm được những điều có ích. Khi biết một lần tình cờ phát hiện ra một đám mây khô mà không quân ta hạ được bao nhiêu là phản lực Mĩ trên cầu Hàm Rồng, anh thấy mình “thật hạnh phúc”. Hạnh phúc đối với anh thật ý nghĩa biết bao khi anh cảm thấy mình đã góp phần vào thắng lợi của đất nước trong kháng chiến chống Mĩ. Có lẽ, chính những suy nghĩ với thái độ sống tích cực ấy đã khiến anh vượt qua khó khăn trong hoàn cảnh sống và công việc của mình mà hướng tới cuộc sống đẹp và ý nghĩa hơn. Qua lời kể hồn nhiên, chân thành của người thanh niên, tác giả Nguyễn Thành Long đã giúp người đọc cảm nhận được những suy nghĩ đẹp và đúng đắn của anh thanh niên cũng như của những người lao động ở Sa Pa. Những suy nghĩ đẹp ấy khiến anh thêm yêu cuộc sống và con người xung quanh, “thấy cuộc đời đẹp quá!”, giúp anh có thêm nghị lực để sống một cuộc sống đẹp, đầy ý nghĩa, gắn bó với mọi người dù một mình đơn độc làm việc trên núi cao.

Anh thanh niên còn có phong cách sống rất đẹp. Ở anh toát lên lối sống giản dị, lạc quan và yêu đời. Tuy được ví như “người cô độc nhất thế gian”, tuy phải sống một mình trong điều kiện thiếu thốn trăm bề nhưng anh thanh niên không hề buông thả bản thân hay cảm thấy chán nản và buồn tẻ. Anh tự tạo ra âm hưởng của niềm vui trong bản hòa tấu mang tên “Cuộc sống” của riêng anh. Anh tổ chức cuộc sống của mình ở trạm khí tượng thật ngăn nắp, phong phú cả vật chất và tinh thần, một cuộc sống chủ động, làm chủ mình và có ích cho đời. Anh biết sống cho sự nghiệp chung lớn lao và cũng biết sống cho riêng mình. Anh trọng cái đẹp: anh trồng hoa, một vườn hoa đầy mầu sắc. Anh thanh niên đã chấm phá cho ngôi nhà nhỏ của mình bao sắc màu ấm áp và rạng ngời. Anh còn nuôi gà, nuôi ong để làm phong phú nguồn lương thực và làm những món quà nho nhỏ gửi trao những vị khách hiếm hoi. Anh còn đọc sách ngoài những giờ làm việc. Sách đã trở thành người bạn thân thiết của anh. Khi bác lái xe đưa gói sách cho anh, anh “mừng quýnh” như cầm được vàng. Anh nói với cô gái: “Cô thấy đấy, lúc nào tôi cũng có người trò chuyện. Nghĩa là sách ấy mà. Mỗi người viết một vẻ”. Anh tự lo liệu xoay sở đẻ thường xuyên có sách đọc. Sách không chỉ giúp anh nâng cao hiểu biết, nâng cao kiến thức, sách còn giúp anh khuây khoả trong những phút giây rảnh rỗi. Những giọt nắng ấm nóng của tinh thần lạc quan đã sưởi ấm cõi lòng anh trong khí trời lạnh lẽo và thoáng đãng của thiên nhiên Sapa. Chính tình yêu tha thiết dành cho cuộc đời đã trở thành điểm tựa vững bền giúp anh chủ động bước tiếp về phía trước, vượt qua hết thảy những gian truân, vất vả của hoàn cảnh sống đặc biệt. Từ ấy, anh tìm được niềm vui, hạnh phúc và ý nghĩa trong những điều nhỏ nhặt...

Anh thanh niên còn là một con người rất đáng mến ở sự cởi mở, chân thành với mọi người. Tâm hồn anh vẫn luôn gần gũi, vẫn ấm nóng, chân thành, cởi mở và hiếu khách biết chừng nào. Anh luôn khao khát được gặp gỡ, trò chuyện với những người khác. Anh “thèm người”, “thèm nghe chuyện dưới xuôi” và khao khát được bên người, được cùng người trao nhau ánh mặt và chuyện trò cùng người. Chính vì lẽ đó, anh liền bày kế lấy những khúc thân cây chắn ngang đường để dừng lại những chiếc xe hiếm hoi. Niềm hưng phấn khi được chào đón những vị khách cứ dào dạt trong anh, toát lên qua “nét mặt rạng rỡ”. Phải chăng vì đã lâu không được gặp người nên anh cứ luống cuống cả lên chẳng kiềm được cảm xúc rồi cứ tất tả chạy ngược chạy xuôi.

Anh gửi trao những quan tâm chân thành và chu đáo đến mọi người. Chỉ thoáng nghe qua lời kể từ bác lái xe rằng bác gái vừa ốm dậy, anh đã chủ động đi đào củ tâm thất một cách âm thầm để biếu bác dẫu chẳng có ai nhờ cậy anh làm. Đâu chỉ dừng lại ở đó, anh thanh niên còn vô cùng thân thiện, cởi mở với những người chỉ mới gặp lần đâu. Anh niềm nở tiếp đón bác hoạ sĩ cùng cô kĩ sư lên thăm nhà. Bó hoa cho cô gái vào lần đầu gặp gỡ, nước chè cho ông hoạ sĩ già và làn trứng ăn dọc đường cho hai bác cháu.Anh hồ hởi và thích giao tiếp, anh nói “những điều đáng lẽ người ta chỉ nghĩ. Cũng là những điều ta ít nghĩ”.

Anh hồn nhiên kể về công việc, về những người đồng nghiệp và cuộc sống thường nhật của anh. Với anh thanh niên, từng khoảnh khắc tít tắc trôi qua được trò chuyện với những người mà anh chỉ mới gặp thôi cũng thật quý giá biết bao. Khoảnh khắc ấy, anh thổ lộ những điều bám rễ trong lòng mà rất lâu rồi anh mới có dịp tâm sự cùng người. Bởi thế, anh cứ đếm từng giây từng phút trôi qua và lo sợ sẽ hoài phí 30 phút gặp gỡ ngắn ngủi mà quý giá. Sự cởi mở, những lời tâm sự chân thành của anh thanh niên đã giúp xóa bỏ khoảng cách với người anh tiếp xúc, tạo mối tâm giao đầy thân tình, cảm động. Thái độ vui vẻ, niềm nở, hiếu khách của anh cũng đã để lại trong lòng mọi người những ấn tượng khó quên.

Thế nhưng, anh lại rất khiêm tốn. Công việc của anh thanh niên có vị trí quan trọng trong sự nghiệp chuyển mình của đất nước. Anh rất thành thực cảm thấy những điều anh làm thật nhỏ bé biết bao so với người khác. Anh chỉ dành 5 phút ngắn ngủi để nói về bản thân, về công việc và cuộc sống của anh. Tác giả như muốn nhấn mạnh sự chênh lệnh về thời gian để làm nổi bật phẩm chất khiêm tốn của anh. Khi ông hoạ sĩ muốn vẽ kí họa về anh, anh thật tình bối rối, cảm thấy bản thân không có gì đáng để một họa sĩ ghi lại: “Không, không, đừng vẽ cháu! Để cháu giới thiệu với bác những người khác đáng để bác vẽ hơn”. Đó là ông kĩ sư vườn rau ngày đêm miệt mài và kiên nhẫn để đem đến cho nhân dân xứ Bắc những củ su hào ngon ngọt và to hơn. Đó là đồng chí nghiên cứu bản đồ sét quanh năm suốt tháng bám trụ nơi cơ quan và luôn giữ vững tư thế sẵn sàng trong công việc. Anh thấm thía cái nghĩa, cái tình của xứ sở Sa pa, thấm thía sự hi sinh của “những nốt nhạc trầm” trong bài ca lao động.

“Lặng lẽ Sa Pa” đã đạt được nhiều thành công trong phương diện nghệ thuật. Cốt truyện đơn giản không có những thanh âm kịch tính, hối hả. Tác phẩm như dòng suối tĩnh lặng, nhẹ nhàng chảy trôi vào đời, đi qua những ngõ ngách trong trái tim người đọc và cứ thế lắng đọng nơi sâu thẳm cõi lòng. Cách xây dựng tình huống truyện hợp lí, tự nhiên, độc đáo và đặc sắc, đó là cuộc gặp gỡ bất ngờ của những nhân vật. Trong 30 phút ngắn ngủi ấy, tác giả đã thật tài tình khi vận dụng cách kể chuyện giản dị, cách miêu tả con người và cảnh vật dưới nhiều điểm nhìn. Thành công nổi bật của tác phẩm là việc chung hòa giữa tự sự, bình luận và trữ tình. Với ngôn ngữ đậm chất hội hoạ, thiên truyện có dáng dấp như một bài thơ. Khiến ta ngây ngất trong chất men say trữ tình lãng mạn của một thiên nhiên nên thơ đến những con người làm việc lặng lẽ, quên mình vì Tổ quốc. Hạnh phúc với anh là được làm việc, được cống hiến cho đất nước. Hạnh phúc khi ấy đã vượt ra ngoài biên giới của nó, không chỉ bó hẹp trong từng cá nhân mà lan tỏa đến những người khác, có ý nghĩa với nhiều người.

Nhân vật anh thanh niên giúp em hiểu thêm nét đẹp ở những con người lao động ở chốn Sa Pa.- Đó là hình ảnh những con người lao động mới với phong cách sống đẹp, suy nghĩ đẹp, sống có lý tưởng, quên mình vì cuộc sống chung, vô tư, lặng thầm, cống hiến hết mình cho đất nước, say mê, miệt mài, khẩn trương làm việc. Anh thanh niên giúp em nhận thức rõ:“Lao động là đôi cánh của ước mơ, là cội nguồn của niềm vui và sáng tạo”(M. Gorki). Cuộc sống không có ước mơ là cuộc sống vô vị. Và lao động là cách nhanh nhất để chúng ta khẳng định bản thân, tạo ra những thành tựu và chạm đến ước mơ. Lao động là môi trường giúp con người dần trưởng thành, tích lũy được kinh nghiệm sống, rèn luyện nhân cách và những phẩm chất tốt đẹp như đức tính kiên trì, tinh thần ham học hỏi…. Anh thanh niên tìm thấy niềm vui trong cuộc sống thông qua lao động như nhắc nhở em và các bạn trẻ hôm nay để có thể đi đến ước mơ của mình đều phụ thuộc vào quá trình làm việc hôm nay, phấn đấu không ngừng nghỉ và vượt qua mọi khó khăn. Chỉ khi có được niềm vui, khi làm việc mới có thể sáng tạo nhiều điều mới mẻ giúp ích cho bản thân, góp phần cho sự phát triển của xã hội. Có lao động chúng ta mới có điều kiện phát huy khả năng của bản thân, nâng cánh cho những ước mơ bay cao, bay xa.

Tâm hồn và những việc làm của anh thanh niên trong truyện đã gieo vào lòng em nhiều tình cảm, thôi thúc em muốn cống hiến, muốn làm gì đó có ích cho xã hội như như một nhà thơ đã nói: “Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình”. Em sẽ cần cù lao động và thực hiện những mục tiêu mà bản thân đề ra để cuộc sống tốt đẹp ngay từ hôm nay. Em sẽ tự giác và chủ động trong học tập và làm việc, có kế hoạch học tập rõ ràng, phân bổ thời gian hợp lý cho các môn học và các hoạt động khác, tự hoàn thành bài tập, không sao chép hay nhờ vả người khác. Tham gia tích cực vào các hoạt động lao động vật chất như dọn dẹp lớp học, trồng cây, gây giống… để rèn luyện sức khỏe và kỹ năng thực hành. Em sẽ rèn cho mình tính kiên trì và nỗ lực trong mọi công việc, không bỏ cuộc khi gặp khó khăn hay thất bại không ngại khó khăn vì đi qua ngày bão sẽ là ngày nắng đẹp.

Thế đấy, trong cái “lặng lẽ” của Sa Pa trên đỉnh Yên Sơn bốn mùa mây phủ mấy ai biết được có một chàng trai đang sống, đang âm thầm làm việc. Người cán bộ trẻ ấy được Nguyễn Thành Long xây dựng khá sắc nét với những đặc điểm, suy nghĩ, hành động tích cực, một mẫu người của một giai đoạn lịch sử có nhiều gian khổ hi sinh nhưng cũng thật trong sáng, đẹp đẽ. Những trang viết của Nguyễn Thành Long khiến ta thêm yêu con người và cuộc sống, thấy được trách nhiệm của mình với sự nghiệp chung của đất nước.

 

 

Vai trò của ý thức trách nhiệm trong công việc qua lời tâm sự của Anh thanh niên trong truyện ngắn “Lặng lẽ Sa Pa” về công việc

Đề. Hãy chọn phân tích một đoạn thơ hay một nhân vật truyện giúp em cảm nhận được Vai trò của ý thức trách nhiệm trong công việc. Trình bày những tác động của đoạn thơ hay nhân vật truyện đó đối với bản thân em.

Bài làm

Gấp lại truyện ngắn “Lặng lẽ Sa Pa”của Nguyễn Thành Long lòng ta cứ xao xuyến vấn vương trước vẻ đẹp của những con người ,trước những tình cảm chân thành, nồng hậu trong một cuộc sống đầy tin yêu .Dù được miêu tả ít hay nhiều nhân vật nào của “Lặng lẽ Sa Pa” cũng hiện lên với nét cao quí đáng khâm phục.Trong đó anh thanh niên làm công tác khí tượng kiêm vật lý địa cầu đã để lại cho chúng ta nhiều ấn tượng khó phai mờ. Nguyễn Thành Long đã khắc họa thành công hình ảnh nhân vật anh thanh niên với nhiều vẻ đẹp phẩm chất tốt đẹp mà nổi bật nhất là lòng yêu nghề đến say mê, sự hết lòng với công việc thầm lặng nhưng có ích cho đất nước của anh. Ta có thể cảm nhận được tình yêu, niềm tự hàovề công việc của mình và ý thức trách nhiệm cáo trong công việc qua những lời tâm sự của anh về công việc khoa học đơn điệu, tẻ nhạt đến mức nhàm chán của mình: “ Cháu ở đây có nhiệm vụ đo gió, đo mưa, đo nắng, tính mây… Xong việc, trở vào, không thể nào ngủ được.”

Truyện ngắn “Lặng lẽ Sa Pa” được tác giả công bố vào năm 1970 sau chuyến đi thực tế lên Lào Cai trong mùa hè. Truyện có cốt truyện khá đơn giản, xoay quanh cuộc gặp gỡ bất ngờ, ngắn ngủi giữa ba nhân vật là ông họa sĩ, cô kĩ sư trẻ và anh thanh niên làm công tác khí tượng ở Sa Pa. Tuy nhiên, nhờ vào cuộc gặp gỡ đó mà anh thanh niên – nhân vật chính của truyện đã để lại trong lòng những con người xa lạ những suy nghĩ, cảm xúc thật trong sáng, đẹp đẽ. Nguyễn Thành Long không trực tiếp nói về anh thanh niên, chỉ cho anh xuất hiện một cách bình thường như nhân vật khác và qua cảm quan của tuyến nhân vật phụ để vẽ lên bức tranh tuyệt đẹp mà điểm sáng là vẻ đẹp của người thanh niên.

Anh thanh niên là một người lao động bình thường, anh không phải là người đặc biệt anh như bao người khác, anh được giới thiệu: “hai bẩy tuổi tầm vóc nhỏ bé, khuôn mặt rạng rỡ” cái tuổi sôi nổi, yêu đời và khát khao được cống hiến cho đời. Vốn dĩ ở độ tuổi như anh, người ta sẽ thích một cuộc sống sắc màu, năng động, nhiều niềm vui tại phố thị xa hoa, hoặc ít nhất là được ở gần gia đình, người thân. Anh thanh niên lại đi ngược lại xu hướng đó, anh tìm về với nơi yên bình, xa cách này, vừa cô đơn vừa buồn tẻ. Anh làm công tác khí tượng kiêm vật lý địa cầu. Công việc mỗi ngày của anh là “ đo gió, đo mưa, đo nắng, tính mây, đo trấn động mặt đất”. Nhằm dự vào việc báo trước thời tiết hàng ngày phục vụ sản xuất và chiến đấu, Đó là công việc đòi hỏi sự tỉ mỉ, chính xác, kiên nhẫn và có tinh thần trách nghiệm cao. Chính hoàn cảnh sống đặc biệt ấy lại là “chiếc đòn bẩy” nâng tầm cho ý chí sắt đá, nghị lực phi thường của anh thanh niên được nổi bật và neo giữ mãi trong trái tim người đọc. Anh cũng như các nhân vật trong truyện đều có không có tên riêng, có lẽ đây không phải là điều quan trọng đáng nhớ vì mỗi người trên đời này đều có thê giống như anh mà cái đáng nhớ là vẻ đẹp vốn có trong anh.

Thông qua lời giới thiệu của người lái xe anh thanh niên sống ở “đỉnh Yên Sơn, cao hai nghìn sáu trăm mét” và “làm công tác khí tượng kiêm vật lí địa cầu”, và khi nghe lời tâm sự của anh kể về công việc làm của mình cho ông họa sĩ già và cô kỹ sư nông nghiệp trẻ, ta có thể thấy nhân vật anh thanh niên trong truyện có hoàn cảnh sống và làm việc thật đặc biệt. Anh sống một mình trên núi cao, quanh năm suốt tháng làm việc với cây và mây núi ở Sa Pa. Công việc của anh là làm khí tượng kiêm vật lý địa cầu. Công việc hằng ngày của anh thanh niên lặp đi lặp lại tựa một vòng tròn không có hồi kết. Anh làm bạn với đủ loại máy đo mưa, máy nhật quang ký đo ánh sáng mặt trời, cái máy đo gió và cái máy đo chấn động của vỏ trái đất. Một công việc đòi hỏi sự tỉ mỉ, chính xác và đúng giờ. Nhiệm vụ của anh là đo gió, đo mưa, đo gió, đo chấn động mặt đất và dự báo thời tiết hằng ngày phục vụ cho công việc chiến đấu và sản xuất. Anh lấy những con số, mỗi ngày báo về “nhà” bằng báo bộ đàm bốn giờ, mười một giờ, bảy giờ tối và một giờ sáng. Công việc của một người đòi hỏi tính chính xác, tỉ mỉ và tinh thần trách nhiệm cao. Anh thanh niên bảo “công việc nói chung dễ” nhưng những gì anh chia sẻ về công việc của mình với ông họa sĩ và cô kĩ sư mới thấy nó gian khổ và thử thách sức chịu đựng và tinh thần chiến thắng bản thân của con người đến như thế nào.

Công việc anh thanh niên đặc biệt nhiều thử thách nhất là lúc ghi báo về những con số lúc một giờ sáng trong hoàn cảnh thời tiết khắc nghiệt. Hãy nghe anh tâm sự: "Rét, bác ạ. Ở đây có cả mưa tuyết đấy. Nửa đêm đang nằm trong chăn, nghe chuông đồng hồ chỉ muốn đưa tay tắt đi. Chui ra khỏi chăn, ngọn đèn bão vặn to đến cỡ nào vẫn thấy là không đủ sáng. Xách đèn ra vườn, gió tuyết và lặng im ở bên ngoài như chỉ chực mình ra là ào ào xô tới. Cái lặng im lúc đó mới thật dễ sợ: nó như bị chặt ra từng khúc, mà gió thì giống những nhát chổi muốn quét đi tất cả, ném vứt lung tung… Những lúc im lặng lạnh cóng mà lại hừng hực như cháy. Xong việc, trở vào, không thể nào ngủ lại được". Những lời kể chân thực của anh thanh niên giúp người đọc cảm nhận được những gian khổ mà anh phải trải qua. Dưới cái trời lạnh buốt giá nơi núi rừng Tây Bắc, người ta sẽ chẳng muốn làm gì, chỉ muốn cuộn trong chăn ấm. Thế mà, có những người vẫn lặng lẽ, chống chọi với cái lạnh giá ấy, với mưa gió, sấm chớp đùng đùng hết mình vì công việc, không nề hà, than vãn. Đọc những dòng tâm sự ta càng thêm khâm phục, yêu mến anh hơn.

Ngoài khó khăn được anh nói đến trong lời tâm sự , hoàn cảnh sống và làm việc của nhân vật còn có điều đặc biệt là: Anh thanh niên mới có hai mươi bảy tuổi, cái tuổi đang hừng hực sức sống và sự bay nhảy. Thế mà, anh đã sống một mình trong suốt bốn năm trên đỉnh Yên Sơn. Trong bốn năm đó, ông họa sĩ và cô gái trẻ là đoàn khách thứ hai đến thăm nhà anh. Như vậy, cái gian khổ nhất đối với anh là phải vượt qua sự cô đơn, vắng vẻ, quanh năm suốt tháng chỉ có một mình trên đỉnh núi cao không một bóng người. Thử tưởng tượng phải làm việc quanh năm suốt tháng một mình trên đỉnh núi cao không một bóng người rồi những lúc thấy nản lòng, buồn tủi lại không có một ai để chia sớt, san sẻ, động viên. Ta thấy đó quả thật là một công việc không hề “dễ” như anh nói. Phải bản lĩnh, đam mê và yêu nghề đến đâu, một người trẻ tuổi như anh mới chấp nhận sống và làm việc ở nơi “khỉ ho cò gáy” này. Và Anh thanh niên đã vượt qua tất cả bằng ý chí, nghị lực và những suy nghĩ rất đẹp.

Chỉ cần nghe lời tâm sự đó thôi ta đã thấy được anh say mê, yêu nghề đến mức nào, công việc là niềm vui, niềm hạnh phúc và là sự sống của anh, anh không thể sống khi thiếu công việc cũng như người ta không thể sống khi thiếu khí trời. Một mình sống trên đỉnh Yên Sơn, không có ai đôn đốc, kiểm tra  nhưng anh vẫn vượt qua hoàn cảnh làm việc một cách nghiêm túc, tự giác với tinh thần trách nhiệm cao. Dù thời tiết khắc nghiệt mùa đông giá rét mà anh đều thức dậy thắp đèn đi “ốp” đúng giờ. Ngày nào cũng vậy anh làm việc một cách đều đặn, chính xác 4 lần trong ngày, âm thầm, bền bỉ trong nhiều năm trời. Công việc thực sự là một nguồn vui, một người bạn trong cuộc sống của anh. Anh thanh niên đặt hết tình cảm và cuộc sống trong công việc đang làm. Anh hiểu được chân lý của cuộc sống, anh có một quan niệm vô cùng đẹp, rằng mình là một mảnh ghép trong vô số mảnh ghép khác, chỉ khi hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình thì mới hoàn thành những nhiệm vụ lớn. Với anh sống là làm việc, làm việc là yêu nước. Đó là ý thức trách nhiệm cao cả của anh trong công việc hành ngày và trong thực hiện nhiệm vụ đối với tổ quốc. Tinh thần thái độ làm việc của anh thật nghiêm túc, chính xác, khoa học và nó đã trở thành phong cách sống của anh. Anh là người rất có nguyên tắc và ý thức sống. Không phải vì sống một mình không ai lui tới nên anh buông thả bản thân. Một phong cách sống khiến mọi người phải nể trọng

Sự cô độc cùng với áp lực công việc, cái đó có thể giết chết con người bằng bệnh trầm cảm, tự kỉ nhưng anh thanh niên đã chiến thắng tất cả để giữ được một trái tim ấm áp, một tinh thần lạc quan, yêu đời. Anh triết lí về công việc của mình: “khi ta làm việc, ta với công việc là đôi, sao gọi là một mình được?”.  Khó khăn đến mấy cũng không cản được ý chí trong anh.

Anh thấy được công việc thầm lặng của mình có ích cho cuộc sống, cho mọi người. Anh đã thấy mình “thật hạnh phúc” khi được biết một lần do phát hiện kịp thời một đám mây khô mà anh đã góp phần vào chiến thắng của không quân ta bắn rơi nhiều máy bay Mỹ trên bầu trời Hàm Rồng. Trái tim của anh luôn rạo rực một ngọn lửa khát vọng, khát vọng được sống đẹp, sống có ý nghĩa, sống có ích cho đất nước, cho mọi người. Hạnh phúc của người con trai ấy chẳng phải là ái tình tuổi trẻ, được giàu sang hay quyền lực. Hạnh phúc với anh là được làm việc, được cống hiến cho đất nước. Hạnh phúc khi ấy đã vượt ra ngoài biên giới của nó, không chỉ bó hẹp trong từng cá nhân mà lan tỏa đến những người khác, có ý nghĩa với nhiều người. Phải chăng một trong số những ẩn ý của tác giả qua việc không đặt tên riêng cho nhân vật chính mà lại gọi anh là “anh thanh niên” bởi anh đại diện cho tầng lớp các bạn trẻ đang ngân vang giai điệu bất diệt của lí tưởng sống cao cả, lao động quên mình vì Tổ quốc. Anh là đại diện tiêu biểu cho thanh niên Việt Nam, hăng say làm việc, hết mình cống hiến cho dân tộc, cho đất nước.

Với cách xây dựng tình huống truyện hợp lí, cách kể chuyện tự nhiên, kết hợp độc đáo giữa tự sự, trữ tình với bình luận, tác phẩm như dòng suối tĩnh lặng, nhẹ nhàng chảy trôi vào đời, đi qua những ngõ ngách trong trái tim người đọc và cứ thế lắng đọng nơi sâu thẳm cõi lòng. Ngòi bút tinh tế, giàu chất thơ của Nguyễn Thành Long như giúp người đọc đắm chìm vào từng lời văn, ngây ngất trong chất men say trữ tình lãng mạn của một thiên nhiên nên thơ đến những con người làm việc lặng lẽ, quên mình vì Tổ quốc. Sa Pa không chỉ là sự yên tĩnh, bên dưới sự yên tĩnh ấy, người ta làm việc, hi sinh và mơ ước. Ở đó, vẻ đẹp của anh thanh niên trong Lặng lẽ Sa Pa khiến người ta rung động và sống mãi trong tiềm thức người độc giả.

Cuộc sống của anh thanh niên trong “Lặng lẽ Sa Pa” đẹp như một bài ca. Và bài ca ấy giúp em nhận ra bản thân mình cuxng như thế hệ thanh niên Việt Nam hôm nay cần dũng cảm lên đường, sống và cống hiến hết mình vì non sông, đất nước. Em hiểu được rằng lao động là đôi cánh của ước mơ. Trong cuộc sống, ai cũng phải làm việc, phải lao động để nuôi sống bản thân và góp phần xây dựng gia đình, xã hội. Lao động là sự sống, là vẻ vang. Lười biếng lao động, thiếu ý thức trách nhiệm trong công việc là điều thật đáng xấu hổ. Và cùng đó em nhận thức rõ được giá trị của tinh thần trách nhiệm trong công việc. Mức độ ý thức trách nhiệm quyết định mức độ thái độ của ta khi làm việc, đồng thời cũng quyết định thành tích công việc của ta. Khi có được ý thức trách nhiệm cao trong công việc, ta có thể học được từ công việc nhiều kiến thức mới, tích luỹ được nhiều kinh nghiệm và cũng từ đó tìm thấy niềm vui. Khi coi công việc là bạn, là nguồn vui thì công việc sẽ trở nên nhẹ nhàng và hiệu quả. Khi làm việc là lúc ta tự rèn luận các kĩ năng, do vậy công việc giúp ta hoàn thiện và phát triển bản thân.Lời tâm sự của anh thanh niên còn gián tiếp phê phán những người coi công việc là gánh nặng, những người lười nhác…Bản thân em rút ra cho mình một bài học giá trị: cần có thái độ yêu lao động, coi lao động là niềm vui, niềm hạnh phúc.

Là học sinh,khi còn ngồi trên ghế nhà trường, em cần rèn cho mình ý thức thực hiện tốt công việc, nghĩa vụ của bản thân, không dựa dẫm, ỷ lại hay đùn đẩy trách nhiệm cho người khác. Em luôn cố gắng, nỗ lực học tập, tự hoàn thành bài tập, rèn luyện tinh thần hợp tác với bạn bè và những người xung quanh…; chấp hành nghiêm các quy định của nhà trường; yêu thương và giúp đỡ bạn bè, nghe lời thầy cô, hiếu thảo với ông bà cha mẹ… Cố gắng xây dựng cho mình  một nguyên tắc sống riêng, không để người khác phải nhắc nhở cũng như không làm những việc ảnh hưởng tới tương lai sau này, biết gánh vác công việc cha mẹ, thầy cô … giao và nhận sai khi gây ra lỗi lầm.

Mỗi tác phẩm văn học  không chỉ thốt lên nỗi niềm của tác giả mà còn khơi gợi nỗi lòng của người đọc. “Lặng lẽ Sa Pa” vừa vẽ nên một bức tranh thơ mộng, lãng mạn nhưng vô cùng chân thực về vẻ đẹp một miền sơn cước, ẩn hiện trong đó là nét đẹp của người thanh niên với lý tưởng sống vô cùng tốt đẹp. Truyện ngắn còn để lại cho độc giả những thanh âm vang vọng mãi về sau. Đó là thanh âm nhắc nhở thanh, thiếu niên và người lao động sống phải có lý tưởng, có ước mơ, dám cống hiến, dám chịu trách nhiệm và giữ nét đẹp giản dị, chân thật nhất trong tim mình.

 


Cảm nhận khổ 2, 4 Bếp lửa_vượt qua nỗi sợ để nhận ra giá trị cao đẹp của cuộc sống

 

Đề. Hãy chọn phân tích một đoạn thơ hay một nhân vật truyện giúp em cảm nhận được ý nghĩa của nỗi sợ. Trình bày những tác động của đoạn thơ hay nhân vật truyện đó đối với bản thân em.

Bài làm

Có những câu ca, bài thơ chỉ chạm nhẹ vào trái tim người đọc nhưng khiến họ nhớ mãi. Đọc thơ Bằng Việt chắc hẳn người đọc sẽ nhận ra được sự lan truyền kì diệu của câu chữ. “Bếp lửa” của Bằng Việt với câu từ giản dị, cách viết nhẹ nhàng nhưng dường như khiến người đọc thấy cay cay ở khoé mắt. Là một trong những bài thơ rất hay và cảm động về tình cảm bà cháu. Một bài thơ tràn đầy tình yêu, tràn đầy hạnh phúc giữa đắng cay cuộc đời. Đọc thơ ta như được sưởi ấm cùng Bằng Việt hơi lửa ấm áp của tình người giàu ân nghĩa, cao đẹp, với tình bà cháu gắn bó, ấm áp cùng những gian khổ nhọc nhằn ấu thơ. Người đọc có thể  cảm nhận được nỗi sợ cái đói, nỗi khổ cực, mất mát và đau thương của những năm tháng đói nghèo, chiến tranh khiến người cháu khắc ghi mãi tình yêu thương và nỗi nhớ thương bà:

Lên bốn tuổi cháu đã quen mùi khói

Năm ấy là năm đói mòn đói mỏi

Bố đi đánh xe khô rạc ngựa gầy

Chỉ nhớ khói hun nhèm mắt cháu

Nghĩ lại bây giờ sống mũi còn cay

[…]

Hàng xóm bốn bên trở về lầm lụi

Đỡ đần bà dựng lại túp lều tranh

Vẫn vững lòng bà dặn cháu đinh ninh:

“Bố ở chiến khu bố còn việc bố

Mày có viết thư chớ kể này kể nọ

Cứ bào nhà vẫn được bình yên.”

Bài thơ Bếp lửa như tiếng lòng của người cháu dành cho bà suốt những năm tháng ấu thơ vất vả, bộn bề lo âu. Hình ảnh “bếp lửa” gần gũi, bình dị trong mỗi gia đình Việt Nam thời xưa nhưng dường như có sức ám ảnh và lay động tác giả. Vì bếp lửa gắn với bà, gắn với kỉ niệm ấu thơ không thể phai nhoà. Bài thơ chính là lời tâm tình thủ thỉ nhẹ nhàng của đứa cháu ở nơi xa hướng về bà cũng nỗi nhớ quê hương, gia đình khắc khoải. Chiều sâu của nỗi nhớ nằm trong dòng kí ức của tuổi thơ và một tuổi thơ không mấy may mắn. Nỗi sợ cái đói, nỗi khổ cực, mất mát và đau thương của những năm tháng đói nghèo, chiến tranh càng khiến người cháu khắc ghi mãi tình yêu thương và nỗi nhớ thương bà.

Kí ức một tuổi thơ nhọc nhằn,vất vả bên cạnh bà ùa về:

Lên bốn tuổi cháu đã quen mùi khói

Năm ấy là năm đói mòn đói mỏi

Bố đi đánh xe khô rạc ngựa gầy

Chỉ nhớ khói hun nhèm mắt cháu

Nghĩ lại bây giờ sống mũi còn cay.

Kí ức năm lên bốn tuổi hiện về trong hình ảnh của làn khói rồi khói hun. Mùi khói ở bếp lửa quá thân thuộc. Đó là dấu ấn về cuộc sống của hai bà cháu trong những năm tháng ngày xưa ấy. Trong hình ảnh làn khói mờ ảo là tình cảm khi tỏ, khi mờ, lúc da diết khi thì bâng khuâng. Tuổi thơ ấy không phải nhuộm một sắc hồng viên mãn mà là những ngày tháng của cái đói rình rập. Đất nước rơi vào ách thống trị thực dân, tình cảnh nạn đói thê thảm là điều không tránh khỏi. Dường như lời thơ đang hướng ta về với nạn đói năm 1945. Cái đói dai dẳng, đeo bám đã cướp đi sinh mạng của hàng trăm, hàng nghìn người. Tuổi thơ ấy, nhà thơ đã phải chứng kiến một viễn cảnh nhuốm màu bi thương, khốn khổ. Nạn đói năm 1945 khiến hơn 2 triệu đồng bào ta bị chết đói, người chết như ngả rạ, người sống “đi lại dật dờ như những bóng ma” (Kim Lân). Thành ngữ “đói mòn đói mỏi” gợi cái đói dai dẳng, kéo dài làm mỏi mệt, kiệt sức. Hình ảnh của bố – trụ cột gia đình hiện lên đầy xót xa: đánh xe khô rạc ngựa gầy. Bố đang cố gắng gượng mình bươn trải cho cuộc sống gia đình nhưng có cố gắng đến mức héo mòn sức sống thì vẫn không đủ chăm lo chu toàn được cho cả gia đình. Đến đây giọng thơ như đang trĩu xuống làm nôn nao lòng người. Đọc thơ thôi sẽ một ai đó thấy nghẹn ngào và cũng sẽ có ai đó đã phải rơi lệ. Tất cả là một nỗi đau, một tuổi thơ thăng trầm chứ không náo nhiệt, vui nhộn như mọi người từng nghĩ. Phải chăng kí ức, kỉ niệm quá sâu đậm để đến tận bây giờ khi nghĩ đến chính nhà thơ cũng còn phải thấy nghẹn lòng: "Nghĩ lại đến giờ sống mũi còn cay". Ngôn ngữ thơ mộc mạc đã lay động tâm can, khắc sâu vào lòng người về một quãng thời gian đầy khó khăn, nhọc nhằn. Mùi khói từ bếp lửa của bà đã khơi dậy trong lòng người cháu những năm tháng không thể nào quên. Khói bếp tuổi thơ đã “hun” đầy trong khoé mắt, hun cả một vùng trời tuổi thơ nhọc nhằn. Chữ “cay” ở cuối câu thơ như lắng lại, gieo vào lòng người nỗi buồn man mác. Là sống mũi “cay” hay là tuổi thơ cay cực, là thương bà, thương bố mẹ hay thương bếp lửa tần tảo sớm hôm. Giọng thơ tha thiết, trìu mến, trầm lắng tác giả đã kể cho ta nghe về kỉ niệm năm lên bốn tuổi của mình cùng những hình ảnh không thể nào quên. Nơi đó tuy khốn khó nhưng lại đầy ắp tình cảm yêu thương của bà.Đọc thơ, ta có một chút nghẹn ngào pha thêm sự xót xa đau đớn.

Năm tháng sống bên cạnh bà tuy khó nhọc nhưng tràn đầy ân tình. Tình bà cháu thực sự khiến người đọc chùng lại, rưng rưng nước mắt. Đất nước chìm trong bom đạn nhưng bà vẫn luôn chở che, chăm lo cho cháu từ bữa ăn đến giấc ngủ. Còn tình cảm nào thiêng liêng và cao cả hơn nữa. Nhưng chiến tranh đã cướp đi bao nhiêu thứ, máu và nước mắt, cả tình yêu. Và có một kỉ niệm trong hồi ức mà người cháu chẳng bao giờ quên được dù đã lớn khôn:

Hàng xóm bốn bên trở về lầm lụi

Đỡ đần bà dựng lại túp lều tranh

Vẫn vững lòng bà dặn cháu đinh ninh:

“Bố ở chiến khu bố còn việc bố

Mày có viết thư chớ kể này kể nọ

Cứ bào nhà vẫn được bình yên.”

Trong những năm đất nước có chiến tranh, những khó khăn, ác liệt, biết bao nhiêu đau thương mất mát vẫn luôn in sâu trong tâm trí của người cháu. Chiến tranh. Chỉ cần nhắc đến hai chữ ấy thôi, ai trong chúng ta cũng đều liên tưởng đến tính khốc liệt, tàn ác mà nó đem đến cho dân tộc. Nó đã gây ra bao đau thương, mất mát cho bao người, bao gia đình. Hai bà cháu trong bài thơ cũng không ngoại lệ: gia đình bị chia cắt, nhà cửa bị đốt “cháy tàn cháy rụi”. Cuộc sống càng khó khăn, cảnh ngộ càng ngặt nghèo, nghị lực của bà càng bền vững, tấm lòng của bà càng mênh mông. Qua đó, ta thấy hiện lên một người bà cần cù, nhẫn nại và giàu đức hi sinh. Nỗi khổ vì nhà của bị giặc tàn phá, bà âm thầm chịu đựng. Từ “lầm lũi” diễn đạt rất xúc động hình ảnh bà lặng lẽ sớm hôm, muốn chia sẻ, gánh vác cùng con cháu những lo toan vất vả, nhọc nhằn. Những lúc như vậy, duy chỉ có tình làng xóm, tình cảm giữa những con người cùng khổ, những con người cùng thấm thía được nỗi đau thương của chiến tranh, là không bị hủy diệt. Họ đỡ đần nhau, đùm bọc nhau, cùng nhau vượt qua những ngày tháng gian lao, vất vả. Bà cháu đã sống bên nhau trong “túp lều tranh” nhưng cũng trong cảnh sống cơ cực đó, cháu đã được nhận từ bà những bài học làm người dù mộc mạc nhưng trong cái mộc mạc cháu lại thấy tấm lòng bao dung rộng lớn của bà. Bài học ấy được thể hiện qua lời căn dặn của bà với cháu:

“Bố ở chiến khu bố còn việc bố

Mày có viết thư chớ kể này kể nọ

Cứ bảo nhà vẫn được bình yên.”

Gian khổ thiếu thốn và nhớ nhung cần phải che giấu cho con người đi xa được yên lòng. Lời người bà dặn cháu thật nôm na nhưng chân thực và cảm động. Lời dặn dò của người bà vẫn được cháu "đinh ninh" nhớ mãi trong lòng: lời dặn được trích nguyên văn, được nhắc lại trực tiếp. Lời dặn dò của bà đối với cháu nặng tựa nghìn non, chất chứa nghĩa tình sâu đậm. Bà yêu thương cháu, thương con, thương cho đất nước lầm than.Tấm lòng người bà thương con, thương cháu ân cần chu đáo biết bao. Đó cũng chính là phẩm chất của người phụ nữ Việt Nam ta từ muôn thuở, luôn can đảm, bản lĩnh và cứng rắn trước nỗi đau của dân tộc, hy sinh tình riêng đặt tình chung lên trên. Đó chẳng phải là biểu hiện cao nhất của tình yêu quê hương đất nước đó ư. Trong cảnh ngộ đất nước có biến cố, gia đình bị chia li, bà là động lực của bố và là chỗ dựa cho cháu, đồng thời cũng là người truyền cho cháu niềm tin về một tương lai tươi sáng hơn. Cháu nhớ đến bà, nghĩ về bà và cảm nhận được rằng: bà đang hiện diện bên mình. Lời bà yêu thương, ấm lòng cứ như văng vẳng bên tai… Làm sao cháu có thể quên?

Bằng cảm xúc hồi tưởng, suy ngẫm và trên hình thức một bài thơ tự sự – trữ tình và ngôn ngữ mộc mạc dung dị nhưng giàu sức gợi cùng với tình cảm chân thành nhiều xúc động, tác giả đã lay động tâm can người đọc. Mùi khói từ bếp lửa, từ bàn tay gầy guộc mà bà nhen nhóm đã khơi dậy trong lòng cháu bao nhiêu tình cảm thiết tha, hồn hậu mà đẹp đẽ. Đọc hai khổ thơ nói riêng và bài thơ nói chung, ta càng thêm yêu, thêm quý quê hương mình, chút gì đó nghẹn ngào, xúc động và tự hào về những người bà một đời tần tảo bên cháu con.

Giọng thơ tha thiết, trìu mến, trầm lắng về kỉ niệm năm lên bốn tuổi của mình cùng những hình ảnh không thể nào quên của tác giả làm em nghẹn ngào pha thêm sự xót xa đau đớn. Lời thơ dạt dào xúc cảm khiến em không thể cầm nước mắt trước những vất vả, thăng trầm, mất mát, đau thương của hai bà cháu và bao người Việt Nam trong nạn đói và chiến tranh. Cùng với đó là niềm cảm phục khôn nguôi người bà- bà tiên- luôn gắn bó, chăm sóc, che chở về cả tinh thần lẫn vật chất cho cháu. Tình yêu thương của bà, tấm lòng nhân hậu của bà như xua tan đi bao đau thương, bao khổ cực chiến tranh. Đoạn thơ cũng cho em một nhận thức sâu sắc về nỗi sợ. Nỗi sợ là phản ứng tất yếu của cuộc sống, khi chúng ta đối diện với những thử thách lớn lao, những cuộc hành trình mình chưa từng biết đến. Chúng ta có quyền có nỗi sợ nhất là những nỗi sợ mất đi cái đẹp, cái tốt, cái thật. Vì những nỗi sợ xuất phát từ những tấm lòng cao đẹp, làm nên vẻ đẹp bất tử. khi vượt qua nỗi sợ, chúng ta sẽ hoàn thiện bản thân, dần trưởng thành và hiểu được những giá trị lớn lao của cuộc sống. Như người cháu trong Bếp lửa của Bằng Việt đã vượt qua nỗi sợ để nhận ra giá trị cao đẹp của cuộc sống mà mình đang được sống. Đó chính là sức sống muôn đời bất diệt mang niềm yêu thương, ý chí, nghị lực, niềm tin. Là ý chí, là nghị lực, là niềm tin của cả một dân tộc trong thời kỳ lịch sử vô cùng khó khăn đó, niềm tin về một ngày mai hoà bình, một ngày mai tươi sáng và một tương lai tốt đẹp hơn đang chờ phía trước. Người cháu, người bà là hình ảnh của con người Việt Nam mang vẻ đẹp của thời kì lịch sử gian khổ hào hùng và lãng mạn của dân tộc là một biểu hiện cụ thể của tình yêu gia đình, quê hương.

“Bếp lửa” đã khơi dậy trong lòng em một tình cảm cao đẹp đối với gia đình, với những người đã tô màu lên tuổi thơ trong sáng của mình. Em vô cùng biết ơn những hi sinh của cha của mẹ để em được sống đủ đầy, được sống hạnh phúc. Là một người con em sẽ sống nghĩa tình, nhân hậu, thủy chung sao để mang vinh dự và tự hào cho cha mẹ. Em sẽ cố gắng học hành, làm việc chăm chỉ, nâng cao trình độ, kỹ năng, kiến thức… để phát triển bản thân để thể hiện sự tri ân của mình với cha mẹ. Em sẽ trân trọng và biết ơn, yêu thương cha mẹ mỗi ngày và sống thật tốt để đền đáp những cố gắng, hy sinh của mẹ cha đã cho em một cuộc sống đầy yêu thương và đủ đầy nhất.

Quá khứ là nơi gìn giữ sự sống đã trải qua của mỗi chúng ta. Nó tuy vô hình nhưng luôn hiện hữu trong tâm hồn mỗi người. Hãy trân trọng và giữ gìn nó như giữ gìn sự sống trong hiện tại và khát vọng ở tương lai. Không có quá khứ, sự tồn tại của con người cũng trở nên vô nghĩa. “Những gì là thân thiết nhất của tuổi thơ mỗi người, đều có sức tỏa sáng, nâng đỡ con người trên hành trình dài rộng của cuộc đời”. “Bếp lửa” là một sự hồi nhớ mang đầy tính nhân văn cao cả về tình yêu gia đình và quê hương đất nước. Bài thơ sẽ sống mãi trong lòng bạn đọc nhờ sức truyền cảm sâu sắc của nó. Bài thơ đã khơi dậy trong lòng chúng ta một tình cảm cao đẹp đối với gia đình, với những người đã tô màu lên tuổi thơ trong sáng của ta. Những tình yêu tốt đẹp gia đình và quê hương trong mỗi người là điều có thể nâng bước dắt dìu con người vững bước trên hành trình cuộc đời.

 

 

Thứ Ba, 30 tháng 5, 2023

Cảm nhận giá trị của lý tưởng sống cao đẹp qua nhân vật Lục Vân Tiên

Đề. Hãy chọn phân tích một đoạn thơ hay một nhân vật truyện giúp em cảm nhận được giá trị của lý tưởng sống cao đẹp. Trình bày những tác động của đoạn thơ hay nhân vật đó đối với bản thân em.

Bài làm

Hỡi ai lẳng lặng mà nghe

Dữ răn việc nước, lành dè thân sau

Trai thời trung hiếu làm đầu

Gái thời tiết hạnh làm câu trau mình.

Lời thơ giản dị, rành rẽ như một tuyên ngôn, định hướng cho bước đi của toàn bộ tác phẩm Lục Vân Tiên của cụ Đồ Chiểu. Truyện thơ “Lục Vân Tiên” của cụ được nhân dân ta yêu thích vì những chi tiết, sự việc, những nhân vật toả sáng đạo lí cũng như vì những ý tưởng giáo huấn chân thành và đầy thấm thía. Lấp lánh sau những câu thơ giản dị và hồn hậu chính là nét đẹp của phẩm cách, của tấm lòng đáng quý, đáng phục ở Vân Tiên, Nguyệt Nga …Đặc biệt đoạn trích Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga sáng ngời một Lục Vân Tiên đầy khí chất của người anh hùng chân chính, hiệp nghĩa. Lục Vân Tiên nổi bật lí tưởng tuyệt đẹp của người anh hùng giàu lòng thương người, dũng cảm và vị nghĩa cao cả qua đoạn thơ:

Vân Tiên ghé lại bên đàng,

Bẻ cây làm gậy nhằm làng xông vô.

Kêu rằng: “Bớ đảng hung đồ,

Chớ quen làm thói hồ đồ hại dân.”

Phong Lai mặt đỏ phừng phừng:

“Thằng nào dám tới lẫy lừng vào đây.

Trước gây việc dữ tại mầy,

Truyền quân bốn phía phủ vây bịt bùng.”

Vân Tiên tả đột hữu xông,

Khác nào Triệu Tử phá vòng Đương Dang.

Lâu la bốn phía vỡ tan,

Đều quăng gươm giáo tìm đàng chạy ngay.

Phong Lai trở chẳng kịp tay,

Bị Tiên một gậy thác rày thân vong.

Nguyễn Đình Chiểu được biết đến như một nhà văn và cũng là nhà thơ tiêu biểu của nền văn học Việt Nam. Thơ văn của ông không có sự chau chuốt, cầu kì về câu từ mà lại rất mộc mạc, dân dã gắn liền với đời sống của người dân Nam Bộ. Văn chương của cụ Đồ Chiểu lại thâm nhập vào chiều sâu đời sống và trở thành một phần không thể thiếu của người dân Nam bộ. “Lục Vân Tiên” của cụ Đồ Chiều đã quen thuộc như những bài đồng dao dân gian. Với Nguyễn Đình Chiểu, nhân nghĩa là đạo đức nhân dân, là căn cốt, gốc rễ để trau dồi rèn giũa con người. Vì vậy, nhà thơ đã hào hứng giới thiệu Lục VânTiên trẻ tuổi, biết hướng theo lòng nhân, biết hành động theo việc nghĩa. Hình ảnh Lục VânTiên được khắc họa theo mô típ quen thuộc của truyện Nôm truyền thống: một chàng trai tài giỏi cứu một cô gái thoát khỏi tình huống hiểm nghèo, rồi từ ân nghĩa đến tình yêu… như chàng Thạch Sang đánh đại bàng, cứu công chúa Quỳnh Nga (“Thạch Sanh”). Mô-típ này thể hiện niềm mong ước của tác giả và cũng là của nhân dân.

Cũng như bao đấng nam nhi khác, Lục Vân Tiên cũng ôm khát vọng công danh, đem tài trí giúp ích cho đời, chàng ngày đem chăm lo học tập, rèn luyện võ nghệ cùng thầy ở trên núi. Năm ấy, triều đình mở khoa thi, cũng là lúc, Lục vân Tiên văn đã thông thạo, võ đã hơn người, chàng từ biệt thầy xuống núi, lên kinh ứng thí. Chàng đang háo hức trên con đường lên kinh ứng thí. Vậy mà gặp cướp. Không phải chúng gây sự với chàng, mà chúng đang quấy nhiễu nhân dân. Trước mắt chàng, bày ra một nghịch cảnh: dân thì “than khóc tưng bừng, đều đem nhau chạy vào rừng lên non”, bọn cướp thì “xuống thôn hương, thấy con gái tốt qua đường bắt đi”. Chàng vô cùng tức giận, sau một lời hứa ngắn gọn: “Tôi xin ra sức anh hào”, quyết ra tay giúp dân trừ bạo, diệt lũ tham tàn:

Vân Tiên ghé lại bên đường

Bẻ cây làm gậy nhằm làng xông vô.

Đối với Lục Vân Tiên cứu người trong lúc lâm nguy không những là việc nên làm mà còn là bổn phận của đấng trượng phu thấy chuyện bất bình ra tay tương trợ. Đối diện với bọn cướp vừa đông đảo, khí thế hung bạo lại vũ khí sắc bén, chàng vẫn sẵn sàng xông vào giữa chốn nguy hiểm, ra tay cứu người lương thiện. Chàng chỉ một mình, tay không dũng cảm chống lại bọn cướp hung dữ, giáo gươm đầy đủ, rất đông đảo và “thanh thế lẫy lừng”. Trước tình thế đó, Vân Tiên không hề nao núng, không hề nghĩ đến bản thân, chàng bình tĩnh “bẻ cây làm gậy” nhằm thẳng quân cướp mà xông vào. Chàng nhằm thẳng bọn cướp mà xông vào, chẳng hề sợ hãi. Một thân một mình với chiếc gậy bằng cây là vũ khí quá thô sơ, Lục Vân Tiên thật mất cân xứng trước một bọn cướp khét tiếng.  Nhưng vũ khí đó càng làm nổi bật tinh thần diệt bạo trừ gian cứu người sức yếu thế cô của Vân Tiên

Không những thế, chàng còn khẳng định lập trường chính nghĩa của mình, chỉ thẳng vào mặt bọn chúng mà trách tội:

Kêu rằng bớ đảng hung đồ

Chớ quen làm thói hồ đồ hại dân.

Uy phong của người anh hùng: cách đánh cướp của chàng công khai, đàng hoàng, quang minh, chính đại như các anh hùng hảo hán. Trong mắt chàng, bọn giặc cướp Phong Lai chỉ là những kẻ hung đồ ngang ngược, ỷ thế làm càn, bức hại người dân vô tội. Chàng gọi tên chúng, trách măng tên cướp hung bạo nhằm khẳng định hành động phi nghĩa của chúng. Hành động ấy trái với đạo lí, trời không dung, đất không tha. Chàng quyết ra tay tương trợ, trừ gian diệt bạo để bảo toàn công lý, chính nghĩa, cứu giúp muôn dân.

Lời nói đó đã làm cho tên tướng cướp điên cuồng “mặt đỏ phừng phừng” vô cùng tức giận, nhìn chàng ra vẻ dữ tợn:

Thằng nào dám tới lẫy lừng vào đây

Trước gây việc dữ tại mày.

Sau đó ngay lập tức: Truyền quân lệnh xuống phủ vây bịt bùng. Trong hoàn cảnh ấy, Vân Tiên dẫu một thân một mình, tay không tấc sắt, chỉ có cây gậy vũ khí độc nhất trong tay mà vẫn không hề nao núng sợ hãi. Chàng xông thẳng vào vòng vây của mấy mươi tên cướp, thanh thế lẫy lừng, giáo gươm nhọn hoắt. Chàng đối kháng trực tiếp dựa trên lập trường chính nghĩa đánh kẻ hung bạo, bảo vệ kẻ yếu. Lục Vân Tiên đã rất bình tĩnh, uy phong lẫm liệt, thể hiện bàn lĩnh của người anh hùng. Chàng tung hoành ngang dọc, tả đột hữu xông như chốn không người. Gươm giáo của kẻ cướp không sao chạm tới chàng được. Chiếc gậy bình thường trong tay vị anh hùng dã trở thành vũ khí lợi hại, đáng sợ. Hình ảnh ấy thể hiện tài nghệ phi thường của chàng trai họ Lục, một hình ảnh đẹp, dùng cảm sánh ngang cùng dũng tướng Triệu Tử Long:

Vân Tiên tả đột hữu xông,

Khác nào Triệu Tử phá vòng Đương Dang.

Hình ảnh của chàng lúc ấy thật oai phong lẫm liệt biết bao. Triệu Tử Long, người anh hùng dũng tướng thời Tam quốc ngày xưa, một thân một mình phá được vòng vây của hàng ngàn quân giặc để  báo đền ơn chủ tướng, giữ vẹn nghĩa vua tôi còn Lục Vân Tiên liều thân mình là để cứu giúp người trong cơn nguy khó mà là để cứu người trong lúc lâm nguy. Đối với chàng, những người gặp nạn kia hoàn toàn là một người xa lạ. Chàng hành động với một khát vọng mãnh liệt, cao đẹp đó là hành hiệp trượng nghĩa, cứu người thiện lương. Chàng không tính toán thiệt hơn, thấy việc nghĩa giữa đường đành ra tay tương trợ. Hành động đánh cướp cao cả đó bởi nó không những thể hiện một tính cách anh hùng dũng cảm, một tài năng, một khí phách lớn mà cao hơn đó là tấm lòng vì nghĩa của chàng Lục Vân Tiên. Chàng đã hành động quên mình vì việc nghĩa, thể hiện cái tài, cái tâm của bậc anh hùng bất chấp hiểm nguy bênh vực kẻ yếu, đánh tan quân cướp, chiến thắng thế lực tàn bạo.Đó cũng là lý tưởng và nghĩa khí của người anh hùng xưa nay.

Trận đánh đã kết thúc nhanh chóng, bất ngờ như trong truyện cổ tích. Chỉ thoáng chốc, chàng đã đánh cho bọn chúng đến thất điên bát đảo, hoang mang tìm đường bỏ chạy:

Lâu la bốn phía vỡ tan

Đều quăng gươm giáo tìm đàng chạy ngay.

Ngay cả tên cướp đầu não là Phong Lai cũng trở chẳng kịp tay, bị Vân Tiên đánh đến thân vong.

Hành động đánh cướp cứu người của Lục Vân Tiên thật cao đẹp và đáng ca ngợi. Nó chứng tỏ chàng là người anh hùng dũng cảm, võ nghệ phi thường, ít ai sánh kịp. Nhưng cao hơn, điều này còn thể hiện khát vọng của nhân dân, là niềm tin của nhân dân về cái thiện và chân lí ở đời. Con người và việc làm tốt đẹp, trong sáng dù trải qua khó khăn nhưng cuối cùng vẫn sáng ngời và vẫn chiến thắng. Từ hành động đó của Vân Tiên, ta hiểu được quan niệm anh hùng của Nguyễn Đình Chiểu. Đối với Đồ Chiểu, người anh hùng phải là người có tấm lòng nhân nghĩa, yêu thương con người, bất chấp hiểm nguy, cứu người hoạn nạn, không mưu lợi cầu danh. Đó là người phải là người có tài trí phi thường, võ nghệ cao cường để có thể tự bảo vệ mình, cứu người, đem lại điều tốt đẹp cho mọi người, hành động vì nghĩa lớn, vì lẽ phải, lẽ công bằng ở đời.

Bằng hình ảnh so sánh, liệt kê, kết hợp với những từ ngữ tuy vô cùng giản dị nhưng Nguyễn Đình Chiểu đã khắc họa thành công hình ảnh Lục Vân Tiên một con người hào hiệp, dũng cảm, sẵn sàng hi sinh mình vì người khác, vị nghĩa vong thân. Qua việc vận dụng nghệ thuật xây dựng tính cách nhân vật theo thủ pháp quen thuộc của truyện cổ dân gian, để cho nhân vật trực tiếp bộc lộ bản chất, tính cách bằng hành động cụ thể, Nguyễn Đình Chiểu đã khắc họa thành công vẻ đẹp hình tượng Lục Vân Tiên. Đó là người anh hùng thời loạn, dũng cảm hào hiệp, trọng nghĩa khinh tài, sẵn sàng liều thân mình cứu giúp người trong cơn nguy khó. Lục Vân Tiên mãi là nhân vật tượng trưng cho những phẩm chất tốt đẹp của người dân Nam Bộ và gởi gắm trong đó là biết bao hoài bão mong ước của Nguyễn Đình Chiểu về người anh hùng tài năng đức độ có thể cứu dân cứu nước.

Đoạn trích giàu cảm xúc, khoáng đạt, ngôn ngữ bình dị, dân dã giúp em hiểu ra lý tưởng sống cao đẹp từ Lục Vân Tiên là lý tưởng nhân nghĩa, là đạo đức của nhân dân, là gốc rễ để trau dồi rèn giũa con người. Người anh hùng chính là những người sẵn sàng hy sinh lợi ích cá nhân của mình để giúp đỡ cộng đồng, giúp đỡ người khác bằng tấm lòng lương thiện, không kể đó là việc nhỏ hay việc lớn. Em nhận ra rằng thanh niên chúng em - người chủ tương lai của đất nước- rất cần phải sống đẹp, sống bản lĩnh, sống có ý nghĩa đối với bản thân, gia đình và xã hội. Đó không những là bổn phận cao cả mà còn trách nhiệm thiêng liêng thể hiện mối gắn kết của thanh niên và đất nước. Sống có lý tưởng giúp giới trẻ chúng em có suy nghĩ tích cực, hành động mạnh mẽ, đúng đắn hướng đến tạo ra các giá trị hữu ích, xây dựng được cho mình lối sống vững mạnh, phù hợp với các chuẩn mực của xã hội. Là một thanh niên không có lựa chọn nào khác em phải biết sống đẹp, sống có lý tưởng cao đẹp, có ước mơ, khát vọng và hoài bão lớn lao. Sống là phải sống vì con người, vì dân tộc, vì đất nước. Phải sống một cuộc sống có ý nghĩa, đừng để thời gian vùi lấp bạn trong sự tầm thường và giả dối đáng khinh bỉ. Không cần phải cao sang hay hô hào, mỗi bạn trẻ chỉ cần thực hiện đúng nhiệm vụ, nghĩa vụ của mình, góp một phần rất lớn vào công cuộc xây dựng đất nước phồn vinh là đã trở thành “anh hùng” đúng nghĩa.

Bản thân em sẽ cố trở thành một "anh hùng" nhỏ giữa cuộc sống đời thường, không chỉ là anh hùng trong mắt người khác mà còn trở thành anh hùng trong tâm hồn chính mình. Em sẽ ra sức học tập cho thật tốt, học cái hay, cái tốt, cái tiến bộ, cái cần thiết nhất và tránh xa cái xấu, cái ác, cái có hại đối với bản thân và cuộc sống. Trải nghiệm thật nhiều để tích lũy kinh nghiệm, sẵn sàng cho năng lực làm việc sau này. Rèn luyện tình yêu tổ quốc, yêu nhân dân, yêu xã hội chủ nghĩa, yêu lao động và kỉ luật, trở thành con người hữu ích cho đát nước. Sống không ỷ lại, dựa dẫm vào người khác, năng động, tích cực, sáng tạo, không ngừng nỗ lực vươn lên trong cuộc sống.Em tâm niệm rằng sống có ích, sống có ý nghĩa, có cống hiến thì mới thực sự là một cuộc đời tốt đẹp mà mọi cá nhân đều nên hướng tới.

Bằng bút pháp kể và tả thực mang phong cách Nam Bộ, nhưng hơn thế nữa là bằng tấm lòng nhân đạo cao cả Nguyễn Đình Chiểu đã dựng lại một trận đánh cướp oai hùng của tráng sĩ Lục Vân Tiên. Chàng là người tiêu biểu cho cái thiện mang vẻ đẹp hào hiệp trong cái xã hội đầy bất công tàn ác. Những phẩm chất cao đẹp của Lục Vân Tiên là tấm gương sáng về đạo đức nhân cách đối với chúng ta. Nhưng anh hùng không chỉ nằm trong sách vở, trong lịch sử, trong truyền thuyết, cũng không phải là một hình tượng để mọi người chỉ mãi ao ước và tự cảm thấy mình thật bé nhỏ. Trái lại trong đời sống hiện nay, chính chúng ta cũng có thể trở thành anh hùng, khi có những hành động, đóng góp tích cực trong xã hội, quan trọng là bản thân các bạn có nhận thức được ý nghĩa từ mỗi hành động của bản thân, lựa chọn hành động để trở thành anh hùng hay không mà thôi.

 


Cảm nhận trách nhiệm giới trẻ với quê hương đất nước qua nhân vật Phương Định của truyện ngắn “Những ngôi sao xa xôi”

 

Đề. Hãy chọn phân tích một đoạn thơ hay một nhân vật truyện giúp em cảm nhận được trách nhiệm giới trẻ với quê hương đất nước. Trình bày những tác động của đoạn thơ hay nhân vật đó đối với bản thân em.

Bài làm

Cách nhìn và thể hiện con người thiên về tốt đẹp, trong sáng là phương hướng chủ đạo và thống nhất là phương hướng chủ đạo và thống nhất của văn học Việt Nam thời kì kháng chiến. Lê Minh Khuê – nhà văn nữ chuyên viết truyện ngắn trong thời kì này – cũng không nằm ngoài phương hướng chung ấy. Điển hình là truyện ngắn “Những ngôi sao xa xôi” viết về những cô gái thanh niên xung phong trên tuyến đường Trường Sơn. Truyện xoáy sâu vào nhân vật Phương Định với lòng dũng cảm, tinh thần trách nhiệm, sự hồn nhiên, mơ mộng và tình đồng đội gắn bó. Tình huống Phương Định trong một lần phá bom đã thể hiện lòng dũng cảm, tinh thần trách nhiệm của một người trẻ với quê hương đất nước.

Có những bài ca không bao giờ quên, cũng có những năm tháng chiến tranh không phai mờ trong tâm trí mỗi người. Văn học với sứ mệnh thiêng liêng, cao cả của nó, đã phản ánh thời kỳ chiến tranh với những hình tượng đẹp. “Những ngôi sao xa xôi” là một trong số đó. Những ngôi sao xa xôi viết năm 1971 của nhà văn Lê Minh Khuê. Truyện đề cập tới cuộc sống và làm việc của ba cô gái thanh niên xung phong nơi chiến trường. Phá bom là công việc thường ngày của các cô.

Phương Định là nhân vật chính và là người kể chuyện góp phần bộc lộ chủ đề tư tưởng của tác phẩm. Cô là một cô gái Hà Nội tuổi mười tám đôi mươi xinh tươi, mềm mại, tâm hồn đầy mộng mơ, trong sáng rời ghế nhà trường đi vào Trường Sơn theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc,mang trong mình lý tưởng sống cao đẹp của thế hệ trẻ Việt Nam thời đại đánh Mỹ anh hùng. Cô cùng đồng đội ở trên một cao điểm, trọng điểm ác liệt của tuyến đường Trường Sơn. Công việc của cô vô cùng nguy hiểm: “khi có bom nổ thì chạy lên đo khối lượng đất lấp vào hố bom, đếm bom chưa nổ và nếu cần thì phá bom”. Thế nhưng vật qua không khí nguy hiểm cô vẫn ngời sáng bao vẻ đẹp tâm hồn, ý chí. Lê Minh Khuê đã xây dựng một tình huống truyện vô cùng căng thẳng, kịch tính: tình huống phá bom để thể hiện vẻ đẹp của Phương Định. Tác giả đã miêu tả tâm lý nhân vật Phương định phá bom rất chân thực.

Qua ngòi bút miêu tả tâm lí vô cùng cụ thể, tinh tế đến từng cảm giác, ý nghĩ vẻ đẹp con người hiện ra. Khi thực hiện nhiệm vụ phá bom, ban đầu cô cũng thấy căng thẳng, hồi hộp. Phương Định đến gần quả bom “Vắng lặng đến phát sợ, cây còn lại xơ xác. Đất nóng, khối đen vật vờ từng cụm trong không trung, che đi những gì từ xa”. Đây không phải là sự vắng lặng bình yên mà là sự vắng lặng bất thường thật khủng khiếp báo trước sự thịnh nộ, khốc liệt của chiến tranh. Lê Minh Khuê sử dụng câu văn ngắn liệt kê để diễn tả không khí chiến tranh ác liệt, sợ hãi. Không gian xơ xác hoang tàn, mọi thứ bị hủy diệt đến không còn dấu hiệu của sự sống. Không cần tô vẽ, tự bản thân khung cảnh ấy, với những hình ảnh của hung thần chiến tranh đã đủ gây ấn tượng về chiến trường ác liệt, nơi hằng ngày Phương Định cùng với những người đồng đội của mình phải sống và chiến đấu, làm nhiệm vụ. Chính không gian này đã góp phần làm nổi bật vẻ đẹp Phương Định.

Nhưng cảm thấy có ánh mắt của các chiến sĩ đang dõi theo động viên, khích lệ, lòng tự trọng trong cô đã thắng cả bom đạn. “Tôi đến gần quả bom . Cảm thấy ánh mắt các chiến sĩ dõi theo mình, tôi không sợ nữa. Tôi sẽ không đi khom. Các anh ấy không thích cái kiểu đi khom khi có thể cứ đàng hoàng mà bước tới”. Lòng tự trọng đã khiến cô trở nên dũng cảm nơi chiến trường. Cô không đi khom nữa mà đàng hoàng bước tới. Cô bình tĩnh, tự tin thực hiện từng thao tác phá bom, chạy đua với thời gian để vượt qua cái chết. Khai thác chi tiết này, nhà văn muốn ca ngợi tư thế tuyệt đẹp của con người Việt Nam khi ra trận: một cô gái mảnh dẻ, nhỏ bé nhưng không hề run sợ trước bom đạn của kẻ thù.

Khi đối diện với cái chết, Phương Định đã tỏ ra bình tĩnh đến đáng sợ. Điều ấy cô cũng hoàn toàn bất ngờ. Trước khi tiếp cận quả bom, cô lo lắng hết sức, vừa sợ vừa lo sơ xuất. Nhưng khi đã tiếp cận nó rồi, trong đầu cô chỉ còn biết là làm cho thật nhanh. Lúc này cô lại thấy hào hứng khi mình đang chạy đua với thần chết, thách thức thần chết. Khi Phương Định đến gần quả bom. Cô bắt tay vào làm công việc của mình. Công việc mà ba năm nay mỗi ngày từ năm đến ba lần cô đều phải làm: Phá bom. Công việc này quả thực rất nguy hiểm, cận kể tới cái chết. Định bỏ thuốc nổ bên cạnh quả bom. “Thỉnh thoảng lưỡi xẻng chạm vào mỏ quả bom, một tiếng động sắc đến gai người cứa vào da thịt tôi. Tôi rùng mình và thấy tại sao mình làm quá chậm. Nhanh lên một tý! Bỏ quả bom nóng một dấy hiêu chẳng lành”. Không khí giờ đây thật căng thẳng nhưng cô từng nói “Thần chết là một tay không thích đùa. Hắn lần trong ruột những quả bom”. Nguy hiểm lắm, căng thẳng lắm, vậy mà cô vẫn bình tĩnh, thao tác cẩn trọng, tỉ mỉ, thành thạo. Lời văn như dao nhọn, sắc lạnh đến rợn người, khiến người đọc như cảm giác đang trực tiếp trải nghiệm tham gia công việc phá bom cùng với nhân vật vậy! Rồi trong giờ phút đó người ta cũng dõi theo từng cử chỉ của nhân vật. Tiếp đó là những giây phút chuẩn bị kích nổ trái bom: "Tôi cẩn thận bỏ gói thuốc mìn xuống cái hố đã đào, châm ngòi. Dây mìn dài, cong, mềm. Tôi khỏa đất rồi chạy lại chỗ ẩn nấp của mình...". Phương Định cũng có nghĩ đến cái chết nhưng là cái chết mờ nhạt. Các cô gái thanh niên xung phong lạc quan làm việc, cống hiến cho tổ quốc. Cuối cùng mọi chuyện diễn ra khá tốt đẹp. Qủa là một cuộc chiến đấu không cân sức, nguy hiểm đầy ngoạn mục nhưng cô gái đã mạnh mẽ vượt qua. Đến đây, người đọc càng cảm nhận thấy sự tàn ác khốc liệt của chiến tranh bao nhiêu thì lại càng cảm phục tinh thần trách nhiệm trong công việc, lòng quả cảm vô song, sẵn sàng hi sinh vì tổ quốc, vì hòa bình của những cô gái thanh niên xung phong phá bom mở đường đến bấy nhiêu. Qua đó, chúng ta mới thấy hết được ý thức, trách nhiệm công dân cao độ của những con người anh hùng sả thân vì kháng chiến, cách mạng:

    "Chúng tôi đã đi không tiếc đời mình

    (Những tuổi hai mươi làm sao không tiếc)

    Nhưng ai cũng tiếc tuổi hai mươi thì còn chi tổ quốc."

Với “Những ngôi sao xa xôi” nữ nhà văn Lê Minh Khuê đã thành công ở nhiều phương diện không chỉ ở nội dung mà còn ở nghệ thuật. Bằng sự thăng hoa giữa tài năng và cảm hứng, ngòi bút hiện thực của người nghệ sĩ đã viết lên những câu văn ca ngợi hình tượng những nữ thanh niên xung phong mà tiêu biểu là trích đoạn khi Phương Định phá bom đã thể hiện được phẩm chất chung của họ. Câu văn ngắn ngọn, câu rút gọn đặc biệt được sử dụng tài tình. Đặc biệt là nghệ thuật miêu tả tâm lý nhân vật đặc sắc. Giọng văn linh hoạt, ngôi kể thứ nhất thuận lợi việc bộc lộ cảm xúc. Lê Minh Khuê viết ít về những đau thương mất mát với tác dụng động viên, quả thực tác giải góp vào đề tài một tác phẩm hay.

Chiến tranh đã qua đi nhưng vẫn còn đó một con đường Trường Sơn sừng sững, thấp thoáng bức chân dung chân thực về những thanh niên xung phong thời chống Mỹ. Hình ảnh của họ, đặc biệt là hình ảnh nhân vật Phương Định với lòng dũng cảm và tinh thần trách nhiệm trong công việc mãi mãi là niềm tự hào vô bờ của thế hệ trẻ hôm nay, nhắc em hãy sống sao cho xứng đáng nhất với thế hệ đi trước. Quê hương - hai tiếng thân thương mỗi lần nghe thấy chúng ta không khỏi xúc động bồi hồi. Bất cứ thời đại nào, mỗi con người chúng ta nhất là thế hệ thanh niên chúng em luôn phải ý thức vai trò trách nhiệm của mình đối với đất nước. Em nhận thức sâu sắc những đau thương, gian khổ, hy sinh mà thế hệ anh hùng cha ông trong thời kì kháng chiến phải chịu đựng. Họ không tiếc thân mình, sẵn sàng ra đi theo tiếng gọi tổ quốc, tinh thần trách nhiệm với quê hương. Em thật sự tự hào và khâm phục những con người vượt lên đau thương mất mát của chiến tranh vẫn sáng ngời vẻ đẹp tâm hồn rất tươi xanh của tuổi trẻ giàu nhiệt huyết, yêu cuộc đời. Qua nhân vật Phương Định, em hiểu hơn và cảm ơn sâu sắc thế hệ trẻ Việt Nam trong những năm tháng hào hùng ấy. Đó là những những con người vĩ đại với phẩm chất anh hùng, bất khuất, kiên trung, sẵn sàng chiến đấu hi sinh vì sự nghiệp giải phóng, thống nhất nước nhà, cống hiến thầm lặng cho quê hương đất nước.

Quê hương nếu ai không nhớ / Sẽ không lớn nổi thành người.” (Đỗ Trung Quân). Ai lãng quên quê hương là đã tự đánh mất đi nguồn cội và quá khứ của mình. Việc đó cũng chẳng khác đánh mất linh hồn, sống vong ân bội nghĩa, cuộc sóng cũng chẳng còn ý nghĩa gì nữa. Vì vậy mỗi người trẻ chúng em phải trách nhiệm góp phần phát triển đất nước theo kịp thời đại, hội nhập với xu thế phát triển chung của quốc tế. Em phải học tập và rèn luyện bản thân để có kiến thức, kỹ năng và đạo đức tốt, không ngừng vươn lên trong học tập và trong cuộc sống để làm rạng danh gia đình, dòng họ, mái trường. Sáng tạo và đổi mới trong công việc, trong học tập, trong cuộc sống,, không ngại thử thách và khó khăn phát triển bản thân và đóng góp cho sự phát triển của đất nước. Em sẽ tích cực tham gia vào các hoạt động xã hội, công ích, tình nguyện, góp phần giải quyết những khó khăn, vấn đề của cộng đồng và xã hội, biết chia sẻ, giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn hơn mình. Cố gắng giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa, lịch sử, truyền thống của dân tộc, tôn trọng và bảo vệ những di sản văn hóa, thiên nhiên của quê hương, làm đẹp quê hương trong cách ứng xử văn minh lịch sự trong cuộc sống hàng ngày. Biết lên tiếng trước những hành vi, suy nghĩ chưa tích cực về quê hương: chê quê hương nghèo khó, lạc hậu, làm thay đổi dáng vẻ quê hương…

Qua dòng chảy tâm trạng của nhân vật Phương Định, người đọc không chỉ thấy sự toả sáng của phẩm chất anh hùng mà còn hình dung được thế giới nội tâm phong phú ở cô. Lê Minh Khuê đã có cái nhìn thật đẹp, thật lãng mạn về cuộc sống chiến tranh, về con người trong chiến tranh. Chiến tranh là đau thương mất mát song chiến tranh không thể hủy diệt được vẻ đẹp tâm hồn rất tươi xanh của tuổi trẻ, của con người. Chính từ những nơi gian lao, quyết liệt ta lại thấy ngời sáng vẻ đẹp của tuổi trẻ, của chủ nghĩa anh hùng Cách mạng Việt Nam. Gấp lại trang truyện Lê Minh Khuê cũng như trích đoạn hình ảnh Phương Định phá bom đã neo đậu trong tim ta ấn tượng đẹp. Từ đó, học sinh chúng ta có ý thức trách nhiệm với tổ quốc hơn như trong câu hát: “Đừng hỏi tổ quốc đã làm gì cho ta. Mà phải hỏi ta đã làm gì cho cuộc sống hôm nay.”