Thứ Tư, 16 tháng 12, 2020

Đoạn văn trình bày 1 khía cạnh vấn đề nghị luận

 Đề: Việc học sinh vi phạm trật tự an toàn giao thông

1. Thực trạng  

  Tình trạng học sinh phổ thông vi phạm quy định trật tự an toàn giao thông rất phổ biến, tiềm ẩn nguy cơ cao gây tai nạn giao thông. Các em học sinh cấp 2, cấp 3 thường xuyên dàn hàng ngang trên đường khi điều khiển xe đạp điện hay bất kể loại phương tiện gì cũng đều ảnh hưởng tới giao thông. Vừa đi dàn hàng, học sinh còn nói chuyện cười đùa, vô tư đùa giỡn rất nguy hiểm. Có đến 70 - 80% học sinh đi xe đạp điện, xe máy điện không đội mũ bảo hiểm hoặc mang chỉ khi đến cổng trường mới “đối phó”. Nhiều học sinh vẫn chưa đủ tuổi nhưng đã điều khiển xe gắn máy tới trường. Kẹp ba, kẹp bốn, dàn hàng ngang, đi ngược đường… là những cảnh dễ thấy ở cổng trường học vào khoảng thời gian tan tầm. An toàn khi tham gia giao thông cần được  các bạn học sinh quan tâm, vừa tạo sự an tâm cho gia đình, góp phần thiết thực vào nỗ lực giảm thiểu tai nạn giao thông.

2.  Nguyên nhân 

Học sinh phổ thông vi phạm quy định trật tự an toàn giao thông ngày càng phổ biến, có khả năng gây tai nạn giao thông cao. Việc vi phạm trước hết do các em chưa có ý thức tốt chấp hành pháp luật về giao thông, chưa nhận thức hết những nguy hiểm khi tham gia giao thông. Do đặc điểm tâm lý tuổi mới lớn, háo thắng, muốn chứng tỏ, một số học sinh còn đi độ xe, rồi đua xe, mà không biết mình đang vi phạm pháp luật. Do các em thiếu kỹ năng lái xe, thiếu kinh nghiệm phán đoán và xử lý tình huống dẫn đến những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra. Bên cạnh đó, điều kiện kinh tế một số gia đình khá giả, nên họ dễ dãi, chiều chuộng con trang bị xe máy, xe đạp điện để “bằng anh, bằng em”. Người lớn thiếu gương mẫu chấp hành, khi sai phạm thì giở thói xin xỏ, chạy chọt…Lực lượng cảnh sát, thanh tra giao thông, thực hiện nhiệm vụ, nhiều nơi lại hời hợi, dễ dãi, xử lý không nghiêm…. Các bạn học sinh hãy suy nghĩ và hành động thực tế khi tham gia giao thông một cách an toàn.

3. Tác hại  

Học sinh vi phạm quy định trật tự an toàn giao thông tiềm ẩn nguy cơ cao gây tai nạn giao thông. Vào giờ tan học thường xuyên diễn ra cảnh nhốn nháo, mất trật tự, ùn tắc giao thông. Các bạn học sinh thường xuyên tụ tập trước cổng trường mua quà vặt, vui đùa, bất chấp cả dòng phương tiện đang ùn ứ, càng làm cho khung cảnh cổng trường giờ tan học như ong vỡ tổ và ẩn chứa nhiều nguy cơ tai nạn giao thông. Cảnh xe máy, xe đạp điện của học sinh tranh đua nhau chạy thường xuyên diễn ra khiến người tham gia giao thông phải thót tim, kinh hồn và tìm cách dạt vào trong sát vỉa hè vừa để bảo đảm an toàn cho mình. Số vụ tai nạn giao thông do thanh thiếu niên, học sinh đi xe máy, xe mô tô gây ra ngày càng nhiều. Không ít những trường hợp mà mẹ mất con, con mất cha, gia đình đau xót, cá nhân mất mát sau những tai nạn như vậy, người còn sống cũng ít nhiều để lại những hậu di chứng về sau. Vì vậy mỗi học sinh cần nâng cao ý thức chấp hành luật giao thông, tránh các hành vi gây mất an toàn giao thông cho bản thân và cộng đồng.

4.  Giải pháp 

Học sinh, cần bảo đảm an toàn cho mình và cho mọi người khi tham gia giao thông, tránh tai nạn đáng tiếc xảy ra, gây hậu quả đau lòng cho mình và cho mọi người. Mỗi học sinh cần ý thức chấp hành các quy định của pháp luật về ATGT. Trang bị kiến thức đầy đủ và có thái độ ứng xử có văn hóa khi tham gia giao thông. Cha mẹ cần tuân thủ Luật Giao thông để làm gương cho con. Cần quản lý con em mình, không để con em quá nhỏ tuổi tự đi học, các em học sinh lớn hơn nhưng chưa đủ tuổi, chưa được cấp giấy phép lái xe thì không được cho lái xe gắn máy. Trường học cần cung cấp cho học sinh các kiến thức, kỹ năng bảo đảm an toàn, cách ứng phó với các tình huống, ứng xử có văn hóa khi tham gia giao thông. Xử lý nghiêm đối với các học sinh vi phạm. Bản thân em nhận thức sâu sắc và chấp hành luật giao thông để đảm bảo an toàn cho mình và mọi người xung quanh.

*Bản thân cần làm gì?

Học sinh, cần bảo đảm an toàn cho mình và cho mọi người khi tham gia giao thông, tránh tai nạn đáng tiếc xảy ra, gây hậu quả đau lòng cho mình và cho mọi người. học sinh bản thân em cần có ý thức, trang bị kiến thức đầy đủ các quy định của pháp luật về ATGT và có thái độ ứng xử văn hóa khi tham gia giao thông. Em đi đúng làn đường, phần đường, vạch đường,… theo quy định, luôn luôn có thái độ chấp hành đúng luật lệ an toàn giao thông. Đảm bảo đúng tốc độ. Nêu cao ý thức nhường đường, rẽ trái, rẽ phải… đúng quy định. Rèn luyện tính kiên nhẫn, chờ đợi khi gặp đèn tín hiệu giao thông hay tắc đường. Thường xuyên nhắc nhở người thân, bạn bè việc chấp hành luật giao thông. Chúng ta hãy luôn luôn cố gắng để hoàn thành tốt nghĩa vụ và trách nhiệm của mình khi tham gia giao thông, để đem lại hạnh phúc cho mình, cho mọi người, mọi nhà và cho toàn xã hội.