Thứ Bảy, 19 tháng 12, 2020

Bài học em nhận được từ câu chuyện câu chuyện Một người ăn xin – Cách sống yêu thương

 

Bài học em nhận được từ câu chuyện câu chuyện Một người ăn xin – Cách sống yêu thương

Một người ăn xin đã già. Đôi mắt ông đỏ hoe, nước mắt ông giàn giụa, đôi môi tái nhợt áo quần tả tơi. Ông chìa tay xin tôi.

Tôi lục hết túi nọ đến túi kia, không có lấy một xu, không có cả khăn tay, chẳng có gì hết. Ông vẫn đợi tôi. Tôi chẳng biết làm thế nào. Bàn tay tôi run run nắm chặt lấy bàn tay nóng hổi của ông:

– Xin ông đừng giận cháu! Cháu không có gì cho ông cả.

Ông nhìn tôi chăm chăm đôi môi nở nụ cười:

Cháu ơi,cảm ơn cháu!Như vậy là cháu đã cho lão rồi.

Khi ấy tôi chợt hiểu ra: cả tôi nữa tôi cũng vừa nhận được một cái gì đó của ông.

(Theo Tuốc- ghê- nhép)

GỢI Ý

Mở bài.

Con người ta được sinh ra, được sống trên đời đã là một hạnh phúc lớn lao, nhưng có lẽ được sống trong lòng của những người khác còn là hạnh phúc lớn lao hơn nữa.

Thân bài.

- Có lẽ các bạn ngạc nhiên lắm vì rõ ràng cả “tôi” và ông lão trong câu chuyện đều có nhận được gì đâu mà bảo là nhận. Thế cái “đã cho” từ ông lão và “một cái gì đó” từ nhân vật “tôi” là gì? Đấy chính là tình yêu thương, sự cảm thông và chia sẻ mà họ cảm nhận được ở đối phương. Tác giả muốn gửi gắm cho chúng ta bài học về tình yêu thương, sự cảm thông, chia sẻ giữa con người với con người, nhất là với những người nghèo khổ.

- Câu chuyện “Người ăn xin” là lời khuyên về cách sống, thái độ sống của mỗi con người trong cuộc đời: Sự đồng cảm, tình yêu thương chân thành và cách ứng xử lịch sự là món quà quý giá mà ta tặng cho người khác. Và khi trao món quà tinh thần ấy cho người khác thì ta cũng nhận được món quà quí giá như vậy.

- Tình yêu thương – một thứ tình cảm thiêng liêng khó có thể định nghĩa được. Con người sống không có tình yêu thương đồng loại thì chẳng khác gì là một vật vô tri vô giác. Yêu thương đem lại cho ta một niềm vui, hạnh phúc mà khó có từ ngữ nào có thể diễn tả được. Chính tình yêu thương con người làm cho xã hội ngày càng tốt đẹp.

- Con người ta sẽ trở thành những con người có giá trị nếu biết yêu thương và chia sẻ với người khác. Không cần những gì quá cao cả, lớn lao, chỉ cần những sự động viên, yêu thương chân thật cũng đủ để xây dựng nên tình người trong cuộc sống. Nếu con người luôn quan tâm giúp đỡ nhau trong cuộc sống thì mối quan hệ giữa người với người sẽ thêm gần gũi, gắn bó. Ngược lại, nếu ghẻ lạnh, thờ ơ, những người nghèo khổ, bất hạnh sẽ không thể có sức mạnh và niềm tin để sống; con người sẽ dần trở nên tàn nhẫn,ích kỉ, độc ác.

- Tình yêu thương, sự tôn trọng quả thật là món quà vô giá và kì diệu. Nhưng sự giúp đỡ, chia sẻ với người khác phải xuất phát từ thiện tâm, sự chân thành. Làm ơn mà không đợi hàm ơn, không cầu danh lợi.

- Có một bộ phận cá nhân trong xã hội còn thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm, sống hưởng thụ hoặc có thái độ khinh miệt đối với những con người nghèo khổ trong xã hội -> cần lên án loại bỏ những hành động và suy nghĩ đó.

- Câu chuyện có tác dụng giáo dục lòng nhân ái cho mỗi chúng ta,dạy ta về cách sống và thái độ sống đối với mọi người, biết đồng cảm, sẻ chia, học cách quan tâm và ứng xử tốt đẹp, có văn hoá để cuộc sống tốt đẹp hơn.

- Mỗi người cần biết rèn luyện cho mình tình yêu thương và cách ứng xử phù hợp với những người xung quanh. Hãy bắt đầu từ những việc nhỏ nhất, với những người gần gũi nhất. Chỉ là một câu nói, một cử chỉ hành động hoặc việc làm, một lời động viên chân thành nhưng có ý nghĩa vô cùng lớn lao…

Kết bài.

Câu chuyện có ý nghĩa sâu sắc, như một thông điệp về cách ứng xử của con người trong cuộc sống.Câu chuyện là bài học về kĩ năng sống, hàng trang cho mỗi người phải có.

 

THAM KHẢO 1 (Nguồn: Học văn - Văn học) Bài học giá trị tình thương

“Hãy lau khô cuộc đời em bằng tình thương, lòng nhân ái của con người. Và hãy lau khô giọt nước mắt trong lòng em, bằng tất cả trái tim con người Việt Nam”. Những câu hát ấy cứ mãi vang lên trong lòng tôi. Đôi lúc nó làm cho tôi tự hỏi: “Phải chăng con người sống rất cần sự yêu thương, tôn trọng, giúp đỡ của cộng đồng?”. Để lí giải cho điều đó ta hãy cùng đọc và suy nghĩ câu chuyện: “Người ăn xin” của Tuốc-ghê-nhép.

Một người già ăn xin với đôi mắt đỏ hoe, nước mắt giàn giụa, đôi môi tái nhợt, áo quần tả tơi chìa tay ra “xin tiền tôi”. Thật không may, “tôi” chẳng có gì cả, ngay cả một đồng xu dính túi cũng không. Bàn tay tôi “nắm chặt lấy bàn tay run rẩy của ông cố nói rằng tôi xin lỗi vì chẳng có gì để cho cho ông cả. Thế nhưng, đáp lại “tôi”, ông nói: “Cháu ơi, cảm ơn cháu! Như vậy là cháu đã cho lão rồi”. Khi ấy “tôi” chợt hiểu ra: cả tôi nữa, “tôi” cũng vừa nhận được một cái gì đó từ ông lão. Có lẽ các bạn ngạc nhiên lắm vì rõ ràng cả “tôi” và ông lão trong câu chuyện đều cóp nhận được gì đâu mà bảo là nhận. Thế cái “đã cho” từ ông lão và “một cái gì đó” từ nhân vật “tôi” là gì? Đấy chính là tình yêu thương, sự cảm thông và chia sẻ mà họ cảm nhận được ở đối phương. Đó cũng chính là một triết lí, một phương châm sống mà mỗi con người chúng ta cần có.

Tình yêu thương – một thứ tình cảm thiêng liêng khó có thể định nghĩa được. Con người sống không có tình yêu thương đồng loại thì chẳng khác gì là một vật vô tri vô giác. Yêu thương đem lại cho ta một niềm vui, hạnh phúc mà khó có từ ngữ nào có thể diễn tả được. Chính tình yêu thương con người làm cho xã hội ngày càng tốt đẹp. Những mảnh đời bất hạnh sẽ cảm nhận được tình người. Tình yêu thương luôn song hành với sự cảm thông và chia sẻ. Chính tình yêu thương là cội nguồn sản sinh ra điều đó. Biết cảm thông, chia sẻ ta sẽ biết được rằng trên đời vẫn còn vô số người cần sự giúp đỡ của ta. Ông bà ta có câu: “Cứu một mạng người còn hơn xây bảy cảnh chùa”. Đấy chính là một lời răn dạy về tình yêu thương, cảm thông và chia sẻ. Con người ta sẽ trở thành những con người có giá trị nếu biết yêu thương và chia sẻ với người khác. Đôi khi chỉ cần một hành động nhỏ của ta cũng giúp họ có được niềm tin vào cuộc sống. Không cần những gì quá cao cả, lớn lao, chỉ cần những sự động viên, yêu thương chân thật cũng đủ để xây dựng nên tình người trong cuộc sống. Hãy yêu thương con người để tưới mát cho tâm hồn ta và làm mát cho tâm hồn người khác.

Tình cảm giữa người ăn xin và “tôi” trong câu chuyện chính là một ví dụ cụ thể nhất. Rõ ràng là họ có cho nhau được bất kỳ thứ vật chất nào đâu. Họ đều là con người nghèo khổ, bất hạnh, cần sự giúp đỡ. Những thứ mà họ nhận được ở nhau chính là tình người. Tình người sưởi ấm tâm hồn họ trong đêm đông giá rét. Ông lão nhận được ở “tôi” sự cảm thông yêu thường và tôn trọng. Còn “tôi” nhận được ở ông lão sự đồng cảm, yêu thương. Đấy chính là giá trị tinh thần quý giá nhất. Hay trong “Cô bé bán diêm” của An-đéc-xen. Cái chết của cô bé chính là do sự bàng quang, thờ ơ của mọi người. Trong khi chỉ cần một hành động nhỏ thì có lẽ cô bé đã không phải chết thê thảm như thế trong sự vui vẻ, không khí ấm áp đêm ba mươi. Cả hai câu chuyện đều “vẽ” nên một hiện thực rằng tình yêu thương, sự cảm thông và chia sẻ là rất cần trong cuộc sống.

Bằng những hành động thiết thực nhất, con người ta ngày nay đã có những hành động rất đúng đắn để giúp đỡ người khác. Vô số trẻ em cơ nhỡ đã được nuôi dưỡng, xây dựng nhà tình thương, giúp đỡ người nghèo. Đó là những hành động rất đáng được trân trọng và phát huy.

Thế nhưng bên cạnh những mặt tốt thì trong xã hội ngày nay vẫn còn tồn tại số ít những mặt hạn chế. Họ sống thờ ơ đến lãnh đạm, bàng quang đến vô tình. Một cuộc sống chỉ có “ta với ta”, chẳng có ai xung quanh cả. Họ là những con người cần sự giáo dục đúng đắn từ cộng đồng và xã hội.

Tôi cũng như các bạn ngày nay thật mau mắn được sống trong tình yêu thương của mọi người. Nhưng không phải vì thế mà tôi sống một cách vô lo vô nghĩ. Khi đi dọc những con đường thành phố, tôi đã nhìn thấy vô số những người bất hạnh cần sự giúp đỡ. Có lẽ tôi cũng như “tôi” trong “Người ăn xin”, cũng nhận được một cái gì đó từ họ và họ cũng nhận được sự đồng cảm từ tôi.

Tình yêu thương, sự tôn trọng quả thật là món quà vô giá và kì diệu. Nó đưa con người ta thoát khỏi sự tầm thường và vươn lên từ nghịch cảnh. Chỉ cần một hành động nhỏ cũng sưởi ấm lòng ta. Để rồi câu hát ấy cứ mãi ngân vang trong lòng mỗi chúng ta: “Hãy lau khô cuộc đời em, bằng tình thương, lòng nhân ái của con người. Và hãy lau khô giọt nước mắt trong lòng em bằng tất cả trái tim con người Việt Nam”.

 

 

THAM KHẢO 2 (Nguồn: theki.vn) Bài học cho và nhận

Cuộc sống trở nên khó khăn hơn khi chúng ta sống vì người khác, nhưng nó cũng trở nên đẹp đẽ và hạnh phúc hơn. Biết yêu thương và tử tế với người khác không chỉ là một năng lực mà còn là một phẩm đức cần phải rèn luyện. Khi nào ta còn biết tử tế với người khác, khi đó ta còn hạnh phúc. Hành động của cậu bé và ông lão ăn xin đều đáng để chúng ta suy nghĩ.

Câu chuyện là một bài ca ca ngợi lòng tốt và sự tử tế của con người. Hình ảnh đáng thương của ông lão ăn xin được thể hiện ở: đôi mắt đỏ đọc, giàn giụa nước mắt, đôi môi tái nhợt, áo quần tả tơi, dáng vẻ xấu xí, bàn tay sưng húp, giọng rên rỉ. Ông lão đang ở trong hoàn cảnh khắc nghiệt, phải xin một cậu bé. Ánh mắt đẫn đờ chờ đợi và hi vọng được nhận một cái gì đó từ cậu bé bởi ông vẫn tin rằng cậu bé có thể giúp ông vượt qua.

Thế nhưng, trái ngược với mong đợi, cậu bé dù rất muốn giúp ông nhưng không có gì để cho ông. Trong hoàn cảnh oái ăm đó, họ đã có những hành động cao đẹp, thật đáng khen ngợi. Cậu bé đã tử tế an ủi ông lão và cảm thấy có lỗi khi không thể giúp ông lúc này. Ông lão đã thấy ấm lòng khi nhận được sự đồng cảm và sẻ chia chân thành của cậu bé.

Từ hành động “cho” và “nhận” của cậu bé và ông lão ăn xin, câu chuyện đã ngợi ca cách ứng xử cao đẹp, ngợi ca lòng nhân ái giữa con người với con người trong cuộc sống. Câu chuyện cũng là lời khuyên về cách sống, thái độ sống của mỗi con người trong cuộc đời. Sự đồng cảm, tình yêu thương chân thành và cách ứng xử lịch sự, tử tế là món quà quý giá mà ta tặng cho người khác. Và khi trao món quà tinh thần ấy cho người khác thì ta cũng nhận được món quà quý giá như vậy.

Câu chuyện gợi suy cho chúng ta suy nghĩ gì về vấn đề “cho” và “nhận”, cùng sự tử tế trong cuộc sống hiện tại. Dân tộc ta vốn có truyền thống tương thân, tương ái, giàu đức hi sinh, biết sống vì người khác, có trách nhiệm… Trong bất cứ hoàn cảnh nào, con người Vệt Nam cũng biết yêu thương, đoàn kết, chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống, cùng đồng cam cộng khổ vượt qua gian nan, thử thách. Chính tinh thần và lối sống ấy đã đưa dân tộc đi qua những tháng năm lịch sử đen tối của đất nước, làm nên những kì tích vĩ đại. Tinh thần ấy còn tiếp tục được phát huy trong thời đại mới với nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ tổ quốc.

Cách ứng xử cao đẹp, giàu lòng nhân ái phải là chuẩn mực trong hành động của mỗi con người trong cuộc sống. Trước hết, phải biết tôn trọng và yêu mến con người. Biết đồng cảm, sẻ chia, học cách quan tâm và ứng xử tốt đẹp, có văn hoá để cuộc sống tốt đẹp hơn.

Hãy yêu thương tất cả mọi người chung quanh mình và tận tình giúp đỡ họ khi mình có thể làm được. Đừng tranh hơn với ai, hãy nhường nhịn cho họ hơn mình. Cuộc sống chỉ có ý nghĩa khi nó được tưới mát bằng dòng nước của thương yêu. Không có thương yêu, thế giới này lập tức biến thành địa ngục.

Hãy luôn luôn để mắt xem mọi người đang cần gì và tìm cách giúp đỡ họ. Nhưng hãy giúp đỡ một cách kín đáo đừng khoe cho mọi người biết. Khi chúng ta tự hào về lòng tốt của mình thì tình nhân ái chân thật đã biến mất mà niềm kiêu hãnh đã chiếm chỗ.

Kết thúc câu chuyện, không chỉ cậu bé cảm thấy mình nhận được chút gì đó từ ông lão, mà ngay cả người đọc tác phẩm cũng cảm thấy mình nhận được chút gì đó vào tâm hồn. Câu chuyện có tác dụng giáo dục lòng nhân ái và gợi cho ta nhiều suy ngẫm về việc “cho” và “nhận” trong cuộc sống. Cái cho và nhận đâu phải chỉ là vật chất. Đó còn có thể là giá trị tinh thần, có khi chỉ là một câu nói, một cử chỉ hành động hoặc việc làm, một lời động viên chân thành nhưng có ý nghĩa vô cùng lớn lao… Nhưng quan trọng nhất chính là thái độ lịch sự, sự tử tế khi cho và nhận. Hãy làm điều đó một cách chân thành, không vụ lợi.

Thế nhưng, ngày nay, bên cạnh những người biết sống vì người khác, cống hiến nhiều hơn thụ hưởng, vẫn còn có một bộ phận cá nhân trong xã hội còn thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm, sống hưởng thụ hoặc có thái độ khinh miệt đối với những con người nghèo khổ trong xã hội. Họ dẫm đạp lên tình người, mưu lợi cho bản thân, sống ích kỉ, cá nhân, thiếu tình yêu thương. Không những họ phỉ báng vào đạo đức mà còn xúc phạm đến nhân cách, nhân phẩm con người, là tấm gương xấu trong xã hội. Những người như thế thật đáng chê trách.

Câu chuyện có ý nghĩa sâu sắc như một thông điệp về cách ứng xử của con người trong cuộc sống. Đó là bài học về kĩ năng sống, hàng trang quý giá cho mỗi người về cách “cho” và cách “nhận”, đặc biệt là đối với thế hệ trẻ hôm nay.