Nước Nga năm
1963.
Cuộc sống nơi xứ người
thật không hề đơn giản. Cuộc sống ấy cũng thật khác miền quê nơi tôi sinh sống
với cha mẹ, với người bà kính yêu của mình. Nước Nga thật lạnh, ngồi nhìn những
ánh lửa bập bùng cháy, tôi nhớ đến người bà kính yêu của đời mình… Tôi nhớ đến
bếp lửa bà thổi chờn vờn trong sương sớm. Bếp lửa toả sáng bập bùng, in bóng bà
tôi trên vách bếp. Ôi hình ảnh bếp lửa gắn liền với những kỉ niệm với bà, hình ảnh
đã khắc sâu trong tâm trí tôi.
Tuổi thơ của tôi được
sống bên bà, cùng bà nhóm lửa là tuổi thơ với nhiều gian khổ, thiếu thốn, nhọc
nhằn. Tôi nhớ mãi cái hồi mình còn là đứa trẻ lên bốn tuổi. Lên bốn tuổi tôi đã
quen mùi khói. Năm ấy là năm đói mòn đói mỏn. Nạn đói năm 1945 thật khủng khiếp,
nó dã cướp đi mạng sống của hai triệu người. Cha tôi đi đánh xe ngựa chở hàng
thuê. Xóm làng điêu tàn ngập trong mùi khói, nghĩ lại đến giờ sống mũi còn cay,
nước mắt cứ chực ứa ra.
Suốt tám năm ròng, tôi
ở cùng bà, sớm sớm chiều chiều cùng bà nhóm lửa.Ngọn lửa ấy được bà nhen lên,
nhóm lên ngay từ những buổi sáng sớm, ngọn lửa ấy cháy lên như chứa cả tình yêu
của bà trong đó. Bố mẹ tôi, do tính chất công việc mà thường xuyên vắng nhà.
Tôi ở cùng bà, cùng bà lớn lên bên bếp lửa hồng rực cháy. Tiếng chim tu hú kêu ở
trên những cánh đồng xa gợi tôi nghĩ đến những câu chuyện bà thường hay kể. Đó
là những câu chuyện về những ngày ở Huế. Tiếng tu hú khắc khoải, da diết kêu…
Tôi ở cùng bà, bà không chỉ là người bà mà còn là người cha, người mẹ của tôi.
Bà bảo tôi nghe về những điều hay lẽ phải, bà dạy tôi làm nhiều việc, bà chăm
tôi học để tôi ngày càng trưởng thành và lớn lên, để rồi thành người tử tế,
thành người có tri thức… Sao chim tu hú cứ kêu mãi trên những cánh đồng xa… Mỗi lần
nghe tiếng chim tu hú kêu, lòng tôi trỗi dậy những hoài niệm nhớ mong, muốn được
ở gần bà, sợ phải xa bà.
Rồi năm giặc đốt làng
cháy tàn cháy rụi nữa…Tình cảm hàng xóm láng giềng giữa những ngày tháng chiến
tranh thật đáng trân trọng. Hàng xóm bốn bên trở về, đỡ đần bà tôi dựng lại túp
lều tranh. Căn nhà dù bị phá, nhưng bà lại dặn tôi rằng: Mày có viết thư, chớ
có kể! Cứ bảo nhà vẫn bình yên, không có chuyện gì bất thường xảy ra cả!Bố ở
chiến khu, bố còn bận rất nhiều việc nữa… Chao ôi! tôi hiểu lòng bà và càng yêu
quý bà hơn.
Giờ đây, khi đã là người
trưởng thành, có nhiều hơn những trải nghiệm trong cuộc sống, khi tôi nhìn lại
cuộc đời bà, ấy là một cuộc đời lam lũ, hứng chịu nhiều sương gió. Đã nhiều năm
rồi, bà vẫn tần tảo dậy sớm. … Bếp lửa là tình bà nồng ấm, bếp lửa là tay bà
chăm chút, bếp lửa gắn với những khó khăn gian khổ của đời bà. Ngày ngày bà
nhóm lên bếp lửa cũng là nhóm lên niềm vui , sự sống, niềm yêu thương chi chút
dành cho tôi và mọi người. Bà nhóm lên những yêu thương, nhóm nồi khoai sắn ngọt
bùi, nhóm nồi xôi gạo để gắn kết tình hàng xóm, láng giếng. Ngọn lửa bà nhóm
lên thật kì diều, nó còn nhóm lên cả những tâm tình trong tôi, để rồi từ ngọn lửa
ấy, sau này tôi mới có cơ hội sang nước Nga du học…Bà không những là người nhóm
lửa, giữ lửa, mà còn là người truyền lửa, truyền niềm tin, sự sống cho tôi.
Giờ đây tại Nga, cuộc
sống nơi đây khác quá. Ở nơi đây vẫn có những ngọn lửa cháy nhưng không có đôi
bàn tay của bà. Ở đây vẫn có những ngôi nhà nhưng đó là những tòa nhà kiểu cung
điện, nguy nga và tráng lệ chứ không phải là căn nhà tranh dựng lên từ tình
hàng xóm láng giềng. Ở đây có nhiều niềm vui mới, là hiện thân của sự hiện đại,
nhưng tôi vẫn chẳng thể nào quên nhắc nhở: Sớm mai này, bà nhóm bếp lên chưa?
Cuộc sống đổi thay dễ
làm bản tâm con người thay đổi. Nhưng dù thế nào đi chăng nữa, những tình cảm
thiêng liêng và gắn bó trong đời mỗi chúng ta, hãy nhớ thật sâu và thật lâu,
hãy cất giữ để tất cả trở thành một phần trong trái tim. Bà ơi, cháu nhớ và yêu
bà thật nhiều…