Trở về sau một ngày làm việc mệt mỏi,
người mẹ xách giỏ vào bếp. Đón chị là đứa con trai đang háo hức mách mẹ những
gì mà em nó đã làm:
- Mẹ ơi,lúc bố đang gọi điện thoại,
con đang chơi ngoài sân thì em lấy bút chì màu viết lên tường, chỗ mới sơn
trong phòng ấy. Con đã nói nhưng em không nghe.
Người mẹ rên rỉ: -Trời ơi! - buông giỏ
và bước qua phòng, nơi cậu con trai út đang trốn. Đứa bé run lên vì sợ. Trong
khoảng mười phút, người mẹ giáo huấn con về công sức, tiền bạc và khoản chi phí
vì trò chơi không đúng chỗ của con. Càng la mắng, chị càng giận và lao đến chỗ
thằng bé đang sợ sệt lấy thân mình che tác phẩm của nó. Khi nhìn thấy dòng chữ
“Con yêu mẹ” được viết nắn nót trên tường, viền bằng một trái tim nguệch ngoạc
nhưng rất ngộ nghĩnh, dễ thương, đôi mắt người mẹ nhòa đi.
Và giờ đây bao thời gian trôi qua, tờ
giấy dán tường vẫn ở đó, y như lúc người mẹ nhìn thấy, với một cái khung ảnh rỗng
treo để bao bọc lấy nó. Đó là một sự nhắc nhở đối với người mẹ, và với tất cả mọi
người: Hãy bỏ một chút thời gian để đọc những dòng chữ viết trên tường!
(Theo “Hạt giống tâm hồn”-NXB
Tổng hợp TP.Hồ Chí Minh,2011,tr.42-43)
GỢI Ý
Mở bài.
-Hãy đọc câu chuyện “Con yêu mẹ” ở trên
để nhớ rằng: Đừng nhìn nhận đánh giá người khác một cách dễ dàng; bình tĩnh lắng
nghe, tỉnh táo xử lí những lời đánh giá của mình.
Thân bài.
-Không nên khắt khe với những lỗi lầm
mà người khác phạm phải, cũng đừng chỉ nhìn vào đó mà vội đánh giá một con người.
Trước những lỗi lầm của người khác, bao dung lại có sức mạnh hơn nhiều so với
trừng phạt.
- Trong câu chuyện, vì người mẹ vội
vã, thiếu toàn diện khi nhìn nhận một vấn đề mà dẫn đến la mắng, trách nhầm con
mình. Câu chuyện mang đến cho ta một thông điệp ý nghĩa: Khi nhìn nhận, đánh giá một
vấn đề nào đó cũng cần cẩn thận, toàn diện và khách quan để không gây ra những
hậu việc đáng tiếc
- Ai cũng có thể mắc sai lầm, nhất là
đối với con trẻ. Cậu con út trong câu chuyện, đơn giản chỉ muốn thể hiện tình cảm
của mình dành cho mẹ, mong làm mẹ vui. Nhưng cậu còn quá nhỏ để nhận thức được:
Tình cảm chân thành cũng cẩn thể hiện đúng lúc, đúng chỗ.
- Trong cuộc đời mỗi người có lúc vì
nóng vội, chủ quan mà chúng ta đưa ra những lời nói, hành động mất kiểm soát,
tiêu cực khi nhìn nhận một vấn đề, đánh giá người khác, dẫn đến những hậu quả
đáng tiếc. Người mẹ đã quá vội vàng kết luận khi chưa nhìn ra mọi mặt vấn đề đã
giận dữ và dạy cho con mình một bài học. Kết quả, khi vỡ lẽ, bà đã hối hận vì
hành động của mình.
- Cuộc sống vội vã cùng với sự phát
triển của mạng internet và các trang mạng xã hội, việc buông lời phán xét người
khác càng trở nên dễ dàng hơn, gây ra những hệ luỵ không nhỏ trong mối quan hệ
con người với con người. Biết bao sự việc đau lòng đáng tiếc đã xảy ra chỉ vì
người nói bất cẩn hoặc phán xét người khác một cách dễ dàng.
- Cuộc sống là tiếng vọng. Điều bạn gửi
đi quay trở về. Điều bạn gieo trồng bạn sẽ gặt hái. Điều bạn cho bạn sẽ nhận lại.
Điều bạn thấy ở người khác tồn tại trong chính bạn”.
- Dù cuộc sống vội vã, có quá nhiều thứ
để lo toan nhưng cha mẹ nên chăng cũng cần dành nhiều thời gian quan tâm và để
hiểu hơn về con cái.
- Khi đánh giá, nhận xét một vấn đề
nào đó cần cẩn thận tìm hiểu mọi mặt rồi đưa ra kết luận.
- Ai cũng có thể mắc sai lầm, nhất là
đối với con trẻ. Vậy nên, chúng ta cũng cần có cái nhìn cảm thông thay vì vội
vàng giận dữ, truy cứu đến cùng.
Kết bài.
Không ai trên thế gian này sinh ra đã
trở nên hoàn hảo. Nếu bạn ghét bỏ con người vì sai lầm của họ, bạn sẽ cô độc
trên thế gian này. Vậy nên hãy yêu thương nhiều hơn. Chỉ có tình yêu thương mới
khiến chúng ta thấy hạnh phúc.