Câu 1. Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi:
Mới đây, các giáo sư
tâm lí học ở Trường Đại học York ở Toronto (Canada) đã tìm ra những bằng chứng
để chứng minh rằng: Đọc sách văn học thực sự giúp con người trở nên thông minh
và tốt tính hơn.
Những nghiên cứu của
các giáo sư đã cho thấy những người thường xuyên đọc sách văn học thường có khả
năng thấu hiểu, cảm thông và nhìn nhận sự việc từ nhiều góc độ. Ngược lại, những
cá nhân có khả năng thấu cảm tốt cũng thường lựa chọn sách văn học để đọc.
Sau khi đã tìm thấy mối
liên hệ hai chiều ở đối tượng độc giả là người lớn, các nhà nghiên cứu tiếp tục
tiến hành với trẻ nhỏ và nhận thấy những điều thú vị, rằng những trẻ được đọc
nhiều sách truyện thường có cách ứng xử ôn hoà, thân thiện hơn, thậm chí trở thành
đứa trẻ được yêu mến nhất trong nhóm bạn. Đọc một “nội dung sâu sắc” khác với
cách đọc “mì ăn liền” của chúng ta khi lướt qua các trang mạng. Hiện tại, việc
thực sự đọc, chìm lắng vào một nội dung văn học là việc ngày càng hiếm thấy
trong đời sống đương đại. Theo các nhà tâm lí học, việc chú tâm đọc một nội
dung sâu sắc có tầm quan trọng đối với mỗi cá nhân giống như việc người ta cần
bảo tồn những công trình lịch sử hay những tác phẩm nghệ thuật quý giá. Việc
thiếu đi thói quen đọc nghiêm túc sẽ gây ảnh hưởng tới sự phát triển trí tuệ và
cảm xúc của những thế hệ “sống trên mạng”.
(Trích Đọc
sách văn học giúp chúng ta thông minh hơn? dantri.com.vn, 12 /08 /2015)
a. Xác định nội dung
chính của văn bản trên.
b. Theo kết quả nghiên
cứu của các giáo sư của trường Đại học York ở Toronto (Canada), người lớn thường
xuyên đọc sách văn học sẽ có những khả năng gì?
c. Em hiểu như thế nào
về ý kiến của tác giả bài viết: "Đọc một "nội dung sâu sắc"
khác với cách đọc "mì ăn liền" của chúng ta khi lướt qua các trang mạng"?
d. Tìm và cho biết ý
nghĩa biện pháp tu từ có trong câu sau: “Đọc một “nội dung sâu sắc” khác với
cách đọc “mì ăn liền” của chúng ta khi lướt qua các trang mạng.”
e. Từ đoạn trích, em hãy rút ra 02 bài học cho bản
thân.
g. Em có đồng ý với ý
kiến: “Hiện tại, việc thực sự đọc, chìm lắng vào một nội dung văn học là việc
ngày càng hiếm thấy trong đời sống đương đại.” không? Tại sao? (Trả lời khoảng
3-5 dòng)
Gợi ý.
a.Nội dung: Đọc sách văn học thực sự giúp con người trở nên thông minh và tốt tính hơn.
- Những người thường
xuyên đọc sách văn học thường có khả năng thấu hiểu, cảm thông và nhìn nhận sự
việc từ nhiều góc độ.
- Việc thiếu đi thói
quen đọc nghiêm túc sẽ gây ảnh hưởng tới sự phát triển trí tuệ và cảm xúc của
những thế hệ “sống trên mạng”.
b. Theo kết quả nghiên
cứu của các giáo sư của trường Đại học York ở Toronto (Canada), người lớn thường
xuyên đọc sách văn học sẽ có những khả năng thấu hiểu, cảm thông và nhìn nhận sự
việc từ nhiều góc độ.
c. "Đọc một
"nội dung sâu sắc" khác với cách đọc "mì ăn liền" của chúng
ta khi lướt qua các trang mạng" có thể hiểu là:
- Cách đọc một "nội
dung sâu sắc": Thái độ đọc nghiêm túc, thật sự chìm lắng vào thế giới văn
học, chú ý nhập tâm để thấu cảm và rút ra bài học sâu sắc cho bản thân.
- Cách đọc "mì ăn
liền": Thái độ đọc lướt nhanh, sơ sài, qua loa, không hiểu đúng và sâu sắc
giá trị nội dung và giá trị nghệ thuật của tác phẩm, không thấy được ý nghĩa
nhân văn tác phẩm đó đem lại.
→ Câu nói mang tính định
hướng về một cách đọc sách văn học đúng đắn, tích cực.
d. Biện pháp Ẩn dụ: cách
đọc “mì ăn liền”- đọc lướt nhanh, sơ sài, qua loa
Ý nghĩa: Tạo tính tượng
cho câu văn; Nhấn mạnh cách đọc không đúng, thiếu tư duy, không nắm được giá trị
nội dung, nghệ thuât, tác phẩm.
e. Các bài học rút ra
từ văn bản:
- Tầm quan trọng của
việc đọc sách văn học trong việc bồi dưỡng tri thức và tâm hồn vì vậy cần dành
nhiều thời gian để đọc sách
- Đọc sách cần có
phương pháp, biết chọn lọc sách phù hợp và thực sự chú tâm mới đạt được hiệu quả.
g. Đưa ra quan điểm của
bản thân: (có thể là đồng ý, có thể là không đồng ý hoặc ý kiến khác…)
- Đồng ý vì
trong cuộc sống hiện nay, khi các thiết bị điện tử xuất hiện ngày càng nhiều
thì việc đọc sách, đặc biệt là đọc sách văn học ngày càng hiếm, vì mọi người
dành thời gian lên mạng nhiều hơn do tin tức được cập nhật nhanh chóng; xuất hiện
nhiều loại hình giải trí lôi cuốn hấp dẫn như nhạc Kpop, phim thần tượng, truyền
hình thực tế …; do cuộc sống bận rộn, áp lực học tập thi cử nặng nề nên không
còn thời gian đọc sách; v.v…
- Không đồng ý
vì vẫn còn nhiều người đam mê với sách, đặc biệt là sách văn học vì ý thức được
giá trị và ý nghĩa của việc đọc sách; các buổi ra mắt sách của những nhà văn nổi
tiếng hoặc những hội chợ sách vẫn thu hút được bạn đọc; các hoạt động sáng tác
vẫn có đông các bạn trẻ tham gia; v.v…
Câu 2. Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi:
(1) Sự thiếu trung thực
sẽ ảnh hưởng đến bản thân ta rất nhiều: Sự thiếu trung thực trong kinh doanh,
những mối quan hệ của doanh nhân cũng trở nên hời hợt, dẫn đến thiếu vắng những
tình cảm chân thành, những điều giá trị hơn trong cuộc sống; Sự thiếu trung thực
trong học tập làm người học sinh trở nên coi thường kiến thức, coi thường giá
trị của sự khổ công trong học tập, rèn giũa của mình, mà chỉ còn chú ý đến những
con điểm, đến những mánh khoé để đạt được điểm cao; Sự thiếu sự trung thực trong đời sống gia đình sẽ
dẫn đến sự mất niềm tin lẫn nhau của mọi thành viên, là một nguy cơ làm gia
đình tan rã… Thói quen thiếu trung thực dần dần khiến con người cũng phải tự lừa
dối chính mình, huyễn hoặc mình, và không còn nhìn thấy những nguy cơ, thách thức
sắp đến nên không có phản ứng kịp lúc và nhấn chìm mình trong sai lầm triền
miên. (…) Chính vì vậy, mỗi khi định làm gì đó thiếu trung thực, trái với lương
tâm của mình, bạn hãy nhớ kỹ: những gì mà việc đó đem lại cho bạn không thể bù
đắp được “cái giá” mà bạn và những người xung quanh phải trả.
(2) Mỗi người đều có một
“la bàn” cho chính mình, đó không phải là tài năng, không phải là ước mơ, nó
không chỉ cho bạn cái đích cần đến, nhưng nó giữ cho bạn đi đúng hướng và không
bị lạc đường, không bị sa ngã. Chiếc la bàn ấy là thứ tối quan trọng để bạn có
thể “lãnh đạo chính mình”, nó được cất trong tim mỗi người, luôn sẵn sàng cho bạn,
chỉ tùy thuộc vào bạn có đủ dũng khí sử dụng nó hay không thôi. Chiếc la bàn ấy
có tên là Trung thực.
(Theo Thắp ngọn đuốc xanh – NXB Trẻ,
2018, Tr 96,97)
a. Xác định nội dung của
văn bản trên.
b.
Theo tác giả, mỗi khi định làm gì đó thiếu trung thực, cần nhớ kỹ điều gì?
c. Xác định và nêu hiệu
quả của phép tu từ nổi bật được sử dụng trong đoạn (1).
d. Theo em, “cái
giá” mà ta và những người xung quanh phải trả cho sự thiếu trung thực của
mình là gì?
e. Thông điệp nào
trong đoạn trích có ý nghĩa nhất đối với em? Tại sao? (Trả lời khoảng 3-5 dòng)
Gợi ý.
a. Nội dung: Sự thiếu trung thực sẽ ảnh hưởng đến bản thân ta rất nhiều; Trung thực giữ cho ta đi đúng hướng và không bị lạc đường, không bị sa ngã.
b. Theo tác giả, mỗi khi định làm gì đó thiếu trung thực, cần nhớ kỹ: những gì mà việc đó đem lại cho không thể bù đắp được “cái giá” mà chúng ta và những người xung quanh phải trả.
c. Nêu một trong hai biện pháp tu từ sau:
- Phép điệp cấu trúc ngữ pháp (Sự thiếu trung thực trong….)
+ Tác dụng: Tạo nhịp điệu cho câu văn; Nhấn mạnh tác hại của việc sống thiếu trung thực.
- Phép liệt kê (...trong kinh doanh, trong học tập, trong đời sống gia đình...)
+ Tác dụng: Diễn tả một cách đầy đủ, cụ thể, sâu sắc những biểu hiện của sự thiếu trung thực, qua đó nhấn mạnh tác hại của lối sống này.
d. Thiếu trung thực khiến
- Bản thân không còn nhìn thấy những nguy cơ, thách thức sắp đến nên không có phản ứng kịp lúc và nhấn chìm mình trong sai lầm triền miênvà có thể gây ra nhiều nguy hại cho xã hội.
- Mất đi sự kính trọng của mọi người đối với mình, mất niềm tin lẫn nhau, dẫn tới sự suy thoái về đạo đức trong đời sống xã hội….
e. Thông điệp
- Sống trung thực: Giúp sửa chữa được sai lầm để bản thân thành người tốt, hoàn thiện nhân cách. Trung thực khiến người khác tin tưởng, được giao phó những công việc quan trọng, có ý nghĩa trong cuộc sống. Học sinh cần rèn luyện đức tính trung thực để có hiệu quả học tập tốt nhất, thành công bằng chính lực học, kiến thức của bản thân.