Thứ Bảy, 5 tháng 12, 2020

Luyện tập đọc hiểu

 

Câu 3. Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi:

 (1) Không có tự tin, con người giống như bị sợi dây thừng trói chặt không thể cựa quậy được, lấy cái gì để đi tới thành công, lấy cái gì để đạt được mục đích…

(2) Tự tin là bí quyết đầu tiên của thành công… Tin vào bản thân mình thì gặp khó khăn mới đủ khả năng để ứng phó; tin vào bản thân mình thì khi rơi vào hiểm cảnh mới có dũng khí và đôi cánh để bay cao thoát khỏi hiểm họa; tin vào bản thân mình thì khi rơi vào cảnh lầm đường lạc lối mới có đủ niềm tin để tìm được lối ra; tin vào bản thân mình thì mới không bị dao động khi đứng giữa cái được và cái mất, luôn hướng bản thân mình tới mục tiêu đã lựa chọn và đi tới.

      (Trích Mục đích cao hơn tất cả, Nguyễn Đức Thuận, NXB Thanh Niên, 2012)

a. Nêu nội dung chính của văn bản trên.

b. Xác định 01 biện pháp tu từ được sử dụng trong đoạn văn (2) và nêu tác dụng của biện pháp tu từ đó.

c. Tại sao tác giả lại khẳng định: “Tự tin là bí quyết đầu tiên của thành công.”

d. Theo em tự tin có cần dựa trên sự hiểu biết và khiêm tốn không?

e. Trình bày suy nghĩ của em về ý kiến: “Không có tự tin, con người giống như bị sợi dây thừng trói chặt không thể cựa quậy được”. (Trả lời khoảng 3-5 dòng)


Gợi ý.

a. Nội dung: bàn về sự tự tin; tự tin sẽ giúp chúng ta vượt qua được những khó khăn trong cuộc sống.

b. Biện pháp tu từ:

- Điệp ngữ: Tin vào bản thân mình

- Điệp cấu trúc: Tin vào bản thân mình thì…

+ Tác dụng: Tạo sự liên kết giữa các câu văn, tăng tính nhịp điệu, làm cho câu văn nhịp nhàng hơn; qua đó nhấn mạnh sức mạnh của sự tự tin: tự tin sẽ giúp chúng ta vượt qua những khó khăn trong cuộc sống.

- Ẩn dụ : đôi cánh –   sức mạnh sự tự tin vào bản thân

+ Tác dụng: Tăng sức gợi hình, gợi tả; qua đó thể hiện ý nghĩa sự tự tin chính là một trong những bệ phóng vững chắc để con người thực hiện ước mơ và khát vọng.

c. Vì: đủ khả năng để ứng phó,có dũng khí,có đủ niềm tin,không bị dao động trước khó khăn thử thách, luôn hướng bản thân mình tới mục tiêu đã lựa chọn và đi tới.

d. Lòng tự tin luôn xuất phát trên nền tảng trí tuệ, sự thấu hiểu và đức tính khiêm tốn của con người. Vì

- Tự tin thái quá sẽ trở thành sự kiêu ngạo, hợm hĩnh, khoác lác, độc đoán, bất chấp trở ngại và hành động mù quáng dẫn đến thất bại.

e. - Ý nghĩa:  Không có sự tự tin, con người dễ hình thành cho mình một vỏ bọc bên ngoài, sống khép mình trước tập thể, rụt rè, thiếu bản lĩnh.  Không có sự tin sẽ không tạo được cho bản thân một cơ hội và điều kiện học tập, làm việc tốt.

- Bài học rút ra:  Cần hình thành cho bản thân sự tự tin để chinh phục ước mơ và vượt qua những thử thách của cuộc sống.


Câu 4. Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi:

Văn bản 1. Cuộc đời của tôi là một chuỗi nếu như. Từ nhỏ, tôi chỉ muốn làm một ông chủ trại như bố tôi, và không chịu học nếu như mẹ tôi không bắt tôi sống ở Luân Đôn. Tôi sẽ trượt trong kì thi đại học y, nếu như tôi không phải là một thanh niên giỏi bơi lội, có thể đại diện cho nhà trường trong những kỳ thi Olympic thể thao của sinh viên. Tôi sẽ suốt đời làm một thầy thuốc nông thôn, nếu như giáo sư Wright không chọn tôi làm phụ tá cho ông tại phòng thí nghiệm riêng, nơi tôi tìm ra Penicillin. Phát minh này tôi dự tính phải 15 – 20 năm mới triển khai được trong thực tế, nếu như chiến tranh thế giới không xảy ra, thương vong nhiều đến mức các loại thuốc chưa kiểm tra cũng được phép sử dụng, thì Penicillin chưa chứng minh được công hiệu của mình và bản thân tôi chưa được giải Nobel.

      (Trích Bài phát biểu của Alexander Fleming, trong dịp nhận giải Nobel,về phát minh ra Penicillin, năm 1945 - Báo “Hóa học ngày nay” - 3/1993)

Văn bản 2. Alexander Fleming, người để lại cảm hứng cho nhiều thế hệ sau ông.

Alexander Fleming sinh năm 1881, là nhà nghiên cứu ngành vi khuẩn học gốc Scotland. Sau khi tốt nghiệp Trường Bách khoa năm 16 tuổi, ông đi làm ở một hãng tàu thủy. Công việc ông làm là thư ký, sao chép các tư liệu bằng tay, giữ sổ sách kế toán, hồ sơ hàng hoá và hành khách. Ông làm công việc nhàm chán này suốt 4 năm.

Năm 1901, một cơ hội bất ngờ đến với Alexander Fleming: một ông chú có một phòng khám khá đông khách mới qua đời, để lại di sản cho tất cả các anh em nhà Fleming. Ông khuyên Alexander dùng số tiền của ông để lại mà theo học ngành y. Alexander Fleming rất thích ý tưởng này vì ông đã chán công việc nhàm chán ở hãng tàu thủy.

Cảm hứng thứ nhất từ Alexander Fleming: khi có cơ hội để vươn lên thì phải nắm bắt, đừng để cơ hội trôi qua một cách uổng phí

Vào học trường y rất khó đối với Alexander Fleming bởi lúc này ông đã 20 tuổi, lớn tuổi hơn phần lớn các sinh viên năm thứ nhất, ông lại rời trường phổ thông từ năm 13 tuổi. Ông tìm một giáo viên dạy kèm vào các buổi chiều. Nhờ đó mà ông được nhận vào Trường Y Bệnh viện St Mary.

Cảm hứng thứ hai từ Alexander Fleming: cần có tinh thần phấn đấu, chịu khó, để vượt qua trở ngại.

(Theo Internet)

a. Nội dung chính văn bản 2.

b. Theo tác giả văn bản 1, vì sao phát minh Penicillin được sử dụng sớm và giúp tác giả đạt giải Nobel?

c. Xác định và nêu tác dụng của biện pháp tu từ được sử dụng trong văn bản 1.

d. Thông điệp mà em rút ra được từ 2 văn bản trên.

e. Để có thể nắm bắt được hoặc tìm ra cơ hội cho bản thân ta cần chuẩn bị gì? (Trả lời khoảng 3-5 dòng)


Gợi ý.

a. Nội dung: Alexander Fleming, người để lại cảm hứng cho nhiều thế hệ sau ông.

b. Sản phẩm thuốc Pênixilin của tác giả được đưa ra sử dụng sớm và giúp ông đạt giải Nobel vì chiến tranh thế giới xảy ra, thương vong nhiều đến mức các loại thuốc chưa kiểm tra cũng được phép sử dụng.

c. Biện pháp tu từ: điệp ngữ ( Tôi sẽ, nếu như), điệp cấu trúc ( Tôi sẽ…nếu như…).

- Tác dụng: Tạo nhịp điệu cho câu văn, làm cho câu văn nhịp nhàng hơn.  Nhấn mạnh những tình huống sẽ xảy ra nếu tác giả biết nắm bắt cơ hội thì giúp tác giả đạt được những thành công trong cuộc sống.

d. Thông điệp

 - Mỗi tình huống trong cuộc sống là cơ hội để con người phát huy tài năng.

- Bản thân mỗi người cần biết nắm bắt cơ hội và nỗ lực phấn đấu học tập, lao động để tạo nên thành công trong cuộc sống.

e. Để có thể nắm bắt được hoặc tìm ra cơ hội cho bản thân ta cần chuẩn bị: tích luỹ kiến thức, chuyên môn nghề nghiệp, những kỹ năng sống bổ ích cho bản thân.