Thứ Bảy, 5 tháng 12, 2020

Luyện tập đọc hiểu

 

Câu 7. Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi:

(1) Cha mẹ nào cũng muốn con nên người. Nên người không phải là thuật ngữ giáo điều hay nói cho vui mà là chuẩn mực trong cuộc sống. Đó là kiểu sống có trước có sau; ứng xử thấu tình đạt lý; tương tác và giao tiếp lịch sự; biết kiểm soát chính mình; biết sống có ích cho mình và cộng đồng; biết thực hiện và tuân thủ những giá trị chuẩn mực…Những điều này thể hiện hằng ngày, hằng giờ thậm chí hằng phút, hằng giây  qua hành vi, cử chỉ, thái độ, cách nói năng đúng mực…

 (2)  Tuy nhiên, sự tử tế không phải là tài sản quý theo kiểu để dành cũng không phải là món quà tự nhiên được ban tặng mà đó là hành trình làm người, hoàn thiện bản thân. Sự tử tế có được nhờ nguyên tắc của việc làm theo cái đúng dẫu là bắt chước ; dựa trên quá trình rèn giũa, điều chỉnh và hoàn thiện để có những suy nghĩ, bày tỏ cảm xúc và hành vi tốt – ngay cả với nút like hay những dòng bình luận trên mạng xã hội.

(3) Dĩ nhiên, sự tử tế cũng có thể bị chi phối rất lớn từ tiền tài, vật chất. Khi người ta sống vị kỉ, nghĩ đến lợi ích cá nhân nhiều hơn lợi ích cộng đồng, bàng quan thì cũng là lúc họ mất dần niềm tin về cái thiện, điều tốt, đẩy sự tử tế ra xa. Vì vậy, để hình thành sự tử tế cần phải có sự tác động từ gia đình, thầy cô, những bài học trong cuộc sống xã hội.

                                         ( Trích Sự tử tế không phải là món quà, TS  Huỳnh Văn Sơn)   

a. Theo tác giả , sự tử tế là gì?

b. Xác định và nêu tác dụng của biện pháp tu từ được sử dụng trong đoạn văn (1).

c. Nội dung đoạn trích.

d. Em hiểu như thế nào về ý kiến: “sự tử tế không phải là tài sản quý theo kiểu để dành cũng không phải là món quà tự nhiên được ban tặng mà đó là hành trình làm người, hoàn thiện bản thân”. 

e. Em có đồng tình với quan điểm “sự tử tế cũng có thể bị chi phối rất lớn từ tiền tài, vật chất” không? Vì sao? (Trả lời khoảng 4-6 dòng)


Gợi ý.

a. Theo tác giả, tử tế là hành trình làm người, hoàn thiện bản thân

b. -Phép liệt kê: kiểu sống có trước có sau; ứng xử thấu tình đạt lý; tương tác và giao tiếp lịch sự; biết kiểm soát chính mình; biết sống có ích cho mình và cộng đồng; biết thực hiện và tuân thủ những giá trị chuẩn mực…

hằng ngày, hằng giờ thậm chí hằng phút, hằng giây qua hành vi, cử chỉ, thái độ, cách nói năng đúng mực…

+ Tác dụng: Diễn tả một cách đầy đủ, cụ thể, sâu sắc những biểu hiện của cách sống tử tế, qua đó nhấn mạnh giá trị, nét đẹp của lối sống này.

c.Nội dung:

- Cha mẹ nào cũng muốn con nên người.

- Sống tử tế là hành trình làm người, hoàn thiện bản thân.

- Sự tử tế hình thành cần phải có sự tác động từ gia đình, thầy cô, những bài học trong cuộc sống xã hội.

d. Ý kiến trên có nghĩa là sự tử tế mà con người có được phải nhờ vào sự thay đổi bản  thân thông qua quá trình tiếp nhận những lời dạy của cha mẹ, nhà trường… hướng tới những điều tốt đẹp trong cuộc sống. Sự tử tế không tự nhiên có mà do ý thức của mỗi chúng ta và được tích luy trong quá trình chúng ta sống và trải nghiệm

e. Ý kiến trên đúng vì tiền tài vật chất chi phối rất nhiều tới đời sống con người. Nhiều người đam mê kiếm tiền nên đã bỏ qua những giá trị đạo đức, nhân cách để thực hiện mục đích. Điều đó làm họ mất đi sự tử tế và đôi khi làm những điều vi phạm pháp luật.


 

Câu 8. Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi:

Đối với tôi, nguyên tắc thành công đến từ một điều cơ bản: sống trong thế chủ động. Cần gì thì lên tiếng. Muốn gì thì đấu tranh. Kiến thức do học tập. Thành tựu nhờ lao động. Chẳng có cái gì ở trên đời này tự nhiên mà có. Chủ động lèo lái thì mới có cơ may đưa con thuyền cuộc đời cập bến bờ mơ ước. Dù sóng gió, giông bão xảy ra trên hải trình vạn dặm, có giữ vững bánh lái, cầm chắc tay chèo thì mới đến được đất liền. Sống mà không biết tự cứu lấy mình, sống thụ động buông thả, thì cũng giống như một con bè trên dòng nước lớn, để mặc sóng gió xô đâu trôi đó, được chăng hay chớ, rồi sẽ mệt  nhoài vì giông bão cuộc đời.

    … Chẳng xuống nước thì không thể biết bơi. Sống thụ động thì chẳng khác gì đời cây cỏ. Như thế khác nào tự đào hố chôn mình. Sống ở thế chủ động là chủ động học tập, chủ động hỏi han, chủ động giúp đỡ người khác, chủ động gợi ý người khác giúp đỡ mình. Chứ em không cứu mình thì ai cứu được em.

 ( Em không tự cứu mình thì ai cứu em- Rosie Nguyễn, Cuốn Tuổi  trẻ đáng  giá bao nhiêu, NXB Hội nhà văn 2017, trang 120-121)   

a. Theo quan điểm tác giả, sống trong thế chủ động là sống như thế nào?

b. Chỉ ra và nêu hiệu quả của biện pháp tu từ được sử dụng trong câu văn: “Dù sóng gió, giông bão xảy ra trên hải trình vạn dặm, có giữ vững bánh lái, cầm chắc tay chèo thì mới đến được đất liền.”.

c. Nêu nội dung văn bản.

d. Em hiểu như thế nào về ý kiến: “Sống mà không biết tự cứu lấy mình, sống thụ động buông thả thì cũng giống như một con bè trên dòng nước lớn, để mặc sóng gió xô đâu trôi đó, được chăng hay chớ, rồi sẽ mệt nhoài vì dông bão cuộc đời.”?

e. Em hiểu như thế nào về ý kiến: “Sống thụ động thì chẳng khác gì đời cây cỏ.”?

g. Em có đồng tình với ý kiến: “Chẳng xuống nước thì không thể biết bơi.”? Vì sao? (Trả lời khoảng 4-6 dòng)


Gợi ý.

a.   -  Theo tác giả, sống trong thế chủ động là:

+ Chủ động bày tỏ ý kiến, chủ động đấu tranh , tích cực, tự giác trong lao động  và học tập - Cần gì thì lên tiếng. Muốn gì thì đấu tranh.

+ Sống ở thế chủ động là chủ động học tập, chủ động hỏi han, chủ động giúp đỡ người khác, chủ động gợi ý người khác giúp đỡ mình

b. - Biện pháp tu từ ẩn dụ: sóng gió, giông bão – khó khăn, thử thách; giữ vững bánh lái, cầm chắc tay chèo – lòng quyết tâm, sự kiên định

   - Hiệu quả : Làm cho câu văn giàu hình ảnh, tăng sức thuyết phục. Đồng thời khẳng định một cách hình tượng ý nghĩa của lòng quyết tâm, sự kiên định qua việc sống trong thế chủ động sẽ giúp con người vượt qua những khó khăn, thử thách trong cuộc sống. 

c. Nội dung: Việc sống trong thế chủ động có ý nghĩa to lớn trong cuộc đời mỗi người:

- Nguyên tắc thành công đến từ một điều cơ bản: sống trong thế chủ động.

- Không tự cứu mình thì ai cứu được.

d. - Mượn các hình ảnh so sánh con bè trên dòng nước lớn, sóng gió xô, dông bão cuộc đời để diễn đạt một cách cụ thể, sinh động, biểu cảm về lối sống thụ động và tác hại của việc sống thụ động;

- Sống thụ động là phó mặc, chịu sự chi phối, đưa đẩy từ yếu tố bên ngoài, thiếu chủ động sáng tạo, vì thế sẽ khó đạt được bất cứ mục tiêu nào, không đủ bản lĩnh để vượt qua những thử thách, khó khăn.

e. Sống thụ động sẽ không thể hiện được năng lực, thế mạnh, sở trường, khả năng sáng tạo của mình nên không xác lập được giá trị bản thân; sống thụ động mất dần tiếng nói riêng, trở thành vô nghĩa, không ai biết đến, không có đóng góp gì cho xã hội.

g. Gợi ý:

Đồng ý. Vì đó là điều hiển nhiên, không ai có thể học bơi trên cạn qua lí thuyết mà có thể biết bơi được. Thành tựu chỉ đến khi ta tích cực trải nghiệm, chủ động nỗ lực không ngừng trong công việc của mình.

Không đồng ý. Vì đôi khi thành công không đi đôi với việc tích cực trải nghiệm, mạo hiểm dấn thân mà có thể đến từ sự may mắn.

Đồng ý một nửa: Dung hòa hai ý kiến trên.