Nguyễn Du_ nhà đại thi hào của dân tộc Việt Nam, đã để lại cho đời rất nhiều những tác phẩm chứa đầy tâm huyết. Trong số đó, “Truyện Kiều” hay “Đoạn trường tân thanh” là tác phẩm tuyệt vời nhất, có khả năng đi vào tâm tưởng hàng bao thế hệ già trẻ, lay động trái tim những con người yêu thơ. Qua “Truyện Kiều”, Nguyễn Du đã gởi gắm vào đó bao nhiêu là tâm tư, tình cảm, dẫn người đọc cùng đi trên hành trình tư tưởng của mình, đưa ta qua những cung bậc cảm xúc khác nhau, từ cái ngỡ ngàng này tới cái ngỡ ngàng khác. Trong đó, người đọc không khỏi ngỡ ngàng trước nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật và phép tả cảnh ngụ tình tài ba của ông qua đoạn trích “Kiều ở lầu Ngưng Bích”.
Đoạn trích nằm ở phần giữa của tác phẩm, và dưới ngòi bút điêu luyện cùng tấm lòng thương người, thông cảm cho thân phận người của Nguyễn Du, đoạn trích đã gợi tả một cách đầy cảm động tâm trạng cô đơn, buồn tủi cũng như tấm lòng thủy chung, hiếu thảo của Kiều.
Nửa đêm qua huyện Nghi Xuân
Bâng khuâng nhớ cụ, thương thân nàng Kiều
Hỡi lòng tê tái thương yêu
Giữa dòng trong đục, cánh bèo lênh đênh.
Số phận nàng Kiều lận đận, đớn đau đến mức nhà thơ Tố Hữu đã ví như cánh bèo lênh đênh, bơ vơ lờ lững giữa dòng đời trong đục. Cuộc đời nàng trước nay vốn ấm êm yên bình, nay lại bị cuốn theo vòng xoay của cơn bão dữ. Bao biến cố khủng khiếp xảy ra: gia đình bị vu oan, cha và em lâm vào cảnh tù tội, còn nàng sau khi tự nguyện bán thân đã bị đẩy vào chốn lầu xanh sống cuộc đời tủi nhục. Sau khi tìm đến cái chết không thành công, Thúy Kiều bị đem ra giam ở lầu Ngưng Bích, một nơi hoang vắng quạnh quẽ, bóng người hiếm hoi, nơi mà nàng chỉ có thể sống trong cô đơn, tự mình gặm nhấm nỗi buồn của chính mình.
Những dòng thơ đầu của đoạn thơ như mở ra một không gian bao la rộng lớn, nơi của một không gian nghệ thuật và một tâm trạng nghệ thuật đồng hiện, nơi cảnh vật và tâm tình tìm được tiếng nói chung, tiếng nói của một trái tim đơn côi, một tâm hồn lạnh lẽo: Trước lầu Ngưng Bích khóa xuân,
Vẻ non xa tấm trăng gần ở chung.
Ở một mình chốn lầu Ngưng Bích bơ vơ trơ trọi, với lời dụ dỗ ngọt ngào của bọn buôn người bất nhân_ Tú Bà nói “Con hãy thong dong…Trên đầu có bóng mặt trời rạng soi”_ nhưng thực chất lại là một hình thức giam cầm, như ý nghĩa của hai từ “khóa xuân” mang đầy vẻ mỉa mai, trách móc. Từ một cuộc sống êm đềm ấm áp bên gia đình, bên người yêu, bỗng chốc bao nhiêu tai ương ập đến vùi dập thân phận nàng tả tơi với sóng trôi bể nổi, cuối cùng lại bị đưa đến lầu xanh rồi bị đem ra lầu Ngưng Bích giam lỏng, đối với Kiều, đó thật sự là một cú sốc rất lớn, một mất mát vô cùng nặng nề về mặt tinh thần. Trong cảnh ngộ cô đơn éo le ấy, nàng chỉ còn biết trải lòng mình lên cảnh vật, gửi gắm tâm hồn vào thiên nhiên, lắng nghe tiếng thổn thức phát ra từ tận đáy con tim. Cảnh tượng nơi lầu Ngưng Bích này thật đẹp: có núi non xa, vầng trăng gần đều hút chung vào tầm mắt. Hai từ ngữ đối lập “xa – gần” cùng từ “ở chung” như góp phần hoàn thiện thêm cái cạnh tượng thật nên thơ nhưng cũng thật quạnh quẽ phía trước lầu.
Bốn bề bát ngát xa trông,
Cát vàng cồn nọ bụi hồng dặm kia.
Bẽ bàng mây sớm đèn khuya,
Nửa tình nửa cảnh như chia tấm lòng.
Trông ra bốn bề, nàng thấy một không gian rộng lớn bát ngát hiện lên. Nghệ thuật đảo ngữ ở đây làm ta cảm nhận rõ hơn cái rộng lớn của cảnh vật, cũng như cái trống trải của tâm hồn Thúy Kiều. Nhìn xa nhìn gần là những cồn cát vàng trải dài vô tận, là những dặm bụi hồng xa xôi ngút ngàn. Các vế câu đối xứng nhau cùng những cặp từ “nọ - kia, xa – gần” như đợt sóng dồi tầng tầng lớp lớp trong tâm trí, xô đẩy thêm nữa cái tâm trạng lộn xộn của người con gái. “Bẽ bàng” trước mặc cảm xấu hổ, chìm đắm trong tủi nhục, trong cái vòng tuần hoàn ước lệ “mây sớm đèn khuya”, Kiều còn bị giằng xé cực độ giữa nét buồn của cảnh và cái ngổn ngang của tình, mạnh đến mức muốn “chia tấm lòng” nàng thành hai nửa. Một nửa phiêu diêu theo khung cảnh trống trải, một nửa ở lại với mảnh tình đơn côi. Nghệ thuật tả cảnh ngụ tình của tác giả thật vô cùng đặc sắc, diễn tả thật cảm động nỗi buồn và tình cảnh éo le của Kiều. Tình cảnh nàng Kiều lúc này thật chẳng khác gì sống trong địa ngục: thân xác bị giam lỏng ở lầu Ngưng Bích, tâm hồn bị giam cầm trong vòng xoay khép kín của thời gian sớm - tối, và tình cảm thì bị giam hãm trong mớ tơ lòng rối bời. Phận nàng mới đáng thương làm sao!
Trong cảnh ngộ đớn đau ấy, trong tim người con gái bỗng trào dâng một nỗi nhớ thương da diết. Từng trang ký ức của quãng thời gian yên bình, của một thời sống ấm êm bên gia đình, người thân được nàng Kiều chậm rãi lật lại, và cũng từ từ nhen nhóm trong lòng nàng niềm nhớ nhung man mác mà dai dẳng khôn nguôi.
Tưởng người dưới nguyệt chén đồng,
Tin sương luống những rày trông mai chờ.
Bên trời góc bể bơ vơ,
Tấm son gột rửa bao giờ cho phai.
Nàng nhớ về Kim Trọng_ mối tình đầu trong sáng ngây thơ, hạnh phúc, ngọt ngào chỉ vừa mới bắt đầu đã đột ngột kết thúc. Hình ảnh ẩn dụ “người dưới nguyệt chén đồng” đã nói lên tất cả những chua xót trong lòng Thúy Kiều. Mới ngày nào cả hai còn cùng nhau nói lời thề nguyền dưới trăng, đã “Đinh ninh hai mặt một lời song song”, đã cùng nhau nhấp cạn chén rượu tình chung “Chén hà sánh giọng quỳnh hương” thì hôm nay mỗi người đã lẻ loi ở một nơi khác nhau. Kim Trọng về quê chịu tang chú còn nàng phải “Bên trời góc bể bơ vơ” chốn lầu Ngưng Bích quạnh vắng cô đơn. Nỗi nhớ đan xen cùng nỗi nhớ. Và cái cảm giác có lỗi với người yêu cứ lẫn vào nhau, quấn lấy tâm trí nàng. Bất hạnh ập đến quá nhanh, chia ly mà chẳng kịp nói lên lời từ biệt. Lòng nàng bỗng quặn đau khi nghị đến chàng Kim đang mỏi mòn chờ đợi tin tức mình, cũng như nàng lúc này vẫn còn ngóng trông tin tức người yêu. Xót cho Kim Trọng mải chờ đợi mình, xót cho cái tình cảm ấm nồng mà sớm bị chia xa, Kiều càng xót hơn nữa cho cái thân phận bèo bọt nổi trôi, phải bất đắc dĩ mà mang danh bội thề phụ nghĩa của mình. Tuy vậy, nàng vẫn cố tự nhủ rằng tấm lòng son sắt thủy chung của nàng sẽ không bao giờ thay đổi dù trải qua biến chuyển của thời gian, không bao giờ phôi pha dù có gột rửa như thế nào, và dù rằng giờ đây nàng tự thấy mình không còn xứng với Kim Trọng nữa.
Nỗi nhớ được Kiều chuyển từ Kim Trọng sang gia đình, người thân. Mặc dù đã tự nguyện bán thân lấy tiền cứu cha và em, mặc dù gia đình đã thoát khỏi cảnh tù tội, bên trong lòng Kiều vẫn canh cánh một niềm thương khôn xiết, một nỗi nhớ cay đắng đến xót xa:
Xót người tựa cửa hôm mai,
Quạt nồng ấp lạnh những ai đó giờ?
Sân Lai cách mấy nắng mưa,
Có khi gốc tử đã vừa người ôm.
Các từ ngữ chỉ thời gian xa cách “hôm mai”, “cách mấy nắng mưa”, các thi liệu điển cố từ “Nhị thập tứ hiếu” ở Trung Quốc “sân Lai”, “gốc tử”, và sự xuất hiện của thành ngữ dân gian “quạt nồng ấp lạnh” càng tô đậm thêm nỗi lòng người con hiếu thảo. Kiều khắc khoải khi “nghe chim như nhắc tấm lòng thần hôn”, áy náy vì phận làm con cả mà chẳng thể nào chăm sóc, chẳng được thực hiện cái nghĩa vụ thiêng liêng “quạt nồng ấp lạnh” cho cha mẹ, dù song thân đã già yếu, dù “gốc tử đã vừa người ôm. Hình ảnh ẩn dụ “tựa cửa hôm mai” cùng tâm trạng “xót” của nàng Kiều khi nghĩ đến cha mẹ lớn tuổi vẫn mỏi mòn ngóng đợi đứa con lưu lạc xứ khác, làm lòng nàng đau quặn thắt. Ai đời phận làm con lại không thể phhụng dưỡng mẹ cha tuổi xế chiều, lại không thể ở bên hai đấng sinh thành sớm tối? Bốn câu thơ như cực tả nỗi nhớ thương cha mẹ nàng Thúy Kiều, và thật lạ thay, nỗi luyến nhớ ấy của nàng lại làm lòng ta xao xuyến, bồi hồi đến lạ.
Càng “tưởng” chàng Kim, càng “xót” cha mẹ, nàng Kiều càng buồn hơn cho số kiếp éo le, cho cảnh ngộ bị kịch của mình. Một lần nữa nàng lại gửi gắm tâm sự vào khung cảnh, như tác giả Nguyễn Du viết trong nhưng câu thơ tiếp theo. Mang cái tâm trạng sầu não ấy, Kiều đưa mắt nhìn ra cửa bể, nơi ánh hoảng hôn lênh láng phủ đầy.
Buồn trông cửa bể chiều hôm,
Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa?
Không gian mênh mông nơi ánh hoàng hôn buông xuống cũng trở nên nặng nề bởi tâm trạng buồn nơi nàng Kiều. Một không gian gợi buồn, một thời gian đượm buồn, và một tâm trạng đặc quánh những nỗi buồn vô hạn. Con thuyền hiện lên “xa xa”, giữa làn nước xanh thẳm của biến cả với cánh buồm “thấp thoáng”, thoắt ẩn thoắt hiện, mờ ảo như giấc mơ nhưng lại thấm đẫm nỗi buồn thực tại. Cánh buồn ấy đi đâu và về đâu, liệu có khi nào nó sẽ dừng chân nơi quê hương nàng, nơi gia đình nàng chăng? Bằng hình ảnh cổ điển “cánh buồm” quen thuộc, nhà thơ đã khắc họa nên niềm nhớ thương quê nhà và nỗi đau của người con gái tha hương nơi đất khách, lẻ loi chốn quê người.
Nỗi buồn ấy lại như nhân đôi khi Thúy Kiều ngắm nhìn cánh hoa rã rời trôi theo dòng nước:
Buồn trông ngọn ngước mới sa,
Hoa trôi man mác biết là về đâu?
Thuyền “thấp thoáng” trong khoảng không tít tắp, hoa cũng “man mác” trôi trong không gian vô định. Đóa hoa bị đẩy đưa trên “ngọn nước mới sa” ấy có khác chi đâu thân phận nổi trôi của Kiều? Kiếp sống lạc loài lẻ loi, không biết rồi đây sẽ bị đẩy đưa đến nơi nao, sẽ bị vùi dập như thế nào trớ trêu thay, chính Kiều lại là hiện thân của nó. Cánh hoa rã rời trôi trên dòng nước, như cuộc đời nàng lững lờ trôi trong dòng đời. Hoa lìa cội, lìa cành, hoa rã cánh, để mặc cho sóng nước dập dịu cuốn đi. Kiều xa nhà, xa quê, xa người thân, nhắm mắt mặc cho cái ba chìm bảy nổi chốn chợ đời lắm rình rập hiểm nguy. Điệp ngữ “buồn trông” được lặp lại thể hiện nỗi buồn dào dạt sâu thẳm: nhìn cảnh sắc hữu hình lại cảm nhận cái vô hình chất chứa_ số kiếp hoa trôi bèo nổi, lênh đênh lận đận của nàng Kiều.
Xung quanh Kiều lúc này, cảnh vật cũng như nhuốm lên mình một sắc màu héo tàn, tẻ nhạt, từ “nội cỏ” đến “chân mây mặt đất”:
Buồn trong nội cỏ rầu rầu,
Chân mây mặt đất một màu xanh xanh.
Ngay đến cỏ cây_ dấu hiệu của sự sống, biểu hiện của sự tồn tại cũng mạng nặng màu “rầu rầu”, “xanh xanh” héo úa tàn phai. Âm điệu thơ như phảng phất nét buồn do sử dụng nhiều vần bằng dàn trải. Không phải là một thảm cỏ xanh đầy sức sống, không phải là cái mặt đất xanh tươi ngút ngàn mà chỉ là sắc “xanh xanh” đơn điệu. Còn đâu nữa cái “cỏ non xanh tận chân trời” xanh tươi mát mắt như trong tiết Thanh minh? Vẫn là thảm cỏ ấy, vẫn là mặt đất ấy nhưng sao chỉ thấy cái màu “rầu rầu” “xanh xanh” nhạt nhòa, tẻ ngắt. Lẽ nào cái khổ não trong lòng người con gái đáng thương ấy lênh láng đến mức có thể thấm dần vào thiên nhiên, khiến cho cảnh sắc dù thơ mộng đến đâu cũng đều bất giác phủ lên mình một màu tàn úa?
Giữa bốn bề phong cảnh rộng lớn nhưng trơ trọi ấy, Kiều nhìn ra biển và chính lúc này, nàng cảm nhận rõ ràng cái nỗi sợ hãi đang dâng lên trong lòng, cao ngất hơn bao giờ hết. Nàng chợt nghe, chợt thấy:
Buồn trông gió cuốn mặt duềnh,
Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi.
Âm điệu thơ bỗng trở nên dữ dội hẳn lên trước cái gầm gào ầm ĩ của tiếng sóng, khi các từ gợi thanh “ầm ầm”, “kêu” xuất hiện. Cơn gió cuốn trên mặt duềnh, sóng cuộn lên, ào tới, xô đẩy, bủa vây quanh ghê ngồi Kiều, choáng ngợp cả tâm tư nàng. Đó là sự thật hay chỉ là hư vô, là thực tại hay chỉ là ảo ảnh? Hay đó chính là nỗi hoang mang, sợ hãi của nàng Kiều khi bị bao vây bởi muôn vàn cạm bẫy, khi bị nhấn chìm bởi dòng đời, khi cảm thấy cô đơn và hoàn toàn bất lực? Thiên nhiên, cảnh vật được miêu tả rõ dẫn nhưng ta thấy sao vẫn còn xa xôi quá. Tiếng sóng dội ra từ tâm hồn Kiều, từ tiếng lòng gào thét nơi tận đáy lòng của cô gái đang chơi vơi như đứng bên bờ vực thẳm, lạc lõng như cánh chim tách bầy. Cái âm thanh đầy u uất ấy cũng đồng thời dự báo cho một tương lai khủng khiếp sắp sửa giáng xuống, là lời hé mở cho những tai ương rồi đây sẽ lại vùi dập cuộc đời nàng thêm lần nữa.
Nếu như ở những câu thơ đầu, nàng Kiều nhìn cảnh sắc mà bật nên nỗi tình thì ở tám câu thơ này, cái buồn thương vô hạn của nàng đã nhuốm dần, thấm dần lên cảnh vật. Đoạn thơ vừa như bức họa cảnh vật vừa như tiếng lòng nức nở khi lần đầu lạc bước giữa đường đời đầy ngang trái, vừa là điệp khúc của đoạn trích vừa là điệp khúc tâm trạng của nàng Vương Thúy Kiều. Với thể thơ lục bát uyển chuyển, mềm mại, kết hợp cùng phép điệp ngữ liên hoàn “Buồn trông”_ càng buồn lại càng trông, càng trông lại càng buồn, và những từ láy gợi cảm xúc, gợi hình ảnh, âm thanh phong phú: “thấp thoáng, xa xa, man mác, rầu rầu, xanh xanh, ầm ầm” đã diễn tả nỗi buồn với nhiều mức độ khác nhau, mang những sắc màu u ám khác nhau, trào lên như những đợt sóng dữ xô bờ. Điệp ngữ “Buồn trông” xuất hiện ở vị trí đầu câu sáu của mỗi cặp lục bát cũng chính là cảm xúc chủ đạo của cả đoạn thơ, của tâm trạng tê tái thảng thốt, hãi hùng, sợ hãi, lo sợ, của cái niềm thương lớn lao bao trùm: thương người yêu ngóng chờ, thương cha mẹ già yếu, và thương cho thân phận bạc thếch như vôi, cho số mệnh lắm điều hẩm hiu của chính Kiều. Trong tình có cảnh, trong cảnh hữu tình, ngoại cảnh, tâm cảnh như hòa làm một với nhau tạo nên một bức tranh nghệ thuật tả cảnh ngụ tình và ước lệ vô cùng đẹp đẽ, cảm động.
Có thể nói rằng, lần đầu tiên trong lịch sử văn học dân tộc Việt Nam ta, bức tranh tâm tình thê lương của nhân vật lại được vẽ nên một cách trọn vẹn, gợi cảm và xúc động như vậy. Bằng ngòi bút thiên tài của mình, Nguyễn Du đã làm nổi bật lên nỗi buồn thương da diết đan xen cùng hàng bao niềm nhớ của nàng Kiều bằng một tấm lòng cảm thương thấu hiểu và một nhiệt huyết tràn đầy, sôi nổi, say sưa. Đó chính là biểu hiện của cảm hứng nhân văn nơi con người có tấm lòng nhân đạo to lớn, mênh mông như đại dương biển cả, bao la như vòm trời xanh thẳm_nhà đại thi hào của dân tộc Tố Như. Đoạn trích “Kiều ở lầu Ngưng Bích” thể hiện sự tài tình không ai sánh bằng trong nghệ thuật tả cảnh ngụ tình của nhà thơ Tố Như, xuất phát từ vốn hiểu biết sâu rộng có được từ cuộc đời từng trải, đi nhiều, tiếp xúc nhiều, hiểu nhiều, và cũng gặp nhiều khó khăn của ông. Tất cả, tất cả đã làm cho đoạn thơ “Kiều ở lầu Ngưng Bích” trở nên đặc sắc, tuyệt diệu. Các biện pháp nghệ thuật được lồng ghép khéo léo, kết hợp đan xen với nhau trong từng câu thơ. Từ ngữ được trau chuốt kĩ càng đến mức đạt trình độ cao nhất của sự điêu luyện. Nhờ đó mà đoạn trích như tỏa sáng hơn, và đọng lại nhiều hơn trong tâm trí, tư tưởng người đọc.
Đoạn trích “Kiều ở lầu Ngưng Bích” là một trong những đoạn miêu tả nội tâm nhân vật đặc sắc nhất, thành công nhất trong “Truyện Kiều”, đặc biệt là bằng bút pháp tả cảnh ngụ tình. Nó đã góp phần đưa “Truyện Kiều” trở thành một trong những tác phẩm bất hủ trong nền văn học nước nhà, và nếu rộng ra hơn nữa, là của toàn nhân loại. Tác phẩm sẽ mãi như viên minh châu tỏa sáng lấp lánh trong lòng bao thế hệ đọc giả yêu thơ, như nhận định của Dương Quảng Hàm: “Trên từ các bậc văn nhân thi sĩ, dưới đến các kẻ thường dân phụ nhụ, ai cũng thích đọc, thích ngâm và thuộc được ít nhiều...”
Yunari