Thứ Sáu, 31 tháng 5, 2013

Câu tục ngữ "Một con ngựa đau, cả tàu bỏ cỏ" gợi cho anh (chị) suy nghĩ gì?



            Trong tâm tưởng của con ngươì Việt nam, tình yêu thương luôn là yếu tố quan trọng nhất.Đó cũng là chủ đề đã được các nhà thơ dân gian gói gọn trong đề tài "quan hệ giữa con người trong xã hội" mà tiêu biểu là câu tục ngữ "Một con ngựa đau, cả tàu bỏ cỏ".
            Câu tục ngữ đề cập đến tình yêu thương trong cộng đồng. "Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ" nghĩa là khi có một con ngựa trong đàn bị đau thì cả chuồng ngựa đều bỏ ăn.Không những thế, câu tục ngữ còn mang tính ẩn dụ cao: "Một con ngựa" ám chỉ một thành viên trong một tập thể, còn "cả tàu" chính là cả tập thể. Vậy nên, câu tục ngữ còn được nâng lên một tầm cao mới, một lớp nghĩa cao hơn. Đó là khi một thành viên trong tập thể gặp hoạn nạn thì cả tâp thể đều lo lắng, bất an. Nhà thơ dân gian đã xây dựng câu tục ngữ trên nền chủ đạo là biện pháp đối: đối giữa từ "một" và "cả"; giữa số lượng từ ngữ ở hai vế trong câu; giữa nghĩa của chúng cũng như thanh điệu. Qua câu tục ngữ, ông bà ta đã khuyên con cháu phải biết gắn bó, yêu thương nhau; đề cao lối sống đậm đà tình nghĩa,
            Thế nhung, vì sao ta phải sống yêu thương nhau. Thưa, bởi vì chúng ta là con người, chúng ta được Thượng đế đặc ân ban cho chúng ta trí khôn, ngôn ngữ riêng và đặc biệt là tình yêu thương. Nếu như chúng ta chỉ sống thực dụng, không biết yêu thương nhau thì chẳng khác nào lũ rô-bốt vô tri vô giác. Khi ấy, cả thế giớ chỉ còn lại những cỗ máy "cấp cao", chỉ còn chiến tranh, chết chóc. Thật kinh khủng! Câu tục ngữ đã khéo léo mượn hình ảnh "con ngựa"- tượng trưng cho loài vật , nhằm dạy cho ta biết rằng loài vật còn biết thương yêu nhau, huống gì chúng ta là con người thì tình yêu thương lại càng quan trọng hơn nữa. Không chỉ vậy, tình yêu thương sẽ làm cho tâm hồn ta thanh thản, cuộc sống thoải mái và ta sẽ nhận được sự yêu mến, quý trọng, giúp đỡ của mọi người.Ngoài câu tục ngữ trên đây, vẫn còn nhiều câu tục ngữ dạy ta phải biết yêu thương nhau: "Thương người như thể thương thân", "Lá lành đùm lá rách", "Tay đứt ruột xót",...
            Thế nhưng, trong cuộc sống vẫn còn những con người không có lòng yêu thương, sống vị kỷ, chỉ biết có mỗi bản thân. Mặt khác, có người không biết thương nười mà còn đi hại người, những thành phần này cần bị lên án và phải kịp thời sửa chữa khi chưa quá muộn.
            Bên cạnh đó,tình yêu thương không chỉ tồn tại ở cửa miệng mà cần phải có hành động thực tiễn. Trong cuộc sống, thương người có thể là giúp đỡ nạn nhân gặp thiên tai, quyên tiền giúp đỡ người nghèo khổ,...Đối với học sinh chúng ta, tình yêu thương còn được thể hiện qua một cử chỉ hỏi han, quan tâm chăm sóc những người xung quanh mình. Và còn một điều quan trọng hơn hết, đó là hành động phải xuất phát từ tấm lòng, như vậy mới thật sự có ý nghĩa. Riêng bản thân em, mỗi ngày em sẽ cố gắng hoàn thiện mình hơn, quan tâm những người xung quanh mình hơn để ngày càng trưởng thành và thực hiện đúng lời dạy của người xưa.
            Qua câu tục ngữ trên, truyền thống đạo đức, vẻ đẹp của con người Việt Nam đã được bộc lộ rõ nét. Ông bà xưa đã dạy bảo con cháu đời sau phải biết yêu thương nhau qua một lời nói nghệ thuật ngắn gọn, biện pháp ẩn dụ, đối được vận dụng một cách tài tình đã làm cho những triết lý khô khan trở nên dễ thuộc, dễ hiểu.