Thứ Hai, 20 tháng 5, 2013

Hình tượng người lính


              Chiến tranh đã qua đi, nhưng dư âm của nó vẫn còn đọng lại trong tâm trí mỗi người dân Việt Nam yêu nước. Đứng ở thời điểm hôm nay, ngoảnh lại nhìn quá khứ, một chặng đường đầy gian lao và hy sinh nhưng hết sức vẻ vang của dân tộc, mỗi chúng ta không khỏi bâng khuâng đến tự hào về bao thế hệ cha anh, những con nguời đã làm nên lịch sử chói ngời bằng những chiến công vĩ đại. Hình ảnh các anh bộ đội - với hai cuộc kháng chiến thần  thánh Pháp-Mỹ và cả hình ảnh của các anh sau hòa bình lập lại, đã trở thành nguồn cảm hứng bất tận cho văn học nghệ thuật.Và cũng như nhiều thể loại khác, thơ ca đã làm hình ảnh các anh sống mãi với thời gian.
             Hình tượng người lính dù là thời kì chống Pháp hay chống Mỹ, dù có thể có những nét khác nhau nào đó nhưng họ đều mang những phẩm chất cao đẹp của anh bộ đội cụ Hồ từ nhân dân mà ra, từ xa lạ mà lên, tình đồng chí đồng đội hoà quyện với tình giai cấp khi lý tưởng chiến đấu rực sáng trong tâm hồn. Đất nước trong những năm tháng chống Pháp, chống Mỹ hiện lên thật đẹp, thật hào hùng đồng với hình tượng anh vệ quốc quân trong  bài thơ Đồng chí của Chính Hữu và anh giải phóng quân qua bài Bài thơ về tiểu đội xe không kính của Phạm Tiến Duật.
            Anh vệ quốc chống Pháp mang một vẻ đẹp thật khó quên: Anh lính nông dân, chân quê giản dị, chịu đựng thiếu thốn, chiến đấu dũng cảm, sẵn sàng hy sinh vì sự nghiệp lớn lao của dân tộc. Anh đã làm nên một mốc son chói ngời trong lịch sử nước nhà:
“ Chín năm làm một Điện Biên
  Nên vành hoa đỏ nên thiên sử vàng”.
Anh là những chàng dũng sỹ, những Sơn Tinh, Thánh Gióng. Dáng vóc của anh là dáng vóc Việt Nam, dáng vóc lịch sử. Tuy lửa đạn căng thẳng quyết liệt, chân dung anh hiện lên đẹp tuyệt vời
` Vẻ đẹp ấn tượng nhất về người lính chống Pháp, trước hết là nguồn gốc xuất thân: người lính nông dân rất thực trong cuộc sống còn nhiều vất vả lo toan.Từ cuộc đời thực họ bước vào thơ ca, trong cái môi trường bình dị thường thấy ở các làng quê còn những đói nghèo lam lũ:
“ Quê hương anh nước mặn đồng chua
Làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá”.
           Các anh vệ quốc ra đi từ những vùng đất, cảnh đời còn nhiều nhọc nhằn vất vả của người lính, là những vùng quê giống nhau ở thiên nhiên khắc nghiệt - Họ từ giã ruộng đồng bước chân ra mặt trận. Hôm qua là nông dân, hôm nay đã là chiến sỹ:
“ Ruộng nương anh gửi bạn thân cày
     Gian nhà không mặc kệ gió lung lay
        Giếng nước gốc đa nhớ người ra lính”.
           Tác giả tả thực về cuộc sống quân ngũ của người lính gian lao thiếu thốn. Từ cuộc sống thực bước vào trang thơ và toả sáng một vẻ đẹp mới - vẻ đẹp truyền thống thời đại. Đó là vẻ đẹp của tình đồng chí, tình đồng đội gắn bó với tình giai cấp của người lính:
“ Áo anh rách vai
                 Quần tôi có vài mảnh vá
            Miệng cười buốt giá
        Chân không giày”.
` Đánh giặc giữ nước, vốn là truyền thống lâu đời của dân tộc, nhưng những người lính hôm nay ra đi đánh giặc lại đến với nhau trong một tình cảm thật mới mẻ, in rõ dấu ấn của thời đại. Tình đồng chí thiêng liêng mà cội nguồn sâu xa là tình giai cấp gắn bó:
“ Anh với tôi đôi người xa lạ
 Tự phương trời chẳng hẹn quen nhau”
             Từ xa lạ đến quen nhau, đó là sợi dây tình cảm giai cấp đã nối kết họ lại với nhau và tình giai cấp đã phát triển nâng lên thành tình đồng chí khi lí tưởng đánh giặc giữ nước rực sáng trong tâm hồn họ:
“ Súng bên súng, đầu sát bên đầu
 Đêm rét chung chăn thành đôi tri kỉ”.
             Chữ Đồng chí đứng riêng thành một câu thơ như nhấn mạnh cô đúc, nén lại bao thiêng liêng cao cả trong cái tình cảm mới mẻ này. Đồng chí là từ giai cấp mà lên, từ lí tưởng mà có. Đồng chí là soi vào nhau, anh hiểu tôi, hiểu đến nỗi lòng sâu kín của anh. Đồng chí là đồng cảm sâu sắc cùng nhau chia sẻ.
“ Tôi với anh biết từng cơn ớn lạnh”.
“ Thương nhau tay nắm lấy bàn tay”
                Bài thơ phản ánh đời sống nội tâm, tình cảm người lính, vẻ đẹp của tình đồng chí là vẻ đẹp của đời sống tâm hồn người chiến sỹ mà nơi phát ra vừng sáng lung linh nhất là mối tình đồng đội đồng chí hoà quyện với tình giai cấp. Hình ảnh “ Đầu súng trăng treo” khép lại bài thơ, nâng vẻ đẹp người lính lên đến đỉnh cao khái quát trong sự hài hoà giữa hiện thực và lãng mạn, đồng thời mang ý nghĩa tượng trưng sâu sắc.
               Hình ảnh anh giải phóng quân chống Mỹ kế thừa nét đẹp của anh vệ quốc chống Pháp: giản dị, mộc mạc, mà anh hùng dũng cảm. Vẻ đẹp ngời sáng của chàng trai đánh Mỹ là tư thế hiên ngang coi thường gian nguy. Thái độ ung dung bình thản trong mọi thiếu thốn.
Anh bộ đội cụ Hồ trong thơ Phạm Tiến Duật hiện lên thật độc đáo, Bài thơ mang đậm chất lính rất đậm đà, đó là những anh lính trẻ của thời chống Mỹ có học thức, có bản lĩnh chiến đấu, có cuộc sống nội tâm, ta gặp trong bài những câu thơ ngang tàn thanh thản:
“ Không có kính không phải vì xe không có kính
  Bom giật bom rung kính vỡ đi rồi”
Và : “Không có kính, ừ thì có bụi
  Không có kính, ừ thì ứơt áo”
Người chiến sỹ lái xe phải can trường lắm, tự tin và có sức mạnh thì mới có được thái độ ngạo nghễ coi thường gian lao đến như vậy. Người đọc thú vị những câu thơ dí dỏm, tinh nghịch đầy sức trẻ của những chàng trai “ Xẻ dọc Trường sơn đi cứu nước”:
 “ Bụi phun tóc trắng như người già
    Chưa cần rửa phì phèo châm điếu thuốc
   Nhìn nhau mặt lấm cười ha ha”
Câu thơ ngồn ngộn chất sống hiện thực ở chiến trường. Mái đầu bụi trắng, bộ mặt lấm lem và tiếng cười ha ha sảng khoái. Đằng sau dòng chữ bông đùa này là bản lĩnh chiến đấu vững vàng của họ. Hình ảnh đối lập giữa “ Như người già” và tiếng cười “ha ha ” là sự hồn nhiên yêu đời, trẻ trung đến lạ lùng. Hình ảnh “ Bắt tay qua cửa kính vỡ rồi”, đó là tình đồng đội của những con người chiến thắng. “ Chung bắt đũa nghĩa là gia đình đấy”, trong phút giây ngắn ngủi ta càng tháy sự gắn bó tự nhiên mà cao đẹp của tình đồng đội và tình đồng chí đã ngân lên câu hát nâng bước chân  người lính đi tiếp những chặng đường mới:
“ Lại đi, lại đi, trời xanh thêm”.
        Nét đẹp bao trùm nổi bật của người lính chiến lái xe trong bài là sự ung dung thanh thản tuyệt vời trong một tư thế hiên ngang bất chấp mọi khó khăn thử thách:
“ Ung dung buồng lái ta ngồi
  Nhìn đất nhìn trời nhìn thẳng”.
Những câu thơ như bật ra từ trái tim người lái xe đang ngồi sau tay lái. Xe không kính mà tâm thế vẫn ung dung bình thản, câu thơ “ thấy sao trời và đột ngột cánh chim” vừa rất thực lại thoáng chút nghệ sỹ. Cả đoạn thơ như ào ra từ cuộc sống thực để nổi lên gương mặt tinh thần cao đẹp của người chiến sỹ lái xe:
“ Không có kính, rồi xe không có đèn
            Không có mui xe, thùng xe xây xước
  Chỉ cần trong xe có một trái tim”.
Không có gì cả nhưng lại có tất cả. Trái tim là sức mạnh của người lính, đó là sức mạnh của con người đã chiến thắng bom đạn kẻ thù. Trái tim yêu thương, trái tim can trường, trái tim đã trở thành nhãn tự của bài thơ, cô đúc ý thơ toàn bài, hội tụ vẻ đẹp của người lính và để lại dư vang sâu lắng trong lòng người đọc. Bài thơ hay vì thi sỹ mang một trái tim người lính.
Hình ảnh anh giải phóng quân đánh Mỹ vừa kế thừa vẻ đẹp phẩm chất của anh vệ quốc quân chống Pháp, vừa phát huy cao độ chủ nghĩa yêu nước và anh hùng thành vẻ đẹp truyền thống cách mạng Việt Nam hội tụ hơn bốn nghìn năm dựng nước và giữ nước. Nét đẹp ngời sáng của người lính chiến lái xe trong bài thơ là hiện thân của anh giải phóng quân thời kì kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc hiện lên bằng những phẩm chất riêng mới: Có học thức, trẻ trung hơn, vui nhộn, hóm hỉnh pha chút ngang tàn, bất chấp gian khổ, coi thường gian nguy. Tình yêu Tổ quốc tiếp sức nâng đỡ anh lên, tình yêu đem đến cho người chiến sỹ một niềm tin sáng chói giúp cho anh có đầy đủ sức mạnh để chiến thắng kẻ thù. Hình ảnh anh mang tầm vóc mới, tầm vóc vũ trụ:
“ Mái chèo một chiếc xuồng con
  Mà sông nước dậy sống cồn đại dương”
               Hiện nay đất nước ta đang vươn tới cái đích: một Việt Nam giàu mạnh, hiện đại,xã hội công bằng, dân chủ ,văn minh. Trên con đường đó ,nhất định một ngày chúng ta sẽ xây dựng khải hoàn môn- Không phải khải hoàn môn bằng đá cẩm thạch hay xi măng cốt thép. Mà bằng thơ ca như đã làm sau chiến thắng Pháp – Mỹ vừa qua. Một khải hoàn môn như Tố Hữu đã dự báo:
Tôi lại mơ trên Thái Bình Dương
Tổ quốc tôi như một thiên thần
Của muôn triệu anh hùng làm nên cuộc sống
Của tự do, hy vọng , tình thương.
           Người lính với lý tưởng “ Quuyết tử cho tổ quốc quyết sinh” là đề tài là mạch cảm xúc, là niềm cảm hứng vô tận cho thơ ca. Hình ảnh các anh  lớn lên cùng với lịch sử chẳng có sách vở nào ghi hết.