Thứ Sáu, 31 tháng 5, 2013

TÍNH TIếT KIệM



        Từ ngàn xưa dân tộc Việt Nam đã có những truyền thống tốt đẹp trong chặng đường dài đấu tranh dựng nước và giữ nước.Người xưa qua những câu tục ngữ, ca dao đã bày tỏ ý kiến của mình về đức tính rất quý báu của người lao động. Đó là đức tính cần cù, chịu khó, chịu khổ trong lao động và ý thức tiết kiệm trong cuộc sống thường ngày, được thể hiện qua câu tục ngữ: "Kiến tha lâu cũng đầy tổ".
            Câu tục ngữ xuất hiện hình ảnh con kiến, một con vật bé xíu nhưng bù lại, đó là loài côn trùng bậc thầy về sự cần cù, khéo léo, siêng năng. Hình ảnh "kiến tha mồi" là một hình ảnh ẩn dụ, gợi cho ta liên tưởng đến sự làm lụng chăm chỉ, siêng năng gom góp.Kiến thì nhỏ tí, tổ to tù và ở trên cành cây cao vót. Việc tha mồi từ dưới đất lên tổ là một việc khó khăn vất vả vô cùng. So sức kiến với cái tổ, thì tưởng chừng không bao giờ kiến tha được đầy. Thế mà tổ kiến có lúc đầy mồi. Đó là vì kiến chịu khó tha lâu không nản chí. Hình ảnh "mồi đầy tổ" là hình ảnh ẩn dụ cho công việc tốt đẹp, những thành quả, công sức lớn lao đạt được. 
            Câu tục ngữ nằm trong chuỗi đề tài lao động, thuộc chủ đề công lao- thụ hưởng. Từ những công lao mà ta bỏ ra, thì ắt cái thụ hưởng cũng sẽ lớn lao hơn nhiều. Câu tục ngữ ngụ ý rằng nếu chúng ta chăm chị, siêng năng, chịu khó góp nhiều cái nhỏ thì sẽ tích luỹ được cái lớn.Qua câu tục ngữ, ông bà ta muốn khuyên nhủ con cháu nên siêng năng, chăm chỉ làm việc thì sẽ “tích tiểu thành đại”, đạt được nhiều thành công trong cuộc sống. Như chú kiến bé nhỏ kia, việc tha mồi đầy tổ là một việc lâu dài, đòi hỏi phải kiên trì và chăm chỉ không ngừng. 
            Kiên nhẫn, chịu khó làm việc, thì việc khó khăn đến đâu cũng có ngày làm xong. Bản thân chúng ta, sống trong thời đại mới, cũng cần phải rèn luyện cho mình tính kiên trì, siêng năng, chăm chỉ thì mọi việc ắt hẳn sẽ thành công.Tiết kiệm từ việc nhỏ, tích trữ lâu ngày sẽ có món lớn hơn. Từ đó, con người cũng quý trọng hơn, cân nhắc kỹ hơn khi sử dụng tiền bạc, vật chất do mình tạo ra, do mình tiết kiệm được.
Mặt khác,do ảnh hưởng của lối sống thực dụng, hưởng thụ từ bên ngoài tràn vào, một bộ phận lớp trẻ ngày nay quay lưng lại với giá trị truyền thống của dân tộc, thích ăn chơi hưởng thụ xa hoa, lười lao động, hay đòi hỏi mà quên đi nghĩa vụ, trách nhiệm của bản thân mình với gia đình, với xã hội, chỉ muốn “làm chơi" nhưng "ăn thật", thậm chí không làm mà vẫn có thật nhiều tiền để tiêu xài những thứ tiện nghi sang trọng, đắt tiền. 
Học tập đức tính cần cù, tiết kiệm là học cách sống của cha ông ta xưa. Những phẩm chất đó đã tạo nên hình ảnh con người Việt Nam cần cù, yêu lao động và sống tiết kiệm trong khả năng, điều kiện của mình. 
Các liên tưởng tương đồng với các hiện tượng tự nhiên, hiện tượng có trong cuộc sống sinh hoạt gần gũi, đã làm cho triết lí khô khan, những tư tưởng, đạo lí trở nên dễ thuộc, dễ hiểu.
            Người lao động bằng kinh nghiệm trải qua nhiều thế hệ, đã đúc kết được câu tục ngữ rất chí lý về tinh thần tiết kiệm mà đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Qua câu tục ngữ trên,ta thấy người Việt Nam coi trọng lao động, tính bền bỉ và siêng năng.Lối sống thực dụng, sống xa hoa, lãng phí hoàn toàn xa lạ với cách sống giản dị của con người Việt Nam. Đọc những dòng tục ngữ, ca dao của người xưa; chúng ta càng trân trọng cha ông xưa đã để lại cho đời sau nhiều bài học quý giá. Sống giản dị, tiết kiệm; sống lao động cần cù; sống bằng sức lao động của chính bản thân là cách sống đẹp, sống có nhân cách cao cả.