Thứ Sáu, 31 tháng 5, 2013

Tinh thần đoàn kết


`Đã từ lâu lắm rồi, từ cái thời xa xưa ấy, khi mà loài ngưòi còn trong thời kì sống trong bóng tối tăm tối, thời kì đồ đá, loài người tối cổ đã biết kết hợp lại với nhau để họ mạnh hơn. Các tập hợp người ấy cho họ nhận ra kết hợp là sức mạnh. Vậy là tinh thần đoàn kết đã có từ rất rất xưa rồi và ngày nay nó vẫn được duy trì bởi sự cần thiết của nó trong cộng đồng. “Đoàn kết là sức mạnh”.
          Vậy thật sự thì đoàn kết là gì? Đoàn kết là kết hợp các cá thể trong một khối chung, tập hợp những người có chung một mục đích thành một khối thống nhất, khăng khít với nhau. Có được sự kết hợp ấy ắt hẳn sẽ đạt được thắng lợi và cũng có thể gặt hái được nhiều thành công vang dội.
          Tại sao đoàn kết lại có sức mạnh to lớn đến như vậy? nó kết hợp được nhiều người, mỗi người có một ưu điểm riêng mà người khác không có nên khi tất cả họ đồng tâm cùng làm một công việc thì công việc ấy sẽ được chia ra tuỳ theo khả năng mà mỗi người có thể. Vậy nên thành công nằm trong tầm tay họ dễ dàng. Đoàn kết chung với nhau không có nghĩa là nhất thiết phải chọn người giỏi cũng vì như thế. Và nhấn mạnh rằng một cá nhân không thể đi tới thành công nếu không có sự giúp đỡ nên sự đoàn kết mang chúng ta lại gần nhau hơn để dễ dàng giúp đỡ lần nhau. Trong hoá học mỗi liên kết giữa các nguyên tử có vai trò vô cùng quan trọng, sự bền vững của nó quyết định tính chất của mỗi phân tử, mỗi chất trong hợp chất. Thế nên sự bền vững của tinh thần đoàn kết cũng có vai trò rất quan trọng trong tập thể, xã hội.
          Câu chuyện bó đũa đã nêu rõ sức mạnh của sự đoàn kết nhưng chưa cho biết đoàn kết bằng cách nào. Trong lịch sử chiến tranh chống Pháp-Mĩ, ông cha ta đã đoàn kết với nhau và đã giành được chiến thắng vang dội trước hai cường quốc to lớn. Nhưng bằng cách nào họ có thể làm như thế? Họ đã chiến đấu mà quên đi sự đau khổ cực nhọc của mình họ chỉ hướng tới nền độc lập tự do chung của cả dân tộc, họ cho mục đích chung của tập thể lên trên quyền lợi riêng của họ.
“Ruộng nương anh gửi bạn thân cày
Gian nhà không mặc kệ gió lung lay
Giếng nước gốc đa nhớ người ra lính”
(đồng chí-Chính hữu)
          Ngoài ra để đoàn kết được thì mỗi người phải biết cảm thông, quan tâm, chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau và phấn đấu hết mình. “Một người vì mọi người, mọi người vì một người”. Trong thực tế cũng có những người liên kết với nhau giúp đỡ, chở che cho nhau nhưng mục đích của họ vô cùng xấu xa. Trong trường hợp ấy từ đoàn kết không còn đúng nữa mà nên gọi đó là câu kết. Cần phải tránh những trường hợp như thế và loại trừ chúng để từ câu kết biến mất khỏi từ điển tiếng Việt, để con người không còn phải biết đến hành động sai trái ấy nữa.
          Cha ông ta đã có câu:
“Một cây làm chẳng nên non
Ba cây chụm lại nên hòn núi cao”
          Hãy giúp đỡ, quan tâm, chia sẻ với nhau và đoàn kết thật tốt để cùng nhau đi đến thành công và đưa đất nước vưon lên một tầm cao mới.
(Trần Bình Minh – 9LC9)

‘’Một cây làm chẳng nên non
Ba cây chụm lại nên hòn núi cao.’’
        Câu ca dao trên được cha ông ta truyền từ xưa đến nay đã từ lúc nào trở thành biểu tượng về tinh thần đoàn kết, tinh thần bất diệt của con người Việt Nam .
    Đoàn kết là tập hợp mọi người thành một khối thống nhất gắn kết chặt chẽ với nhau không thể tách  rời, cùng đồng lòng chung sức, hỗ trợ nhau để giải quyết công việc. Sự kết hợp ấy đã tạo nên sức mạnh to lớn giúp chúng ta vượt qua mọi khó khăn, rào cản vật chất cũng như tinh thần, đem lại kết quả tốt đẹp.
     Bác Hồ đã từng nói: ‘’Đoàn kết đoàn kết đại đoàn kết, thành công thành công đại thành công.’’. Nghiệm lại lời của Bác ta bỗng thấy sức mạnh của sự đoàn kết thật to lớn biết dường nào. Sức mạnh ấy là sự tổng hợp tài năng, tinh hoa trí tuệ của mỗi cá nhân để giải quyết mọi sự việc một cách nhanh chóng. Bởi một cá nhân dù tài năng đến đâu cũng không thể đạt được mục đích nếu không có sự giúp đỡ của nhiều người. Một đội bóng thành công là một đội bóng mà các cầu thủ biết đoàn kết, ăn ý nhau. Họ không thể giành đươc huân chương nếu mỗi người đá theo một kiểu, không ai hiểu ai. Hay một ví dụ thực hơn, gần gũi hơn, đó chính là con người Việt Nam . Lịch sử dân tộc ta là một minh chứng hùng hồn cho bài học chân lí:’’ Đoàn kết là sống, chia rẽ là chết.’’. Từ những bộ lạc rải rác bên tả  ngạn sông Hồng, vua Hùng đã hợp nhất thành một nước Văn Lang hùng mạnh, vững vàng suốt mười tám đời vua. Lịch sử đấu tranh gìn giữ nền độc lập đã khẳng định sức mạnh của tinh thần đoàn kết qua nhiều triều đại nối tiếp nhau diệt La Hán, phá Tống, Bình Nguyên, Đạp Thanh và gần đây là  chiến thắng vang dội đánh đuổi thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đã thể hiện sức mạnh vĩ đại của tình đoàn kết. Lịch sử mấy ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam là những bước thăng trầm nhưng được viết nên bằng những nét son đỏ thắm. Đó chính là những trận chiến hào hùng đánh đuổi kẻ thù xâm lược. Phải chăng chính tinh thần đoàn kết là yếu tố để đưa đến thành công vang dội này? Vậy chúng ta cần phải làm gì để thực hiện được sự đoàn kết?
      Mọi người đều phải đoàn kết khi tất cả cùng nhìn về một hướng, biết đặt lợi ích chung lên cao nhất. Tinh thần đoàn kết chỉ có khi con người biết quan tâm, cảm thông lẫn nhau. Tuy nhiên, một điều đáng lưu ý là ta cũng cần phải phân biệt đoàn kết đấu tranh với sự tập hợp băng nhóm, phe đảng nhằm mưu đồ việc xấu. Vì hành vi ấy đi trái lại với truyền thống dân tộc lâu đời, cần được nhanh chóng loại trừ.
             Mỗi con người là một tế bào của xã hội, đều có những quan hệ gắn bó mật thiết lẫn nhau. Do đó, đoàn kết chính là chiếc chìa khóa vàng dẫn đến thành công. Vậy còn chần chờ gì nữa mà ngay từ hôm nay chúng ta không nhận thức tầm quan trọng của sự đoàn kết và áp dụng nó vào cuộc sống?

 (Dương Hà Kiều Anh – 9LC9)