Thứ Năm, 30 tháng 5, 2013

Phân tích nhân vật anh thanh niên trong truyện ngắn “Lặng lẽ Sa Pa” của Nguyễn Thành Long”

Có những âm thanh rất nhỏ, đến như câm lặng, nhưng lại vang đi rất xa và tạo nên nhiều tiếng vang. Có những con người rất nhỏ bé, nói rất ít nhưng lại hiểu biết rất nhiều. Anh con trai trong “Lặng lẽ Sa Pa” của Nguyễn Thành Long đã nói rất ít, rất ngắn, chỉ năm phút về mình, nhưng đã khiến chúng ta hiểu rất nhiều, rất sâu về anh để yêu mến, quý trọng con người ấy. Bên cạnh đó, qua tác phẩm, người viết còn kín đáo gửi gắm vào truyện lời khuyên mọi người hãy yêu thương nhau hơn và sống tốt đẹp hơn.
            Anh thanh niên không phải là một con người đặc biệt, chỉ là một con người có tầm vóc nhỏ bé, thậm chí tên anh, tác giả cũng không giới thiệu nữa. Hình như tác giả muốn nói: tên anh không phải là một điề quan trọng, đáng nhớ đâu, bỡi mỗi người trên đời này đều có thể có cái tên giống với anh. Cũng như mọi người, anh không muốn sống cô độc, anh sợ buồn. Cái việc anh đẩy một khúc cây ra chắn giữa đường buộc xe đi qua phải dừng lại, vừa ngộ nghĩnh buồn cười, vừa đáng yêu biết mấy…
            Với cuộc gặp gỡ chưa đầy nửa giờ, anh đã hoàn toàn chinh phục được ông họa sĩ già và cô kĩ sư trẻ. Ông họa sĩ đã ghi lại những nét đẹp của đời đã tìm thấy vẻ đẹp ở anh. Cô kĩ sư mới tốt nghiệp, sau cuộc gặp gỡ với anh, cô đã có thêm niềm tin ở chính mình và cuộc sống. Vì sao vậy? Vì trong cuộc gặp mặt ấy, không phải bằng lời lẽ, mà bằng tất cả những gì toát ra từ con người của anh, xung quanh ấy, công việc của anh, họ đã nhận ra ở anh những vẻ đẹp của một con người cao quý.     
            Như lời nhận xét có tính chất vui đùa cùa bác lái xe, anh là một con người “cô độc nhất thế gian”. Anh thanh niên, hai mươi bảy tuổi, một mình sống vắt vẻo trên đỉnh núi Yên Sơn làm công tác khí tượng kiêm vật lý địa cầu với rừng xanh, mây trắng, bão tuyết, sương rơi, ở độ cao hai ngàn sáu trăm mét. Đúng, xét về mặt đó, anh là một con người thật cô độc. Nhưng trong sự cô độc ấy, tâm hồn anh gần gũi con người biết chừng nào, ấm áp tình người biết chừng nào. Nếu một người tầm thường, nhút nhát và yếu đuối, hẳn anh không dám sống một nơi như thế - một nơi không thể ý lại, dựa dẫm vào ai, lại phải một mình làm việc giữa thiên nhiên khắc nghiệt. Ngược lại, ta biết ngay, anh là một thanh niên rất kiên cường và có bản lĩnh. 
            Luôn luôn khát khao được gặp con người, được trò chuyện với con người, anh đã nghĩ ra cái mẹo vừa thông minh vừa tinh nghịch để mỗi chuyến xe khách đi qua đều dừng lại với anh, dẫu chỉ trong chốc lát. Không ai trách cái hành động ấy, vì nó nói lên một tình cảm đáng quý của anh. Trái lại mọi người còn cảm động trước hành động ấy, bác lái xe đã xử sự rất đúng khi đặt ra thành lệ việc ngừng xe lại nửa giờ nơi đỉnh núi cao, để thỏa mãn nguyện vọng của anh, nhưng là cũng để gặp gỡ và tỏ lòng yêu mến một tâm hồn trong sáng như anh.
            Thái độ quan tâm đến con người ở anh không chỉ vì một niềm vui của chính mình mà vì thực lòng yêu mến và quý trọng con người. Chỉ vì “Hôm trước bác bảo bác gái vừa ốm dậy là gì?? Anh chu đáo đi tìm được củ tam thất và ân cần trao cho bác lái xe để bác ấy cho vợ “ngâm rượu uống bồi bổ sức khỏe”. Thái độ quan tâm ấy còn bộc lộ ở những cử chỉ hiếu khách đặc biệt, khi ông họa sĩ già và cô kĩ sư trẻ bước lên thăm nơi ở và làm việc của anh, anh đã vào khu vườn của mình, cắt một bó hoa rõ to tặng cô gái với những lời chân thành: “cô muốn lấy bao nhiêu nữa tùy ý, có thể cắt hết nếu cô thích”. Ai lại không hả lòng hả dạ trước một cách đón khách trân trọng mà thật thà như thế.
            Chính thái độ của anh đối với con người cũng đã nói lên phần nào thái độ của anh đối với công việc. Làm việc một mình, không có ai kiểm tra, anh thật đã có một ý thức trách nhiệm đầy đủ. Chỉ nói về mình có năm phút, một cách rất khiêm tốn, đã cho ta hiểu hết cái gian khổ của công việc anh làm, cũng cho ta hiểu biết sự tận tụy của anh. Nhưng quan trắc khí tượng xác định theo giờ, ban ngày và cả ban đêm đầy giá lạnh, có cả mưa tuyết, có cái im lặng đáng sợ của núi cao lúc nữa đêm… thế nhung anh không bỏ qua một giờ quan trắc nào, bởi anh hiểu được rằng mỗi việc làm của mình là một mắc xích trong cái chuỗi công việc chung của nhiều người, của mọi người. Cái sai, cái đúng của anh dẫu bé nhỏ nhưng góp phần vào cái sai cái đúng, cái thất bại hay cái thành công của những điều lớn lao. Việc dự báo chính xác sự xuất hiện của một đám mây bất ngờ có thể góp phần tạo nên thắng lợi của một trận đánh quan trọng, là có sự tham dự của anh. Sống ở vị trí của một người “cô độc nhất thế gian” mà anh không buồn, không chán nản , chính vì anh đã tìm được cái ý nghĩa lớn lao trong công việc của mình như thế nào.\
            Có trách nhiệm đối với mọi người và trong công việc, anh cũng sống có trách nhiệm đối với chính mình. Thông thường trong hoàn cảnh sống như anh, người ta rất dễ sống buông thả. Chính ông họa sĩ cũng có cái ý nghĩ “khách tới bất ngờ chắc cu cậu chưa kịp quét dọn, chưa kịp gấp chăn chẳng hạn. Không, nơi anh ở chẳng những không hề bừa bộn mà còn sạch sẽ, tinh tươm và đẹp nữa. Chẳng cần tìm hiểu sâu thêm, chỉ cần dừng ngay trước sân nhà của nơi anh làm việc, cũng đủ cho ta yêu mến, quý trọng anh, khi bắt gặp vườn hoa với bao nhiêu loài hao đủ sắc màu, hoa đơn, thược dược vàng, hồng phấn, tím đỏ,… có người sẽ hỏi anh trồng hoa làm gì kia chứ, ở một nơi heo hút như thế? Căn phòng của anh ngăn nắp, gọn gàng. Nếp sống hằng ngày của anh được tổ chứ nề nếp, làm việc, ăn uống, nghĩ ngơi, đọc sách, đọc báo,… như một con người đang sống và làm việc giữa một xã hội, với mọi người, chứ không phải một mình anh. Đó là một thái độ tự trọng, đó chính là sống đẹp, sống có văn hóa. Sống đẹp là gì? Ấy không phải là chỉ sự ăn mặc đẹp để mọi người nhìn thấy, mà biết làm đẹp chi cuộc sống, cho quần áo, mặt mũi mình, cho tất cả quanh mình ngay khi chỉ riêng mình. Cái đẹp ấy không bắt nguồn từ một ham muốn giả tạo mà bắt nguồn từ bản chất, một tâm hồn đẹp.
            Hãy xem anh thanh niên khiêm tốn biết bao! Nói về riêng mình chỉ năm phút trong tổng số ba mươi phút của cuộc gặp gỡ, mà thật ra anh chỉ giới thiệu về công việc của mình với những người khách cần biết. Tác giả như muốn nhấn mạnh cái tỉ lệ thời gian ấy để làm nổi bật một phẩm chất của anh. Nói về mình đã ít mà cách nói cũng hết sức nhẹ nhàng. Anh như cho rằng những điều anh làm, cái khắc nghiệt của cuộc sống cô đơn mà anh đang sống, thật ra không có nghĩa lý gì so với mọi người. Hãy nghe anh thanh niên nói gì khi chợt nhận ra ông họa sĩ đang trò chuyện vừa ghi vào sổ tay những nét kí họa về anh. Anh thật tình bối rối, cảm thấy không có gì đáng để một họa sĩ ghi lại. Anh lại chân thành giới thiệu bao nhiêu người đáng để vẽ hơn anh, nghĩa là tốt hơn, đẹp hơn, đáng quý, đáng mến hơn anh: một kỹ sư tận tình vời cây rau, một nhà nghiên cứu sét để làm một cái bản đồ sét cho nước ta, ngày đêm miệt mài với công việc. Ta có thể tự hỏi: sao anh ấy giản dị thế, tốt thế, đẹp thế? Đúng, đây là chỗ xuất phát của mọi điề. Anh là một con người ma trong lòng luôn rực rỡ một khát vọng: sống đẹp, sống có ý nghĩa, sống có ích cho đất nước, cho mọi người. Đất nước có chiến tranh, anh xin ra trận. Không được ra trận, anh tận tụy làm công việc của mình. Khi biết công việc của mình rõ ràng là có góp phần vào chiến thắng, anh cảm thấy rất hạnh phúc. Vậy hạnh phúc của anh thật cụ thể, vì nghĩa đời sống của anh thật rõ ràng, một người cảm thấy hạnh phúc vì công việc của mình có ích cho xã hội, cảm thấy công việc mình là không thể dứt bỏ được, không thể sống chán nản, buông thả được. Anh đã có một lý tưởng sống thật cao cả cho mình.
            Dường như trong mỗi bức tranh tả cảnh, tả người, nhà văn đều gửi gắm một tình cảm yêu mến vào đó. Qua “Lặng lẽ Sa Pa”, Nguyễn Thành Long không những lôi cuốn người đọc bằng tình tiết, sự kiện, bằng phẩm chất của từng nhân vật mà còn làm cho thế giới tâm hồn của mỗi người được mở rộng, nâng cao. Những bức tranh phong cảnh được vẽ bằng ngôn ngữ văn học trong sáng thể hiện sự rung cảm tinh tế và tài năng của nhà văn

            Sung sướng thay những con người sống với một khát vọng cao thượng và tìm thấy chỗ đứng của mình trong đời. Không cớ gì đi tìm một công việc phải to tát, vĩ đại thì con người mới bộc lộ được hết phẩm chất của mình, trong bất kì hoàn cảnh nào, ngay khi sống giữa thâm sơn cùng cố, sống trong hoàn cảnh “cô độc nhất thế gian”, con người có tâm hồn đẹp, có lối sống đẹp vẫn đầy sức hấp dẫn. Cùng với ông họa sĩ, nhà văn Nguyễn Thành Long thực sự đã vẽ được thành công chân dung của một nhân vật đẹp trong đời, một chân dung tuy chỉ kí họa trong mấy mươi phút nhưng vẫn có một vẻ đẹp thâm trầm…