Thứ Tư, 8 tháng 5, 2013

Phân tích tấn bi kịch và vẻ đẹp người phụ nữ qua văn bản “Chuyện người con gái Nam Xương” của Nguyễn Dữ.

Gợi ý
Bài làm
I Mở bài:
-Giới thiệu “Chuyện người con gái Nam Xương” –Nguyễn Dữ.
-Nội dung của truyện
-Nêu vấn đề



II- Thân bài:
1-Phân tích những nét phẩm chất tốt đẹp của Vũ nương:
+ Nương vừa có nhan sắc vừa có đức hạnh


+Trong đạo vợ chồng, Vũ Nương là người vợ hết mực thương chồng và thủy chung.
















+ Nương là người phụ nữ đảm đang, hiếu thảo








2-Phân tích bi kịch (nỗi oan của Vũ Nương):
-Nỗi oan




















-Ý nghĩa cái chết của Vũ Nương (giá trị hiện thực, giá trị tố cáo)




 III- Kết luận :
-Giá trị của truyện
-Cảm nghĩ về người phụ nữ trong xã hội cũ.
I-
“Chuyện người con gái Nam Xương” rút trong tác phẩm “Truyền kì mạn lục”, áng văn xuôi viết bằng chữ Hán của Nguyễn Dữ trong thế kỉ 16, một kiệt tác văn chương cổ.Truyện kể lại một câu chuyện truyền kì có nhiều yếu tố hoang đường lưu truyền trong dân gian về bi kịch gia đình.Qua nhân vật Vũ Nương( Vũ Thị Thiết), tác giả đã ca ngợi vẻ đẹp của đức hạnh, của lòng vị tha và thể hiện số phận bi kịch của người phụ nữ trong xã hội phong kiến.

II-
-Số phận của Vũ Nương là một bi kịch thương tâm, Nguyễn Dữ đã dành sự đồng cảm sâu sắc và lòng cảm phục đối với nàng.
+Vũ Nương vừa có nhan sắc vừa có đức hạnh: “tính tình thùy mị nết na, lại thêm có tư dung tốt đẹp”.Nhờ vậy nên Trương Sinh, con nhà hào phú “mến vì dung hạnh” đã xin với mẹ đem trăm lạng vàng cưới về.

+Trong đạo vợ chồng, Vũ Nương là người vợ hết mực thương chồng và thủy chung. Biết chồng có tính  “đa nghi” nàng đã“ giữ gìn khuôn phép” không để xảy ra cảnh vợ chồng phải “thất hòa”. Sống giữa thời loạn lạc, Trương Sinh phải tòng quân đi chinh chiến ở biên ải xa xôi. Buổi tiễn chồng ra trận, Vũ Nương đã rót chén rượu đầy chúc chồng “được hai chữ bình yên”; nàng chẳng mong được đeo ấn phong hầu mặc áo gấm trở về quê cũ...Ước mong của nàng thật bình dị, vì nàng coi trọng hạnh phúc gia đình hơn mọi công danh phù phiếm ở đời. Những năm tháng xa cách, Vũ Nương thương nhớ chồng khôn kể xiết : “...mỗi khi thấy bướm lượn đầy vườn, mây che kín núi, thì nỗi buồn góc bể chân trời không thể nào ngăn được”. Tâm trạng nhớ thương đau buồn ấy của Vũ Nương cũng là tâm trạng chung của những người chinh phụ trong mọi thời loạn lạc xưa nay:
...Nhớ chàng đằng đẵng đường lên bằng trời
Trời thăm thẳm xa vời không thấu
Nỗi nhớ chàng đau đáu nào xong...
                                                                  (Ching phụ ngâm)
   Thể hiện tâm trạng ấy, Nguyễn Dữ vừa cảm thông với nỗi đau khổ của Vũ Nương, vừa ca ngợi tấm lòng thủy chung thương nhớ đợi chờ chồng của nàng.

+ Nương là người phụ nữ đảm đang, hiếu thảo. Chồng ra trận mới được một tuần thì nàng sinh ra một đứa con trai đặt tên là Đản. Mẹ chồng già yếu, ốm đau, nàng “hết sức thuốc thang”, “ngọt ngào khôn khéo khuyên lơn”. Vừa phụng dưỡng mẹ già, vừa chăm sóc nuôi dạy con thơ . Lúc mẹ chồng qua đời, nàng đã “hết lời thương xót”, việc ma chay tế lễ được lo liệu, tổ chức rất chu đáo “như đối với cha mẹ đẻ mình”. Qua đó, ta thấy trong Vũ Nương cùng xuất hiện ba con người tốt đẹp: nàng dâu hiếu thảo, người vợ đảm đang chung thủy, người mẹ hiền đôn hậu. Đó là hình ảnh người phụ nữ lí tưởng trong xã hội phong kiến ngày xưa.

-Cũng như bao nhiêu người phụ nữ ngày xưa, cuộc đời của Vũ Nương là những trang buồn đầy nước mắt.Sau ba năm đợi chờ, Trương Sinh đã bình yên trở về. Đây cũng là lúc đất bằng nổi sóng,  bi kịch lại đến với nàng. Trương Sinh trở về, con thơ vừa học nói. Tưởng rằng hạnh phúc sẽ mỉm cười với đôi vợ chồng trẻ. Nhưng rồi chuyện “cái bóng” từ miệng đứa con thơ đã làm cho Trương Sinh ngờ vực, “đinh ninh là vợ hư, mối nghi ngờ ngày càng sâu,không có gì gỡ ra được”. Vốn tính hay ghen lại gia trưởng , vũ phu, ít học hành. Trương Sinh đã đối xử với vợ hết sức tàn nhẫn. Giấu biệt lời con nói, Trương Sinh đã mắng nhiếc nàng và đánh đuổi đi. Vợ phân trần, không tin; hàng xóm khuyên can cũng chẳng ăn thua gì cả! Chính chồng và con – những người thân yêu nhất của Vũ Nương đã xô đấy nàng đến bên bờ vực thẳm. Thời chiến tranh loạn lạc, nàng đã trải qua những năm tháng cô đơn, giờ đây đứng trước nỗi oan, nàng chỉ biết nuốt nước mắt vào lòng...Vũ Nương chỉ có một con đường để bảo toàn danh tiết : nhảy xuống sông Hoàng Giang tự tử. Lời nguyền của nàng với trời và thần sông đã làm cho người đời xót xa đối với người con gái “bạc mệnh...duyên phận hẩm hiu”. Vũ Nương không phải làm “làm mồi cho cá tôm”, “làm cơm cho diều quạ”, không bị người đời phỉ nhổ mà nang đã được các nàng tiên trong cung nước thương tình vì nàng vô tội, rẽ một đường nước cho nàng thoát chết. Và cũng chẳng bao lâu sau đó, Trương Sinh biết vợ mình chết oan chỉ vì chuyện “chiếc bóng”. Nàng tuy được hầu hạ Linh Phi, nhưng  hạnh phúc của nàng ở trần thế bị tan vỡ “trâm gãy bình rơi”,quyền làm mẹ , làm vợ của nàng vĩnh viễn không còn nữa. Đó là nỗi đau đớn nhất của ngườ phụ nữ.

-Nguyễn Dữ đã ghi lại câu chuỵện cảm động thươg tâm này với tất cả tấm lòng nhân đạo. Cái chết đau thương của Vũ Nương có giá trị tố cáo hiện thực sâu sắc. Nó lên án chiến tranh phong kiến đã làm cho đôi lứa phải li biệt, người vợ trẻ sống vất vả cô đơn; lên án lễ giáo phong kiến khắt khe với tệ gia trưởng độc đoán, gây nên bi kịch gia đình, làm tan vỡ hạnh phúc. Vì lẽ đó mà “Chuyện người con gái Nam Xương” có giá trị nhân bản sâu sắc.

III- “Tryền kì mạn lục” là kiệt tác của nền văn học cổ Việt Nam, xứng đáng là “thiên cổ kì bút”. Người đọc mãi mãi thương cảm Vũ Nương, thương cảm những người phụ nữ tài hoa bạc mênh. “Chuyện người con gái Nam Xương” tố cáo hiện thực xã hội phong kiến Việt Nam thế kỉ 16, nêu bật thân phận và hạnh phúc người phụ nữ trong bi kịch gia đình. Gần 500 năm sau, “Chuyện người con gái Nam Xương” mà nỗi xót thương đối với số phận bi thảm của người vợ, người mẹ như vẫn còn mãi trong ta.