Thứ Năm, 17 tháng 6, 2021

Vẻ đẹp nhân vật Vũ Nương trong tác phẩm Chuyện người con gái Nam Xương của Nguyễn Dữ

 

Hình tượng người phụ nữ là một hình tượng xuyên suốt trong suốt chiều dài văn học. Từ văn học dân gian

Thân em như tấm lụa đào

Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai. (Ca dao)

Cho đến văn học viết. Người đọc thường để ý đến nhưng tác phẩm thơ ca mà quên đi bên cạnh thơ ca còn có các sáng tác bằng văn xuôi. Không chỉ có Truyện Kiều của Nguyễn Du, Cung oán ngâm của Nguyễn Gia Thiều, Chinh phụ ngâm của Đặng Trần Côn, mà còn có Chuyện người con gái Nam Xương của Nguyễn Dữ. Qua câu chuyện của Vũ Nương, Chuyện người con gái Nam Xương nói lên một cách sâu sắc những bi kịch cùng vẻ đẹp và những khát vọng chân chính về hạnh phúc gia đình của người phụ nữ. Vẻ đẹp con người và số phận bi kịch của Vũ Nương có sức khái quát lớn. Đây không chỉ là câu chuyện về số phận thương tâm của một người phụ nữ mà còn là tấm lòng yêu thương trân trọng của tác giả dành cho những người phụ nữ có phẩm chất tốt đẹp trong xã hội phong kiến bấy giờ.

"Chuyện người con gái Nam Xương" có nguồn gốc từ chuyện kể dân gian: Vợ chàng Trương, là thiên thứ 16 trong tổng số 20 truyện của "Truyền kì mạn lục". Nhân vật chính trong tác phẩm là Vũ Nương, một người phụ nữ trung trinh, tiết hạnh, đẹp người, đẹp nết nhưng lại bị chồng nghi oan thất tiết. Do không có cơ hội để minh oan, giãi bầy, Vũ Nương đành phải nhảy sông tự vẫn để chứng minh sự trong sạch của mình. Kết thúc truyện là hình ảnh Vũ Nương hiện về thấp thoáng lúc ẩn, lúc hiện giữa lòng sông nói lời tạ từ rồi biến mất. Đó là bi kịch của rất nhiều những người phụ nữ bất hạnh khi mà hạnh phúc gia đình chính là chỗ dựa vững chắc cho họ, giờ đây đã tan thành mây khói, mất đi chỗ dựa cuộc sống, họ lâm vào bi kịch và cái chết là con đường giải thoát duy nhất để họ kết thúc bi kịch của chính mình. Vì thế, truyện không đơn thuần dừng lại ở sự phản ánh hiện thực mà còn tố cáo hiện thực, dóng lên niềm khao khát hạnh phúc của người phụ nữ trong một xã hội công bằng, văn minh.

Những thông tin về tên tuổi, quê quán được nêu ra ngay từ đầu tác phẩm đã tạo cho người đọc cảm giác tin cậy, tăng độ tin cậy cho câu chuyện. Đây cũng là một thủ pháp quen thuộc của văn học trung đại. Không chỉ giới thiệu về tên tuổi, quê quán của Vũ Nương, Nguyễn Dữ ngay từ đầu đã khẳng định nàng là một người con gái đẹp người, đẹp nết, đại diện cho vẻ đẹp của người phụ nữ thời kì phong kiến: "tính đã thùy mị nết na, lại thêm tư dung tốt đẹp". Chính vì đức hạnh của nàng mà Trương Sinh đã nhờ người làm mối và lấy Vũ Nương làm vợ. Chi tiết ấy vừa làm nổi bật được đức hạnh của Vũ Nương, vừa nâng cao phẩm hạnh sáng ngời của nàng. Bởi nàng được cưới hỏi một cách đàng hoàng tử tế, được trân trọng không vì gia cảnh vẻ ngoài mà chính bởi phẩm chất của nàng.

Sau đó, nhà văn tập trung làm nổi bật vẻ đẹp đức hạnh của nàng, bằng việc đặt Vũ Nương vào rất nhiều hoàn cảnh, tình huống và các mối quan hệ xung quanh như với chồng, với mẹ chồng và với đứa con trai tên là Đản.

Nguyễn Dữ đã dành những lời lẽ đẹp đẽ ca ngợi phẩm chất tốt đẹp và tấm lòng trung trinh của người phụ nữ. Trước hết, ở nhân vật Vũ Nương ta nhận thấy, nàng là một người vợ hết mực thương chồng, sống trọn đạo vợ chồng. Lúc còn ở bên nhau, nàng toan lo mọi bề, tất cả đều chu toàn, cặn kẽ. Biết tính chồng hay ghen, thế nên, trong cuộc sống vợ chồng, nàng hết mực “giữ gìn khuôn phép, không để lúc nào vợ chồng phải thất hòa”. Vũ Nương đã cư xử khéo léo, đúng mực, nhường nhịn và giữ đúng khuôn phép, không bao giờ để xảy ra nỗi bất hòa trong gia đình. Vì thế, chúng ta có thể thấy, nàng là người phụ nữ hiểu chồng, biết mình và rất đức hạnh. Nhưng với tính tình đa nghi, độc đoán, đổi với vợ phòng ngừa quá sức của Trương Sinh tiềm ẩn những nguy cơ gây đổ vỡ hạnh phúc gia đình, dự báo bi kịch về sau mà nhân vật sẽ gây ra cho Vũ Nương.

Cuộc sống hạnh phúc êm ấm lại không kéo dài được bao lâu. Chiến tranh xảy ra, triều đình chiêu mộ binh lính. Trương Sinh tuy giàu có nhưng lại là kẻ thất học nên chàng bắt buộc phải tòng quân đánh giặc. Đây có thể xem là cơ hội để Trương Sinh lập công danh. Nhưng với Vũ Nương, công danh ấy không quan trọng bằng sự bình yên của chồng. Lời nàng dặn chồng trước lúc chàng ra đi khiến ta không khỏi xúc động: “Chàng đi chuyến này, thiếp cũng chẳng dám mong được đeo ấn phong hầu, hay mặc áo gấm trở về quê, chỉ xin ngày chàng về mang theo được hai chữ bình yên, như thế là đủ rồi”. Tấm lòng của nàng vẫn luôn hướng về an nguy của chồng. Tấm lòng ấy không thay đổi dù là khi gia đình ấm êm hạnh phúc hay là khi chàng Trương phải đi lính. Bởi lẽ, nhắc đến chốn chiến trận nơi biên ải xa xôi ai cũng nghĩ đến “một chắc sa trường rằng chữ hạnh” cũng như “cổ lai chinh chiến kỉ nhân hồi”. Vì thế mà với Vũ Nương, nguyện vọng duy nhất của nàng là chàng Trương được bình an. Đó là mong ước hết sức bình thường của một người vợ, một người phụ nữ khao khát cuộc sống gia đình bình yên.Tình thương chồng của nàng còn thể hiện qua sự chia sẻ trước những nỗi vất vả, gian lao mà chồng sẽ phải chịu đựng cũng như niềm cảm thông cho cả nỗi niềm của bà mẹ xa con.

Trong những năm tháng xa chồng, nàng luôn nhớ Trương Sinh tha thiết, thậm chí nàng còn trỏ bóng mình trên tường vừa để dỗ con vừa để vơi bớt nỗi nhớ chồng. Nỗi buồn nhớ của nàng khắc khoải triền miên, dài theo năm tháng: “Ngày qua tháng lại, thoắt đã nửa năm, mỗi khỉ thấy bướm lượn đầy vườn, mây che kín núi,thì nỗi buồn góc bể chân trời không thế nào ngăn được.”.Nỗi nhớ chồng khôn nguôi nhưng cũng chính vì thế mà nàng hết lòng giữ trọn đạo nghĩa vợ chồng.

Ngay cả khi bị Trương Sinh nghi oan thất tiết thì tình yêu, sự thủy chung của vẫn được thể hiện qua những lời phân trần hết sức tha thiết, mong tìm cách hàn gắn lại hạnh phúc gia đình. Vũ Nương đã ra sức phân trần để cho chồng hiểu. Nàng khẳng định nàng bị oan: "cách biệt ba năm, giữ trọn một tiết. Tô son điểm phấn từng đã nguôi lòng, ngõ liễu tường hoa chưa hề bén gót...". Nàng nói lên thân phận của mình, nhắc tới tình nghĩa phu thê và khẳng định một lòng nhất mực thủy chung, son sắt với chồng.Thậm chí, nàng còn cầu xin chồng "đừng nghi oan cho thiếp". Vũ Nương đang ra sức giữ gìn, hàn gắn hạnh phúc gia đình đang có nguy cơ tan vỡ. Điều đó cho thấy nàng thực sự rất trân trọng hạnh phúc gia đình mà mình đang có và càng làm nổi bật lên niềm khát khát hướng tới hạnh phúc gia đình ấm êm của người phụ nữ Vũ Nương.

Nhưng mọi cố gắng của nàng đều đã không được đền đáp, dù phải tìm đến cái chết để chứng minh tấm lòng của mình. Bị dồn đẩy đến bước đường cùng, nàng đã mất tất cả, đành phải chấp nhận số phận sau mọi cố gắng không thành. Tuyệt vọng không cùng, Vũ Nương đành mượn dòng nước con sông Hoàng Giang sâu thẳm để rửa sạch tiếng nhơ oan ức. Lời thề trước khi chết của nàng khiến ta không khỏi cảm thông “thiếp nếu đoan trang giữ tiết trinh bạch gìn lòng vào nước xin làm ngọc Mị Nương, hay xuống đất xin làm cỏ Ngu Mĩ. Nhược bằng lòng chim dạ cá lừa chồng dối con, thì dưới xin làm mồi cho cá tôm, trên xin làm cơm cho diều quạ và xin khắp mọi người đều phỉ nhổ”. Đến phút cuối cuộc đời nàng vẫn khẳng định tấm lòng thủy chung son sắt ấy… Vũ Nương thật là người vợ giàu lòng tự trọng.

 Ở thủy cung nàng vẫn không hề oán hận, vẫn mong ngóng ngày về để đoàn tụ với gia đình. Thẳm sâu trong tâm khảm của nàng vẫn là ước muốn được đoàn viên, được quay trở về dù chỉ một lần với chồng con, với cuộc sống gia đình hạnh phúc ngày xưa. . Khi Trương Sinh lập đàn giải oan, Vũ Nương chỉ trở về nói lời đa tạ rồi từ biệt. Nàng không hề trách móc, oán hận Trương Sinh, điều đó đã giúp chồng vơi bớt nỗi lòng, nỗi ân hận. Người phụ nữ nào cũng mong muốn được hưởng cuộc sống hạnh phúc từ hơi ấm gia đình, Vũ Nương cũng không phải trường hợp ngoại lệ, nhưng nàng không thể trở về.

Vũ Nương còn là một con dâu hiếu thuận, lễ nghĩa hết sức chu toànngười mẹ hiền, nàng một mình chu đáo nuôi con nhỏ. Chồng đi ra chiến trận, nàng đã thay chồng gánh vác việc nhà, trọn đạo dâu con, tận tình chăm sóc mẹ già. Sau đó ít lâu, nàng đã hạ sinh bé Đản.Nàng vừa một mình làm cha một mình làm mẹ. Sợ con buồn khi thiếu vắng cha, nàng đã chỉ bóng mình trên vách để nói với con đó là cha. Thế nhưng mọi việc đều được nàng chu tất lo lắng. Tác giả không miêu tả trực tiếp nhưng ta có thể hiểu được Vũ Nương đã vất vả thế nào khi một mình quán xuyến mọi việc trong gia đình. Tuy vất vả cực nhọc là thế nhưng nàng vẫn chưa bao giờ oán than một lần. Đặc biệt, đối với mẹ chồng, nàng không hề ghét bỏ như người ta thường nói về mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu. Nàng hết lòng chăm sóc phụng dưỡng mẹ chồng. Khi mẹ ốm, nàng cũng hết sức lo lắng khôn khéo lựa lời khuyên lơn. Chính tấm lòng của Vũ Nương đã cảm động mẹ chồng. Ta có thể thấy câu nói của mẹ chồng Vũ Nương dành cho nàng “Sau này trời xét lòng lành ban cho phúc đức giống giòng tươi tốt, rồi con cháu đông đàn, xanh kia quyết chẳng phụ con như con đã chẳng phụ mẹ”. Câu nói ấy là minh chứng rõ nét và thuyết phục nhất về phẩm chất của Vũ Nương. Mẹ chồng đã dành cho nàng những lời có cánh. Trước khi mất bà không lo lắng cho con trai cũng không oán trách số phận mà nói lời cảm ơn đến nàng dâu của mình. Việc đặt lời khen vào mẹ chồng đã tăng thêm tính chân thực và khách quan cho câu chuyện. Vũ Nương không chỉ quan tâm chăm sóc mẹ chồng khi mẹ chồng đau ốm mà khi mẹ chồng mất đi “nàng hết lời thương xót, phàm việc ma chay tế lễ lo liệu như đối với cha mẹ đẻ của mình”. Tấm lòng ấy của nàng thật khiến ta cảm động. Vũ Nương là hình ảnh tiêu biểu cho người phụ nữ Việt Nam, mang trong mình vẻ đẹp phẩm chất rất đáng trân trọng, ngợi ca.

Một người phụ nữ đẹp người, đẹp nết đảm đang, hiếu thảo, nhất mực thủy chung và hết lòng vun vén, trân trọng hạnh phúc gia đình như thế, đáng lẽ ra phải được hưởng hạnh phúc trọn vẹn.Nhưng thật éo le và nghịch lí thay nàng lại phải chịu một cuộc sống gia đình bất hạnh và phải chết trong đau đớn, xót xa, đầy nước mắt.

Bi kịch bắt đầu từ câu nói ngây thơ của trẻ con. Thật ra để dỗ con, Vũ Nương hay chỉ vào cái bóng của mình trên vách mà bảo rằng đó là cha của Đản. Bé Đản ngây thơ nói với Trương Sinh. Đản cũng như chính Vũ Nương không ngờ rằng chỉ một cái bóng ấy lại gây ra bi kịch cho gia đình nàng. Trương Sinh vốn tính đã đa nghi nghe lời con đã vội khẳng định chắc nịch là vợ đã thất tiết. Vừa gia trưởng đa nghi lại vừa cố chấp, Trương Sinh khước từ mọi cơ hội giải thích của Vũ Nương. Nàng hết lòng kêu oan nhưng trương Sinh không nghe không nói cho nàng rõ sự tình mà cứ nhất mực đánh đuổi nàng đi. Đến những người hàng xóm bênh vực nàng cũng chẳng thể làm Trương Sinh động lòng. Nhân phẩm trong trắng và tấm lòng trinh bạch của nàng dành cho chồng. Cũng bởi vậy mà cuối cùng nàng đành lựa chọn cái chết để khẳng định sự trinh bạch. Bởi lẽ với nàng khi trinh tiết đã bị nghi ngờ thì mạng sống này còn đáng giá gì. Nếu sống nàng chỉ có thể sống trong nhục nhã ê chề. Nên chỉ đành dùng cái chết để chứng minh. Những lời nói cuối cùng của nàng thâu tóm tất cả những ngang trái của một đời phụ nữ: công lao nuôi con, chờ chồng thành vô ích; hạnh phúc gia đình (thú vui nghi gia nghi thất) tan vỡ, tình cảm vợ chồng không còn (bình rơi trâm gãy, mây tạnh mưa tan, sen rũ trong ao, liễu tàn trước gió), cả nỗi đau khổ chờ chồng đến thành hóa đá trước đây cũng không còn có thể làm lại được nữa.

Tấm lòng trinh bạch của nàng đã được người đời hiểu thấu, mối oan ức nhục nhã ấy đã được hóa giải. Những tưởng một kết thúc có hậu cho câu chuyện nhưng Vũ Nương lại lựa chọn cách xa lánh cuộc đời không hội ngộ sống chung cùng chàng Trương. Vũ Nương không thể trở lại trần gian, thực ra đâu phải chỉ vì cái nghĩa với Linh Phi và trần thế không còn chỗ nào cho người như nàng nương tựa. Đàn giải oan chỉ có thể khôi phục danh dự cho nàng chứ không thể làm sống lại tình xưa. Giữa Vũ Nương và Trương Sinh, dòng sông là nơi giải oan, nơi tái ngộ, nhưng không thể vượt qua.

Cái kết của Vũ Nương càng khiến cho người đọc day dứt và qua đó lên án tố cáo xã hội phong kiến. Những người phụ nữ chung thủy son sắt nhưng lại không được tôn trọng trong xã hội phụ quyền trọng nam khinh nữ. Họ là nạn nhân của chế độ phong kiến với những điều luật hà khắc, bất công với nữ nhi. "Phận đàn bà" trong xã hội phong kiến cũ đau đớn, bạc mệnh, tủi nhục không kể xiết. Lễ giáo phong kiến khắt khe như sợi dây oan nghiệt trói chặt người phụ nữ. Và cũng như Vũ Nương, người phụ nữ trong xã hội suy tàn ngày ấy luôn tìm đến cái chết để bảo vệ nhân phẩm của mình.Vũ Nương chết đi mang theo nỗi oan tột cùng, nhưng người gây ra tất cả những bi kịch trên là Trương Sinh lại không bị xã hội lên án và cũng không mặc cảm với bản thân. Ngay cả khi nỗi oan ức ấy đã được giải thoát, Trương Sinh cũng không bị lương tâm cắn rứt, coi đó là việc đã qua rồi, không còn đáng nhắc lại làm gì nữa. Xã hội phong kiến đã dung túng cho những kẻ như Trương Sinh, để người phụ nữ phải chịu những đau khổ không gì sánh được.

Người đọc cũng nhận ra không chỉ dừng lại ở đó tác phẩm còn gián tiếp lên tiếng tố cáo chiến tranh phi nghĩa. Chính chiến tranh phi nghĩa đã làm tan nát biết bao gia đình đang hạnh phúc êm ấm. Nếu Trương Sinh không đi lính, nếu chàng không rời xa gia đình khi Vũ Nương sinh bé Đản thì có lẽ họ vẫn là một gia đình hạnh phúc ấm êm trọn vẹn bên nhau. Nhưng cái hạnh phúc ấy lại quá đỗi mong manh bị định kiến xã hội bóp nát. Trương Sinh mất vợ, Bé Đản mất mẹ còn Vũ Nương mất cả một đời. Bi kịch lại chồng chất nối tiếp bi kịch.

Tính bi kịch của truyện vẫn tiềm ẩn ngay trong cái lung linh ki ảo, sắc thái bi đát vẫn nằm sau hình ảnh rực rỡ của truyền kì. Điều đó một lần nữa khẳng định niềm cảm thương của tác giả đối với số phận bi thảm của người phụ nữ trong chế độ phong kiến. Nguyễn Dữ thêm vào đoạn kết, đem lại cho tác phẩm sức hấp dẫn và những giá trị mới. Phần này hoàn toàn là những tình tiết kì ảo, thể hiện tính chất truyền kì của truyện và tạo nên những giá trị thẩm mĩ mới mà truyện cổ tích chưa có.

Với sự sáng tạo cao về khắc họa nhân vật, cách kể chuyện, xây dựng kết thúc, kết hợp cùng việc khai thác vốn văn học dân gian và sử dụng tinh tế những yếu tố kì ảo, Chuyện người con gái Nam Xương của Nguyễn Dữ đã bày tỏ sự cảm thương cho số phận nhỏ nhoi, đầy tính bi kịch của người phụ nữ Việt Nam dưới chế độ phong kiến. Hơn hết, truyện truyền kì trung đại này cũng đã khẳng định nét đẹp tâm hồn của họ, cất lên tiếng nói cho bao mơ ước về một cuộc sống tốt đẹp, công bằng mà họ hằng hi vọng

Ngợi ca phẩm chất tốt đẹp và bệnh vực người phụ nữ không chỉ có Chuyện người con gái Nam Xương của Nguyễn Dữ mà nhiều nhà văn, nhà thơ khắc cũng đã đồng thời lên tiếng. Với tác phẩm Truyện Kiều, Nguyễn Du đã ngợi ca, trân trọng nhan sắc, tài năng, phẩm hạnh của chị em Thúy Kiều như là những chuẩn mực, hình mẫu lí tưởng cho vẻ đẹp của con người mọi thời đại (Chị em Thúy Kiều). Nơi lầu xanh, tác giả đã khắc họa nỗi nhớ của Thúy Kiều đi liền với tình thương – một biểu hiện rất đáng trân trọng của đức hi sinh, lòng vị tha, chung thủy (Kiều ở lầu Ngưng Bích). Thiên tài Nguyễn Du cũng không quên gây ấn tượng cho người đọc với hình ảnh Thúy Kiều sống sâu nặng ân tình, sắc sảo, kiên quyết nhưng vẫn đầy khoan dung, độ lượng (Kiền hảo ân báo oán).

Bếp lửa của Bằng Việt lại xây dựng đầy cảm động hình ảnh người bà với tấm lòng đôn hậu, tình thương bao la, sự chăm chút, thái độ bình tĩnh, vững lòng. Người bà đã trở thành chỗ dựa tinh thần vững chắc cho cháu vượt qua mọi thử thách khốc liệt của chiến tranh.

Người phụ nữ đi qua chiến tranh được khắc họa trong Những ngôi sao xa xôi lại càng đẹp hơn trong hình ảnh các cô thanh niên xung phong sống có tinh thần trách nhiệm cao, quyết tâm hoàn thành tốt mọi công việc được giao; anh dũng không sợ gian khổ, hi sinh; luôn trẻ trung, yêu đời; sống chan hòa, yêu thương nhau và luôn tin tưởng, lạc quan về thắng lợi cuối cùng của cách mạng. Có lẽ vì vậy là không thể bỏ qua Những ngôi sao xa xôi của Lê Minh Khuê trong những tác phẩm ngợi ca phẩm chất tốt đẹp của người phụ nữ. Những tác phẩm trên đã giúp người đọc nhận thức sâu sắc hơn về giá trị nội dung tư tưởng của tác phẩm, cũng như thấm thìa hơn tình cảm của tác giả thể hiện trong từng nhân vật.

Với nội dung sâu sắc, Chuyện người con gái Nam Xương cũng như Truyện Kiều, Bếp Lửa, Những ngôi sao xa xôi đã đi vào quỹ đạo nhân văn chung của văn học dân tộc, tạo được sự cộng hưởng với nhiều tác phẩm viết về người phụ nữ cũng như kết nối bền chặt cùng tâm hồn người đọc bao thế hệ. Tác phẩm đã kết thúc nhưng vẫn để lại cho người đọc nhiều suy nghĩ. Có lẽ tất cả chúng ta đều tiếc nuối đau xót cho Vũ Nương người con gái với tấm lòng trinh bạch nhưng lại bất lực trước xã hội đầy định kiến. Chuyện người con gái Nam Xương đã để lại nhiều nghĩ suy, day dứt, đầy thương cảm cho thân phận người phụ nữ trong xã hội phong kiến.