Chủ Nhật, 13 tháng 6, 2021

Nạn “bắt nạt trên mạng” (cyber bullying) đang trở thành nỗi ám ảnh đối với thanh thiếu niên.

 


Công nghệ bùng nổ đã cải thiện cuộc sống của chúng ta rất nhiều, tuy nhiên, nó cũng tồn tại rất nhiều mặt trái nguy hiểm khác. Đi kèm với sự tiện lợi của các phương tiện kỹ thuật là những hiểm họa của chúng khi chúng vẫn còn nằm trong tay của... con người. Và một trong những vấn nạn phát sinh từ sự kết hợp giữa khoa học kỹ thuật và bản chất bạo hành của con người là bắt nạt trên mạng.

Bắt nạt trên mạng là là hành động sử dụng công nghệ thông tin, phương tiện mạng xã hội, nền tảng nhắn tin, nền tảng chơi game và điện thoại di động để làm tổn hại hay quấy rầy người khác với chủ ý xấu như là tung lên Internet những hình ảnh, bài viết, tin đồn gây ảnh hưởng tới uy tín của nạn nhân,… Bắt nạt ảo có thể xảy ra vô danh, không thể truy ra được và bị phát tán với tốc độ rất nhanh trên mạng. Nạn bắt nạt trên mạng (cyber bullying) đang trở thành một nỗi ám ảnh với nhiều người, đặc biệt là bộ phận thanh thiếu niên.

Những hình thức bắt nạt trực tuyến có thể bao gồm: Gửi những thông điệp hoặc tin nhắn có nội dung xấu tới email hoặc điện thoại di động tới một ai đó. Phát tán những tin đồn nhảm, có tính chất xúc phạm và làm nhục qua mạng. Gửi những tin nhắn gây tổn thương hoặc đe dọa lên các trang mạng xã hội hoặc các trang web/blog. Lấy trộm thông tin cá nhân của ai đó rồi lẻn vào tài khoản của họ để phá hoại hoặc gửi những thông điệp gây hại. Lấy những bức hình/clip riêng tư hoặc không được đẹp của một ai đó rồi lan truyền qua Internet và mạng xã hội….

Nếu bạn thường xuyên sử dụng các trang mạng xã hội và “sân si” đủ mọi nơi thì chắc rằng bạn sẽ không ít lần bắt gặp những hội nhóm “nhân danh chính nghĩa” được lập ra để “tẩy chay”, “dìm hàng” ai đó một cách cay nghiệt. Hiện nay, có rất nhiều bạn trẻ Việt đã và đang là nạn nhân của vấn nạn xấu xí này ở dưới các mức độ khác nhau. Số lượng nạn nhân phải chịu đựng những điều này ngày một tăng.

Sự bùng nổ của thời đại Internet đã vô tình tiếp tay cho sự lan truyền một cách đáng sợ của việc bắt nạt ảo . Facebook, Twitter hay Instagram là những mạng xã hội được dùng phổ biến bởi giới trẻ và cũng là “hiện trường” của nhiều trường hợp bắt nạt ảo. Nhờ vào khả năng ẩn danh và bản chất trò chuyện gián tiếp trên Internet, nhiều người có thể yên tâm thể hiện cái tôi cá nhân của mình để thỏa sức miệt thị, xúc phạm một ai đó. Các bình luận tiêu cực mang tính bắt nạt trên mạng xã hội có thể lan truyền nhanh chóng hơn bất kỳ hình thức nào.

Các hành động “bắt nạt ảo” cũng bắt nguồn từ sự giận dữ, ý định trả thù hay muốn hạ uy tín, danh dự của một ai đó. Đôi khi lại là sự ganh tị. Đối với lứa tuổi học sinh, với đầu óc non nớt và hiếu thắng, sa chân vào những hành vi sai trái là điều khó tránh khỏi. phần lớn các bạn trẻ ngày nay thích làm những “chiến binh bàn phím” chỉ vì muốn thỏa nỗi khát khao được người khác chú ý. Nỗi khát khao này khiến họ say sưa dành thời gian để chà đạp người khác đến nghiện.

Mỗi chúng ta đều có thể là nạn nhân đồng thời cũng là thủ phạm của việc bắt nạt trên mạng. Chỉ cần nhận một bình luận hơi quá khích, ta dễ dàng lao vào cuộc ẩu đả trên bàn phím. Từ nạn nhân, ta biến thành kẻ chủ động tấn công trên môi trường mạng.

Bắt nạt trực tuyến gây ra những hậu quả rất thật trong thế giới thực. Bắt nạt qua mạng thường để lại nhiều hậu quả nặng nề đặc biệt là đối với thanh thiếu niên. Nó có thể dẫn tới rối loạn lo âu, rối loạn trầm cảm, tự làm đau bản thân (self-harm) và thậm chí tự tử. Nạn nhân thường thiếu tự tin và tổn thương sự tự trọng nặng nề, có cảm giác sợ hãi, buồn bã, tức giận nhiều hơn sau khi bị bắt nạt. Chưa kể, một khi đã xuất hiện trên mạng thì những nội dung như vậy thường lưu lại rất lâu sau đó và rất khó để thoát khỏi nó. Những bình luận, video hoặc hình ảnh ác ý có thể được lan truyền rộng rãi chỉ trong vài giây, chia sẻ liên tục và không bao giờ được gỡ bỏ hoàn toàn trên Internet.Nỗi đau gây ra bởi bắt nạt qua mạng là rất lớn và không thể lường trước được. Nạn nhân có thể bị phá hủy cuộc đời, tương lai và rất nhiều thứ.

Người bắt nạt thậm chí còn không nghĩ rằng hành vi của mình là sai. Một số em trong độ tuổi vị thành niên còn cho rằng đó là việc để vui đùa, mang tính “cho vui”. Người ta có thể vô tình hùa nhau nhấn chìm một ai đó xuống vực thẳm.Người ta hả hê cười cợt, bình phẩm những chuyện đời tư, sai trái của người khác như thể là một cách xả stresss, một cách giải trí. Nó khiến không gian mạng không còn an toàn, xã hội không thể gọi là văn minh. Năng lượng xấu lan truyền và sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới nhân cách, hành vi, lối sống của người dùng mạng. Đó là biểu hiện rất xấu của cộng đồng con người khi sử dụng sức mạnh tập thể để vùi dập một cá nhân.Phải chăng xã hội ngày càng phát triển, con người lại càng trở nên vô tâm, đến mức sẵn sàng hả hê trên nỗi nhục nhã của chính đồng loại mình?

Nếu thấy mình hoặc bạn mình bị bắt nạt trên mạng hãy đứng lên, cất tiếng nói bảo vệ bản thân mình cũng như những người bị hại. Hãy lan truyền năng lượng tích cực, những giá trị tốt đẹp cho cộng đồng. Cẩn trọng với những hành động của mình, có trách nhiệm với mỗi Like (thích) và chia sẻ (share), comment. Đừng vì đùa vui mà chỉ trích ai đó, góp ý và miệt thị, giúp đỡ hay dìm chết thực chất ranh giới rất mong manh. Bạn phải học cách chịu trách nhiệm cho lời nói và kết luận của mình. Gia đình và nhà trường, hãy thường xuyên giáo dục con em mình về tác hại và hậu quả khi dùng mạng xã hội không đúng cách. Hãy giúp trẻ vui chơi theo đúng độ tuổi của chúng một cách trong sáng và lành mạnh nhất có thể. Nhà nước nên đưa ra các chính sách, quy định cụ thể hơn về nạn bắt nạt qua mạng. Tình trạng này sẽ không có hồi kết nếu các cơ quan chức năng của Nhà nước không làm chặt, làm rõ và làm thực.

Là học sinh bạn có thể làm những điều sau để giúp bạn bè hay chính bản thân mình: Không đáp lại bất kỳ hành vi bắt nạt nào: Người bắt nạt thường chỉ muốn sự chú ý và sẽ bỏ cuộc nếu bị phớt lờ quá nhiều lần. Hãy nói với người lớn mà bạn tin tưởng (bố mẹ, thầy hiệu trưởng, chủ nhiệm,…). Cần lưu lại bằng chứng: Viết nhật ký tay, in email, chụp màn hình những tin nhắn hay đoạn chat mạng, ghi chép lại ngày, giờ và những người liên quan vào tình huống bắt nạt. Hãy chặn hoặc tắt thông báo từ những người bắt nạt. Nếu bạn không biết cách làm, hãy hỏi người lớn. Và cuối cùng, đặt điện thoại xuống: Dành ít thời gian trên mạng giúp bạn có thêm thời gian để kết bạn bên ngoài và tránh xa những kẻ xấu xa.

Đừng để mạng xã hội trở thành công cụ của bắt nạt trên mạng và đừng để bắt nạt trên mạng đánh mất tuổi thơ, tuổi trẻ và tâm hồn của bạn! Nên nhớ, trong thời đại ngày nay, một lời nói, một bài đăng của bạn có thể trở thành một vũ khí vô cùng nguy hiểm có thể gián tiếp “giết người”.