Thứ Năm, 24 tháng 6, 2021

Đồ nhựa dùng một lần “tiện” nhưng không “lợi”

 

Sự tiện dụng của sản phẩm nhựa dùng một lần và túi nilon từ lâu đã trở thành một vật dụng vô cùng quen thuộc trong hầu hết các gia đình Việt. Tuy nhiên, mặt trái của sự tiện dụng ấy chính là những nguy cơ tiềm ẩn, ảnh hưởng đến sức khỏe con người và môi trường. Nó thực sự “tiện” nhưng không “lợi” khi con người đã quá lạm dụng.

Em hãy viết bài văn ngắn (khoảng 500 chữ) với nhan đề: Đồ nhựa dùng một lần “tiện” nhưng không “lợi”

Bài làm của Nguyễn Thị Bảo Hân (HS 9a2 trường THCS Phan Bội Châu Q12)

Sự tiện dụng của sản phẩm nhựa dùng một lần và túi nilon từ lâu đã trở thành một vật dụng vô cùng quen thuộc trong hầu hết các gia đình Việt, cũng như các nước khác trên toàn thế giới. Tuy nhiên, ngày nay chúng ta đang phải đối mặt với những nguy cơ tiềm ẩn, ảnh hưởng đến sức khỏe con người và môi trường do chính sự lạm dụng quá mức đồ dùng nhựa. Đồ nhựa dùng một lần “tiện” nhưng không “lợi”.

Đồ nhựa dùng1 lần là những sản phẩm được làm bằng nhựa, sản xuất ra với mục đích chỉ dùng một lần rồi vứt bỏ. Các sản phẩm này có thế là túi ni lông, muỗng nhựa, chai nhựa, hộp xốp, màng bọc thực phẩm,… được sử dụng một lần trong thời gian ngắn, phục vụ cho sinh hoạt và sản xuất của con người. Các sản phẩm này thường có giá thành rẻ và khó phân hủy, gây ô nhiễm môi trường.

Hiện nay, người dân có thể bắt gặp các sản phẩm nhựa dùng 1 lần như cốc, dĩa, hộp xốp, túi ni lông, … ở bất kì đâu, ở quán cơm, chợ, quán nước hoặc có thể dễ dàng mua trên thị trường với mức giá rất rẻ. Hàng nghìn cốc nước mía, trà sữa hay cốc chè được bán ra mỗi ngày cũng là chừng ấy những chiếc cốc nhựa, ống hút và túi nilon bị vứt ra ngoài môi trường. Theo thống kê, mỗi năm, Việt Nam sử dụng hơn 30 tỷ túi ni lông nhưng chỉ có 17% số đó được tái sử dụng. Với thực trạng trên, chẳng mấy chốc nước ta sẽ chìm trong biển rác nhựa và có phải đối mặt với nguy cơ “ô nhiễm trắng” trầm trọng.

Vậy nguyên nhân của tình trạng trên là do đâu? Do người dân chưa ý thức được tác hại ghê gớm của rác thải nhựa, thói quen sử dụng đồ nhựa 1 lần rồi bỏ, xả rác bừa bãi. Dù cho có hiểu được thì ở đồ dùng nhựa còn có rất nhiều ưu điểm: bền chắc, tiện dụng, giá thành thấp, dễ tìm mua, đa dạng mẫu mã. Cuộc sống hiện đại bận rộn, con người có xu hướng ưa chuộng những thứ nhanh-gọn-lẹ, thì đồ dùng nhựa là lựa chọn hàng đầu. Việc xử lí, tái chế rác thải nhựa còn nhiều yếu kém, lạc hậu và có nhiều hạn chế khi phần lớn được xử lí theo cách chôn, lấp, đốt, chỉ có số ít phần còn lại là được tái chế. Trong khi đó, các sản phẩm này rất khó phân hủy trong môi trường tự nhiên, tùy theo loại mà có thời gian phân hủy lên đến hàng trăm, hàng nghìn năm. Trường học, gia đình cũng chưa chú trọng giáo dục con em về rác thải nhựa.Một số gia đình còn trở thành tấm gương xấu cho con trẻ khi có thói quen xả rác bừa bãi, không phân loại rác tại nguồn.

Đồ nhựa dùng một lần vô cùng tiện lợi nhưng đi kèm với nó là những mối nguy hại cực lớn, ảnh hưởng đến chính sức khỏe và đời sống con người. Các đồ dùng làm bằng nhựa chất lượng kém thường chứa những chất hóa học, nếu sử dụng trong thời gian dài có thể gây các bệnh, ảnh hưởng đển sức khỏe con người. Rác thải nhựa không được xử lí đúng cách sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến không khí, môi trường đất và nước. Khi đốt, rác thải nhựa sẽ sinh ra chất độc đi-ô-xin, furan gây ô nhiễm không khí, gây ngộ độc, ảnh hưởng đến tuyến nội tiết, làm giảm khả năng miễn dịch, gây ung thư,… Khi chôn lấp, theo thời gian thì rác thải nhựa làm cho đất không giữ được nước, dinh dưỡng và ngăn cản quá trình khí oxy đi qua đất, gây tác động xấu đến sự sinh trưởng của cây trồng. Hơn nữa, nó có thể làm ô nhiễm nguồn nước. Rác thải nhựa không được thu gom, thải ra ngoài môi trường, các loài động vật khi ăn phải có thể chết, dẫn đến nguy cơ tuyệt chủng, gây mất cân bằng hệ sinh thái. Đặc biệt là các sinh vật biển khi mỗi năm có hàng ngàn, hàng triệu tấn rác thải nhựa thải ra môi trường biển. Thêm nữa, rác thải nhựa còn làm xấu mỹ quan, ảnh hưởng đến không gian sống của con người.

 

Những hiểm họa từ rác thải nhựa mang lại là rất lớn. Tuy nhiên, cho đến nay con người chưa có các loại vật liệu khác để thay thế hoàn toàn. Để giảm thiểu rác thải nhựa, mỗi người cần nâng cao ý thức bản thân về rác thải nhựa. Nên hạn chế tối đa việc sử dụng đồ nhựa, thay thế bằng các nguyên liệu tự nhiên như thủy tinh, vải, gỗ,… để có thể tái sử dụng lại nhiều lần. Nếu bắt buộc phải sử dụng đồ dùng 1 lần, hãy lựa chọn các vật dụng thân thiện với môi trường như ống hút giấy, hộp đựng bằng bã mía,…thay cho đồ làm từ nhựa. Vứt rác đúng nơi quy định, chủ động phân loại rác thải tại nguồn. Cha mẹ nên chủ động làm gương cho con trong việc xử lí rác thải. Chính phủ nên có thêm nhiều hoạt động thực tế, tích cực tuyên truyền vận động người dân hạn chế sử dụng đồ nhựa, phân loại rác. Các công ty, doanh nghiệp nên chủ động sử dụng và sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường thay thế cho nhựa.

Đồ nhựa dùng một lần- thứ chúng ta chỉ dùng một lần nhưng những hậu quả mà nó mang lại là vô cùng to lớn. Hiểu được điều đó, bản thân em là một người học sinh, em sẽ hạn chế yêu cầu các đồ dùng nhựa, chủ động mang theo các hộp đựng, bình nước cá nhân khi mua đồ ở các hàng quán. Thay thế các đồ dùng nhựa sử dụng một lần thành các đồ dùng có thể tái sử dụng, các đồ dụng có nguồn gốc thiên nhiên. Không xả rác, tập thói quen phân loại rác tại nguồn. Tái chế các đồ dụng nhựa thành các vật dụng phục vụ cho đời sống,...Đồng thời, em cũng sẽ kêu gọi, nhắc nhở gia đình, mọi người xung quanh nâng cao ý thức về việc sử dụng đồ nhựa một cách hợp lí, không xả rác ra môi trường.

Đồ nhựa dùng một lần thực sự “tiện” nhưng không “lợi” khi con người đã quá lạm dụng. Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng chỉ cần mỗi người dân tăng cường ý thức, kết hợp chặt chẽ với chính quyền thì hiện tượng ô nhiễm do rác thải nhựa cũng sẽ bị đẩy lùi. Chúng ta hãy cùng chung tay vì một môi trường sống lý tưởng, một Trái Đất xanh-sạch-đẹp