Thứ Sáu, 25 tháng 6, 2021

Chúng ta phải làm gì với cơn giận dữ?


 Cuộc sống ồn ào hối hả, tất bật, nhiều stress hiện nay có những lúc giận dữ là chuyện không thể tránh. Nếu không thể tránh thì hãy chọn cách đối mặt để nó lướt qua với thái độ tích cực. Hãy học cách giảm nhẹ cơn giận.

* Giải thích:

- Giận dữ là thái độ bức tức, khó chịu, là cảm xúc rất tự nhiên khi ta gặp phải những điều không vừa lòng, không đúng ý hoặc khi ai đó làm cho bạn bực mình.

- Giận dữ là một phản ứng tự nhiên đối với nỗi đau về thể chất hoặc tinh thần. Cảm xúc giận dữ có thể xảy ra khi cơ thể cảm thấy không khỏe, bị từ chối, bị đe dọa hoặc trải qua một số mất mát.

- Kiểm soát cơn tức giận của bản thân tức là làm chủ được những lời nói, cử chỉ, hành động của bản thân khi tức giận, không làm tổn hại, tổn thương đến đối tượng xung quanh.

=> Giận dữ là tâm lí hết sức bình thường của con người. Nhưng mất kiểm soát khi giận dữ, hoặc giận dữ được xử lý theo những cách không lành mạnh sẽ dẫn đến những tác hại vô cùng nghiêm trọng, ảnh hưởng tới các mối quan hệ cá nhân và chất lượng cuộc sống.

* Biểu hiện:

- Khi giận dữ, chúng ta có xu hướng nổi nóng, nói to, quát to, nói những lời cay độc, có những hành vi như quăng đập các đồ vật gần quanh mình, thậm chí muốn hoặc sử dụng vũ lực để giải tỏa cảm xúc…

- Bạn có thể giận dữ với một người nào đó (chẳng hạn như bạn bè, cha mẹ…) hoặc trước một sự kiện xảy ra (kẹt xe, đi học bị bị trễ…). Hay “nổi đóa” khi bị nhắc nhở vì một lỗi rất nhỏ, khi gặp chuyện bực mình...

* Phân tích:

- Những nóng giận, dù là nhất thời, cũng đều khiến ta cảm thấy khó chịu, bực bội, tức tối, thậm chí muốn trả thù… Cơn tức giận khiến ta không làm chủ được những lời nói, cử chỉ, hành động của bản thân. Hậu quả, hành vi bị điều khiển bởi cơn tức giận có thể rất nặng nề, nghiêm trọng. Trong thực tế đã có rất nhiều trường hợp vì tức giận mà gây ra những hậu quả khôn lường, đó là những người vì tức giận khi bị phản bội mà phóng hỏa, giết người, cũng có người vì những lời chê bai, chế giễu mà giết bạn bằng những hành vi tàn nhẫn nhất.

+ Sự giận dữ không chỉ làm người khác đau khổ, khó chịu mà chính bản thân cũng thấy không thoải mái, thanh thản. Nó gây bực bội, khó chịu, khiến các công việc khác cũng không thể làm hoặc hoàn thành tốt. Có thể làm giảm nhiệt tình của con người trong cuộc sống, lấy đi sự tự tin của bản thân.

+ Sự giận dữ không kiểm soát có thể dẫn đến tranh cãi, đánh lộn, bạo hành ... Giận dữ khiến ta đánh mất khả năng đánh giá khách quan, không còn bình tĩnh, tỉnh táo để xử trí mọi việc một cách hợp lí, thấu đáo. Con người chỉ có thể đưa ra những ý tưởng sáng tạo khi bình tĩnh, hạnh phúc.

 + Trút giận sang người khác làm mất đi mối quan hệ tốt đẹp với những người xung quanh. Sự giận dữ luôn đi kèm với nỗi ân hận. Tức giận chỉ làm cho bạn nhỏ nhen hơn. Khoan dung, bỏ qua lầm lỗi và thiếu sót của người khác, giúp trút được gánh nặng tinh thần và tự giải thoát mình khỏi những tác hại mà cơn giận có thể gây ra.

+ Tức giận là "sát thủ thầm lặng" đối với sức khoẻ và tinh thần của bạn. Giận dữ sẽ khiến cơ thể bị tổn hại, thường xuyên căng thẳng ở mức cao khiến sức khỏe tiêu hao. Không kiểm soát được cơn giận sẽ gây tổn thương tâm trí, mệt mỏi tinh thần, cơ thể rệu rã. Thường xuyên tức giận sẽ làm tiêu hao nhiều năng lượng của trí não và làm lu mờ suy nghĩ.

- Ta phải biết thể hiên giận dữ vào đúng lúc và đúng chỗ, tìm cách giải quyết vấn đề và tháo gỡ những cảm xúc tiêu cực của bản thân. Vì sự giận dữ nếu bị dồn ép vào trong, gây ra căng thẳng cực độ, huyết áp cao hoặc khủng hoảng. Không biết làm thế nào để thể hiện sự giận dữ một cách phù hợp, khiến ta liên tục tìm cách chống đối, nghi ngờ và chỉ trích mọi thứ và đưa ra những lời bình luận cay độc.

* Phê phán:

Rất tiếc cuộc sống hiện nay dường như làm con người ta xa cách hơn, xảy ra nhiều xung đột, bạo lực hơn. Trong cuộc sống, có cảm giác chúng ta "động tới đâu có thể giận ở đó". Ra đường gặp hoặc chính chúng ta chạy xe ẩu, gây kẹt xe, đến cơ quan thì áp lực từ lãnh đạo, có khi bị đồng nghiệp chơi xấu..., chúng ta như bị những cơn giận bủa vây. Những cách ứng xử thiếu văn hóa nơi công cộng diễn ra thường xuyên: không biết chờ đợi, đèn đỏ chừng 6 giây đã bóp còi, đụng xe là cãi nhau, cố tình to tiếng để trấn áp người kia mặc dù mình sai nhè, nhắc nhở va chạm giao thông cũng đâm chết người, xem hàng mà không mua là ăn chửi… Sự thật đau lòng!

* Bài học:

- Đừng để sự giận dữ của bạn vượt ra ngoài tầm kiểm soát. Dù trong bất kì tình huống nào cũng cần bình tĩnh, linh hoạt để tìm phương án xử lý tối ưu nhất.

- Hãy nhắc nhở bản thân rằng giận dữ không giải quyết được bất cứ điều gì cả và nó cũng chẳng làm bạn cảm thấy tốt hơn (và có lẽ quả thật nó chỉ làm bạn cảm thấy tệ hơn đấy).

* Bản thân:

+ Chủ động tránh mặt để làm giảm không khí căng thẳng; kiềm chế lời nói bằng cách im lặng; tìm kiếm, phân tích nguyên cớ dẫn đến cơn tức giận; nếu buộc phải đối diện với nguyên nhân khiến ta tức giận thì cố gắng giữ bình tĩnh để không có những lời nói, cử chỉ, hành động thô lỗ, thiếu văn hóa.

+ Luôn sống vui vẻ, hòa đồng, thân thiện để kéo gần khoảng cách giữa mọi người với nhau. Nuôi dưỡng những cảm xúc, những hành động tích cực sẽ giúp con người giải quyết mọi việc một cách hiệu quả, thân thiện và văn minh.

+Cảm xúc của con người thường được nảy sinh do hoàn cảnh. Vì vậy, con người cần biết thích ứng hoặc thay đổi, điều chỉnh phù hợp với hoàn cảnh để tạo ra những cảm xúc và hành động tích cực.

Nếu không rèn luyện được khả năng kiểm soát cơn tức giận, con người dễ đối mặt nhiều hơn với những thất bại. Hãy hiểu rõ tác hại của nó. Hãy đặt mình vào vị trí của người khác để có cái nhìn khách quan hơn, tích cực hơn, từ đó kiềm chế cảm xúc và hành động của bản thân và cả của đối phương.