Thứ Bảy, 19 tháng 6, 2021

Phân tích khổ đầu khổ cuối Bài thơ về tiểu đội xe không kính


 

Từ nơi em gửi đến nơi anh

Những đòan quân trùng trùng ra trận

Như tình yêu nối lời vô tận

Đông Trường Sơn, nối tây Trường Sơn...

Thời chống Mỹ hàng ngàn, hàng vạn thanh niên, thanh nữ Việt Nam ào ào ra trận với khí thế "xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước", trong đó có những tiểu đội xe không kính trên con đường mòn Hồ Chí Minh. Những năm tháng chiến tranh hào hung đã để lại dấu ấn sâu đậm trong trái tim người lính- Phạm Tiến Duật, để rồi ngân thành những cung bậc cảm xúc, những giai điệu hào hùng, trẻ tráng và hồn nhiên. Bài thơ về tiểu đội xe không kính của Phạm Tiến Duật là một trong những khúc ca hay nhất, mang đậm âm hưởng của những ngày tháng gian khó mà tràn đầy hùng tâm tráng trí của những người lính trên tuyến dường Trường Sơn những năm chống Mĩ. Bài thơ không chỉ khắc họa vẻ đẹp người lính lái xe hiên ngang mạnh mẽ bất chấp khó khăn, cùng quyết tâm chiến đấu vì miền Nam ruột thịt mà còn thể hiện sự tàn khốc của chiến tranh qua hình ảnh những chiếc xe không kính:

Không có kính không phải vì xe không có kính

Bom giật, bom rung kính vỡ đi rồi

Ung dung buồng lái ta ngồi

Nhìn đất, nhìn trời, nhìn thẳng.

[…]

Không có kính, rồi xe không có đèn,

Không có mui xe, thùng xe có xước,

Xe vẫn chạy vì miền Nam phía trước:

Chỉ cần trong xe có một trái tim.

Những chiếc xe không kính của Phạm Tiến Duật là hình ảnh có thật, và thật đến trần trụi, chỉ có ở trên tuyến đường Trường Sơn những năm tháng đất nước kháng chiến chống Mỹ. Cách đặt nhan đề bài thơ đã gây ấn tượng với người đọc. “Bài thơ về tiểu đội xe không kính”, nhan đề khá dài và tác giả thêm vào hai chữ “bài thơ” nhằm muốn khẳng định và nhấn mạnh chất thơ có trong bài thơ, thể hiện được tâm hồn và cái nhìn lãng mạn của tác giả trước hiện thực chiến tranh khốc liệt, gian khổ. Bên cạnh đó nói đến cả “tiểu đội xe không kính” là tác giả muốn nhắc tới số lượng những chiếc xe bị tàn phá ấy có rất nhiều, rất đông. Nhan đề đã gợi tả được sự tàn khốc của chiến tranh. Nhưng bên trong vỏ ngoài tưởng chừng như đổ nát, thiếu thốn về vật chất ấy là một khí phách ngang tàn, một trái tim nhiệt huyết, lạc quan của những người lính trẻ.

Nhà thơ đã khéo chọn hình ảnh những chiếc xe không có kính làm hình tượng trung tâm của bài thơ, dùng nó như một hoán dụ để chỉ những người lính làm nhiệm vụ giao thông vận tải trong chiến tranh. Những chiếc xe không kính băng mọi gian khổ mưa bom bão đạn, đèo cao dốc thẳm, đêm tối hay mưa gió mịt mùng… để tiến ra tiền phương. Chỉ với hai câu thơ cũng đủ khiến cho người đọc hình dung được bức tranh tàn khốc đầy khắc liệt của cuộc chiến tranh:

Không có kính không phải vì xe không có kính

Bom giật, bom rung kính vỡ đi rồi

Câu thơ đầu như một sự thật hiển nhiên, cũng như lời nói vui đùa của nhà thơ. Nhưng đến câu thơ thứ hai là hình ảnh rất cụ thể và chân thực. Với cấu trúc hỏi đáp, ba từ không đi liền nhau kết hợp hai nốt nhấn “bom giật bom rung” cho thấy chất lính ngang tàng đầy hóm hỉnh của những người chiến sĩ. Qua cách giới thiệu, cách giải thích độc đáo của người lính, người đọc biết được về lí do "xe không kính": "Bom giật bom rung kính vỡ đi rồi". Một lí do rất đơn giản nhưng đằng sau câu thơ chúng ta vẫn ngầm hiểu rằng tác giả muốn nói một điều khác, đó là không khí ác liệt của chiến trường, của chiến tranh. Đó là cái ác liệt của "bom giật, bom rung" của súng đạn quân thù. Câu thơ là một lời nói giản dị nhưng ẩn chứa biết bao xót xa trước hiện thực khốc liệt của cuộc chiến tranh chống đế quốc tàn ác. Chất thơ của câu thơ này hiện ra chính trong vẻ tự nhiên đến mức khó ngờ của ngôn từ. Câu thơ rất gần với văn xuôi, giọng điệu tinh nghịch, vui đùa pha chút ngang tàng biểu lộ thái độ bình thản, chấp nhận gian khó của người lính, càng gây ra sự chú ý về vẻ đẹp khác lạ của nó. Không tô vẽ, không cường điệu mà tả thực, nhưng chính cái thực đã làm người suy nghĩ, hình dung mức độ ác liệt của chiến tranh, bom đạn giặc Mỹ. Hình ảnh "chiếc xe không kính" – hậu quả của cuộc chiến tranh ác liệt ấy đã trở thành một hình tượng độc đáo trong thời kì chống Mỹ.

Xe làm nhiệm vụ trên tuyến trường Trường Sơn gập gềnh, khói lửa trong tình trạng không kính, chắc hẳn các chiến sĩ lái xe sẽ vô cùng vất vả. Nhưng không:

Ung dung buồng lái ta ngồi

Nhìn đất, nhìn trời, nhìn thẳng

Tính từ "ung dung" và điệp từ “nhìn” thể hiện niềm sảng khoái bất tận, tư thế hiên ngang sẵn sàng vượt qua mọi khó khăn, thử thách của người chiến sĩ lái xe. Đó là những con người trẻ trung, tư thế ung dung, coi thường gian khổ, hy sinh. Vị trí từ "ung dung" trong câu thơ đượng đặt lên trước cả cụm chủ vị, trước cả trạng ngữ chỉ nơi chốn (buồng lái) để làm rõ tư thế đứng trên đầu thù của các chiến sĩ lái xe.Nếu như ở hai câu thơ trên, còn đang là "bom giật", "bom rung" dữ dội, ác liệt, hiểm nguy; thì xuống những câu thơ này là tư thế "ung dung" của người lính. Nhà thơ đã sử dụng thủ pháp đối lập ở đây, để làm nổi bật tư thế hiên ngang, quả cảm của các chiến sĩ. Họ không hề run sợ, sợ hãi trước bom đạn của quân thù, ngược lại, trong cái xe không có kính vì bom đạn ấy, các anh vẫn ung dung, tự tại. Trong buồng lái không kính chắn gió, họ có cảm giác mạnh mẽ khi phải đối mặt trực tiếp với thiên nhiên bên ngoài. Hành động nhìn đất, nhìn trời mà còn là nhìn thẳng ấy như là hành động đối mặt trực tiếp với gian khó của cuộc chiến, không hề nao núng. Động từ nhìn được điệp lại nhiều lần cũng với nhịp thơ nhanh hơn như muốn nhấn mạng về sự tự tại của những người chiến sĩ, tin tưởng và quyết tâm vượt qua gian khổ, hoàn thành nhiệm vụ. Người lính lái xe nhìn thẳng về phía trước,nhìn vào con đường đi,nhìn vào nhiệm vụ,nhìn vào mục đích của cuộc chiến đấu.bom cứ giật,cứ rung,con đường đi tới,ta cứ đi! Các anh đã rất bản lĩnh, hiên ngang. Hình ảnh các anh trở nên đẹp đẽ, phi thường như một bức tượng đài về người chiến sĩ cách mạng.

Cách chọn chi tiết xe không kính để lập tứ của tác giả rất độc đáo vì nó nói lên sự ác liệt, dữ dội của chiến tranh. Nói về tinh thần vượt lên trên hiện thực khốc liệt của chiến tranh cũng như thể hiện được sự bất bình thường trong cuộc chiến đấu nhằm bộc lộ vẻ đẹp trong tâm hồn của những người chiến sĩ lái xe. Bom đạn chiến tranh không thể làm nao núng tinh thần quyết tâm của họ.

Sự quyết tâm cũng như vẻ đẹp trong lí tưởng, tâm hồn của những người lính được thể hiện rõ nét nhất qua bốn câu thơ cuối của bài thơ:

Không có kính rồi xe không có đèn

Không có mùi rồi thùng xe có xước

Xe vẫn chạy vì miền Nam phía trước

Chỉ cần trong xe có một trái tim.

Chiếc xe đã được nhà thơ miêu tả rất chân thực qua cách nói hóm hỉnh và dí dỏm, cùng biện pháp liệt kê độc đáo. Những chiếc xe không chỉ không có kính, mà còn là sự thiếu thốn như không có đèn, mùi xe, rồi thùng xe có xước. Những công dụng cơ bản của chiếc xe đều bị bom đạn tàn phá cho mất hết tất cả làm chúng ta liên tưởng đến việc chiếc xe không thể hoạt động vì đã quá tàn tạ. Những khó khăn ấy càng làm tăng thêm sự ngang tàng của những chiếc xe – những con tuấn mã kiên cường quả cảm như chính chủ nhân của nó vậy. Cách dùng điệp từ của nhà thơ rất độc đáo. Ba từ “không” xuất hiện cùng với việc chiếc xe đã bị xước do chiến đấu hay khi trèo đèo lội xuống càng thể hiện sự ngang tàng của những chiếc xe trên tuyến đường Trường Sơn. Hai dòng thơ ngắt làm bốn khúc như những chặng gập ghềnh, khúc khuỷu đầy chông gai, bom đạn…. Ấy vậy mà những chiếc xe như những chiến sĩ kiên cường vượt lên trên bom đạn, hăm hở lao ra tiền tuyến với một tình cảm thiêng liêng:

Xe vẫn chạy vì miền Nam phía trước

Chỉ cần trong xe có một trái tim.

 Chiếc xe mang trong mình nhiều vết thương ấy vẫn chạy về phía trước, vẫn tiếp tục cuộc hành trình của mình “xe vẫn chạy vì miền Nam phía trước”. Hai câu thơ đã khắc đậm hình ảnh đẹp đẽ của người chiến sĩ lái xe trên đường Trường Sơn. Âm điệu đối chọi mà trôi chảy, êm ru. Hình ảnh đậm nét. Những chiếc xe vận tải vượt lên bom đạn, hăm hở tiến ra phía trước, hướng ra tiền tuyến lớn với một tình cảm thiêng liêng “vì Miền Nam”, vì cuộc chiến đấu giành độc lập thống nhất đất nước đang vẫy gọi. Có thể nói đỉnh điểm của những gian nan “không kính”, “không đèn”, “không mui xe”, “thùng xe có xước”. cũng không thể quật ngã được tinh thần của các chiến sĩ. Chiếc xe không còn là chiếc xe nữa. Cái KHÔNG được nhấn mạnh để làm nổi bật một cái CÓ vô cùng đáng quý. Dùng hình ảnh tương phản đối lập, câu thơ không chỉ nêu bật được sự ngoan cường, dũng cảm, vượt lên trên gian khổ, ác liệt mà còn nêu bật được ý chí chiến đấu giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước. Hơn thế hình ảnh hoán dụ “trong xe có một trái tim” là hình ảnh đẹp nhất của bài thơ. Hình ảnh trái tim là một hình ảnh hoán dụ tuyệt đẹp gợi ra biết bao ý nghĩa. Trái tim là hình ảnh hội tụ vẻ đẹp tâm hồn và phẩm chất của người chiến sĩ lái xe. Trái tim nồng cháy một lẽ sống cao đẹp và thiêng liêng: tất cả vì Miền Nam thân yêu, trái tim chứa đựng bản lĩnh hiên ngang, lòng dũng cảm tuyệt vời. Trái tim mang tinh thần lạc quan và một niềm tin mãnh liệt vào ngày thống nhất Bắc Nam. Hình ảnh này kết hợp cùng kết cấu câu “vẫn – chỉ cần” đã lý giải về sức mạnh vượt khó, khẳng định hơn tinh thần hiên ngang bất khuất, sự lạc quan tự tin trong cuộc chiến của người lính lái xe. Chiếc xe biến dạng bỗng trở nên có linh hồn, có trái tim. Xe vẫn chạy bởi trong xe có trái tim người lính với tình yêu nước cháy bỏng. Chính tình yêu nước ấy đã tạo nên sức mạnh để chiếc xe méo mó, không kính, không đèn ấy vẫn băng băng tiến về phía trước.

Tình yêu Tổ Quốc, tình yêu thương đồng bào, đồng chí ở miền Nam đau khổ đã khích lệ, động viên người chiến sĩ vận tải vượt khó khăn gian khổ, luôn lạc quan, bình tĩnh nắm chắc tay lái, nhìn thật đúng hướng để đưa đoàn xe khẩn trương tới đích. Vẫn là cách nói thản nhiên ngang tàng của lính nhưng câu thơ lại lắng sâu một tinh thần trách nhiệm và có ý nghĩa như một lời thề thiêng liêng. Quyết tâm chiến đấu và chí khí anh hùng của người lính không có đạn bom nào của kẻ thù có thể làm lay chuyển được.Chính điều đó đã tạo nên cho họ sức mạnh để chiến đấu và chiến thắng để chúng ta mãi mãi yêu quý và cảm phục.

Phạm Tiến Duật đã thành công trong việc sử dụng nghệ thuật đặc sắc khắc họa hình ảnh những chiếc xe không kính và hình ảnh những người chiến sĩ. Bài thơ được viết theo thể tự do, các câu dài ngắn khác nhau, được gieo vần ở tiếng thơ cuối cùng của dòng thơ cho thấy tinh thần phóng khoáng, yêu thích sự tự do của những người chiến sĩ. Giọng điệu trong bài thơ lạc quan, vui vẻ. Giọng điệu vui tươi xuyên xuốt cả bài thơ làm cho người đọc cảm nhận được hiện thực tàn khốc ngoài kia như dịu đi trong con mắt của người chiến sĩ. Đặc biệt trong bài thơ, tác giả đã sử dụng rất nhiều các biện pháp tu từ như nhân hóa, so sánh, điệp từ, ẩn dụ. Các biện pháp nghệ thuật này làm cho bài thơ thêm sinh động, dễ đi vào lòng người. Cuộc sống nơi thao trường tưởng chừng như chỉ có gian nan, thử thách nhưng với cách thể hiện của Phạm Tiến Duật, nó trở nên vui tươi, lạc quan và có phần tinh nghịch, ngang tàng.

Bài thơ về tiểu đội xe không kính” thật sự là bài thơ tiêu biểu của văn học Việt Nam thời chống Mĩ. Bài thơ gợi lại bao kỷ niệm hào hùng của người chiến sĩ lái xe nơi Trường Sơn khói lửa. Đọc xong bài thơ, ta càng hiểu hơn về các chiến sĩ lái xe, về lòng dũng cảm, tư thế hiên ngang bất khuất của họ. Ta cũng thấy được chất tinh nghịch hồn nhiên của mỗi người lính trẻ. Dù lớp bụi thời gian có phủ đầy những trang sách và những đổi mới của cuộc sống làm biến chuyển đi tất cả, nhưng hình ảnh những anh lính cụ Hồ, các anh chiến sĩ Trường Sơn vẫn sống mãi trong lòng mọi người với một niềm cảm xúc trào dâng mạnh mẽ.